Nếu không bởi Hoàng Dũng là một diễn viên đã quen mặt với khán giả suốt gần ba thập kỷ qua thì khi vô tình bắt gặp ngoài đường, hẳn ít người nghĩ anh là một nghệ sỹ.
Không khoác lên mình những bộ trang phục cầu kỳ để thu hút ánh nhìn hay tạo cho mình một phong cách kỳ quái, khó lẫn giữa đám đông, Hoàng Dũng lặng lẽ hòa mình vào dòng đời tấp nập, ngược xuôi.
Để rồi, nhìn dáng vẻ điềm đạm, nghe những tâm sự của anh về nỗi lo thường trực (tiền điện, tiền nước hằng tháng của Nhà hát Kịch Hà Nội) hay những câu chuyện rèn vai cho sinh viên… người ta dễ nghĩ anh là một công chức mẫn cán, một thầy giáo nghiêm khắc hơn là một nghệ sỹ nhân dân tài danh.
“Cũng đơn giản thôi, bây giờ, nỗi trăn trở lớn nhất của tôi là giữ và truyền được lửa nghề cho nghệ sỹ trẻ,” người nghệ sỹ ấy trải lòng.
“Cơm áo không đùa với khách thơ”
Hỏi Hoàng Dũng, đã khi nào anh nghĩ đến việc sẽ phải trả một cái giá đắt - khán giả dần quên tên mình khi không thường xuyên xuất hiện trên sàn diễn, màn ảnh, anh bảo: “Sàn diễn là môi trường rèn nghề tốt nhất cho nghệ sỹ trẻ. Tôi đã đi một hành trình dài và bây giờ phải biết lùi lại, tạo cơ hội cho các bạn trẻ. Hơn nữa, khi ở cương vị lãnh đạo một đơn vị nghệ thuật, tôi không thể chỉ nghĩ đến những vai diễn cho riêng mình.”
Đứng trong cánh gà, nhìn nghệ sỹ trẻ diễn, không ít lần Hoàng Dũng lặng đi. Anh không khỏi băn khoăn, day dứt khi lượng diễn viên trẻ đam mê và kiên trì bám trụ với nghệ thuật ngày một thưa vắng.
“Nói đi thì cũng phải nói lại! Muốn nghệ sỹ trẻ bền bỉ với con đường nghệ thuật thì trước hết phải đảm bảo đời sống cho họ. Khi cái đầu luôn phải canh cánh những nỗi lo thường nhật với ‘cơm, áo, gạo, tiền’ thì làm sao đòi hỏi người ta đam mê, sống chết với nghề,” Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Dũng bày tỏ.
Anh kể, một nhà hát mỗi năm cũng chỉ dàn dựng một vài vở diễn, tiền phụ cấp bồi dưỡng diễn viên mỗi buổi tập suốt chục năm nay vẫn… “dậm chân tại chỗ” (vai chính được 20 ngàn đồng/buổi, vai phụ được 10 ngàn đồng/buổi).
“Thù lao của mỗi buổi diễn cao hơn một chút, tùy vào số lượng vé bán được. Thế nhưng, tối đa cũng chỉ dao động trong khoảng 200-300 ngàn/buổi/diễn viên bởi chi phí vận hành một đêm diễn (tiền điện nước, trang phục, vệ sinh…) cũng không hề nhỏ. Đó là chưa kể, nhiều buổi diễn là miễn phí; nhằm nuôi dưỡng, đào tạo một lớp khán giả kế cận cho sân khấu,” nghệ sỹ Hoàng Dũng chia sẻ.
Nén một tiếng thở dài, anh lắc đầu và nói: “Bạn thấy đấy, cơm áo không đùa với khách thơ! Nghệ sỹ chúng tôi cũng phải tính toán cụ thể, chi ly lắm.”
Bao năm bươn bả với nghề và với đời, Hoàng Dũng thấu hiểu những khó khăn, vất vả của nghệ sỹ trẻ. “Ngày nay, mọi thứ đều liên tục tăng giá với mức tăng chóng mặt mà đồng lương, phụ cấp của anh em nghệ sỹ vẫn vậy. Sân khấu không nuôi được họ thì đương nhiên họ phải đi đóng phim truyền hình, quay quảng cáo… để có thêm thu nhập.”
Lặng đi chừng vài phút, vị Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội bảo, anh không coi đó là việc làm kiểu “chân ngoài dài hơn chân trong” của các diễn viên.
“Nghệ sỹ thì cũng là con người. Phía sau ánh đèn sân khấu, họ còn cả gia đình với bao trách nhiệm, lo toan. Việc dùng tài năng và sức lao động chân chính để có cuộc sống đảm bảo hơn thì có gì là xấu! Hoàn cảnh buộc họ phải sống và suy nghĩ rất thực tế, không thể mãi hô khẩu hiệu suông! Thế nhưng, điều này khác với lối sống thực dụng đấy nhé! Chúng ta cần phân biệt rõ hai khái niệm này khi nhận xét ai đó.”
Hơn nữa, Hoàng Dũng quan niệm, việc nghệ sỹ sân khấu đi đóng phim, quay quảng cáo… cũng là cách để rèn nghề diễn.
“Bao đời nay, diễn viên thì phải có ‘thanh,’ có ‘sắc’ và những cái đó phải được chăm chút liên tục. Thế nhưng, chế độ phụ cấp ‘thanh, sắc’ lại coi đó như món đồ dùng - lúc nào cần thì lấy ra, khi không dùng đến thì mang cất vào tủ. Tức là, khi nghệ sỹ có vai diễn trong một vở diễn nào đó thì được hưởng tiền trợ cấp này; lúc không có vai diễn thì phải tự chăm lo ‘thanh, sắc’,” nói rồi, người nghệ sỹ gạo cội ấy nhìn về phía xa xăm, nét ưu tư hiện rõ nơi đáy mắt.
Cái “tôi” cần đặt đúng chỗ
Ngày ngày, Hoàng Dũng vẫn miệt mài đi về giữa nhà hát, giảng đường và tổ ấm riêng. Anh bảo, đó là những mảnh ghép không thể thiếu, hằn in những vệt sâu trong đời sống của anh.
Ở cương vị một giảng viên nghệ thuật, Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Dũng tự nhận mình là một thầy giáo khó tính với những đòi hỏi khắt khe và rất kiệm lời khen học trò. Người thầy ấy lý giải: “Chẳng phải tôi muốn bắt bẻ, gây khó khăn hay tiếc lời khen với các em. Tôi chỉ muốn các em liên tục rèn luyện để sau này có thể làm nghề một cách tử tế.”
Anh cho rằng, nghề diễn viên bên cạnh năng khiếu còn cần sự cần sự tích lũy kinh nghiệm, nỗ lực luyện tập không ngừng. Mỗi nghệ sỹ đến với nghệ thuật đều có một mối duyên nghiệp riêng. Nếu muốn có một hành trình dài thì ngay từ đầu, mỗi người phải luôn học cách khiêm tốn và biết lắng nghe.
“Tôi rất sợ một vài bạn trẻ, mới nghe được vài lời khen đã nghĩ rằng mình diễn đạt lắm rồi và tự ru mình trong ảo mộng. Cứ như vậy, họ muốn sớm được gọi là ngôi sao này, nghệ sỹ kia mà không chịu cố gắng thêm nữa,” Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Dũng chia sẻ.
Thêm nữa, Hoàng Dũng cho rằng, việc đào tạo diễn viên và tạo thêm nhiều đất diễn cho nghệ sỹ là một trong những việc làm quan trọng hàng đầu để vực dậy và đưa sân khấu phát triển.
Suốt ba thập kỷ gắn bó với nghiệp diễn, bằng kinh nghiệm của bản thân, anh hiểu rằng: Khó nhất là làm sao nắm bắt được cái thần, đi được đến tận cùng chiều sâu tâm lý nhân vật để diễn cho ra cái hình hài, tính cách của nhân vật.”
Hoàng Dũng bảo, đây cũng là điều mà anh luôn muốn hướng các nghệ sỹ trẻ tới. “Tôi luôn khuyến khích các bạn diễn viên và sinh viên đọc sách, đặc biệt là sách văn học để nuôi dưỡng cảm xúc, cảm nhận được mọi cung bậc yêu thương, hờn giận… Có như vậy, người nghệ sỹ mới có thể kéo khán giả hòa cùng vở diễn, khóc cười cùng nhân vật.”
Nghệ sỹ Nhân dân Hoàng Dũng ghi dấu tên tuổi qua hàng loạt vai diễn “nặng ký” như Chính trong “Tôi và chúng ta,” Lãm ở “Hà Nội đêm trở gió,” Hai Hùng của “Ăn mày dĩ vãng”…
Giới làm nghề vẫn ví Hoàng Dũng là “con dao pha” của nền sân khấu, điện ảnh Việt Nam. Anh có thể đảm nhận mọi kiểu vai, hóa thân vào nhiều loại nhân vật với tính cách, số phận hoàn toàn khác nhau (từ vai hài tới vai bi, cả chính diện và phản diện…).
Trên màn ảnh, người ta vừa thấy Hoàng Dũng xuất hiện với diện mạo một tên trùm xã hội đem mưu mô, xảo quyệt. Chuyển kênh, công chúng lại nhận ra anh trong vai một người cha mẫu mực. Loáng một cái, khán giả lại gặp Hoàng Dũng trong vai một trí thức hay một một nghệ sỹ với nhiều ẩn ức trên sân khấu kịch…
Ấy vậy mà, bước vào cánh gà, giọng nói vang, khỏe và ấm đó lại trở nên nhỏ nhẹ hơn nhiều. Hỏi anh, anh chỉ cười: “Tôi không bao giờ đánh đồng sân khấu và cuộc đời. Trong lúc diễn, tôi nỗ lực đẩy cái ‘tôi’ nghệ sỹ của mình lên mức cao nhất bao nhiêu giữa cuộc đời, tôi lại cố gắng để ‘dìm’ cái ‘tôi’ cá nhân xuống, làm nhòe nó đi bấy nhiêu, để hòa đồng cùng mọi người. Cái ‘tôi’ cần đặt đúng chỗ! Đó là quan điểm của tôi. Cũng có lẽ bởi thế mà nhiều người nói tôi nhạt, thiếu cá tính!”.