Đã 10 năm NSND Bảy Nam qua đời (2004), để lại nỗi tiếc thương khó phai trong lòng NSND Kim Cương - con gái bà - và người hâm mộ. Để tưởng nhớ cây đại thụ của cải lương và kịch nói miền Nam, chúng tôi xin phác họa những ngày tháng quang vinh trong dòng họ nghệ thuật của bà.
“Nữ tướng” lãnh đạo đoàn hát
Khán giả từng ngạc nhiên và ngưỡng mộ bà bầu Thơ của đoàn Thanh Minh - Thanh Nga như một “nữ tướng” lãnh đạo đoàn hát thăng hoa, vượt qua biết bao sóng gió. Thì lạ sao, trong dòng họ của NSND Kim Cương hầu như cũng xuất hiện toàn “nữ tướng” như thế, chỉ trừ ông Nguyễn Ngọc Cương, còn lại từ bà cố, bà nội, dì, mẹ và bản thân Kim Cương đều có duyên làm bầu.
Bắt đầu từ bà cố với gánh hát bội lừng lẫy ở vùng Chợ Lớn Sài Gòn. Gánh tên là Phước Thắng, nhưng bà cố tên gì thì nghệ sĩ Kim Cương rất tiếc là không biết được, vì thời gian đã quá xa. Theo lời kể của gia đình mà Kim Cương được nghe từ lúc nhỏ thì bà cố không biết hát nhưng lại mê nghề hát, nên lập gánh để được thỏa chí. Gánh hát bội thời ấy hoạt động sôi nổi vì cải lương chưa ra đời, nên bà cố rất oai phong. Người ta gọi bà là “bà lớn” vì cung cách của bà nghiêm nghị, đi đứng, ăn nói đều ra cái “uy” của người lãnh đạo, như thế mới điều khiển nổi mấy chục con người mà lại toàn là “nghệ sĩ”, có những nét không thể giống như người bình thường. Kim Cương nói: “Hồi đó hát bội thường được chọn để vào đình cúng Ông. Nghi lễ long trọng lắm. Tới giờ cúng, các vị hương chức khăn đóng áo dài chỉnh tề đứng hai bên, nổi 3 hồi trống kèn rồi bà cố xuất hiện, với chiếc áo dài đỏ tay rộng, uy nghi. Bà đốt nhang xong thì từng cặp đào kép dâng từng món lên cúng Ông. Rồi ba ngày ba đêm hát thả dàn không bán vé”. Hình ảnh bà cố chỉ còn lại bấy nhiêu thôi, nhưng cái khí chất ấy còn chảy trong dòng máu con cháu để sau này tiếp tục là những “nữ tướng” cầm đầu những đoàn hát lớn.
Gánh Phước Thắng được truyền lại cho bà nội của Kim Cương, là cô đào Ba Ngoạn. Bà vừa đẹp vừa hát hay vừa có tài lãnh đạo, đổi tên gánh thành Phước Xương, hoạt động mạnh hơn, cất luôn một rạp hát ở Chợ Lớn gọi là rạp Palikao, là rạp hát đầu tiên của Sài Gòn có lầu. Lúc đó người Pháp đã sang Việt Nam, bà Ba Ngoạn hấp thụ văn minh phương Tây, lịch lãm, tân thời, thậm chí bà dám thi lấy bằng lái xe hơi, là người thứ 100, cũng là người phụ nữ duy nhất trong 100 người được Pháp cấp bằng lái xe. Bà còn đào tạo diễn viên trẻ, trong đó có cô đào Năm Nhỏ nức tiếng, sau này thành dâu của bà.
|
Mối tình với vua
Và một chuyện ly kỳ mà NSND Kim Cương giấu kín cho đến tận bây giờ, vì không muốn mọi người nghĩ mình “thấy sang bắt quàng làm họ”. Đó là chuyện bà Ba Ngoạn lọt vào mắt xanh của vua Thành Thái khi ông đi du ngoạn phương nam. Mối tình ngắn ngủi đó đã sinh ra người con trai Nguyễn Ngọc Cương (ba của Kim Cương).
Vua Thành Thái vốn tâm hồn nghệ sĩ, lãng mạn, nên gặp cô đào Ba Ngoạn tài sắc như thế làm sao ông khỏi rung động. Và bà Ba Ngoạn ắt không chỉ phải lòng vua vì ông “là vua”, mà còn vì những đồng cảm nghệ thuật, những tiếng cầm tiếng sắt hòa quyện bên chén trà, bên hoa cỏ tri âm... Trong lịch sử vẫn còn ghi, vua Thành Thái rất giỏi hát tuồng (hát bội), thường ngồi đánh trống tuồng thành thạo, thậm chí có khi lên đóng một vai ở Duyệt Thị Đường cho mọi người trong cung thưởng thức. Xem ra như thế cũng không ngạc nhiên khi ông bị tiếng sét ái tình với cô đào hát tuồng lừng danh đất phương nam. Thành Thái còn là người cấp tiến, học tiếng Pháp, học lái xe, nghiên cứu vũ khí Pháp, gặp bà Ba Ngoạn cũng cấp tiến, cũng biết lái xe, lãnh đạo oai phong, quả là đồng điệu. Khi ấy, mối tình của vua với bà Ba Ngoạn được giấu kín, cho đến lúc vua bị đi đày sang đảo Rénion thì càng được giấu hơn nữa. Nhưng sau giải phóng, hậu duệ của vua ở Huế có đi tìm nghệ sĩ Kim Cương để nhận dòng họ, và Kim Cương cũng ra Huế bái lạy lăng tẩm hoàng triều. Nhưng Kim Cương không chịu công khai nhìn nhận, bà sợ người ta nói bà bắt quàng người sang. Cuối cùng, tên bà cũng được ghi vào gia phả, âm thầm suốt mấy chục năm nay. Trên bàn thờ gia tộc tại nhà Kim Cương vẫn có tấm ảnh của vua Thành Thái mặc khăn đóng áo dài, dù không ghi chú chữ gì nhưng Kim Cương nói: “Đó là ông nội tôi”. Và bà trầm ngâm: “Chắc lá rụng về cội. Trong thời gian má tôi dẫn đoàn hát đi diễn từ bắc tới nam thì má tôi lại đẻ tôi đúng ngay cửa Thượng Tứ, Huế. Sau này, khi dòng họ của vua vô tìm tôi thì nhận ra ngay dấu hiệu di truyền của vua là mắt lớn mắt nhỏ, từ cha tôi tới anh em tôi đều có đôi mắt như vậy. Thời gian đã phủ lớp rêu phong lên một chuyện tình, hãy để nó ngủ yên với sự lãng mạn như tấm màn nhung sân khấu khép lại sau một đêm dài”. (Còn tiếp)
Nguồn: Hoàng Kim - TNO