Quanh sàn diễn
Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 6: Kim Cương - đã “cái nư” cùng sân khấu
08:53 | 16/07/2014

Sau NSND Bảy Nam, dòng họ nghệ thuật này còn một nữ nghệ sĩ danh tiếng lẫy lừng nữa, chính là NSND Kim Cương. Lẫy lừng bởi Kim Cương đi tiên phong trong việc thành lập bộ môn kịch nói ở miền Nam, làm rạng rỡ cho sân khấu với hàng loạt vở diễn để đời.

Gia đình nghệ thuật kỳ nữ Kim Cương - Kỳ 6: Kim Cương - đã “cái nư” cùng sân khấu
Nghệ sĩ Kim Cương và Phùng Há trong vở cải lương Mộng hoa vương - Ảnh: T.L

Tuổi thơ cam chịu

Kim Cương sinh ra ở cửa Thượng Tứ (Huế) trên đường lưu diễn của bà Bảy Nam và gánh hát. Có lẽ cái nghiệp ca hát đã vận vào Kim Cương như thế, để sau này dù bà Bảy Nam có cố tránh cho con gái mình thế nào đi nữa thì rốt cuộc Kim Cương cũng đi theo ánh đèn sân khấu. Khi mới 10 ngày tuổi, Kim Cương đã lên “diễn” trong vở Quan Âm Thị Kính mà đạo cụ là... một bình sữa. Rồi 6 tuổi, Kim Cương chính thức “có vai” Na Tra trong vở Na Tra lóc thịt. Và bao nhiêu vai nữa, khiến Kim Cương nổi tiếng là một “đào con” sáng dạ.

Nhưng ký ức của Kim Cương là những buổi trưa nghịch ngợm không chịu ngủ, đến tối lại ríu mắt, chui vô mấy cái màn mà vùi đầu thẳng cẳng, báo hại cả đoàn thường nháo nhào đi tìm, và ông bố Nguyễn Ngọc Cương phải bồng Kim Cương lại bàn tổ cho đốt nhang, xá tổ trước khi bước ra sân khấu. Bây giờ Kim Cương cứ tức cười: “Hồi đó tôi như con trai vậy, nghịch dữ lắm chứ không có dịu dịu dàng dàng gì đâu. Tôi leo trèo, vọc phá khắp nơi, lâu lâu má tôi lại “mắng” là mụ bà nắn lộn mày sao á!”. Thực ra, chính cái chất đó đã làm nên một “nữ tướng” sau này, đủ sức khai phá và chèo chống một sân khấu mới lạ.

Nhưng chẳng bao lâu thì cái chất nghịch ngợm, mạnh mẽ ấy đã bị kềm hãm dưới mái trường nội trú, mà Kim Cương cảm giác như mình bị “ở tù” suốt thời thơ ấu. Sự thật là bà Bảy Nam thấy cần phải cho Kim Cương đi học đàng hoàng chứ không thể lang thang theo gánh hát rày đây mai đó mãi. Bà muốn Kim Cương trở thành một công chức, hoặc giáo viên có việc làm và nơi ở ổn định, chứ cương quyết không cho Kim Cương thành đào hát. Bà nói đời hát xướng khổ lắm, bà lỡ yêu rồi phải chịu, nhưng tới đời Kim Cương thì thôi đi. Cho nên, trường nội trú của các ma sơ là một giải pháp an toàn nhất cho cô bé Kim Cương. Chỉ khi nào bà Bảy Nam dẫn gánh hát về thành phố thì Kim Cương mới được ra khỏi trường về nhà chơi với má mấy ngày. Còn lại là những chiều cuối tuần ngồi trong không gian vắng lặng nhìn lũ bạn có người đón về, mình thui thủi trông ra cửa dù biết rằng má sẽ không đến. Kim Cương bảo: “Có lúc tôi rất giận má sao lại bỏ tôi như vậy. Nhưng khi có con rồi thì tôi mới hiểu lòng người mẹ. Má chỉ muốn tôi có tương lai sáng sủa chứ má cũng đau lòng lắm. Nhưng tuổi thơ như vậy cũng làm tôi luôn luôn muốn nổi loạn. Và sau này tôi đã “nổi loạn” thật, để làm cho đã cái nư của mình với sân khấu. May mà tôi thành công”.

 


Nghệ sĩ Kim Cương trong vở cải lương Mộng hoa vương - 1956  - Ảnh: T.L 

Và tuổi trẻ xông pha

Vài năm sau, Kim Cương được về nhà ở hẳn với dì ruột là bà Năm Phỉ. Và chính “người mẹ” này mới thật sự có ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời Kim Cương. Bà Năm Phỉ không con cái, nên cưng Kim Cương vô cùng, bà lại không biết chữ, nên Kim Cương thường đọc kịch bản cho bà nghe để bà thuộc tuồng, thế là Kim Cương thuộc luôn. Rồi đi theo xem bà diễn, Kim Cương cũng thuộc từng điệu cười, ánh mắt, giọng hò, giọng ngâm... Và Kim Cương đã lên sân khấu, rạng rỡ trong nhiều vở cải lương như Điêu Thuyền, Giai nhân và ác quỷ… được báo chí gọi là “kỳ nữ”. Hóa ra “má Năm” mới là người “đào tạo” Kim Cương, đến mức nghệ sĩ tự thú: “Tôi diễn giống má Năm chứ đâu có giống má Bảy Nam. Nhưng tôi lại không giống má Năm cái tánh phiêu bồng lãng tử, mà tôi lại chịu ảnh hưởng kỷ luật của trường dòng, của các ma sơ. Thực sự trong người tôi luôn đấu nhau dữ dội giữa sự phiêu bồng nghệ sĩ như má Năm, giữa ý muốn nổi loạn chống lại sự khắt khe của nhà trường, còn một bên là ý thức chuẩn mực, nền nếp con nhà. Tôi khó chịu lắm. May là tôi tìm được một con đường đi, thế là trút hết sự nổi loạn vào đó”.

Con đường ấy mở ra vào năm Kim Cương 20 tuổi, bà quyết định thành lập đoàn kịch nói cho riêng mình. Lúc ấy cải lương đang hồi rực rỡ, còn kịch dài thì chưa có, chỉ manh nha vài nhóm kịch ngắn của Trần Văn Trạch, La Thoại Tân. Cho nên cô đào trẻ Kim Cương “phất cờ” như thế quả là một bùng nổ quá lớn đến nỗi chính bà Bảy Nam còn ngỡ ngàng... Một cuộc “cách mạng” của sân khấu xứng đáng ghi vào lịch sử nghệ thuật!

Nguồn: Hoàng Kim - TNO

 

 

 


 

Các bài mới
Các bài đã đăng