Sinh viên Huế
Đại học Khoa học Huế: Kết thúc lớp tập huấn về chí số đánh giá môi trường nước tổng hợp
10:15 | 06/10/2014

Sáng ngày 5/10/2014, lớp tập huấn về chỉ số đánh giá tổng hợp môi trường nước WSI của Nhật Bản cho sinh viên của khoa Môi trường đã kết thúc. Lớp tập huấn đã diễn ra từ ngày từ 3 đến 5/10/2014, trong khuôn khổ hợp tác giữa Khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học với Khoa Kỹ thuật Đô thị, Đại học Tokyo

Đại học Khoa học Huế: Kết thúc lớp tập huấn về chí số đánh giá môi trường nước tổng hợp
GS. Furumai đang giảng bài

Có gần 40 sinh viên Khoa Môi trường đã tham gia học phần lý thuyết và 15 sinh viên được chọn tham gia tiếp phần thực hành.

Khóa tập huấn do GS.TS. Hiroaki Furumai từ Đại học Tokyo và PGS.TS. Susumu Konuma từ Đại học Nihon (Nhật Bản) giảng dạy. Ngày 3/10, sinh viên được nghe giảng về chỉ số, phương pháp đánh giá và các kỹ năng trên thực địa. Ngày 4/10, dưới sự hướng dẫn của các giáo sư Nhật Bản, các sinh viên được chia thành 3 nhóm đã tiến hành thu thập thông tin, số liệu để đánh giá tại 5 vị trí thực địa trên sông Hương, sông Bạch Yến, sông Ngự Hà…. ở thành phố Huế. Sau đó, các nhóm sinh viên tiến hành thảo luận, tính toán, đánh giá và xây dựng báo cáo kết quả của nhóm mình.

Được biết, Chỉ số WSI (Waterfront Soundness Indicator hay Mizu-Shirube theo tiếng Nhật), do Bộ Môi trường Nhật Bản phát triển và đưa vào sử dụng từ năm 2009 để đánh giá tổng hợp môi trường nước sông, hồ. Chỉ số WSI bao gồm 5 nhóm chỉ thị thành phần: tình trạng tự nhiên, tính phong phú của động thực vật, độ trong và sạch của nước, giá trị sử dụng của nước đối với con người, yếu tố văn hóa địa phương liên quan đến nước. Mục đích ban đầu của chỉ số là sử dụng như một phương tiện giáo dục môi trường cho học sinh. Thông qua hoạt động dã ngoại, quan sát, phỏng vấn, đo đạc đơn giản,… học sinh sẽ tìm hiểu về 5 nhóm chỉ thị và tự mình đánh giá từng khía cạnh và đánh giá tổng hợp về môi trường nước qua một thang điểm. Gần đây, các nhà khoa học Nhật Bản đã nghiên cứu điều chỉnh các chỉ thị, phép đo,…để có thể sử dụng WSI ở mức độ cao hơn. PGS.TS. Konuma là một trong những nhà nghiên cứu theo hướng này. 

PV

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng