LGT: Ngày 19/5 vừa qua, nghệ sĩ Ngọc Bình đã vinh dự được Nhà nước trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân (NSND). Cùng với Nghệ sĩ Bạch Hạc, anh là một trong hai NSND đầu tiên của nghệ thuật biểu diễn tại Huế. Trong sự nghiệp hơn 40 năm qua, nghệ sĩ Ngọc Bình đã đóng trên 70 vai diễn cả kịch và điện ảnh, đồng thời là đạo diễn dàn dựng trên 100 vở bao gồm kịch và ca múa nhạc và giành được nhiều giải thưởng cao quý về nghệ thuật…
@ Thưa NSND Ngọc Bình. Anh đã bắt đầu sự nghiệp của mình như thế nào? Và những ấn tượng đầu tiên về vai diễn đầu tiên của anh là gì?
- NSND Ngọc Bình: Trước tiên là cái cảm giác được sống trong lòng nghệ thuật âm nhạc dân tộc thời còn thơ ấu. Tôi không thể nào quên thời điểm năm 1964, Mỹ bắt đầu ném bom miền Bắc thì gia đình tôi sơ tán về Hưng Yên. Thường thì ban ngày đi học, tối lại, tôi được nghe các ông các bà trai chiếu ca tri âm tri kỉ. Lúc đó 6 tuổi mà nghe những lời ca ấy, tự dưng tôi thấy yêu mến nghệ thuật dân tộc đến lạ. Ngọn lửa nghệ thuật sẵn có trong dòng máu đã hun đúc tôi. Đến năm năm 1972, khi mới 14 tuổi, tôi được tuyển vào vào Đoàn ca kịch Trị Thiên Trung ương và được đào tạo 6 tháng trước khi vào biểu diễn phục vụ chiến trường. Vai diễn đầu tiên của tôi là Châu Tuấn trong vở Thoại Khanh – Châu Tuấn là kỉ niệm đẹp không thể nào quên. Lần làm diễn viên ấy, tôi thích lắm. Buổi đầu tiên tập khoác tay, tập đi hia là những kỉ niệm đáng nhớ. Khi mặc phục trang lên mình để tập diễn tuồng cổ, xong buổi tập đáng lý là phải trả lại, tôi cứ để y nguyên đi ra đường uống nước trà, ăn cháo tôm rồi nhảy xe buýt lên tận Bờ Hồ… chơi luôn. Lúc ấy, cái cảnh tự nhiên giữa đường và trên xe buýt xuất hiện một ông quan áo mũ “rất oách”, trong khi mọi người mặc áo quần bình thường khiến ai nấy xôn xao ngước nhìn. Lúc đó cái cảm giác duy nhất của cái tuổi hồn nhiên ấy chỉ là thấy mình oai và tự hào.
@ Hơn 100 vở bao gồm kịch và ca múa nhạc là kết quả dàn dựng trong vai trò là đạo diễn của anh trong sự nghiệp 40 năm qua. Động lực nào khiến anh trở thành một đạo diễn tâm huyết với nghề như thế?
- NSND Ngọc Bình: Những năm 80, chúng tôi đi lưu diễn và thường xuyên phải xa nhà ít nhất là 4 tháng mỗi lần, có khi đi sáu tháng liên tục. Ở thì ở nhà dân, ăn thì ăn cơm tập thể. Lúc đó, tình hình nội bộ có nhiều hạn chế và bất cập. Năm 1984, Tôi nhận thấy anh em văn nghệ sĩ ban ngày rảnh rỗi, ban đêm mới biểu diễn, thời gian uổng phí quá nên tôi nảy ra ý tưởng dựng một vở kịch. Tôi đề xuất tác phẩm Ngọn lửa tình yêu của nhà biên kịch Minh Hằng. Khi được hỏi ai dựng? Tôi trả lời: Ba tôi là đạo diễn, tôi từng lấy sách vở ba tôi đọc nên cũng biết sơ sơ, nếu mọi người tin tưởng tôi thì tôi sẽ dàn dựng. Lúc đó, dựng một vở chẳng có công cán gì nhưng tôi mê lắm. Nhưng vở kịch đó khiến tôi rất thích. Đó là câu chuyện tình yêu cảm động giữa một công chúa và một chàng trai nghệ sĩ thôn quê bị vua cha cấm đoán. Trong giây phút cuối cùng, nàng công chúa xin cha cho mình tự tay châm lửa để thiêu người yêu. Nhưng không ngờ nàng đã nhảy vào giàn hỏa thiêu ôm chầm lấy người tình rồi châm lửa… Do thời gian lưu diễn dài ngày, lại bị gián đoạn nên tới 6 tháng sau khi về Huế mới dựng xong toàn bộ và cuối cùng cũng… được duyệt. Không có tiền để mua sắm phục trang, toàn dùng lại đồ cũ, ngay đến cả phối cảnh cũng vậy. Vở đầu tiên này của tôi đã được dựng đoàn Nghệ thuật truyền thống cũ, cải lương Sông Hương, đoàn kịch nói Bình Trị Thiên cũ… Sau này, tôi đi học đạo diễn tại trường sân khấu điện ảnh Hà Nội. Thời điểm trước khi đi học tôi đã dựng 34 vở.
@ Với vai trò đạo diễn, anh tâm đắt vở diễn nào nhất?
- NSND Ngọc Bình: Đó là vở Điều không thể mất (1999) của Lưu Quang Vũ giành HCV 2001 Liên hoan khu vực duyên hải phía Bắc. Đây là vở nói về sự thủy chung của những người lính chiến trường trong chiến tranh cũng như trong hòa bình.
Nhưng vở thành công nhất có lẽ là Hồi ức màu đỏ (2010). Tác phẩm này thành công trên nhiều phương diện. Đó là hiệu ứng về mặt chủ đề phản ánh và sự thu hút khán giả cũng như những kết quả mà vở này gặt hái được với 31 giải thưởng cá nhân, tập thể. HCV vai Hồ Chí Minh, đạo diễn, giải thưởng Ban Tuyên giáo TW cho vai diễn, ekip dàn dựng. Tôi đóng vai trò vừa là diễn viên, vừa chuyển thể và cả dàn dựng.
@ Bên cạnh đó anh còn đóng trên 70 vai diễn cả kịch và điện ảnh, theo anh vai diễn nào đã để lại ấn tượng mạnh trong anh của hơn 40 năm làm nghệ thuật?
- NSND Ngọc Bình: Trong hàng chục vai diễn của mình thì vai tôi thích nhất là Đi-mi-nốp trong Trên mảnh đất người đời (1981). Đây là một vở kịch của Nga do nhà văn Nguyễn Quang Lập chuyển thể. Tôi thích vai diễn này vì đó là một nhân vật có nhiều tâm trạng trái chiều nhau. Thứ nữa, là mình được biểu diễn nhân vật đó qua nhiều thời kì, lúc một chàng thanh niên trẻ, lúc là một trung niên với sóng gió cuộc đời, rồi một ông lão. Tâm trạng đan xen nhau, diễn biến liên tục tâm trạng mâu thuẫn nhau, đối kháng nhau, yêu thương thù ghét thấp hèn cao thượng trong một con người. Vốn dĩ người diễn viên như tôi lại thích tính phức tạp để mình có rất nhiều trải nghiệm. Và đó cũng là vai diễn lúc tôi mới cưới vợ xong, hai vợ chồng đóng hai vai chính.
@ 40 năm sự nghiệp của người nghệ sĩ chắc chắn có những kỉ niệm không thể nào quên. Anh có thể nói về một kỉ niệm để lại dấu ấn sâu đậm trong nghiệp diễn?
- NSND Ngọc Bình: Đó là kỉ niệm gắn bó giữa nghề nghiệp và cuộc sống, một kỉ niệm đẹp, liên quan đến tình yêu của hai vợ chồng tôi. Năm 1981, khi hai vợ chồng chúng tôi tổ chức đám cưới nhưng không được sự đồng thuận của hai gia đình. Đám cưới rất đạm bạc chỉ có bánh kẹo và nước trà, một căn phòng thuê nhỏ nhỏ ở đường Chi Lăng. Chỉ vài chục bạn bè thân thiết. Trưa cưới xong thì tối lại hai vợ chồng theo đoàn đi diễn vở Âm mưu và tình yêu của đại văn hào Sin-lơ ở Mỹ Chánh. Tôi đóng vai chính là anh chàng thiếu tá Phec-đi-năng và vợ tôi đóng vai nàng Luy- dơ. Đó là một kịch bản hay, một câu chuyện tình của đôi trẻ bị nhiều ngăn trở. Bi kịch lên đến đỉnh điểm khi cả Féc-đi-năng và Luy-dơ không thể chống chọi nổi hoàn cảnh khắc nghiệt và chọn cái chết để được vĩnh viễn thuộc về nhau… Khi bắt đầu lên diễn, anh Xuân Đàm (trưởng đoàn) lên giới thiệu. Hai diễn viên chính trong vở hôm nay là đôi vợ chồng mới cưới đóng vai chính và xin thông báo đề nghị khán giả chúc mừng. Nhạc nổi lên, khán giả vỗ tay chúc mừng tưng bừng đến 5 phút. Tối đó hai vợ chồng tôi có một đêm diễn hay nhất, diễn hết mình bằng tất cả tấm lòng và tài năng của người nghệ sĩ.
@ Nghệ thuật theo quan niệm của anh là gì?
- NSND Ngọc Bình: Tôi thật sự yêu nghề, say nghề. Có nhiều khi chán nản, một là do cuộc sống, hai là áp lực công việc. Nó tạo cho người nghệ sĩ nhiều giây phút chán nản, nhiều lúc muốn bỏ mà bỏ không được. Nghệ thuật đối với tôi như là “thuốc phiện”.
@ Vậy “thuốc phiện” nghệ thuật đó đã “lôi kéo” anh như thế nào?
- NSND Ngọc Bình: Tôi yêu tiếng hát, tiếng nhạc tập diễn ở hội trường. Mỗi lần xa cơ quan đi công tác hay đi thăm bà con, ngày thứ nhất không sao, nhưng qua ngày thứ hai thì nhớ da diết, nhớ vì không nghe được tiếng đàn, tiếng hát và sự chộn rộn của anh em nghệ sĩ.
Tôi đặc biệt nghiền ánh đèn sân khấu, mặc dù bước ra nóng ghê gớm, cường độ đèn pha 1000W như lò sưởi, nhưng lại có sức hút ghê gớm, bắt gặp ánh sáng đó tôi thấy trong người rạo rực một niềm đam mê biểu diễn. Nghề này giàu thì không giàu nhưng nghiện rồi thì…
@ Ngày 19/5 vừa qua, anh đón nhận danh hiệu NSND, anh có thể cho biết những cảm nhận của mình trong giây phút vinh quang đó?
- NSND Ngọc Bình: Lúc đó tôi có nhiều tâm trạng khác nhau. Vui mừng, vinh dự và có những cảm xúc về lòng tri ân đối với những anh em nghệ sĩ đồng nghiệp, bạn bè xung quanh. Rất khó để làm việc thành công nếu như chỉ có một mình tôi. Muốn có sự thành công phải có sự đóng góp của nhiều người. Tôi chỉ đóng vai chính trong cuộc đó. Nhưng bên cạnh đó, tôi còn có một nỗi lo về trách nhiệm. Nếu trước đây mình làm thì sự chú ý nghề nghiệp chính là sự tự ý thức của cá nhân. Nhưng bây giờ với vai mới của người nghệ sĩ, thì những gì liên quan đến nghệ thuật cũng cần có biểu hiện chi đó khác trước đi. Nhưng để muốn hơn trước cũng khó cực kì khó. Cho nên vừa là niềm vinh dự, vừa là sự tri ân vừa là nỗi lo về trách nhiệm.
@ NSND là một danh hiệu cao quý mà nhà nước vinh danh cho người nghệ sĩ, đó có phải đó là đỉnh cao nhất của một sự nghiệp?
- NSND Ngọc Bình: Tôi không nghĩ danh hiệu là xong, là tất cả, là đến đích, là sự chấm dứt của một sự nghiệp. Mục tiêu phấn đấu là đó, chỉ là mục tiêu chứ chưa phải là cái đích. Người nghệ sĩ phải tạo ra được những công trình, vai diễn sống trong lòng công chúng. Tận hiến cho đến giây phút nhắm mắt xuôi tay, chứ không phải dừng lại khi có danh hiệu là xong. Mục tiêu và mục đích là một khoảng cách. Mục tiêu phấn đấu là có được danh hiệu cao quý là đúng. Mục đích thì không dừng ngang đó, tiếp tục có những sáng tạo, những công trình, vai diễn để lại dấu ấn trong lòng người xem. Chứ không phải xong NSND là xong, không mần chi cả.
@ Hiện tại anh đang ấp ủ dự án nghệ thuật nào không?
- NSND Ngọc Bình: Đến thời điểm này, tôi cho rằng cần phải ra sức khơi dựng nghệ thuật ca kịch Huế, thông qua các kinh nghiệm trước để có sự thành công và hiệu ứng xã hội như vở Hồi ức màu đỏ vừa qua là một minh chứng. Vì vậy cần phải hết sức nhạy nhu cầu của xã hội đang cần gì để nghệ sĩ lựa chọn tác phẩm biểu diễn. Bên cạnh đó, cần khởi động lại lửa nghề trong đội ngũ diễn viên; đồng thời tập huấn và bồi dưỡng ekip sáng tạo.
Hiện tại, chúng tôi đang suy nghĩ nhiều về vở Nguyễn Chí Thanh. Nhưng cũng đang gặp phải nhiều cái khó. Vì nhân vật đại tướng Nguyễn Chí Thanh cần nghiên cứu nhiều tư liệu lịch sử, để thổi vào đó cái hồn xây dựng tác phẩm sân khấu. Tác phẩm về nhân vật lịch sử quê hương và đất nước như Đại tướng cần tạo dựng được tính kịch và tính tâm lí. Đây là cái khó. Tôi đang trao đổi với nhiều tác giả như Nguyễn Quang Vinh, Đăng Chương... để có một kịch bản hoàn thiện và hợp lí nhất. Chúng tôi phấn đấu dàn dựng xong trong năm nay để kịp tham gia hội diễn Sân khấu ca kịch toàn quốc 2013.
@ Với vai trò quản lí biểu diễn nghệ thuật (Giám đốc nhà hát ca kịch Huế), anh có phương châm trong công tác này?
- NSND Ngọc Bình: Từ khi làm quản lí từ năm 1995 đến nay, tôi đã đúc rút được một vài kinh nghiệm khi làm quản lí. Đứng trước cơ chế thị trường, cạnh tranh nhau rất nhiều, đặc biệt như hoạt động nghệ thuật của Huế, nhiều chiêu biểu hiện cạnh tranh như hạ giá biểu diễn… Quan điểm của tôi là không cạnh tranh, lấy tiêu chí chất lượng nghệ thuật làm đầu. Đặc biệt là phải tôn trọng khán giả. Muốn làm được như vậy, đòi hỏi người làm nghệ thuật phải sáng tạo, nhưng đó là sáng tạo trên tinh thần tâm huyết chứ không phải là sáng tạo trong sự tranh giành. Và chắc chắn nghệ thuật bao giờ cũng là “hữu xạ tự nhiên hương”.
@ Lời nhắn nhủ của anh đối với thế hệ kế cận, nhất là các nghệ sĩ trẻ đối với sự nghiệp biểu diễn nghệ thuật?
- NSND Ngọc Bình: Tôi rất mong muốn trong thời gian tới anh em nghệ sĩ sân khấu nói chung, đặc biệt là anh em trẻ sẽ có nhiều người phấn đấu để đạt được danh hiệu cao quý của người nghệ sĩ. Để có được điều đó là sự liên quan từ nhiều phía. Đơn vị hỗ trợ cho họ có điều kiện hoạt động nghề, nhưng chính là sự phấn đấu cá nhân. Phấn đấu đến cùng thì chắc chắn có thành quả.
Tôi có lời khuyên thế này: “Anh không bao giờ được một cái gì đó mà trước đó không bị mất. Muốn đạt được cái gì thì trước đó anh phải chấp nhận mất cái gì. Nghĩa là anh phảo hi sinh. Muốn có được danh hiệu, thành quả thì anh phải hi sinh lợi ích riêng, tính toán riêng. Còn nếu chân trong chân ngoài, ham mê tiền bạc thì khó để đạt được thành quả gì đó trọn vẹn.
@ Cám ơn anh về buổi nói chuyện. Chúc anh gặt hái thêm nhiều thành quả trong hoạt động nghệ thuật.
SỬ KHUẤT
(SDB 6-12)