Quanh sàn diễn
Để lại đời chút hư danh
14:54 | 02/07/2014

Xây dựng nhà lưu niệm, thiết kế lăng mộ, đúc tượng đồng…, nhiều nghệ sĩ muốn lưu lại dấu tích của mình cho hậu thế

Để lại đời chút hư danh
NSƯT Minh Vương giới thiệu phòng trưng bày cá nhân của ông tại nhà riêng trên đường Trần Quốc Toản, quận 3, TP HCM

Xuất phát từ mục đích để lại cho đời những gì là dấu tích của nghề diễn, một số nghệ sĩ sân khấu đã và đang chuẩn bị thực hiện cho mình khu trưng bày cá nhân tại nhà riêng.

Còn chút gì để nhớ

Trong số đó, NSƯT Minh Vương là người ra mắt sớm nhất không gian trưng bày này. Trên tầng thượng của ngôi nhà anh đang ở có khu vườn trồng toàn cây mai, NSƯT Minh Vương đã thiết kế một gian phòng cho riêng ông, trên tường treo kín những bài báo được viết từ khi ông mới vào nghề cho đến lúc thành danh. Bức ảnh ông cầm trên tay 2 chiếc tượng Mai Vàng của Giải Mai Vàng trao tặng được đặt trang trọng bên cạnh hình ảnh lúc ông đoạt giải Khôi nguyên Vọng cổ năm 1964.

“Tôi thực hiện khu trưng bày tại nhà riêng để bạn bè, khán giả đến thăm có cái xem. Tôi muốn để lại cho gia đình những lời khen tặng của báo chí, của công chúng qua từng chặng đường phấn đấu cho nghề của mình” - NSƯT Minh Vương giãi bày.

Ông cho biết ở gian giữa, sẽ là nơi ông thiết kế thêm những tủ kính có giá treo, trong đó đặt những bộ trang phục của các vai diễn mà ông từng được khán giả yêu mến, từng có trên 1.000 suất diễn như: Minh (vở Tô Ánh Nguyệt), Nguyễn Trãi (vở Rạng ngọc Côn Sơn)… Vừa qua, tại Festival Đờn ca tài tử Bạc Liêu, ông đã trao tặng bộ veston đen và chiếc nón của vai Minh trong vở Tô Ánh Nguyệt khi về già để ban tổ chức trưng bày trong Nhà Triển lãm nhạc sĩ Cao Văn Lầu. “Về tham quan ở Bạc Liêu, nhớ lại vai Minh, tôi xúc động lắm. Trên thực tế, cuộc đời nghệ sĩ có vui, có buồn, có những thăng trầm dâu bể. Với tôi, để lại cho gia đình, bạn bè, khán giả những gì đẹp nhất của cuộc đời nghệ sĩ một thời cũng là niềm vui” - NSƯT Minh Vương chia sẻ.

NSND Ngọc Giàu cũng đã chuẩn bị xây dựng một phòng trưng bày cá nhân gồm hình ảnh và trang phục đủ các loại vai từ kép đến đào của mình tại quận 2, TP HCM, nơi ngôi nhà nhỏ mà bà nói rằng mình đã được sinh ra và lớn lên, có bàn thờ cha mẹ.

Bà tâm sự: “Ở đó, có cả hình ảnh tôi còn bé xíu bên chiếc phà Thủ Thiêm và hình ảnh lúc tôi về chiều, đứng trên bến phà chứng kiến ngày cuối cùng nó vĩnh viễn rời xa. Làm khu trưng bày cá nhân, nghệ sĩ nào cũng thực hiện được nhưng gắn với tuổi thơ và những khúc quanh cuộc đời thì không phải ai cũng có”. Đến nay, NSND Ngọc Giàu có hơn 100 bộ trang phục từ tuồng xã hội cho đến tuồng lịch sử. Trước đây, Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ cũng đã mượn bộ trang phục nhân vật Bảy Cán Vá (vở Đời cô Lựu) để trưng bày 3 tháng. Sắp tới, bà sẽ diễn vai Ngô Quyền, Nguyễn Huệ, Lê Lợi… và may thêm cho đủ bộ sưu tập của nghề.

NSƯT Thanh Điền, Thanh Kim Huệ có hơn 20 năm gắn bó với nghề nhiếp ảnh và trang điểm các nhân vật sân khấu nên cả 2 đã có hàng ngàn bức ảnh của nghệ sĩ đồng nghiệp. “Chúng tôi không chỉ trưng bày tại nhà ảnh của vợ chồng mình mà sẽ xin phép các đồng nghiệp chọn những bức ảnh đẹp nhất của họ để cùng trưng bày” - NSƯT Thanh Điền cho biết như thế sau khi ông đã thiết kế gian nhà mình đang ở 4 không gian: “Điền - Huệ - Liên - Xuân”. “Điền là nơi trưng bày hình ảnh các vai diễn của tôi từ nhỏ đến lớn; Huệ là không gian của bà xã tôi, đặc biệt là những hình ảnh lúc cô ấy còn bé xíu, lúc đóng vai Lan trong tác phẩm Lan và Điệp; Liên và Xuân là 2 cô em gái Hà Mỹ Liên, Hà Mỹ Xuân. Chúng tôi muốn để lại cho đời những trang sử của một gia đình theo nghề hát” - NSƯT Thanh Điền giải thích.

NSƯT Thanh Sang được huyện Long Đất, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, nơi ông sinh ra và lớn lên, tặng cho một căn nhà để làm khu lưu niệm. Tuy nhiên đến nay, kế hoạch xây nhà lưu niệm của ông vẫn được giấu kín. “Nói sớm thì lộ bí mật, hãy để tôi lo chu toàn rồi sẽ báo cho khán giả biết” - NSƯT Thanh Sang bộc bạch.

Đúc tượng lưu danh

Đúc tượng đồng đang là mốt của nhiều nghệ sĩ như một cách lưu danh. Có người đúc tượng không chỉ để trưng bày trong nhà mà còn tính đến làm nơi an nghỉ cuối cùng của đời mình. Nhà văn Nguyễn Quang Sáng đã làm theo cách đó. Anh Quốc Việt - nguyên Bí thư Tỉnh đoàn Tiền Giang, người thân thiết với nhà văn - cho biết: “Khi anh Năm (cách gọi thân mật của nhiều người dành cho nhà văn) còn sống, tôi đã chở anh đi xem tượng của mình. Một họa sĩ đã tạc 2 bức tượng chân dung anh Năm bằng đồng. Một bức tượng được làm rỗng ruột theo yêu cầu của anh Năm để khi chết gia đình anh bỏ tro cốt vào trong đặt thờ. Bức còn lại, họa sĩ giữ làm tác phẩm của mình”.

NSƯT Thanh Sang đã chuẩn bị chọn nhà điêu khắc để tạc tượng trên khối đá mà ông được người bạn ở Bình Định tặng. NSƯT - ca sĩ Hồng Vân được một nhà điêu khắc tại Pháp chạm bức tượng bà lúc đang hát. Tất cả đều cảm thấy hài lòng với những kỷ vật mình để lại cho gia đình. “Điều đó tuyệt đẹp với cuộc đời nghệ sĩ, nó không phải là phô trương mà mang cái hồn của sự hâm mộ” - NSƯT - ca sĩ Hồng Vân tâm sự.

NSND Kim Cương cho rằng: “Hổ chết để da, người ta chết để tiếng. Nghệ sĩ chúng tôi cả đời cống hiến cho nghệ thuật, được khán giả thương mến thì danh tiếng để đời quan trọng hơn bất cứ thứ gì. Danh tiếng để đời chính là sự cống hiến miệt mài, sự gìn giữ trong khuôn phép giới hạn của danh xưng “người của công chúng”. Bia đá còn có thể bị thời gian bào mòn, chứ bia miệng thì còn mãi”.

Nguồn: Thanh Hiệp - NLĐ
 
 
 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng