LTS: "Không có vua" là một truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp.
Khi còn sống, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ đã có ý định kết hợp với Nguyễn Huy Thiệp để chuyển thể truyện ngắn này sang kịch nói. Song, ý định đó chưa được thực hiện thì Lưu Quang Vũ mất đột ngột.
Thực hiện nguyện vọng của Lưu Quang Vũ, Nguyễn Huy Thiệp đã tự mình chuyển thể truyện ngắn trên sang kịch nói lấy tên là Quỉ ở với người.
Vẫn là những nhân vật trong truyện ngắn, song tác giả đã phát triển tính cách của họ trong các tình huống kịch. Những nhân vật quỉ vừa đóng vai người dẫn chuyện, vừa tham gia vào câu chuyện. Ý nghĩa nhân văn của vở kịch giấu kín sau lớp ngôn từ đối thoại vừa sắc sảo, vừa hài hước, vừa xót xa. Có thể có nhiều người không đồng tình với tác giả về nhiều vấn đề nêu ra trong vở kịch, song vở kịch thực sự là một tác phẩm độc đáo.
Sông Hương xin giới thiệu với bạn đọc nguyên văn vở kịch này.
S.H.
NHÂN VẬT
Lão Kiền: Thợ chữa xe đạp
Các con của lão Kiền:
Cấn: Thợ cắt tóc, lính xuất ngũ
Đoài: Trí thức
Khiêm: Nhân viên lò mổ
Khảm: Sinh viên
Tốn: Què, ngớ ngẩn
Sinh (nữ): Con dâu lão Kiền
My Lan (nữ): Sinh viên
Mỹ Trinh (nữ): Sinh viên
Việt Hùng: Sinh viên
Ông Vỹ: Em vợ lão Kiền, cán bộ về hưu
Bác sỹ
Bà bán xôi
Hai cô gái điếm
Quỷ I, Quỷ II và ban đồng ca
TRANG TRÍ SÂN KHẤU
Vở kịch có 7 hồi chính và 3 hồi phụ, chỉ có một cảnh trong nhà. Sân khấu có tấm riđô ngăn làm 2 nửa (nửa bên phải chiếm đến 2/3 sân khấu). Màn lửng chia sân khấu ra làm 2 nửa ngang để khi diễn hồi phụ có thể che đồ vật trong nhà.
Dụng cụ, đồ vật trong nhà tùy họa sĩ, không nên nệ thực quá tốt nhất là tất cả dụng cụ, đồ vật đều được phủ màu đỏ (cả riđô cả màn lửng).
ÂM NHẠC
Những bài hát tùy nhạc sĩ đặt nhạc và lời, ở đây tác giả chỉ nêu có tính chất ngụ ý. Sao cho âm nhạc phù hợp với màn diễn là được. Các lời ca không nên có ý ám chỉ gì.
HỒI THỨ NHẤT
Màn mở. Sân khấu trống. Quỷ chui từ dưới sàn lên. Trang phục của Quỷ theo lối hiểu thông thường: quần áo đen bó sát người, có đuôi, có sừng. Quỷ đi lại, nói năng tự nhiên như không có người. Các nhân vật trong kịch cũng hành động như không có quỷ ở bên.
Quỷ I: Chào các vị! Chúc các vị sức khỏe và hạnh phúc. Chúng tôi xin hiến các vị một vở kịch xôm trò! Chúng tôi nói trước: sân khấu là sân khấu, cuộc đời là chuyện khác... Ồ, tất cả rồi sẽ qua đi... Cả vở diễn này, cả các vị đang ngồi đây nữa! Sinh nở, hủy diệt... rồi lại sinh nở, lại hủy diệt. Đấy là vòng luân hồi vô cùng trong vũ trụ...
Bốn con quỷ khác xuất hiện, đứng trên bục, lắc vai, nhún nhảy, trông hệt như ban đồng ca.
Bài hát: (hát 2 lần)
"Cuộc đời như áng mây trôi
Trôi về đâu?
Trôi về đâu?
Cuộc đời vẫn còn như áng mây trôi
Trôi về đâu?
Trôi về đâu?
Trong ta rạng muôn sắc màu
Ánh ngày còn soi lung linh
Chân trời còn xa mông mênh..."
Bốn con quỷ biến mất.
Quỷ I (nhún vai): Thế đấy! Chân trời xa mông mênh. Chúng ta vẫn còn ở xa chân lý lắm!
Quỷ II ra, vác theo một cái ghế
Quỷ II: Nhưng gì thì gì, vở kịch vẫn phải bắt đầu chứ?
Quỷ I: Đồng ý thôi! Có điều ranh giới giữa nghệ thuật chân chính và những thứ giả danh nghệ thuật khó phân định lắm. Về hình thức, thậm chí cả cảm xúc nữa, giống nhau lạ lùng.... Chúng ta nên bắt đầu từ đâu?
Quỷ II: Phải bắt đầu từ chỗ mong manh nhất của lòng người thôi. Tất cả các vị đến nhà hát này ai chẳng có một tấm lòng dễ xúc động? Ai chẳng muốn những sự tốt đẹp cho thế gian này?
Quỷ I: Đúng rồi! Thưa các ông, các bà! Các ông, các bà, cả các cậu, các cô nữa, chúng ta đều có một tấm lòng dễ xúc động, đều có những tấm lòng vàng, đều có thể nói rất hay và lưu loát, thậm chí đều có thể đóng kịch được cả. Những đồng tiền được móc từ túi ra thật dễ dàng. Thậm chí cả những bài thơ cũng được móc từ túi ra thật dễ dàng. Tất cả những sở đắc ấy để làm gì, hỡi ơi, nếu thiếu lương tri?
Quỷ II: Đấy, chính vì thế mà cần đến nghệ thuật! Nghệ thuật tồn tại khi nó biết kêu gọi lương tri, kêu gọi nhân phẩm con người!
Quỷ I: Vậy thì vở kịch này sẽ kêu gọi lương tri! Tin tôi đi, tôi không tranh luận vở kịch này hay dở thế nào. Điều ấy tùy ở người xem. Có điều, tin tôi đi, vở kịch này kêu gọi lương tri con người, kêu gọi nhân phẩm con người!
Lão Kiền ra.
Quỷ II: Nhân vật chính ra đấy! Nào, xin mời bố ngồi!
Quỷ I: Đây là ông Kiền, là vị gia trưởng đáng yêu trong các gia đình! Là người nuôi nấng, người bảo trợ! Là tên bạo chúa, người dẫn dắt! Là người được kính trọng! Cũng là kẻ thù!
Lão Kiền: Tôi chỉ chữa xe đạp thôi!
Quỷ II: Hoan hô! Thế là dân lao động!
Cấn đi vào.
Cấn: Chào bố!
Quỷ I: Đây là cậu Cấn, trưởng nam. Là bậc đàn anh, người được thừa kế! Là vị quản gia, tên thừa tướng!
Quỷ II: Có là nhân vật chính không?
Quỷ I: Có chứ. Bậc huynh trưởng cơ mà! Phải có trách nhiệm chứ?
Cấn: Tôi chỉ cắt tóc thôi! Trước tôi cũng đi bộ đội!
Quỷ II: Hoan hô! Anh hùng mạt lộ... Anh hùng khi đã sa cơ... Cũng là dân lao động. Tốt đấy! Có quá khứ! Chúng ta phải hết sức chú ý nhân vật này đấy!
Cấn: Quá khứ là gì?
Lão Kiền: Tao hiểu đấy là kho đồ cũ. Khi nào thực tại hỏng hóc thì lôi ra xài!
Quỷ I: Không có nó cũng gay đấy!
Cấn: Giá trị lắm chứ! Hồi ấy tôi hai mươi tuổi! Súng trên tay! Ba-lô trên vai! Đi đều... bước!
Nhạc hành khúc theo bước đi của Cấn(1). Đoài đi vào ôm cặp và xách cặp lồng.
Đoài: Chào bố! Chào anh Cấn! Thế nào? Chuẩn bị chiến tranh à?
Cấn (chững lại): Không, chiến tranh kết thúc rồi! Tướng về hưu, bộ đội giải ngũ, nhưng kẻ thù vẫn rình rập! Phải luyện tập thường xuyên chứ!
Quỷ I (nhũn nhặn): Đây là cậu Đoài, vị công chức hãnh tiến, nhà trí thức, nhà hùng biện!
Đoài: Thôi đi! Tôi nghiên cứu giáo dục! Tóm lại là xã hội học...
Quỷ II: Hoan hô! Thế là tên giả danh! Nhà giả thuật!
Đoài (xem đồng hồ): Thằng Khiêm đi làm về muộn nhỉ?
Lão Kiền: Hôm nay nó làm ca sáng.
Cấn: Không có nó nhà mình chết dở!
Đoài: Thằng ấy trước sau cũng vào tù thôi! Tôi đã thấy trước tương lai của nó!
Khiêm đi vào, tay xách một bao tải nặng.
Cấn: Chú Khiêm! Chú đã về đấy à?
Cấn chạy lại đỡ bao tải cho Khiêm.
Cấn: Lại lòng à?
Khiêm: Lòng lợn!
Đoài: Lòng ơi lòng, dồi ơi dồi. Lòng ai sóng gió cho người vẩn vơ...
Quỷ I: Đây là cậu Khiêm, nhân viên lò mổ. Mỗi ngày cậu ấy biển thủ một bộ lòng lợn.
Khiêm mệt mỏi nằm vật ra giường. Cấn xách bao tải cất đi.
Lão Kiền: Rõ khổ! Vất vả cả đêm!
Khảm đi vào, tay ôm cặp.
Khảm: Chào bố! Chào anh Cấn! Chào anh Đoài! Anh Khiêm đã ngủ rồi à?
Cấn: Chú đi học về muộn thế?
Quỷ I: Đây là cậu Khảm, sinh viên đại học. Trí thức mới đấy!
Khảm: Thằng Tốn đâu?
Đoài: Chắc nó đang dọn hố xí!
Tốn đi vào, một chân què lê trên đất.
Cấn: Chú Tốn đây rồi! Thế là nhà mình đủ cả đấy!
Quỷ II đứng trên ghế cao: đếm.
Quỷ II: Xem nào! 1, 2, 3, 4, 5, 6! Kiền, Cấn, Đoài, Khiêm, Khảm, Tốn! Đủ sáu quẻ!
Quỷ II tụt xuống, chạy lại chỗ quỷ I. Chúng lấy ra cái dĩa và mấy đồng chinh xin âm dương.
Cấn: Chẳng mấy khi nhà mình đầy đủ. Tôi muốn họp cả nhà, bàn tí việc...
Lão Kiền: Họp gia đình à? Cũng hay! Kể từ khi mẹ chúng mày mất, mười một năm rồi, thật chẳng có khi nào chúng mày ở nhà cả năm đứa!
Cấn lại lay Khiêm dậy.
Cấn: Chú Khiêm! Dậy ta họp cái!
Lão Kiền, Đoài, Khảm, Tốn ngồi dàn hàng ngang.
Khiêm ngồi ở trên giường.
Cấn: Thưa bố với các chú…
Khảm: Trịnh trọng ghê!
Đoài: Ngày xưa anh ấy là pháo thủ...
Lão Kiền: Im nào!
Cấn: Tôi xin báo... Phương Nam có một điềm lạ...
Có một hồi trống trang nghiêm. Quỷ lo lắng.
Cấn: Tôi xin báo... Không thể nhà mình toàn đàn ông được. Tôi sẽ lấy vợ!
Mọi người cười lăn, trừ Khiêm. Quỷ I hốt hoảng, quỷ II chạy đi.
Lão Kiền: Tốt đấy! Mày cũng 38 tuổi rồi! Ở tuổi ấy, thường người ta có hai con. Tao ở tuổi ấy, tao có bốn đứa.
Đoài: Có bốn đứa con chính thức...
Lão Kiền: Mẹ cha mày! Mày ăn nói với bố thế à? Tao không hiểu thế nào người ta cho mày làm việc ở Bộ Giáo dục.
Đoài: Người ta xét lý lịch đấy! Người ta thấy nhà mình ba đời trong sạch như gương!
Lão Kiền: Chứ không à? Chúng mày thì tao không biết, chứ họ Sĩ nhà này từ tao ngược lên, chưa có ai làm gì thất đức!
Đoài: Phải rồi! Một miếng vá xăm đáng một chục tương lên ba chục thì có đức đấy!
Lão Kiền: Mẹ cha mày! Thế mày nâng bát cơm lên miệng hàng ngày mày có nghĩ không?
Cấn: Thôi thôi! Để tôi nói chứ!
Quỷ I chú ý theo dõi.
Cấn: Tôi lấy vợ... Cô ấy tên là Sinh, 25 tuổi. Bố dạy học, mẹ buôn gạo!
Quỷ I nhỏm lên, vẫy quỷ II lại, thì thào. Quỷ II chạy đi.
Lão Kiền: Thế cũng là dân lao động à?
Khảm: Chán thật! Bao giờ nhà mình mới thông gia được với người nhà giàu? Em chỉ thích người nhà giàu thôi!
Lão Kiền: Thế nó có nghề ngỗng gì không?
Đoài: Đàn bà cần gì có nghề? Cô ấy có đẹp không?
Cấn: Đẹp!
Đoài: Thế là được rồi! Tôi ủng hộ!
Lão Kiền: Bán cái đẹp mà ăn à?
Đoài: Cái ấy bố khỏi phải lo! Đấy là việc của anh Cấn! Thằng đàn ông nào không nuôi nổi vợ là đồ vô dụng!
Lão Kiền: Tao ngờ họ Sĩ nhà này toàn đồ vô dụng!
Cấn: Thôi đi nào! Bố có đồng ý không?
Lão Kiền: Đồng ý.
Cấn: Ý chú Khiêm, chú Khảm, chú Tốn thế nào?
Khảm: Đồng ý cả thôi!
Cấn: Thế thì hay! Không cần biểu quyết gì nhé! Cô Sinh cũng đồng ý rồi! Bố mẹ cô ấy cũng yêu thương tôi. Bây giờ chỉ còn lễ cưới!
Đoài: Gì thì gì chúng ta cũng không bỏ cha ông được, dù rằng cha ông ta cũng chẳng hay hớm gì đâu! Các cụ dạy lấy vợ phải có sáu lễ: nạp thái là một, vấn danh là hai, nạp cát là ba, nạp trưng là bốn, thỉnh kỳ là năm, thân nghinh là sáu. Con gái đi lấy chồng, nhà trai phải lo được sáu lễ ấy! Anh Cấn chuẩn bị đi: bốn cái lễ đầu gộp làm một hết năm chục nghìn, thỉnh kỳ hai chục nghìn, thân nghinh hai trăm năm mươi nghìn. Cộng là ba trăm hai mươi nghìn. Hai chỉ vàng được một cô vợ đẹp! Ái tình muôn năm! Hôn nhân muôn năm! Tiền muôn năm!
Lão Kiền: Tao cho hai chục nghìn.
Khảm: Hoan hô bố! Thật là cột trụ gia đình!
Đoài: Tôi góp một tháng lương... cũng như giúp đỡ đồng bào bị bão lụt...
Cấn (ngượng nghịu): Chú Khiêm... Chú giúp anh.
Khiêm lấy trong túi một tập tiền dày cộm đưa ra.
Cấn (rối rít): Cám ơn chú... Cám ơn chú... Anh không quên đâu... Cám ơn chú! Anh xin chú... Anh xin chú! Thôi bây giờ giải tán! Mọi người đi lo công việc cả đi.
Đoài và Khảm thì thầm, có ý ghen tị, dè bỉu với Khiêm. Cấn kéo Tốn ra góc ngoài cùng sân khấu.
Nhạc khe khẽ nổi lên. Bài hát đám cưới.
Cấn: Chú Tốn, thế là nhà mình sắp có một người nữa đấy!
Tốn: Ai cơ?
Cấn: Một bà hoàng! Chú hiểu không? Một hoàng hậu! Một nguyên phi!
Tốn: Ai là vua?
Cấn: Khỉ gió! Hoàng hậu phải lấy vua chứ! Anh là vua, chú hiểu không? Là vua!
Tốn: Không hiểu!
Cấn: Không hiểu thì kệ mày! Tao là vua... A ha! Là vua!
Đèn tắt, màn kéo lại. Dàn đồng ca của Quỷ hát một bài vui nhộn:
- A ha... Không có vua
Sớm đến chiều say sưa
Tháng với ngày thoi đưa!
- A ha... Không có vua
Tớ với mình dây dưa
Số kiếp người hay chưa!
- A ha... Không có vua
Lá với cành đong đưa
Quỷ với người hay chưa!
- A ha... Không có vua
Trong ta còn muôn sắc màu
Ánh ngày còn soi lung linh
Chân trời còn xa mông mênh!
HỒI THỨ HAI
Quỷ I, quỷ II khênh chữ "hỉ” to tướng đi vào. Chúng đứng dựa vào hai bên chữ "hỉ".
Quỷ II: Gớm, cái cùm này nặng ghê!
Quỷ I (cười): Chú mày ơi, hạnh phúc nào chẳng nặng nề? Chúng ta cưới vợ một lúc cho cả sáu đàn ông cơ mà?
Quỷ II: Sau lại sáu người? Chỉ có cậu Cấn thôi chứ?
Quỷ I: Ngốc thế! Cấn chỉ là đại diện thôi.
Ba Quỷ khác xuất hiện, nhún nhảy, hát:
"Này là hạnh phúc
Này là tình yêu
Yêu nhau đi, yêu nhau đi, yêu nhau đi!
Đằng nào rồi chẳng cãi nhau, hành hạ nhau, lăng nhục nhau?
Trong ta rạng muôn sắc màu
Ánh ngày còn soi lung linh
Chân trời còn xa mông mênh..."
Ba Quỷ biến mất, Quỷ I, quỷ II khênh chữ "hỉ" dựng vào một góc.
Quỷ II: Bọn họ ra đấy!
Quỷ I: Chúng ta xem họ xử sự thế nào.
Cấn mặc quân phục thiếu úy (không lon). Sinh mặc bộ đồ cưới cầm hoa. Lão Kiền mặc quần bảo hộ lao động, áo cộc tay trắng ba túi, đầu chải mượt. Đoài com-lê, cra-vat. Khiêm - quần áo bò. Khảm – quần bò, áo phông. Tốn - quần tây xanh, áo sơ mi xanh. My Lan, Mỹ Trinh quần áo dài phụ dâu. Tất cả dìu Sinh đi vào. Cả bọn cười nói vui vẻ.
Cấn: Em Sinh ạ, đây là nhà anh.
Khảm: My Lan, Mỹ Trinh, hai em mời chị Sinh ngồi đi.
Sinh, My Lan, Mỹ Trinh ngồi xuống đi-văng. Khảm xắng xở pha nước. Khiêm lẳng lặng lên giường ngủ. Tốn ngồi bên Cấn và ve vuốt mãi tay áo anh.
Đoài: Gớm, phòng cưới đến là đông. Liệu nhà mình có sơ suất gì với họ hàng bà con đến dự không nhỉ?
Lão Kiền: Ma chê, cưới trách. Tránh thế nào được. Mà có chê trách họ cũng đổ vào đầu lão già này. Gì thì gì, tao cũng là chủ hộ gia đình.
Cấn: Tôi hỏi cả nhà nhé. Trong tiệc cưới tôi có lố lăng quá không?
Khảm: Không lố lăng đâu. Hơi đần độn thì có.
Đoài: Đần độn vì hạnh phúc, đấy là khuôn mặt thật đáng cảm động của mọi chú rể, phải không hai cô My Lan, Mỹ Trinh?
My Lan: Chúng em không biết. Chúng em chỉ thấy chị Sinh đẹp lộng lẫy thôi.
Mỹ Trinh: Đúng rồi! Thật lộng lẫy. Mà có ánh sáng hẳn hoi nhé. Em thấy những tia hào quang chói cả mắt. Chị Sinh ơi, chị có thấy sung sướng và hạnh phúc không?
Sinh: Có... có thấy! Có một cái gì dồn đầy lồng ngực, nó làm mình không thở được, nghẹn ngào, như rơi hẫng vào khoảng không ấy!
Khảm: Thích quá nhỉ?
Đoài: Người ra pháp trường cũng có trạng thái ấy đấy.
Lão Kiền: Gớm, các cô các cậu thật lắm chuyện. Sai bét cả. Tôi ấy à, hồi tôi lấy bà Nhớn, năm ấy tôi 20 tuổi, bà ấy mới 13, tôi có cảm giác như vừa bĩnh xong ấy, nhẹ cả người. Tốn, xuống dưới nhà mà dọn cái bếp đi. Tao có việc phải sang chú Hiển đây.
Lão Kiền ra.
Tốn đứng lên ra góc sân khấu xách cái xô đựng nước với cái chổi, lết đôi chân què đi. Tốn vấp ngã, bíu vào bàn ngã quỵ xuống. Sinh, My Lan, Mỹ Trinh, nhỏm cả lên. Cấn, Đoài, Khảm ngồi yên.
Cấn: Kệ nó. Nó đứng dậy ngay đấy mà.
Khảm đứng dậy kéo một đoạn riđô ngăn săn khấu ra làm hai nửa. Ba cô gái ngồi xuống cắn hạt dưa. Bên kia riđô, Tốn quằn quại đứng lên, lại ngã, lại đứng lên, lại ngã, rất khổ sở. Cứ thế đến vài phút Tốn mới lết được ra bên ngoài sân khấu. Ở bên kia riđô câu chuyện vẫn tiếp tục.
Cấn: Chúng ta tiếp tục câu chuyện nhé. Các cô thông cảm cho nhé, bố tôi có hiểu hạnh phúc là quái gì đâu. Người cổ lỗ ấy mà.
Khảm: Bố tôi là một sinh vật bước thẳng từ thời đại người vượn Gia-va, người vượn Grô-ma-nhông lên hiện thực xã hội chủ nghĩa.
Đoài: Đúng ra, làm gì có hạnh phúc. Chỉ có cảm giác hạnh phúc thôi. Cảm giác hạnh phúc bao giờ cũng ngắn ngủi và thuần tính sinh vật. Mà như thế, xét cho cùng, ở thời đại nào cũng giống nhau, nó cũng có cái lý của bố đấy.
Mỹ Trinh: Chị Sinh thấy thế nào?
Sinh: Chị chỉ thấy sung sướng thôi.
My Lan: Chị có thấy đau khổ vì xa cha mẹ không?
Sinh: Có, có chứ. Chị thấy như mình có lỗi. Chị là đứa con bất hiếu. Chị có làm cho cha mẹ sung sướng được chút nào đâu? (òa khóc). Trời ơi! Tôi là đứa con bất hiếu!
Khảm: Rắc rối quá. Trai gái lấy vợ lấy chồng là chuyện thường tình. Việc gì phải khóc.
Đoài: Cứ để chị ấy khóc. Gái ngoan xa nhà mà! Người có khả năng an ủi duy nhất cô dâu bây giờ là chú rể thôi. Bọn ta đi cả đi, để anh Cấn ở lại với chị ấy.
Đoài, Khảm, My Lan, Mỹ Trinh đứng cả dậy.
My Lan, Mỹ Trinh: Chị Sinh ơi, chị ở lại nhé. Chúng em đi đây.
Sinh bối rối chia tay với My Lan, Mỹ Trinh. Cả bọn kéo ra.
Đoài (lay Khiêm): Dậy, dậy. Đến giờ đi làm rồi.
Khiêm dậy, vớ lấy áo khoác lẳng lặng bỏ đi. Trên sân khấu còn lại Cấn với Sinh. Sinh ngồi ở một góc đi văng buồn bã.
Cấn (lại gần ngồi bên Sinh): Thôi em ạ, đừng buồn nữa.
Sinh ngồi lui xa.
Cấn: Thôi mà... Hiếu với hạnh quái gì. Rồi chúng ta sẽ có hạnh phúc, ở nhà này em là hoàng hậu... Anh cởi áo ra nhé!
Cấn cởi áo đại cán.
Sinh: Anh làm gì thế?
Cấn: Gớm! Lại còn giả vờ! Em sẽ thấy hạnh phúc! Anh cởi sơ mi ra nhé!
Cấn cởi áo sơ mi.
Sinh (hốt hoảng): Không... không!
Cấn: Anh cởi... ra nhé.
Sinh: Không... không!
Sinh bỏ chạy, hốt hoảng.
Hai quỷ nhỏm lên, theo dõi. Cấn đuổi theo, vấp ngã dúi dụi.
Quỷ II chạy lại buông màn.
Quỷ I: Trốn vào đây! Trốn vào đây!
Sinh trèo lên giường.
Quỷ I, quỷ II (dém màn): Đấy. Đúng rồi. Trốn vào đây là an toàn hơn cả. Thế! Thế!
Cấn: (đứng ở giữa sân khấu ngơ ngác, trên người có mỗi cái quần soóc lửng. Đèn tắt, ánh sáng chụp xuống chỗ Cấn đứng): Hạnh phúc của tôi đâu? Hạnh phúc của tôi đâu? Tôi có quyền được hưởng hạnh phúc không? Trời ơi! Hạnh phúc là gì? Thế nào là hạnh phúc? Tôi là con người. Tôi mong mỏi hạnh phúc cho cá nhân tôi. Hạnh phúc của tôi đâu? Hạnh phúc của tôi đâu? Mời các ông, các bà, các cô, các cậu... Hạnh phúc là gì? Hạnh phúc của tôi đâu?
Đèn phụt tắt. Cấn, Sinh biến mất. Trên giường màn đã được vén lên. Hai quỷ ngồi ở trên giường.
Quỷ II: Hạnh phúc là gì?
Quỷ I: Hạnh phúc là đàn ông đàn bà ngủ với nhau! Tóm lại là thuần sinh lý.
Quỷ II: Đấy là quan điểm của bọn quỷ chúng ta thôi. Còn con người ấy, họ rắc rối lắm. Họ còn đưa vào đấy nào là thẩm mỹ, sự tế nhị, đạo đức, cả chân lý nữa.
Quỷ I: Vậy chúng đau khổ cả đời là phải. Hạnh phúc của quỷ bao giờ cũng giản dị.
Quỷ II: Thực ra bọn quỷ chúng ta làm gì có hạnh phúc? Có bao giờ nghe đến chuyện quỷ ngủ với nhau đâu? Chúng ta bận chết đi được, bao nhiêu là công việc với nghĩa vụ choàng lên cổ chúng ta!
Quỷ I: Đúng thế đấy! Bọn ta bị mang tiếng xấu, bị vu oan quá nhiều. Bọn người ấy, chúng thật tệ hại. Bao giờ chúng cũng thắng chúng ta về mặt chữ nghĩa. Nhưng thôi, cóc cần chúng. Chúng có vu oan cho chúng ta, sau này chúng ta sẽ ném chúng vào vạc dầu.
Màn kéo lại. Từ trong sân khấu vang lên một câu hỏi bằng giọng rất trầm, rõ ràng "Hạnh-phúc-của-tôi-đâu?". Tiếng dội lại như trong vách đá (đoạn này nên sử dụng ghi âm, tăng âm để gây hiệu quả nghệ thuật).
HỒI THỨ BA
Cấn mặc blu trắng, tay cầm kéo cắt tanh tách, và phấn chấn. Lão Kiền ngồi ở góc ngoài cùng sân khấu vá xăm xe đạp.
Cấn (ngâm ngợi):
Ngày ngày vô tận kéo đi
Tóc dài thì cắt cần gì hỡi anh
Có tiền ta mới để dành
Có ai nuôi tóc để dành đâu em...
Lão Kiền: Hay thật! Cái nghề cạo đầu ngoáy tai của mày, nhục thì nhục nhưng hái ra tiền!
Cấn: Hôm nay mồng một, ngày đầu tháng đây. Hôm nay mà cắt được chục cái đầu thì hay.
Lão Kiền: Cố lên con ạ. Bao giờ mày cắt được triệu cái đầu phải ăn mừng nhé.
Cấn (giở sổ kế toán): Xem nào. Năm 1975, cắt được 721 cái đầu, ngoáy tai được 100 lần. Năm 1976 cắt được 600 cái đầu, ngoáy tai được 142 lần. Năm 1977, cắt được 400 cái đầu, ngoáy tai được 300 lần... Năm nay xem nào, cắt được 721 cái đầu, ngoáy tai được 400 lần. Bố ạ, hình như số người ngoáy tai ngày càng tăng lên.
Lão Kiền: Người ngoáy tai tăng lên, đây là phúc lớn cho dân tộc đấy con ạ. Tao coi đấy là dấu hiệu của tiến bộ.
Cấn: Thế nghề chữa xe đạp của bố thì sao?
Lão Kiền: Nghề này thì tuyệt vời! Mỗi buổi sáng tao thấy dòng người xe đạp trôi ở trên đường đông như kiến cỏ, tao lại thấy như có con chim chiền chiện ca hát trong lòng. Mẹ kiếp, xe đạp nhiều, hỏng hóc nhiều, tao cứ thế túc tắc thu tiền.
Cấn: Càng ngày, các hoạt động dịch vụ càng nhiều. Đặc điểm nước mình có phải là có một nền kinh tế dịch vụ không bố?
Lão Kiền: Hỏi thằng Đoài ấy. Tao có phải là nhà xã hội học đâu?
Đoài ở ngoài đi vào.
Đoài: Đây, Đoài đây. Hỏi gì thì hỏi đi.
Cấn: Tôi thấy càng ngày dịch vụ phát triển càng nhiều, đấy có phải là nền kinh tế dịch vụ không chú?
Đoài: Ông anh ham học hỏi nhỉ? Thế anh quan niệm thế nào là dịch vụ?
Cấn: Như tôi đây, làm nghề cắt tóc. Hay như bố, sửa chữa xe đạp.
Đoài: Còn gì nữa?
Cấn: Ăn uống...
Đoài:Rồi...
Cấn: Nhảy đầm.
Đoài: Rồi...
Cấn: Mua bán.
Đoài: Rồi...
Cấn: Giải trí...
Đoài: Giải trí gì?
Cấn: Như đi xem phim, xem kịch.
Đoài: Cái ấy gọi là giải trí tinh thần.
Cấn: Rắc rối nhỉ? Thế còn giải trí gì nữa?
Đoài: Nhiều! Trong bộ môn nghiên cứu của tôi ấy, tôi chia ra hai loại giải trí. Loại thứ nhất, tôi gọi là giải trí mặn. Loại thứ hai tôi gọi là giải trí chay. Dịch vụ cũng thế, cũng có hai loại chay mặn khác nhau.
Cấn: Hay nhỉ? Thế nào là chay với mặn?
Đoài: Thế này... Tất cả các hoạt động con người đều là hoạt động giải trí, gọi là dịch vụ cũng được, mà là công tác cũng được. Nếu nói cho oai thì là làm việc... Đại để thế. Tất cả những hoạt động nào khiến ta phải bỏ tiền túi ra tôi gọi là mặn, còn những hoạt động mà ta xơi không tôi gọi là chay. Việc cưới của anh với chị Sinh ấy, tôi gọi là hoạt động "đại mặn". Tôi ấy à, tôi sẽ không lấy vợ, tôi chỉ yêu lăng nhăng thôi, tôi không mất tiền trong quan hệ luyến ái và tình dục. Hoạt động tình cảm ấy, tôi gọi là dịch vụ chay!
Lão Kiền (bỏ ra ngoài): Mẹ cha mày! Khoa học với lại khoa hò... Rặt chuyện lưu manh!
Đoài (cười): Bố già ơi, bố chẳng hiểu chân lý là quái gì cả!
Lão Kiền (quay lại): Chân lý gì mày? Mày thì có chân giò.
Đoài (cười): ừ thì chân giò!
Lão Kiền: Mẹ cha mày! Tao không hiểu thế nào người ta lại đi gọi mày là nhà nghiên cứu.
Đoài: Sao lại nghiên cứu? Công chức chứ!
Lão Kiền: Công chức gì mặt mày! Chữ tác chữ tô không biết, chỉ giỏi đục khoét.
Bà bán xôi cắp thúng xôi ngó vào.
Bà bán xôi: Xôi nóng đây! Ai mua xôi không? Mời bác xơi quà sáng!
Lão Kiền: Giời ơi! Nhà làm ăn, mới sáng ra đàn bà con gái đã ám thế này thì làm ăn gì?
Bà bán xôi: Gớm, kiêng kỵ gì. Mới sáng sớm cả nhà đã như họp chợ mà còn kiêng kỵ!
Đoài: Mẹ ruột ơi, chúng tôi đang đấu tranh cho chân lý đấy.
Bà bán xôi: Chân lý à? Chân lý của tôi là có bán được xôi hay không? Chú em ơi, chú em xơi 200 chân lý nhé!
Lão Kiền (đuổi quầy quậy): Đi mà! Đi mà! Không có bán chác gì ở đây.
Bà bán xôi (đi ra): Gớm, nhà với cửa đến sợ! Chẳng bao giờ tôi bán được một hào xôi cho lão già này.
Lão Kiền (đi theo bà bán xôi): Đi! Đi!...
Sân khấu còn lại Đoài với Cấn.
Đoài (nghiêm túc): Bà bán xôi nói đúng! Chân lý là phải bán được. Vậy thì tất cả các hoạt động mặn đều là chân lý.
Khảm đi vào, tay ôm hoa, tươi cười.
Khảm: Chào anh Cấn, chào em Đoài. Chúc mừng hạnh phúc của anh Cấn với chị Sinh, nên em phải đi mua hoa về đây.
Cấn: Ôi giời... Chú cứ vẽ chuyện. Phải đến hơn nghìn tiền hoa chứ có ít à?
Khảm: Thú thực, em làm gì có tiền. Anh Khiêm cho tiền đấy.
Đoài: Tôi không có tiền, đưa đây tôi cất vào lọ... Thế cũng là đóng góp.
Đoài cắm hoa.
Khảm: Anh Cấn hạnh phúc ghê. Cả phố ai cũng khen chị Sinh đẹp. Em đi ngoài đường, ai cũng khen nhà mình có phúc.
Cấn: Cũng là nhờ tổ tiên cả đấy, em ạ.
Khảm: Anh Cấn lấy vợ, em cũng được thơm lây đấy nhé.
Đoài: Ừ thơm lây... Thế này này! Sáng hôm nay tôi ở cơ quan đi về, đến Ngã tư Sở gặp một ông lão, đầu đội khăn xếp, mặc áo dài the, trông cứ như tiên ông. Ông lão bảo tôi: "Này cậu Đoài, nhà cậu vừa có đám cưới, anh trai cậu vừa mới lấy vợ, tôi xin có câu đối mừng". Tôi mới hỏi: "Thưa cụ, cụ là ai?". Ông lão bảo: "Tôi ấy à, tôi là Hoàng Hạc tiên sinh, người đời gọi tôi là Khủng sĩ".
Cấn: Khủng sĩ là gì?
Đoài: Tức là ẩn sĩ họ Khủng...
Khảm: Câu đối thế nào?
Đoài: Câu đối chữ Hán.
Khảm: Câu đối mừng đám cưới à?
Đoài: Ừ, mừng cả hai họ, mừng nhà ta với nhà chị Sinh.
Cấn: Hay quá nhỉ.
Khảm: Câu đối thế nào, anh đọc đi.
Đoài: Câu đối thế này: (ngâm)
"Thiên kim mãi đắc tam phân nhục
Lưỡng tộc nghênh hồi nhất bả mao"
Cấn: Tôi chẳng hiểu gì cả!
Khảm: Em cũng thế!
Đoài: "Thiên kim" nghĩa là ngàn vàng.
"Mãi đắc" nghĩa là mua được. "Tam phân nhục" nghĩa là ba phân thịt. "Ngàn vàng mua được ba phân thịt". "Lưỡng tộc nghênh hồi nhất bả mao" nghĩa là "Hai họ rước về một nhúm lông".
Cấn: Lão già khốn nạn!
Đoài: Ông lão nói xong biến mất.
Khảm: Bịa!
Đoài: Chú em ơi! Chú em chẳng hiểu gì về cuộc sống. Chân lý ở đây đấy!
Khảm: Thôi chết! Nói đến chân lý, em mới nhớ đến bài kiểm tra triết học sáng nay (Lục lọi sách vở). Anh Đoài ơi, tại sao ở trường đại học, người ta bắt buộc phải học triết học nhỉ?
Đoài: Triết học là thứ xa xỉ của bọn mọt sách. Chú em có thấy chuỗi hạt nhựa đeo cổ của chị Sinh không? Nó là triết học đấy.
Cấn: Tôi trông các chú được đi học nên người mà tủi phận mình. Hồi nhỏ, tôi chỉ học hết cấp 2, sau đó phải đi làm, lớn lên lại đi bộ đội.
Đoài: Thế là may đấy. Anh tưởng cái bằng đại học của tôi với thằng Khảm báu lắm à? Giá trị thực sự phải được tính bằng thu nhập hằng ngày.
Khảm: Nếu thế thì hằng ngày chỉ có thu nhập của anh Khiêm là giá trị nhất... Anh Đoài ơi, chủ nghĩa Ma-khơ là gì?
Đoài: Tôi khuyên chú không nên đọc Ma-khơ mà cũng chẳng nên đọc bất cứ một chủ nghĩa nào khác. Nên học ở cuộc sống. Đây là điều tôi khuyên chân thành đấy.
Cấn: Cuộc sống là cái gì?
Đoài: Tôi không biết rõ lắm. Nó là ăn, là mặc, là đàn bà, là đàn ông, là tất cả cái gì làm ta vui sướng và đau khổ. Việc lấy vợ của anh ấy, nó là một cú đánh của cuộc sống với anh, với tôi, với cả nhà này. Một cú "sốc" thực sự đấy!
Cấn: Tôi lấy vợ, tôi đã bàn với cả nhà rồi cơ mà. Tôi được hạnh phúc, các chú cũng được hạnh phúc. Ồ... mà lạ lắm, từ khi lấy vợ, tôi có thấy các chú như tránh xa tôi hơn, tựa như tôi là thằng hủi, là thằng ho lao... (ho). Thế là thế nào?
Đoài (quay lại bảo Khảm): Tôi muốn nói chuyện riêng với anh Cấn. Xin lỗi, chú đi ra ngoài một lát.
Khảm (vớ lấy cái cặp): Em cũng đi học đây. Anh Cấn, cho em 5 chục.
Cấn (cau mặt): Tiền đâu mà cho. Chú Đoài, chú có tiền cho nó 5 chục.
Khảm: Hỏi ông Đoài thì thôi đừng hỏi cho xong.
Khảm đi ra. Trên sân khấu còn lại Đoài với Cấn.
Cấn: Chuyện gì? Chú nói đi.
Quỷ II thò đầu vào rồi rón rén đi lại ngồi sau lưng Đoài, thì thầm vào tai Đoài. Đoài cười, gật gật. Quỷ II đi ra ngồi một góc quan sát.
Đoài: Thế nào, anh lấy vợ, trong lòng có thấy sung sướng không?
Cấn: Cũng thường thôi chú ạ, anh 38 tuổi, lấy vợ như thế là muộn, anh lại thương binh nữa, hồi trước ở vùng có chất độc màu da cam, liệu không biết có ảnh hưởng gì không?
Đoài: Ảnh hưởng đứt đi chứ, sức khỏe anh dạo này thế nào?
Cấn (ôm ngực ho): Không được khỏe lắm. Ban đêm ngủ mồ hôi cứ vã ra.
Đoài: Chị Sinh thế nào?
Cấn: Cô ấy thì khỏe lắm, 25 tuổi...
Đoài: Tính tình thế nào?
Cấn: Cái ấy thì tuyệt vời. Khéo lắm. Mà thông minh lắm.
Đoài (thở dài): Ừ... ừm...
Cấn: Số tôi cũng may chú ạ. Một người như thế đáng ra phải lấy bộ trưởng hay đại tướng mới đáng. Chứ tôi đây, một người làm nghề cắt tóc, xứng thế nào được với cô ấy.
Đoài: Tạo hóa oái oăm thật! Ừ! Tạo hóa oái oăm thật!
Cấn: Chú bảo ai oái oăm cơ...
Đoài: Anh không biết hắn đâu. Hắn chức to lắm, trị vì chúng ta, quyết định số phận chúng ta. Hắn vừa cho anh một vố đấy.
Cấn: Cái gì? Tôi bị lừa à?
Đoài: Anh Cấn ạ, 30 tuổi mà chưa lấy vợ thì không nên lấy vợ nữa, 40 tuổi mà chưa làm quan thì không nên làm quan nữa. Anh 38 tuổi, lấy vợ thế là liều. Tuổi của chị Sinh, tôi nói thật nhé, chỉ lấy thằng Khiêm nhà này là phải.
Cấn: Sao lại lấy thằng Khiêm?
Đoài: Chẳng lấy nó thì lấy ai. Nó mới 29 tuổi, sức khỏe như thế. Anh có trông thấy nó thịt lợn cho mậu dịch không? Uỵch một phát, éc một phát, cạo đến sượt một phát là xong con lợn. Chỉ trong 10 phút. Tiền nó nhiều, mỗi hôm nó ăn cắp một bộ lòng lợn hay vài cân vịt. Đám cưới vừa rồi nó cho anh bao nhiêu tiền?
Cấn (ngượng, giấu): Cho cũng kha khá...
Đoài: Đừng có giấu tôi. Nó gánh đến 98% kinh phí đám cưới phải không?
Cấn: Ừ, thú thực đám cưới linh đình thế mà tôi bỏ ra có mỗi 2 chục nghìn. Tiền ôtô cũng nó, tiệc tùng cũng nó, quần áo cũng nó, chăn màn cũng nó.
Đoài (cầm lọ hoa): Lại mỗi hôm hơn nghìn tiền hoa nữa chứ. Suốt từ hôm cưới đến nay là 15 ngày. Riêng tiền hoa từ hôm cưới đến nay đã toi chỉ vàng.
Cấn: Nói khí không phải. Tiền thức ăn nhà này trông cả vào nó. Mỗi hôm một bộ lòng lợn, bỏ rẻ cũng 2 chục nghìn.
Đoài: Kể cũng lạ. Mỗi năm nó ăn cắp đến nửa tấn thịt mà người ta để yên cho nó. Thằng ấy trước sau cũng vào tù thôi, ít cũng 6 năm tù.
Cấn: Chú nói mà ghê cả người.
Đoài: Ở nhà có người như thế mà anh không thấy ghê à? Cái sự săn sóc của nó với chị Sinh nhà anh, tôi ấy à, tôi ái ngại lắm. Chị dâu như thế, tươi hơn hớn. Anh thì yếu, lại suốt ngày bận rộn. Mỗi khi chị Sinh đi chợ, tôi thấy nó toàn đưa tiền mới. Chị em gì mà cười với nhau toàn bằng mắt.
Cấn: Thằng khốn nạn! Tôi phải giết chết nó!
Đoài: Ấy chết! Đừng nóng nảy. Dù sao mình cũng là anh nó. Anh là anh cả, quyết định của anh ảnh hưởng đến cả nhà đấy.
Cấn: Không anh với em gì cả!
Đoài: Đừng... đừng. Thế chị Sinh đối với anh thế nào?
Cấn (thở dài): Cô ấy tình cảm lắm, chú ạ. Cô ấy săn sóc tôi từng tí. Tâm hồn tôi tan nát cả ra. Chưa bao giờ tôi thấy ai cư xử với tôi, thương yêu đến thế. Tôi đâm ngượng. Tôi là thằng ô trọc... Tôi không xứng đáng với cô ấy.
Đoài: Anh là thằng ô trọc thì chắc chắn rồi. Hồi bé anh đi học, anh bị đuổi học luôn phải không?
Cấn (đỏ mặt): Ừ, bị đuổi học luôn. Hồi ấy anh chưa biết nghĩ.
Đoài: Lại có lần ăn cắp nữa chứ.
Cấn: Ừ, anh có lần bắt trộm gà hàng xóm mang đi bán.
Đoài: Có trứng không? Cả ổ gà mái đang ấp chứ gì?
Cấn: Ừ, cả ổ gà mái.
Đoài: Thế thì ô trọc là chắc chắn rồi. Thứ nhất ăn trộm trứng gà... Thế có lần nào anh chơi gái không?
Cấn (lúng túng, gãi đầu): Có... Hồi ấy vừa mới giải phóng, tôi vào Sài Gòn, mà con gái nó cứ bám lấy. Cả trung đội tôi vào hàng bia ôm. Tôi trót dại...
Đoài: Mấy lần?
Cấn: Một...
Đoài: Sao lại một?
Cấn: Tôi thấy chúng nó mang bệnh nên sợ...
Đoài: Thế là thêm tội trụy lạc nữa.
Cấn: Sau này tôi hối hận, tôi tu tỉnh lại. Chú thấy đấy, tôi sống mà bà con hàng xóm với các chú ai có chê trách gì đâu? Vừa rồi, bà con còn định bầu tôi vào ủy ban phường.
Đoài: Thôi đi, anh mắc tội ăn cắp, lại trụy lạc... đúng không nào?
Cấn: Tôi xin chú... ai chẳng có lỗi lầm. Đấy là chuyện của mười mấy năm rồi.
Đoài: Thôi đi... với tôi thì chẳng làm sao. Còn với chị Sinh, một người trong trắng như thế, anh không thấy anh đê tiện à?
Cấn: Có... có... chú ạ. Tâm hồn tôi tan nát cả ra. Tôi không xứng đáng... Tôi chịu đựng sự săn sóc của cô ta như kẻ chịu nạn, như thằng ăn trộm tình cảm... Tôi đâm ngượng... Tôi tránh...
Đoài: Đấy... đấy nhé. Anh có thấy mình khốn nạn không nào?
Cấn: Hơn cả khốn nạn! Tôi là quỷ, chú ạ. Khổ quá, tôi là quỷ!
Đoài: Thôi được, tôi cũng thương anh. Có điều anh phải cẩn thận với thằng Khiêm đấy. Tôi thấy nó săn sóc vợ anh như một bà hoàng... Tôi chẳng thù gì nó, dù sao nó cũng là em ruột mình… Tôi thấy không phải thì tôi nói thôi.
Cấn: Cám ơn chú... Tôi sẽ để mắt đến cả hai người.
Đoài: Không được anh ạ. Tốt nhất là anh nên có sự thử thách với vợ anh.
Cấn: Chú bảo thử thách thế nào?
Đoài:Tôi hỏi thật nhé... Vợ mới, thế mỗi hôm anh ngủ với vợ mấy lần?
Cấn: (lúng túng): Ừm... ba lần... có hôm bốn lần. Kể ra là quá sức tôi.
Đoài: Thôi, thế này... Bây giờ anh phải cách ly đi! Tôi trông anh tiều tụy lắm.
Cấn: Cũng được.
Đoài: Phải thử thách vợ anh. Anh phải ghẻ lạnh với cô ta, khinh rẻ cô ta. Cốt nhất là anh không được ghen tuông. Anh cứ để mặc thằng Khiêm, anh cứ mặc thằng Khiêm. Thậm chí cả tôi nữa. Đàn bà ấy, mình phải cao hơn họ thì họ mới trọng, mới nể. Nếu vợ anh sa ngã thì dù anh có đê tiện, có ăn cắp, có trụy lạc, vợ anh vẫn phải phục vụ anh như một con chó. Còn nếu nàng chính chuyên, nàng chung thủy thì ra sẽ nghĩ cách xử lý khác.
Cấn: Không được chú ạ. Tôi thấy nó dã man lắm.
Đoài: Anh ngớ ngẩn lắm. Thế với cái lý lịch khốn nạn của anh, anh tưởng người ta phải trọng nể anh suốt đời chắc? Anh tưởng anh sẽ giữ được hạnh phúc đấy à. Anh đã nghĩ bao giờ đến lúc chị Sinh bỏ anh mà đi không?
Cấn (sợ hãi): Không... Không... Nếu thế thì tôi chết mất. Cô ấy là cuộc đời tôi, là hạnh phúc của tôi!
Đoài: Anh muốn giữ cuộc đời anh thì anh không thể để ở nhà có một nữ thánh thế được. Sự trong trắng của nàng sẽ giết chết anh, giết chết tôi, giết chết thằng Khiêm, thằng Khảm, thằng Tốn... giết chết cả nhà, anh hiểu không?
Cấn (nghẹn ngào): Có... có... tôi hiểu!
Đoài: Gì thì gì, anh phải nghe tôi. Phải làm cô ấy dấy bẩn. Phải bôi nhọ nàng, phải đánh gục nàng. Cốt nhất anh không được ghen tuông gì đấy! Vợ anh phải trải qua cơn thử thách, anh có hiểu không?
Cấn: Có!
Đoài: Tôi là em trai anh, tôi chỉ muốn điều tốt lành cho anh thôi.
Cấn: Cám ơn chú... Tôi sẽ lưu ý.
Đoài: Mai giỗ mẹ, anh bảo thằng Khiêm kiếm cho vài cân thịt ngon ngon. Tôi đưa chị Sinh năm trăm rồi đấy. Tôi đến cơ quan đây.
Cấn: Ừ, chú đi đi...
Đoài khoác áo, lấy cặp và cặp lồng đi ra. Trên sân khấu còn Cấn với Quỷ II.
Cấn: Trời ơi... Tôi thấy tan nát cả lòng, vợ là cái quái gì vậy, mà khi tôi ở với nàng, tôi thấy nhân cách của mình rã ra từng mảnh?
Quỷ II: Vợ là quỷ đấy, ông anh ạ. Vợ là chúa quỷ.
Cấn: Thế tôi có được quyền hưởng hạnh phúc không?
Quỷ II: Vừa ăn cắp, vừa trụy lạc, được hưởng hạnh phúc là chính đáng chứ.
Cấn: Tôi không xứng đáng với nàng.
Quỷ II: Thôi đi ra quán rượu đi. Quán rượu sẽ làm cho anh khuây khỏa.
Cấn: Ừ, có lẽ phải làm cốc rượu thật.
Cấn cởi áo blu.
Quỷ II: Chúng ta cũng đi. Tôi sẽ nói cho anh biết về sự thật con người.
Cấn: Ừ, phải biết sự thật chứ. Có thế mới sống được.
Cấn và quỷ II đi ra.
Sân khấu trống. Sinh xách làn rau quả đi vào.
Sinh: Mọi người đi đâu cả nhỉ? Tốn ơi!
Tốn xách xô nước với cái chổi đi vào.
Sinh: Em dọn bếp đấy à?
Tốn: Tốn dọn bếp, giặt quần áo, giặt cả chăn, cả chiếu, lại lau nhà.
Sinh: Quần áo của chị với anh Cấn, em cứ để chị giặt.
Tốn: Tốn giặt rồi, giặt hết rồi!
Sinh: Ấy chết... sao lại thế? Ở nhà này ai cũng tốt với chị quá. Chị thật may mắn về làm dâu nhà ta.
Tốn: Ai cũng tốt... Bố cũng tốt. Anh Cấn, anh Đoài cũng tốt. Anh Khiêm, anh Khảm cũng tốt. Chỉ có Tốn xấu thôi.
Sinh (nhặt, thái rau): Sao Tốn nói thế?
Tốn: Tốn bị què. Tốn không biết chữ.
Sinh: Chị thấy Tốn làm việc suốt ngày đấy thôi.
Tốn: Nhưng Tốn không làm ra tiền.
Sinh: Tốn đừng nói thế... Tội nghiệp lắm. Ở nhà mình, chị thấy ai cũng vui tính, mà tốt lắm, mọi người đều thương yêu nhau. Thật là một tổ ấm. Thú thật, chị chẳng có ước mơ gì hơn đâu. Thế mới gọi là hạnh phúc chứ! Tốn có ước mơ gì không?
Tốn: Có... Tốn mơ một cái ước mơ...
Sinh (cười): Ôi giời...Mơ một cái ước mơ... Thích thế... Tôi mơ một cái ước mơ... Tôi mơ một cái ước mơ... (Sinh đi đi lại lại, hai tay giang ra mơ mộng). Tôi mơ một cái ước mơ... Tôi mơ một cái ước mơ...
Tốn: Một cái ước mơ có hại không?
Sinh: Sao lại có hại? Mơ một cái ước mơ cơ mà? Như thế, con người phải hai lần thoát xác. Đã mơ rồi, lại mơ một cái ước mơ.
Tốn: Tốn bị què, chân đau lắm. Cứ đêm đến là trong ống xương những con dòi nó chui ra nó cắn...
Sinh: Tôi mơ một cái ước mơ... Tôi mơ một cái ước mơ...
Tốn: Mà những con dòi to lắm, con nào cũng có râu, nó ăn từ đầu gối xuống mắt cá chân, rồi lại ăn lại từ mắt cá chân lên đầu gối, nó ăn chân phải rồi sang chân trái, rồi ăn chân trái lại sang chân phải.
Sinh: Hồi bé ấy mà, Tốn ạ, chị cứ nghĩ mình sẽ lấy hoàng tử. Chị cứ nghĩ mình sẽ lấy hoàng tử. Chị ngồi trong rừng, đầu choàng khăn đỏ... Hoàng tử phi ngựa đến, áo bào tung gió cuốn oai hùng, tiếng nhạc ngựa reo vui.
Nhạc nổi lên.
Sinh: Đấy! Tốn có nghe tiếng ngựa đang phi đến không? Hoàng tử đến chàng bảo chị rằng: "Này cô Sinh, đến với ta đi". Thế là chị cuống lên, rã rời chân tay, chị chạy lại ngã vào ngực hoàng tử.
Lão Kiền khoác mấy cái lốp xe đạp vào.
Sinh và Tốn không biết trên sân khấu có Lão Kiền.
Sinh: Chị khóc, chao ôi, chị thấy hạnh phúc quá. Hoàng tử bồng chị trên tay. Chàng hôn chị, và môi hoàng tử rất nóng, lại có mùi tỏi nữa...
Tốn: Hoàng tử có què không?
Sinh: Không, không...
Tốn: Hoàng tử có dòi không?
Sinh: Không, không...
Lão Kiền: Có, hoàng tử què, chột mắt, người đầy dòi. Tốn, đi dọn hố xí đi.
Tốn đi, Sinh hốt hoảng.
Sinh: Bố...
Lão Kiền: Bố con gì. Thưa bà, bà về làm dâu nhà này, xin bà đừng nghĩ đến các hoàng tử với công chúa nữa! Mời bà đi xuống bếp nấu cơm. Lấy 6 bò rưỡi gạo! Nhà này cứ phải hai cân một bữa, mất toi nghìn bạc.
Sinh dọn dẹp đi.
Khiêm vào, xách một bao tải nặng.
Lão Kiền: Lại lòng à?
Khiêm: Lòng lợn!
Sinh: Để tôi đưa xuống bếp...
Sinh đỡ bao tải cho Khiêm xách ra.
Khiêm lẳng lặng cởi áo lên giường ngủ.
Lão Kiền suy nghĩ, gãi đầu rồi lại lay Khiêm.
Lão Kiền: Dậy... dậy... Tao bảo cái.
Khiêm: Cút...
Lão Kiền: Con với cái... Này, tao bảo cái...
Khiêm: Cút!
Lão Kiền: Mẹ cha mày... Mày bảo ai cút? Con ơi, con thương bố chứ. Mai giỗ mẹ mày, tao cũng muốn làm vài mâm cơm cho mát mặt vong linh mẹ mày dưới suối vàng.
Khiêm: Cút!
Lão Kiền: Thế mày định không cúng giỗ gì à? Con với cái! Hiếu đễ đấy! Trả ơn đấy! Trả hiếu đấy!
Khiêm ngồi dậy lẳng lặng móc túi lấy một tập tiền dày cộm đưa ra.
Lão Kiền cầm tiền.
Lão Kiền: Cám ơn con... Bố xin... bố xin... Cám ơn con. Bố không quên đâu... Không quên đâu...
Khiêm lại nằm xuống ngủ. Lão Kiền trông trước trông sau rồi xách túi đi.
Sân khấu trống... Nhạc khe khẽ nổi lên bài "Ru con Nam Bộ". Hai con Quỷ xuất hiện ngồi quạt phe phẩy cho Khiêm ngủ. Khi hết đoạn I bài hát "Ru con" thì màn lửng kéo lại (Màn lửng chia ngang sân khấu để che phần trang trí trong nhà).
Hồi phụ thứ nhất
Lão Kiền xách túi đi ra. Quỷ II chặn đường.
Quỷ II: Này bố già, bố đi đâu đấy?
Lão Kiền: Tránh ra! Ngày mai nhà có giỗ, định đi sắm vài thứ làm mấy mâm cơm.
Quỷ II: Có khá tiền không mà sắm với sanh?
Lão Kiền: Cũng chẳng có tiền đâu. May mà thằng thứ ba đưa cho một ít.
Quỷ II: Nó là thằng con hoang đấy!
Lão Kiền: Sao lại con hoang?
Quỷ II: Ông không thấy ngày xưa có tay cha cố ở nhà thờ Vĩnh đi lại với vợ ông à? Tôi biết rõ lắm. Có gì giấu giếm được quỷ sứ đâu?
Lão Kiền: Khốn nạn thật! Thế là hóa ra ta nuôi ong tay áo à?
Quỷ II: Nhưng thôi, chuyện cũ nói lại làm gì. Chuyện này chỉ tôi biết thôi. Hơn nữa, ông cũng là khách giang hồ, ông có lòng độ lượng của kẻ giang hồ chứ?
(đọc gằn giọng):
Giang hồ chừ, quên quê hương
Thân trai chừ, luôn trên đường
Tang bồng chừ, thân coi thường
Tình yêu chừ, bay muôn phương!
Lão Kiền: Thôi! Tránh cho ta đi.
Quỷ II: Lâu lắm, ông không đánh bạc đấy.
Lão Kiền: Thế còn giỗ bà ấy? Ai lo?
Quỷ II: Con cái chúng nó phải lo. Còn thằng Cấn cơ mà. Tôi hỏi thật nhé: ông còn sống được bao lâu nữa?
Lão Kiền: Chắc cũng vài năm nữa.
Quỷ II: Thôi, bố ơi, lạc quan quá đấy. Hơn 60 năm, bố đã được sống tự do cho chính bản thân mình một ngày nào chưa?
Lão Kiền: Chưa!
Quỷ II: Thôi đi đánh bạc đi. Sau đó ta làm một chầu thịt chó.
Lão Kiền: Ừ thì đi. Nhưng chỉ lần này thôi nhé.
Quỷ II: Ừ, chỉ lần này thôi.
Quỷ II và lão Kiền ra.
Hồi phụ thứ hai
Đoài và Khảm đi từ hai bên sân khấu ra, gặp nhau ở giữa. Đoài có vẻ suy nghĩ.
Khảm: Anh Đoài, anh đi đâu đấy?
Đoài: À... đi lên Bộ họp. Chú đi học về đấy à? Sao về sớm thế?
Khảm: Em trốn học... Học chán quá anh Đoài ạ.
Đoài: Mai giỗ mẹ, hôm nay chú nên ở nhà giúp chị Sinh một tay.
Khảm: Vâng.
Đoài: Này, chú đưa cả hai cô My Lan, Mỹ Trinh đến nhé.
Khảm (cười): Nhất định rồi.
Đoài: Cô My Lan là người yêu chú đấy à?
Khảm: Vâng.
Đoài: Thế cái vị anh hùng thơm nức vẫn đi với cô My Lan là ai?
Khảm: Mỹ Trinh ấy à?
Đoài: Ừ.
Khảm: Không có gì. Bố cô ấy giàu lắm. Bố cô ấy là ông "Ánh sáng ban ngày", chủ hiệu điện.
Đoài: Tôi sẽ chim cô ta đấy, chú làm "chân gỗ" nhé!
Khảm (cười): Được thôi. Nếu anh tán được, thưởng em cái gì?
Đoài: Thưởng cái đồng hồ.
Khảm: Anh ghi cho em mấy chữ làm bằng!
Đoài: Chú không tin tôi à?
Khảm (lạnh lùng): Không!
Đoài (cười khe khẽ): Hay lắm. Chú cũng hiện đại đấy. Chú đợi tôi một lát.
Đoài mở cặp lấy giấy ra ghi.
Đoài (đọc): "Ngủ được với Mỹ Trinh, thưởng một đồng hồ trị giá 30.000 đồng. Lấy Mỹ Trinh, thưởng 5% của hồi môn. Ký tên Nguyễn Sĩ Đoài". Được chưa?
Khảm: Được. Anh có thể tạm ứng cho em 5 nghìn được không?
Đoài: 3 nghìn thì được.
Khảm: Thì 3 nghìn vậy.
Đoài lấy tiền ra cho Khảm. Khảm vui vẻ.
Khảm: Thôi em đi nhé.
Đoài: Khoan đã. Chú ký cho anh một chữ vào sổ tay này.
Khảm: Lại thế nữa.
Đoài: Chú em ơi. Chúng ta phải giữ nguyên tắc tài chính với nhau mới lâu bền được.
Khảm: Em ký nhé. Nhận trước ba nghìn đồng. Được chưa?
Đoài: Được rồi. Thôi đi đi.
Khảm đi. Đoài huýt sáo.
Đoài (hát):
Cuộc đời như áng mây trôi
Trôi về đâu
Trôi về đâu
Trong ta còn muôn sắc màu
Ánh ngày mai soi lung linh
Chân trời còn xa mông mênh...
Màn kéo lại. Nhạc nổi lên theo điệp khúc bài hát.
HỒI THỨ TƯ
Màn mở. Cấn, Đoài, Khảm mỗi người ngồi trên một cái ghế nhỡ như hình chiếc kiềng ba chân ở giữa sân khấu. Tốn ngồi trên đất bó gối dưới chân bàn thờ, bên cạnh là cái xô đựng nước với cái chổi.
Trên bàn thờ bày biện sơ sài: ảnh bà Nhớn vợ lão Kiền, bát hương, ngũ quả, hai bên hai cây đèn dầu. Bàn thờ thắp có mỗi nén hương. Cấn, Đoài, Khảm có vẻ suy nghĩ. Không khí nặng nề.
Khảm: Bố với con! Lão già ấy đúng là quỷ sứ! (Nói đến đây thì Quỷ I, Quỷ II ló đầu vào, chúng vẫy nhau rồi cùng bắc ghế đến ngồi gần 3 anh em).
Đánh bạc hết cả 200 nghìn thì quá đáng quá. Tiền đâu mà cúng với giỗ bây giờ?
Cấn: Tôi có thì tôi chẳng tiếc. Các chú thông cảm cho. Nghề cắt tóc nó bạc bẽo lắm. Được đồng nào thì chi vào tiền thức ăn hết cả. Vừa rồi đám cưới tuy thế, khoản lại mặt tôi chi cũng khá tiền.
Đoài (hỏi Khảm): Thế lúc chú đến, lão già ấy bảo sao?
Khảm: Lão già say bét. Tiền hết sạch. Em hỏi: "Tiền đâu?". Lão già bảo: "Cút mẹ mày đi, đây không có tiền?; Em hỏi: "Thế còn cúng giỗ ở nhà?" Lão già bảo: "Không biết".
Cấn: Bố với chẳng bố! Thật là của nợ.
Đoài: Gay go nhất là khách mời đến, họ kéo ồ đến thì ra làm sao. Sơ sơ cũng phải đến ba bốn mâm chứ có ít à? Anh Cấn mời những ai?
Cấn: Hai vợ chồng chú Hiển với hai đứa con là bốn. Bên hàng xóm mời ông Tăng, ông Bảo thế là sáu. Cậu Vỹ ở Phúc Yên về nữa, thế là bảy. Bên ngoại có mẹ vợ, thế là chín.
Đoài: Khảm mời những ai?
Khảm: Có thằng Việt Hùng, rồi My Lan, Mỹ Trinh nữa.
Đoài: Thế là mười hai rồi. Cơ quan tôi có tay phó giám đốc, tay thư ký công đoàn, tay trưởng phòng tổ chức, tay trưởng phòng khoa học với hai tay phụ trách đối ngoại trên Bộ. Lại thêm cả tay giáo sư sử học phát minh ra nền văn minh lúa nước nữa, tay này không mời không được, hắn lắm mồm lắm. Thế là khách mời lên tới 19. Còn thằng Khiêm nữa, nó có mời mọc gì không?
Cấn: Không đâu, thằng ấy nó làm gì có bạn với bè.
Đoài: Số khách mời cộng với nhà ta 7 mạng nữa, thế là 26 suất, đi đứt năm mâm. Mỗi suất bây giờ bỏ rẻ 4000, thế là phải có 100 nghìn bạc.
Cấn: Cả nhà một xu không có, biết làm thế nào?
Đoài đứng lên đi lại suy nghĩ.
Khảm: Hay ta khóa cửa lại rồi chuồn. Khách đến không thấy tự khắc phải bỏ về thôi.
Cấn: Ai lại thế? Một năm có ngày giỗ mẹ. Làm thế thiên hạ chửi vào mặt à?
Khảm: Không có tiền lấy đâu cúng với giỗ?
Đoài: Gay go thật!
Cấn: Bây giờ là 9 giờ; 10 giờ là khách kéo ồ cả đến. Anh em mình thật vớ được một thằng bố vô phúc.
Khảm: Thằng bố khốn nạn!
Cấn: Thằng bố đểu cáng!
Đoài: Hay lắm! Nghĩ ra rồi. Anh Cấn ạ. Tôi có đề nghị này hay lắm.
Cấn: Đề nghị gì?
Đoài: Ở nhà ta chỉ có thằng Khiêm là có nhiều tiền. Phải trông vào nó thôi.
Cấn: Không được đâu. Nó đã chi 200 nghìn cho đám giỗ hôm nay rồi. Bố đánh bạc hết. Nó không chi nữa đâu.
Khảm: Anh Khiêm nóng tính lắm. Bọn ta hỏi tiền bây giờ thì chỉ ăn đòn.
Cấn: Thằng khốn nạn ấy nó không biết nhân nghĩa phải trái là gì cả.
Đoài: Thế mà vẫn có tiền mới hay chứ! Nó vẫn phải chi tiền! Chỉ có điều anh phải nghe tôi thôi.
Cấn: Làm thế nào?
Đoài: Anh phải hy sinh vợ anh một lần!
Khảm: Hoan hô! Mỹ nhân kế. Anh Đoài đúng là Gia Cát Khổng Minh.
Cấn: Bảo cô Sinh à?
Đoài: Ừ, anh nói với chị Sinh, bảo chị Sinh xin nó 150 nghìn. Tôi sẽ sang bên Phú Gia đặt tiệc. Khảm đứng ở ngõ, có khách đến ta nhã nhặn mà kiên quyết đưa sang khách sạn. Thế là xong!
Cấn: Tôi chỉ sợ nó không nghe thôi.
Đoài: Ai không nghe?
Cấn: Thằng Khiêm!
Đoài: Nó phải nghe. Tôi biết tính nó. Thằng ấy chỉ gái mới trị được nó. Cũng là một cú thử thách vợ anh đấy.
Khảm: Chỉ sợ chị Sinh không nghe thôi.
Cấn: Cô ấy thì không sợ. Tôi bảo thì phải nghe chứ. Không nghe tôi đánh bỏ mẹ! Tôi là nghiêm khắc với vợ lắm.
Đoài: Đúng rồi. Với vợ là phải nghiêm khắc. Tôi tán thành quan điểm của anh. Anh cứ nện thật đau vào, thế là đâu vào đấy. Dứt khoát phải lấy được 150 nghìn. Nói ngọt, nói nhạt, nếu cần thì bảo vợ anh lăn ra khóc, giở món võ ấy thì ba thằng Khiêm cũng phải đầu hàng. Bần cùng bất đắc dĩ thì tụt quần ra! Dứt khoát phải có 150 nghìn. Tôi sang khách sạn đặt tiệc đây. Làm giỗ bên ấy thật vừa lịch sự, vừa rẻ, lại vừa chu đáo, có người phục vụ hẳn hoi. Cứ thế nhé. Khảm mặc cái áo tử tế ra mà đón khách. Nhớ nhé. Kiên quyết mà nhã nhặn lấy được 150 nghìn, kiên quyết mà nhã nhặn đưa khách sang bên khách sạn.
Khảm: Em ra đón khách nhé.
Đoài với Khảm đi ra.
Cấn thu dọn ghế lại.
Cấn: Đời thật khốn nạn. Thằng Đoài nói đúng! Thế mới là trí thức chứ! Thằng thông minh thật! Không còn con đường nào khác!
Cấn ra.
Trên sân khấu còn Tốn với hai con quỷ.
Tốn: Tốn mơ một cái ước mơ...
Quỷ II: Ước mơ gì?
Tốn: Ước không có dòi, không có dòi...
Quỷ I (cười): Thưa các ông, các bà. Thưa các cô các cậu. Thằng què này nó mơ gì mà lạ vậy? Mơ trong cuộc sống không có dòi!
Tốn: Tốn mơ một cái ước mơ...
Quỷ II: Ước mơ gì?
Tốn: Không có dòi!
Quỷ II: Thôi đi dọn chuồng xí đi!
Quỷ I, quỷ II xốc nách dìu Tốn ra.
Sân khấu trống.
Sinh đi vào, tóc xõa rũ rượi. Cấn xắn tay áo, đẩy phía đằng sau. Cấn trông rất hùng hổ, một tay cầm thanh củi.
Cấn (đẩy Sinh ngã): Con đĩ! Chồng bảo thì vợ phải nghe. Đây không phải là danh dự của cá nhân tôi mà cả họ Sĩ nhà này. Muốn gì thì gì, cô phải moi được của nó 150 nghìn.
Sinh: Anh bắt tôi làm điếm à? Hiến thân cho nó à?
Cấn: Không phải làm điếm (cười nhạt). Nhưng đây bảo thật, nếu cần thì làm điếm cũng chẳng sao đâu. Cô cứ nói ngọt nói nhạt với nó, bảo nó chi ra 150 nghìn. Nó chỉ ăn cắp một tuần là có số tiền ấy thôi!
Sinh: Trời ơi... Sao cái thân tôi nhục nhã thế này. Anh em ruột tống tiền nhau, bắt tôi ra làm con mồi.
Cấn: Cô nói thêm một câu nữa là ăn tát đấy. Thôi đừng giả bộ! Tôi biết thừa cô với nó đã có tình ý với nhau. Chị em dâu gì mà toàn cười với nhau bằng mắt! Lại còn hoa nữa, mỗi ngày hơn nghìn tiền hoa.
Sinh: Anh là quỷ!
Cấn: Ừ là quỷ... Cô phải lấy được 150 nghìn cho tôi. Cô bảo tôi là quỷ, chứ là chó cũng được!
Sinh: Trời ơi! Sao cái thân tôi nhục nhã thế này.
Cấn (đổi giọng): Em ơi, em phải giúp anh! Em phải cứu được danh dự họ Sĩ nhà này. Hai nhăm, hai sáu người khách đến đây, anh là con trưởng, chẳng nhẽ anh nhe răng ra với họ để rồi mang tiếng để đời hả em? Thôi nhé. Vợ yêu của anh. Anh van em đấy. Anh lạy em đấy... Vừa rồi anh trót đánh em cũng vì cùng cực. Ba tám tuổi đầu không lo được cái giỗ mẹ, em phải thấy anh nhục nhã thế nào!
Sinh: Khốn nạn!
Cấn: Bình tĩnh lại đi... Tươi tỉnh lên. Búi tóc lại đi. Của chồng công vợ! (Ca cải lương) Ái khanh ơi! Ái khanh vì nước bỏ mình! Trẫm xin ghi tạc mối tình keo sơn... Còn trời, còn nước, còn con. Trẫm xin ghi tạc công ơn... ớ... ớ... suốt... ớ... ớ... đời!
Sinh: Khốn nạn thân tôi!
Cấn (vẫn ca cải lương): Ái khanh ơi! Xuất giá thì phải tòng phu... Trẫm xin cơ hội đền bù về sau! (đổi giọng) Thôi thế nhé! Tôi đi đây! Tươi tỉnh lên! Thằng Khiêm nó sắp sửa về rồi đấy. Nhớ là phải lấy được 150 nghìn.
Cấn đi. Sinh gục mặt xuống thành giường.
Tốn vào, tay xách xô nước. Sinh quay ra.
Sinh: Tốn ơi! Chị khổ lắm.
Tốn: Chị Sinh đừng khổ! Tốn cho ô mai đây này.
Sinh: Tốn tốt quá.
Tốn: Tốn không tốt đâu. Chị Sinh mới tốt.
Sinh: Tốn ơi, khổ thân chị. Tốn què quặt có biết gì đâu?
Tốn: Tốn biết đấy!
Sinh: Tốn biết gì nào?
Tốn: Tốn biết chị Sinh thương Tốn, thương cả nhà. Chị Sinh nghe lời anh Cấn.
Sinh: Trời ơi! (lắc vai Tốn) chị phải nghe lời con quỷ ấy sao?
Tốn: Chị Sinh nghe lời anh Cấn!
Sinh (rũ người xuống): Khốn nạn! Đến cả thằng què nó cũng đẩy tôi xuống địa ngục nữa! Cút đi (đẩy Tốn)! Cút đi! Tao căm thù chúng mày! Cả nhà mày! Tao căm thù chúng mày! Cả nhà mày!
Tốn ngã. Khiêm lẳng lặng đi vào xách bao tải nặng. Khiêm đặt bao tải xuống đất.
Sinh: Chú Khiêm! (Òa khóc, gục vào ngực Khiêm).
Khiêm (đẩy Sinh ra): Tôi hiểu rồi. Lau nước mắt đi. (Khiêm rút mùi xoa đưa cho Sinh).
Khiêm lại bàn, lần lượt lấy tiền ở túi áo bò, túi quần bò ra từng tập, cả thảy đến 5, 6 tập.
Khiêm: 2 chục, 4 chục, 6 chục, 100, 200, 300 nghìn. Đủ chưa?
Khiêm ngồi xuống ghế, rót nước uống rồi bỏ đi. Qua chỗ Tốn, Khiêm đỡ Tốn dậy, còn nhặt cả xô nước đưa cho Tốn nữa. Tốn cũng bỏ ra ngoài. Sân khấu còn mình Sinh. Sinh vẫn đứng bất động, tay cầm chiếc khăn mùi xoa của Khiêm ngỡ ngàng. Gió thổi tung những đồng tiền trên sân khấu.
Nhạc bỗng nổi lên, kết thúc bằng điệp khúc:
Trong ta còn muôn sắc màu
Ánh ngày rạng soi lung linh
Chân trời còn xa mông mênh...
Màn kéo lại.
***
HỒI THỨ NĂM
Trên ghế đi văng Khảm đang ngồi với các bạn mình: My Lan, Mỹ Trinh, Việt Hùng. Họ đang xem an-bom, cắn hạt dưa.
My Lan: Úi dào! Ảnh anh Khảm hồi bế đấy à?
Khảm: Ừ, hồi ấy anh ba tuổi.
Mỹ Trinh: Kháu quá nhỉ?
My Lan: Anh Khảm hồi bé bụ ghê.
Khảm: Con anh sau này cũng bụ thế, nhưng xinh hơn, lông mày cong này, có nốt ruồi ở miệng này!
Việt Hùng (cười): Y hệt My Lan nhé!
My Lan: Phải gió (đấm thùm thụp vào Khảm). Anh Khảm đểu lắm nhé!
Mỹ Trinh: Ảnh chúng mình đi thực tập đây này.
Việt Hùng: Ở Hưng Yên hay sao ấy nhỉ? Nét quá!
Khảm: Ừ, ở Hưng Yên.
My Lan: Có phải hồi ấy anh ăn trộm khoai, bị dân quân bắt không?
Khảm: Bậy nào! Mắc tội nói xấu đồng đội! Anh bắt đền đấy.
My Lan: Bắt đền gì?
Khảm ghé tai My Lan thì thầm. My Lan nhổm lên, đấm thùm thụp vào Khảm.
My Lan: Phải gió! Phải gió anh này.
Đoài đưa ông Vỹ vào. Ông Vỹ áo đại cán, cài khuy đến cổ.
Đoài: Cậu ạ, mời cậu vào. Cậu thấy tiệc ở bên khách sạn thế nào?
Đoài làm hiệu cho Khảm và bọn bạn bè ngồi yên.
Ông Vỹ: Chắc tốn kém lắm phải không cháu! Gớm, cái món xúp lươn, đây lần đầu cậu ăn đấy nhé. Người ta làm ăn chu đáo quá. Mậu dịch Thủ đô có khác.
Đoài: Việc hiếu lễ không coi thường được cậu ạ. Chúng cháu hiện đại thì hiện đại thật, nhưng vẫn kính trọng tổ tiên lắm. Phi cổ bất thành kim. Để cháu thắp hương cậu khấn mẹ cháu nhé. (Đi thắp hương)
Ông Vỹ: Ừ thắp hương thì thắp hương nhưng cậu có biết khấn vái gì đâu. 40 năm nay cậu theo cách mạng, tin theo chủ nghĩa vô thần, nhà không có bàn thờ, chẳng biết khấn vái thế nào.
Đoài: Cháu cũng không tin có thần, nhưng quỷ thì nhất định có, cậu ạ. Có nhà thơ đã viết thế này:
Quỷ sứ xung quanh ta
Suốt đêm ngày hát ca
Hết vào rồi lại ra
Chúng không bao giờ già!
Ông Vỹ: Gớm, thơ bây giờ hay nhỉ? Thôi để cậu mặc niệm mẹ cháu.
Ông Vỹ mặc niệm xong, rút chai rượu trong túi xách và một gói báo.
Ông Vỹ: Thế này, Đoài ạ. Cậu nhà nghèo, về ăn giỗ mẹ cháu chẳng có quà gì. Có mỗi chai rượu trắng với ít quả tai chua, gọi là của ít tình nhiều, cháu nhận giúp cậu. Cái quả tai chua này nấu canh cá canh cua ngon lắm. Hồi trước, trong kháng chiến, nó là món đặc sản ở rừng của bộ đội đấy.
Đoài: Cậu cứ vẽ chuyện. Cậu ở xa xôi, ngày giỗ mẹ cháu cậu về là quý hóa rồi.
Khảm: Cậu ạ, cậu ngồi đây (nhường chỗ cho ông Vỹ). Giới thiệu với cậu, đây là bạn của cháu. Cô My Lan là người yêu cháu!
My Lan: Ấy chết! Không phải đâu. Anh ấy nói nhăng đấy ạ.
Khảm: Đây là Mỹ Trinh... à... ừm (nháy Đoài), bạn của anh Đoài à... với ư... anh Hùng...
Việt Hùng sửa lại kính.
Đoài (lịch sự): Cám ơn! Được làm bạn với Mỹ Trinh, đấy là may lớn của số phận tôi.
Mỹ Trinh: Ứ... anh nói thế!
Ông Vỹ: Các cháu bây giờ vui thật. Thời của cậu cứ gọi là nam nữ thụ thụ bất thân. Đoài này! Thế bố cháu đâu? Cả thằng Tốn nữa. Lúc nãy bên khách sạn không thấy hai người. Cậu cũng muốn gặp bố cháu... (xem đồng hồ) Chỉ sợ không kịp chuyến xe Phúc Yên buổi chiều thì khốn!
Đoài (nháy Khảm): Khảm này! Có phải bố đi tảo mộ mẹ không nhỉ?
Khảm: Vâng! (đểu cáng) Mỗi năm bố tảo mộ mẹ vài ba lần.
Đoài: Nếu cần cậu cứ ra bến xe đi cậu ạ. Còn chờ bố cháu thì chẳng biết khi nào ông cụ về.
Ông Vỹ: Vậy là anh em mấy năm không gặp được nhau! Xót xa quá, nhưng nghẹt cuộc sống cũng khó khăn quá (Đứng lên). Thôi, cậu phải ra bến xe (ôm Đoài, khóc)... Cháu ơi, tình nghĩa người ở xa, cậu chẳng biết nói thế nào. Các cháu có hiếu có lễ thế là cậu mừng. Bố cháu chẳng sống được bao lâu nữa, các cháu nên thương yêu bố cháu. 11 năm ở vậy để nuôi các cháu, công lao bố cháu to như núi Thái Sơn đấy.
Đoài: Được rồi, cậu ạ, chúng cháu biết chứ. "Trai thì trung hiếu làm đầu. Gái thì tiết hạnh làm câu sửa mình".
Ông Vỹ: Thôi nhé, cậu phải vội đi, không kịp chuyến xe buổi chiều thì khốn.
Đoài: Hay để cháu lấy xe đạp đưa cậu đi?
Khảm (nháy Đoài): Thôi... anh Đoài ạ. Việt Hùng này, cậu có xe máy. Tớ nhờ cậu đưa cậu ruột tớ ra bến xe ôtô có được hay không?
Việt Hùng (đứng lên): Được thôi... Bác ạ. Để cháu đèo bác ra ngoài bến xe...
Ông Vỹ: Liệu có tiện không?... Thôi cứ để bác đi bộ.
Việt Hùng: Bến xe ôtô cũng gần nhà cháu... Bác đi với cháu... Chào anh Đoài nhé! Chào các bạn nhé.
Ông Vỹ (bắt tay Đoài, tay Khảm): Thôi cậu đi nhé. Cho cậu gửi lời chào bố cháu với vợ chồng thằng Cấn nhé. Khổ quá! Ngày giỗ muốn về gặp mặt ông anh mà không gặp được.
Đoài: Chào cậu!
Khảm: Chào cậu.
Ông Vỹ và Việt Hùng ra. Có tiếng xe máy nổ bên ngoài.
Khảm: Anh Đoài thánh thật đấy!
Đoài (cười): Chú bảo thánh gì?
Khảm: Ở khả năng ứng xử. Lúc nãy ở bên khách sạn, anh nổi bật như một con chim bói cá ấy.
Đoài: Cũng là đi với bụt mặc áo cà sa, đi với ma mặc áo giấy cả thôi chú ạ!
My Lan: Thế bọn chúng em là bụt hay ma hả anh?
Đoài: Ồ, các em lại là chuyện khác. Đây là anh nói chuyện đàn ông với nhau thôi.
Khảm: My Lan này... anh có chuyện này nói thầm với em (nói thầm với My Lan, My Lan gật đầu, cười. Khảm và My Lan đứng dậy).
Khảm (nháy Đoài): Anh Đoài này, em với My Lan có việc bận đi một lúc. Anh tiếp chuyện với Mỹ Trinh nhé.
Đoài (hiểu ý, móc ví lấy tiền): Quên mất, chú có khoản tiền chiếu theo thỏa thuận đây này.
Khảm: Hay quá! Cám ơn anh (nhận tiền). Chúng em đi nhé.
Khảm và My Lan đi.
Đoài: Mỹ Trinh uống nước đi. Ăn hạt dưa đi.
Mỹ Trinh: Anh cứ mặc em. Hôm nay ngày giỗ, nhà các anh tổ chức chu đáo quá.
Đoài: Cũng là nhờ phúc ấm của tổ tiên đấy, Mỹ Trinh ạ.
Mỹ Trinh: Nhà các anh vui vẻ mà hạnh phúc thật đấy, thật là một tổ ấm! Ai cũng vui tính và lịch sự! Gia đình anh tuyệt quá!
Đoài: Cũng thường thôi em ạ. Mỹ Trinh này, anh có điều này muốn nói với em, em đừng giận nhé.
Mỹ Trinh: Điều gì cơ? Sao anh phải rào trước đón sau thế?
Đoài: Anh chẳng có thời giờ đâu, em ạ. "Ta nói với các ngươi rằng, ta đến và sẽ chẳng ở lâu với các ngươi đâu". Em có biết ai nói câu ấy không?
Mỹ Trinh: Không, anh ạ. Em không biết.
Đoài: Đó là Sếchpia vĩ đại, ông hoàng của trí tưởng tượng diệu kỳ!
Mỹ Trinh: Thế thì sao?
Đoài: Điều ấy chứa ẩn sự xót xa trong số phận hữu hạn của kiếp người. Em ạ, anh là một tên đàn ông cô đơn, ham hố, chẳng có nhiều thì giờ đâu. Anh cũng sẽ chẳng ở với bọn chúng lâu đâu.
Mỹ Trinh: Ở với ai cơ?
Đoài: Ở với thế giới người. Hay nói như thằng Tốn, em trai anh, là ở với dòi.
Mỹ Trinh: Thế còn em? Cũng là dòi ư?
Đoài: Cũng là dòi, hiểu chưa? Một con dòi thơm phức và đầy chữ nghĩa! Một con dòi cái!
Mỹ Trinh (cười ngất): Anh kỳ quặc thật đấy!
Đoài: Anh kỳ quặc ư? Không đâu. Anh yêu em. Muốn sống với em. Muốn ngủ với em.
Mỹ Trinh: Hay thật! Đấy là lời tỏ tình của anh ư? Hả nhà trí thức?
Đoài: Đúng đấy. Anh yêu em. Muốn sống với em. Muốn ngủ với em.
Mỹ Trinh (cắn môi): Em kính trọng anh, nhưng em cũng ghê tởm anh (nhổ nước bọt).
Đoài: Cả hai điều ấy đều không phải tình yêu. Anh không cần sự kính trọng lẫn cả ghê tởm của em. Anh cần chính bản thân em, cần tình yêu của em.
Mỹ Trinh: Anh đã biết gì về em đâu?
Đoài: Biết chứ. Em là người con gái trinh bạch, thơ ngây, tâm hồn em trong trắng và trung hậu. Em chịu đựng. Em là người tế nhị, hiểu biết. Em là nàng công chúa ngủ trong rừng!
Mỹ Trinh: Anh nhầm rồi, em đã từng sa ngã, anh hiểu không? (bật lửa hút thuốc)
Đoài: Anh không quan tâm. Anh không cần biết em đã yêu ai! Anh không cần quá khứ của em.
Mỹ Trinh: Anh ngốc lắm. Em đã từng nạo thai. Đã từng chích xì-ke. Anh yêu em, em sẽ phá tan anh ra, phá tan cái gia đình hạnh phúc này của anh ra. Anh không sợ ư? Anh không sợ em sẽ gieo thảm họa cho cái tổ ấm gia đình này của anh ư?
Đoài: Này, nạo thai và chích xì-ke không phải là lý lịch tốt đâu nhé. Tuy nhiên, anh không thành kiến. Anh chẳng phải nhà đạo đức học. Anh yêu em, muốn sống với em, muốn ngủ với em. Có thế thôi.
Mỹ Trinh: Để em suy nghĩ rồi sẽ trả lời anh sau được không?
Đoài: Em sẽ chẳng suy nghĩ gì đâu. Nói chung, con người có suy nghĩ gì đâu?
Mỹ Trinh: Em muốn tự do.
Đoài: Thì em cứ muốn. Anh có chiếm mất tự do của em đâu chứ. Tự do, đấy là khái niệm trừu tượng, không có thật trong đời sống. Khái niệm tự do chứa ẩn sự bất lực của con người trước tự nhiên và xã hội. Người ta chỉ có tự do trong mơ ước thôi!
Mỹ Trinh: Anh hay triết lý lắm à?
Đoài: Anh chỉ ngẫm thôi, em ạ, anh chỉ ngẫm về cuộc sống. Anh nói lại nhé: anh yêu em, muốn sống với em, muốn ngủ với em.
Mỹ Trinh (cười): Hay lắm! Anh tỏ tình rất hay và chính xác.
Đoài: Đúng ra thứ tự phải là thế này: anh muốn ngủ với em, đấy là điểm xuất phát của trực giác. Trực giác bao giờ cũng thành thực. Anh muốn sống với em, đấy là bước thứ hai, lý tính. Lý tính bao giờ cũng phiêu lưu và đầy bất trắc. Còn anh yêu em, đấy là bước thứ ba, lãng mạn, chứa đầy chất thơ. Chất lãng mạn, chất thơ với chất lưu manh là một.
Mỹ Trinh: Anh có biết gì về tính nết em đâu. Chúng ta không hợp thì sao?
Đoài: Em lại lầm lẫn rồi. Con người ta làm gì có tính nết? Chỉ có hoàn cảnh thôi, em ạ, chỉ có hoàn cảnh. Chúng ta chung sống với nhau, đấy là hoàn cảnh. Từ hoàn cảnh ấy sẽ có tính nết.
Mỹ Trinh: Chẳng lẽ con người không có tình yêu sao?
Đoài: Chỉ có hoàn cảnh gặp gỡ thôi, em ạ. Mãi mãi là hoàn cảnh, là môi trường. Con người là những phân tử lộn xộn, mỗi kẻ một véc-tơ, ngẫu nhiên gặp nhau, điều ấy nảy sinh tất cả. Tình yêu là sự dính chặt các phân tử ấy, giao hòa các phân tử ấy. Khi anh gặp em, chúng ta ngủ với nhau, ở đấy nảy sinh tình yêu thực sự. Trước đó, tất cả những lời ve vãn và quà tặng đều là biểu hiện của phù phiếm và đạo đức giả.
Mỹ Trinh: Anh là quỷ, anh Đoài ạ, là quỷ. Anh đúng một cách khủng khiếp. Anh là quỷ.
Đoài: Đúng rồi, là quỷ đực. Thế còn em, em có là quỷ cái không?
Mỹ Trinh: Vâng, em là quỷ cái.
Đoài: Vậy thì bọn quỷ chúng ta hôn nhau đi chứ.
Họ hôn nhau.
Đoài: Tối nhé!
Mỹ Trinh: Vâng! Đợi đến tối!
Khiêm dìu lão Kiền vào. Lão Kiền say rượu, đi lảo đảo. Khiêm đặt lão Kiền lên giường.
Đoài: Bố sao thế?
Lão Kiền: Sao lại say... Tao chưa say... say thế nào được?
Khiêm đỡ lão Kiền và quạt cho lão.
Mỹ Trinh: Sao bảo ông cụ đi tảo mộ?
Đoài (cười): Anh nói thế thôi để bịp ông cậu dở hơi lúc nãy. Chứ còn bố anh, nếu như ông cụ biết mộ vợ mình ở đâu thì trái đất sụp lâu rồi.
Mỹ Trinh (hôn Đoài): Anh tuyệt quá! Anh đúng là người mà em đi tìm khắp thế gian này. Riêng sự đểu cáng của anh cũng chứng tỏ anh là người vĩ đại!
Đoài: Chúng ta đi đi. Anh muốn đưa em đi chụp "pô" ảnh kỷ niệm hôm nay.
Hai người đi ra. Sân khấu còn lại Khiêm với Lão Kiền.
Lão Kiền: Say thế nào được... Khỉ ạ... say thế nào được...
Khiêm đắp chăn cho lão Kiền.
Cấn với Sinh vào. Sinh bưng theo cái mâm đậy lồng bàn.
Cấn: Chú Khiêm đấy à? Việc giỗ chạp thế là xong cả. Tôi tổ chức bên khách sạn. Tôi bảo chị Sinh dành hẳn một mâm để phần chú đây.
Khiêm: Thằng Tốn đâu?
Cấn: Tất cả hơn hai chục người, vui vẻ lắm. Khách dự có gia đình chú Hiển này, có cậu Vỹ này, có anh Minh này...
Khiêm: Thằng Tốn đâu?
Cấn: Cỗ có xúp lươn này, chim quay này, bít tết này, bánh mì phết bơ này...
Khiêm: Thằng Tốn đâu? Tôi hỏi anh thằng Tốn đâu?
Cấn: Thú thực, nhà có giỗ, để nó ra vào bất tiện, tôi nhốt nó trong căn buồng để than củi cạnh nhà xí.
Khiêm: Khốn nạn! (Xông vào đánh Cấn, Cấn ngã, Khiêm đạp túi bụi)
Sinh: Sao lại thế? Sao lại thế? (Sinh gỡ Khiêm ra, Khiêm hùng hổ cầm cái ghế đẩu xồng xộc đi ra. Trong hậu trường nghe tiếng "rầm" do Khiêm phá khóa, Tốn đi ra, mặt mũi đầy than đen nhẻm, Tốn nhe răng cười, Khiêm đẩy đằng sau)
Khiêm (chỉ vào mặt Cấn): Khốn nạn! Mày là con vật!
Sinh: Tôi xin chú! Tôi xin chú. Anh em trong nhà đối xử với nhau sao cho phải chứ!
Lão Kiền tỉnh dậy.
Lão Kiền: Sao thế! Con với cái! Chúng mày định làm loạn à? Thằng Khiêm! Bỏ ngay cái xà beng xuống. Cút đi! Đồ côn đồ!
Khiêm vứt rầm cái xà beng xuống bỏ đi.
Cấn (lóp ngóp bò dậy): Anh với em khốn nạn! Nó đánh đau quá (nhổ nước bọt). Gãy cả răng!
Lão Kiền: Sao thế? Sao lại đánh nhau?
Cấn (chỉ vào lão Kiền): Ông liệu tống cổ thằng khốn nạn ấy ra khỏi nhà này, không tôi giết nó.
Lão Kiền (phẩy tay): Kệ chúng mày! Chúng mày cứ giết nhau đi, tao càng mừng (nói xong lại nằm xuống giường, Cấn ngồi ở bàn rót nước súc miệng vào bô. Sinh lau mặt cho Tốn rồi mở lồng bàn lấy thức ăn cho Tốn).
Sinh: Ăn đi, ăn đi. Khổ thân em tôi.
Tốn: Tốn không khổ! Chị Sinh mới khổ.
Sinh ôm Tốn, khóc nức nở.
Cấn: Có im đi không? Nhà với cửa thật như địa ngục! Khóc lóc cái gì?
Sinh ôm mặt chạy ra ngoài.
Cấn (chỉ vào Tốn): Cút ngay! Bê bát xuống bếp mà ăn. Mẹ cha mày, vì mày mà ông mất hai cái răng đấy. Đừng chường ra trước mặt ông!
Tốn sợ hãi bê bát, lê đôi chân què đi ra.
Cấn: Khốn nạn! Cuộc đời thật khốn nạn! Quỷ sứ ở đâu, sao không bắt hết chúng nó cả đi.
Quỷ I, quỷ II vào.
Quỷ I: Đây, quỷ sứ đây. Ông anh bảo bắt ai cơ?
Cấn: Bắt hết đi, bắt hết cả đi!
Quỷ I: Làm sao bắt hết được sự dung tục và khổ đau của con người?
Quỷ II: Đúng rồi. Vô phương, ông anh ạ.
Quỷ I: Sự dung tục và khổ đau tràn ngập thế gian.
Quỷ II: Sự dung tục duyên do bởi một đời sống tinh thần thấp kém.
Quỷ I: Còn sự khổ đau chính do đời sống vật chất nghèo nàn.
Cấn (ôm đầu, gục xuống): Ôi, ôi...
Cấn ngồi một lúc rồi thất thểu đi ra, tay buông xõng. Nhạc khe khẽ, suy tư. Hai quỷ đến cầm quạt, quạt cho Lão Kiền. Lão Kiền nhỏm dậy, gạt hai quỷ ra rồi đến bàn uống nước.
Quỷ II: Hôm nay ngày... tháng... năm (nói ngày tháng năm trùng hôm diễn vở kịch này) là ngày giỗ bà Nhớn đấy, ông lão ạ.
Lão Kiền: Giỗ bà Nhớn ư? Hôm nay là ngày giỗ à?
Quỷ II: Hôm nay thứ... ngày... tháng... năm… là ngày giỗ bà Nhớn đấy, ông lão ạ.
(Lão Kiền vội vàng đến bàn thờ, quỳ xuống vái lạy)
Lão Kiền: Bà ơi... Tôi thật có tội với bà...
(Quỷ I, quỷ II đến dựa bên bàn thờ, đứng bắt chéo chân)
Quỷ II: Tội tình gì? Hãy nói đi, hỡi ông lão bất hạnh?
Lão Kiền: Tôi nuôi 5 đứa con, chỉ sợ nó chẳng nên người.
Quỷ l: Đừng lo, ông già ạ. Chúng đều nên người cả đấy.
Lão Kiền: Bà ơi, đạo đức ngày càng suy đồi, con cái đâm ra hư hỏng, tôi thật có tội với bà.
Quỷ I: Đừng lo, ông già ạ. Đạo đức chẳng bao giờ xấu hơn và cũng chẳng bao giờ tốt hơn quá khứ, cũng chẳng bao giờ xấu hơn hoặc tốt hơn tương lai đâu. Ông không có tội. Ông vô tội! Ông cũng chẳng cần lo ngại rằng con cái ông hư hỏng. Khi chúng còn sống, con người còn sống, bản chất của sinh vật sống đã là lành mạnh và diệu kỳ rồi.
Lão Kiền: Vậy tôi có thể sống và không cần mặc cảm tội lỗi gì trước Thượng đế anh minh hay sao?
Quỷ II: Thượng đế ư? Hắn có quan tâm gì đến các người đâu?
Quỷ I: Với Thượng đế, ông vô tội. Hắn bao giờ cũng giữ thái độ bao dung nhân từ để tránh trách nhiệm với con người. Còn bọn chúng ta, bọn quỷ, bao giờ chúng ta cũng tính sổ đến từng ly một. Các người không tránh được vạc dầu đâu!
Lão Kiền: Trời ơi! Vạc dầu! Tôi biết tôi không tránh khỏi vạc dầu.
Quỷ II: Vậy thì phải tu thân, ông lão ạ.
Quỷ I: Phải làm việc thiện.
Quỷ II: Đừng có quên tiền. Phải có tiền đấy. Nếu không có tiền thì đừng nói đến tu thân và làm việc thiện.
Sinh vào. Hai quỷ hốt hoảng chạy trốn.
Sinh mặc bộ đồ hơi lẳng lơ (mặc váy ngủ chăng?) vừa đi vừa chải tóc.
Sinh: Bố! Sao bố không ăn cơm đi? Để con dọn nhé.
Lão Kiền (đứng dậy, thở dài): Bố ăn rồi con ạ, bố ăn rồi. Bụng còn anh ách đây này.
Sinh ngồi chải tóc.
Lão Kiền: Cỗ bàn bên khách sạn ra sao?
Sinh: Con cũng chẳng biết, con có để ý gì đâu.
Lão Kiền húng hắng ho, vẻ kiềm chế. Lão Kiền lấy chai rượu uống ực một chén, mở lồng bàn rồi đậy lại. Lão Kiền đứng ngắm Sinh, tần ngần.
Lão Kiền: Dạo này mày đẫy ra đấy, con ạ.
Sinh: Con cân được 45 cân.
Lão Kiền: 45 cân thì vòng ngực phải 86 thì mới cân đối, tao thấy báo nói thế.
Sinh: Họ chỉ nói nhăng.
Sinh đứng chải tóc. Lão Kiền đứng ngắm nghía Sinh. Đoài vào đứng ở cửa.
Lão Kiền không biết, ra ngồi lấy cái nhị, kéo.
Lão Kiền (hát xẩm):
Gió bay đôi dải yếm đào
Anh thò tay vào bắt lấy nhạn xanh
Thế nào nàng nói cùng anh
Thì anh sẽ thả nhạn xanh cho về
Lão Kiền cười một mình. Sinh ngồi thêu.
Lão Kiền thỉnh thoảng lại liếc Sinh. Dàn đồng ca hát lại bài hát xẩm một lần nữa. (Lần này không hề có ý bông đùa mà hết sức trang nghiêm).
Lão Kiền (hát xẩm):
Em là con gái thanh tân
Cổ tay như ngọc gót chân như ngà
Da em trắng nõn trắng nà
Đường kim mũi chỉ cũng là tay quen
Em thêu hoa cúc hoa sen
Hoa lan hoa huệ hoa Yên, hoa hồng
Em thêu tay bắt tay buông
Thêu tròn mặt nguyệt thêu vuông bàn cờ...
Đoài: Gớm, ở nhà bình yên quá nhỉ?
Sinh và lão Kiền giật mình trông ra.
Đoài: Gớm tôi tưởng cứ như ở Phụng Nghi Đình hay Tây Sương Ký ấy.
Sinh bỏ đồ thêu rũ áo đi vào.
Đoài: Bố dạo này cũng tươi mát nhỉ?
Lão Kiền im.
Đoài: "Gió bay đôi dải yếm đào/ Anh thò tay vào bắt lấy nhạn xanh". Tươi mát thật! Hay thật! Thế mới gọi là thơ chứ!
Lão Kiền: Mẹ cha mày! Thế là bố, tao không được quyền làm đàn ông à?
Đoài: Tôi nói trước, tôi không tha thứ đâu. Ông bỏ ý định ve vãn con dâu đi!
Lão Kiền: Tao không ve vãn. Người ta cục tác thì tao ó ò o thôi.
Đoài: Ông là đồ khốn nạn!
Lão Kiền: Mày là đồ khốn nạn!
Đoài: Ông khốn nạn!
Lão Kiền: Mày khốn nạn!
Đoài: Ông khốn nạn!
Lão Kiền: Mày khốn nạn!
Màn kéo lại nhưng hai người vẫn chửi rủa nhau như thế. Nhạc và dàn đồng ca hát lại bài hát xẩm (vẫn là giọng hát trang nghiêm)
HỒI THỨ SÁU
Màn mở. Lão Kiền nằm trên giường đắp chăn. Sinh ngồi bên giường dém chăn. Cấn, Đoài, Khảm, Tốn đứng xung quanh, lo lắng. Khiêm ngồi ở một góc sân khấu.
Đoài: Gay go lắm! Tôi đoán ông cụ không qua nổi đêm nay đâu.
Khảm: Thần sắc yếu lắm, nhân trung lệch sang một bên rồi.
Cấn: Thế nào? Các chú có quyết định mời bác sĩ không?
Đoài: Tiền đâu mà mời bác sĩ?
Cấn: Gay go thật, từ ngày ông cụ ốm, nhà mình tiêu nhiều tiền lắm. (Cấn lấy sổ kế toán ở chỗ bàn cắt tóc). Đây này, chú Khiêm đưa một lần 15 nghìn, một lần 8 nghìn, một lần 21 nghìn. Chú Đoài đưa một lần 500, một lần một nghìn mốt. Chú Khảm một lần đưa 300 nhưng hôm tôi đưa 1 nghìn lấy thuốc ông Lang Toại hết có 500, còn 500 chú Khảm vẫn giữ. Tiền thức ăn như thế này: Hôm mồng 1 tháng 7 hết 2000 hôm mồng 2 tháng 7 hết 1 nghìn bảy, hôm mồng 3 tháng 7 hết 1 nghìn tư...
Đoài: Thôi, thôi, đừng tính nữa, sốt ruột lắm.
Cấn: Gì thì gì, anh em trong nhà, tài chính phải công khai chứ?
Khảm: Thôi thôi, xem có nên mời bác sĩ hay không? Ông cụ nguy kịch lắm rồi.
Đoài: Tôi nghĩ ông cụ già rồi, mời bác sĩ cũng thế.
Cấn: Ý chú Khảm thế nào?
Khảm: Các anh thế nào thì em thế?
Cấn: Ý chú Tốn thế nào?
Tốn: Tốn mơ một cái ước mơ...
Cấn: Mơ ước con khỉ tườu. Chú Khiêm, ý chú thế nào?
Khiêm không trả lời.
Đoài: Mất thì giờ bỏ mẹ. Tôi biểu quyết nhé, ai đồng ý bố chết giơ tay!
Đoài với Khảm giơ tay.
Đoài (chán nản): Giới trí thức bao giờ cũng chiếm thiểu số trong cộng đồng dân tộc (vỗ vai Khảm). Tôi với chú sẽ mang tiếng để đời đấy, chú Khảm ạ.
Cấn (đi lại bên Khiêm): Tôi muốn mời bác sĩ nhưng không có tiền.
Khiêm lẳng lặng móc túi lấy một tập tiền dày cộm cho Cấn rồi đứng lên bỏ đi.
Cấn: Bây giờ thế này. Chú Đoài đi mời bác sĩ (đếm tiền đưa cho Đoài): 1 nghìn, 2 nghìn, 3 nghìn, 4 nghìn, 5 nghìn. Chú Khảm chú lên phố mời cô Hiển xuống đây, nếu nhỡ thế nào còn có người trông nom bố. Nhớ bảo cô ấy chép cho bài kinh "Vô Thường".
Đoài với Khảm đi.
Cấn (nói với Sinh): Cô xem ông cụ có tỉnh được chút nào không?
Sinh: Cũng có tỉnh hơn trước một chút.
Lão Kiền: Nước... nước.
Cấn mang nước lại. Cấn, Sinh, Tốn nâng lão Kiền cho lão uống nước.
Lão Kiền: Anh Cấn ạ... Bố khó sống lắm...
Sinh: Bố đừng nói thế... Bố còn sống lâu.
Lão Kiền: Bố có tội... các con ạ... Bố không tránh được vạc dầu đâu.
Sinh: Bố đừng nói thế...
Lão Kiền: Bố có lỗi với con Sinh ạ... Có lần bố nhìn trộm con đang tắm đấy.
Cấn (bỏ đi): Khốn nạn! Tưởng người sắp chết nói được lời khôn nhưng toàn nói lời nhảm nhí. Mẹ kiếp! Biết thế lúc nãy ông giơ tay biểu quyết cho xong.
Cấn bỏ ra ngoài, vẻ cáu kỉnh.
Lão Kiền: Thế đấy! Có lần bố đang nhìn trộm con đang tắm, con có giận bố không?
Sinh: Không, không... Bố ạ... Đấy là vì con có lỗi, con không kín đáo...
Lão Kiền: Con tha thứ cho bố.
Sinh: Bố đừng nói thế... Bố không có lỗi gì đâu.
Lão Kiền: Bố... bố cám ơn con...
Sinh: Bố uống nước nhé? Hay bố ăn một múi cam...
Lão Kiền: Ừ... cam thì ngon mà đời thì ngắn... Ai ở đây nữa thế...
Sinh: Đây là em Tốn...
Lão Kiền: Lại đây con... Ngày xưa bố cũng mơ một cái ước mơ như mày...
Tốn: Bây giờ bố còn mơ không?
Lão Kiền: Vẫn còn, con ạ... (khóc)... cuộc đời thì ngắn... ước mơ thì dài...
Sinh: Bố nằm nghỉ đi.
Lão Kiền: Chẳng còn thì giờ nghỉ đâu con ạ... Sinh ơi, con về làm dâu nhà ta có khổ không con?
Sinh: Có, bố ạ, con khổ lắm.
Lão Kiền: Con có nhục không con?
Sinh: Có, bố ạ, con nhục lắm.
Lão Kiền: Khổ thân con tôi...
Sinh: Bố ạ, nhưng con thương, con thương lắm. Con thương bố, thương anh Cấn, chú Đoài, chú Khảm, chú Tốn... con đều thương hết.
Lão Kiền: Con ạ, chỉ có tình thương mới cứu chuộc được.
Sinh: Con hiểu, bố ạ, bố nghỉ đi.
Sân khấu im lặng chừng một phút. Nhạc khe khẽ, tiếng viôlông da diết. Đoài, Khảm, Cấn và bác sĩ nhẹ chân bước vào. Sinh xua tay rồi đứng lên.
Sinh: Bố đang ngủ.
Bác sĩ: Cứ để ông cụ ngủ.
Sinh kéo riđô ngăn sân khấu ra làm hai nửa. Một bên là lão Kiền và Tốn, bên kia là những nhân vật còn lại. Tốn ngồi một lúc thì ngủ gật.
Bác sĩ: Ông cụ bệnh gì?
Đoài: Tôi đoán là bệnh ung thư ác tính.
Bác sĩ: Thế thì vô phương, các vị ạ. Tôi về đây!
Cấn (kéo lại): Ấy chết! Bác cứ ở đây... có thể còn nước còn tát hay không?
Bác sĩ: Tát con khỉ gì? Đã ung thư ác tính thì đến Lu-i Pas tơ cũng chịu.
Khảm: Em tưởng ông Pastơ chữa chó cắn chứ?
Bác sĩ: Đầu tiên ông ấy chữa mèo cắn, chú em ạ...
Đoài: Nhân tiện, tôi đề nghị bác sĩ khám bệnh cho cả nhà, có được không?
Đằng nào bác sĩ cũng đến đây rồi.
Bác sĩ: Đồng ý. (nói với Cấn) Mặt anh sao tái nhợt thế? Có hay đau bụng thường xuyên không?
Cấn: Có. Đau lắm!
Bác sĩ (lấy ống nghe): Anh ngồi đây, vén lưng lên.
Bác sĩ nghe bệnh.
Bác sĩ: Anh bị lãnh tinh. Anh không thể nào có con được. Dứt khoát không thể nào có con được.
Cấn: Tôi cũng nghĩ thế... Ngày xưa tôi ở vùng có chất độc màu da cam.
Bác sĩ (chỉ Đoài và Khảm): Còn các anh chẳng phải khám bệnh gì đâu. Các anh đều khoẻ mạnh cả (chỉ Sinh). Chị đang có thai phải không?
Sinh ngượng nghịu.
Bác sĩ: Xin lỗi (chỉ Đoài). Anh là chồng chị ấy à? Chị có thai mà chế độ ăn uống không hợp lý.
Cấn: Bác sĩ có thể khám kỹ cho nhà tôi được không?
Bác sĩ: Hóa ra chị là vợ anh à? Nếu thế tôi đề nghị vào phòng trong ta khám lại. Khám cả hai người một lúc.
Cấn: Mời bác sĩ đi theo tôi.
Bác sĩ: (nhường lối cho Sinh). Mời chị.
Cấn, bác sĩ, Sinh đi vào.
Khảm: Lạ nhỉ? Ông Cấn bị lãnh tinh, không có con mà sao bà ấy lại có thai ba tháng?
Đoài: Chú em ạ, chú em chẳng hiểu gì về định luật vật chất trong vũ trụ.
Khảm (cười gằn): À... tôi hiểu. Anh là người phát minh ra định luật ấy chứ gì?
Đoài: Chú em ạ, thế giới đa nguyên. Chú là người có học, tôi đề nghị chú phải tôn trọng thế giới.
Khảm: Khốn nạn! Thôi anh đừng có loanh quanh?
Đoài: Mày bảo ai loanh quanh?
Khảm: Tôi bảo anh, anh hiểu chưa? Tôi đã thấy anh lén lút vào phòng ngủ chị dâu tôi một lần, hôm ấy anh Cấn đi vắng.
Đoài (đểu cáng): Tao vào xem có mày ở đấy hay không thôi?
Khảm: Anh là đồ đểu, đồ mất dạy.
Đoài: Câm mồm đi! Mày đỗ thủ khoa môn đạo đức ở trường đại học đấy à?
Khảm ngồi xuống ghế căm tức, xắn tay áo.
Đoài: Khảm ạ! Mày quên rằng ở nhà mình còn có ông bố tuyệt vời nữa.
Khảm: Câm đi! Anh nói câu nữa là tôi giết đấy.
Đoài: Chú em ơi, anh không tranh luận với chú về các thiên kiến đạo đức. Đạo đức là thứ xa xỉ trong môi trường chật hẹp. Tôi hỏi chú: với một căn nhà 20 mét vuông, 7 mạng người chen chúc sống trong đó, mỗi người chưa được 3 mét vuông sinh sống, đồ đạc không có chỗ để, vậy đạo đức để vào đâu?
Khảm: Im đi! Im đi!
Đoài: Còn điều này nữa. Chú phải hiểu đạo đức chỉ là một khái niệm trừu tượng, không có thực, không nắm bắt được. Bao giờ nhìn một mâm cơm chú khen: "Mâm cơm này có đạo đức đấy". Ăn một quả chuối, chú khen: "Quả chuối này có đạo đức đấy”, ở một căn nhà, chú khen: "Căn nhà này có đạo đức đấy". Thế là chú đạt được đến độ tinh thông của tư tưởng. Lúc ấy, chú không còn thiên kiến. Đạo đức thực sự cũng là môi trường, chú ạ. Con người bé nhỏ chúng ta ôm ấp đạo đức trong một môi trường vô luân thì sẽ bi kịch cả thôi.
Khảm (ôm đầu): Im đi! Im đi! Tôi đau đầu lắm.
Đoài (cười nhạt): Thế chú tưởng tôi không đau đầu ư? Không xót xa ư? Không đau đớn ư? Tôi không có óc ư? Không có tim ư? Tôi là người. Chú hiểu không? Tôi cũng là người!
Khảm buông tay, thoáng ngạc nhiên, như chợt phát hiện ở Đoài một tính cách khác.
Bác sĩ và Cấn vào.
Cấn: Khốn nạn! Thế này thì chết thật! Bác sĩ chắc chắn tôi không có con chứ?
Bác sĩ: Tôi xin lấy danh dự nghề nghiệp của tôi bảo đảm.
Đoài: Tình hình thế nào?
Bác sĩ (chỉ Cấn): Anh này không có con. Còn vợ anh ấy thì đang có thai 3 tháng,
Đoài (cười lớn): Hay thật! Thượng đế ban nhiều phép lạ cho thế gian này đến thế?
Khảm: Đừng có cười! Tôi ngờ anh là thủ phạm việc này.
Đoài (đểu cáng): Còn tôi ngờ chú thì sao?
Cấn: Các chú im đi... Tôi thì tôi nghĩ thằng Khiêm.
Đoài (đểu cáng): Nếu có thằng Khiêm ở đây thì nó sẽ ngờ thằng Tốn.
Bác sĩ: Các anh hay nhỉ? Thế có cần tôi khám cho ông cụ hay không để tôi về?
Trong khi còn xảy ra những sự kiện bên này riđô thì bên kia Tốn ngủ gật. Một lúc nào đấy Quỷ I Quỷ II vào, chúng mặc áo có nẹp, chân quấn xà cạp như lính dõng ngày xưa, tay cầm giáo. Chúng dựng lão Kiền dậy, lấy vải bịt mắt, trói lão Kiền lại, đóng gông vào cổ giải đi. Khi bác sĩ kéo riđô thì bên kia sân khấu chỉ có Tốn đang ngủ.
Bác sĩ: Ông cụ đâu rồi?
Cấn, Đoài, Khảm hốt hoảng.
Bác sĩ: Hay là quỷ bắt đi rồi?
Khảm chạy lại lay Tốn.
Khảm: Tốn, Tốn. Bố đâu?
Tốn: Không biết!
Đoài: Thế là thế nào?
Bác sĩ (bỏ đi): Thật là tổ quỷ. Tôi không hiểu ra làm sao nữa. Tôi chưa thấy cái nhà nào như cái nhà này! Chưa thấy đâu như cái nhà này. Thật là tổ quỷ. Con cái sinh ra không biết nó là con ai! Hay nó cũng là con quỷ?
Màn lửng kéo lại. Bài hát trong hồi thứ I của vở kịch vang lên.
Hồi phụ thứ ba
Khiêm mặc quần áo đại tang đi ra, vẻ suy nghĩ. Ánh sáng thu lại, theo bước chân của Khiêm đi đi lại lại. Nhạc.
Tiếng độc thoại nội tâm của Khiêm (qua băng ghi âm, nói chậm rãi): có nhạc đệm.
Thế là ông cụ mất rồi... Tôi phải chịu một nỗi đớn đau lớn nhất đời tôi. Bố tôi là người cay nghiệt, nhưng đấy là cả một khối ý chí khổng lồ. Tôi biết, khi ông sinh ra, ông cũng trong trắng thơ ngây như bao đứa trẻ. Đời sống khốn khó và những khổ đau biến ông thành một người độc địa. Ông trở nên cay nghiệt, thậm chí còn độc ác nữa. Bao nhiêu trách nhiệm nghĩa vụ đè lên người ông. Chỉ rất ít khi ông mới sống được một ngày cho bản thân mình. Tôi mặc bộ đồ tang này để tang cho một số phận bất hạnh. Tôi cũng để tang cho cái chết của cả khối ý chí khi không có một đời sống đủ sức nâng đỡ nó.
Còn tôi, từ nay tôi phải một mình đi trong cuộc đời này. Tim tôi thắt lại vì đau đớn và căm giận. Sự nghèo khổ cùng cực rập rình quanh tôi. Tôi đọc được trong ánh mắt và trong tâm can của con người, ở đấy chỉ có đố kỵ, hằn thù, ganh ghét, những định kiến hẹp hòi và đạo đức giả. Tôi không tìm thấy tình thương yêu, thương xót với tôi. Tôi nghiến răng chịu đựng. Tôi phải kềm chế để khỏi bóp nghẹt chúng, dí chúng xuống đất. Cho đến phút chết bố tôi mới hiểu rằng không thể bằng ý chí, bằng sự tàn nhẫn cải tạo cuộc đời. Chỉ có tình thương yêu cứu chuộc được.
Hỡi ơi, tôi sẽ còn đi một mình trên con đường cô đơn của tôi. Tôi khát khao sự tiến bộ cho chính bản thân tôi, cho con người. Phải, tôi sẽ không bao giờ lùi bước, không bao giờ lùi bước.
Tôi trút bỏ bộ đồ tang này (Khiêm cởi áo xô, mũ xô) trút bỏ quá khứ và sẽ bước đi trên con đường mới. Bao giờ cũng tin tưởng sự tiến bộ của một tương lai tươi sáng. Chỉ có điều thiện, chỉ có những tấm lòng lành mới tồn tại được.
Tiếng viôlông. Khiêm bước đi, ra khỏi sân khấu. Quỷ I, quỷ II ra. Quỷ II gài theo con dao.
Quỷ II: Vừa rồi, nhân vật chính trong vở kịch của chúng ta độc thoại nội tâm rất dở.
Quỷ I: Ừ, dở thật. Nó lảm nhảm về những việc thiện, về điều thiện, đó là do nó ít học. Nó cũng tỏ ra bất lực nữa.
Quỷ II: Tôi không chịu được.
Quỷ I: Tuy nhiên, sự đau đớn của nó có thực. Điều ấy cũng làm xúc động lòng người.
Quỷ II: Nó còn phàn nàn về sự cô đơn nữa.
Quỷ I: Đấy là vì nó trong trắng quá. Những tấm lòng trong trắng thường đòi hỏi cầu toàn, lại quá khích nữa.
Quỷ II: Điều ấy không có ý nghĩa gì.
Quỷ I: Phải, không có ý nghĩa gì.
Quỷ II: Dù sao, nó cũng là một quẻ đáng kể trong vòng luân hồi âm dương.
Quỷ I: Người nó toàn mùi phân lợn!
Quỷ II: Khi con người tự bôi bẩn mình thì bọn quỷ sứ chúng ta khó đến gần lắm.
Quỷ I: Không hề gì. Chúng ta sẽ cố gắng chờ đợi.
Quỷ II: Đúng, phải biết chờ đợi. Chờ đợi bọn trẻ lớn lên...
Quỷ I: Tất cả các vở kịch đều phải kết thúc vui vẻ, điều ấy có nghĩa thế nào?
Quỷ II: Có nghĩa thế nào ư? Bản tính con người, toàn bộ tư duy của họ đều chỉ nhăm nhăm làm điều ác, hướng về điều ác, nhưng kết quả thì ngược lại, thường là điều thiện.
Quỷ I: Đấy cũng là điều hèn kém trong bản tính người.
Quỷ II: Nhưng kìa, nhân vật chính của chúng ta lại ra đấy.
Quỷ I: Bây giờ trông nó bảnh hơn lúc nãy rất nhiều.
Khiêm ăn mặc xốc xếch đi ra, say bét, tay cầm chai rượu, hai bên là hai cô gái điếm. Khiêm vừa đi vừa hôn vào cổ vào vai hai cô gái điếm.
Khiêm (bảo quỷ): Tránh ra! Tránh ra cho ta đi!
Quỷ I: Đi đâu? Đi đâu hỡi ơi! Tuổi thanh xuân của anh sắp qua rồi đấy!
Khiêm: Ta đi... Ta cần tìm nó...
Quỷ II (cười): Cần hạnh phúc à?
Hai cô gái điếm (cười): Anh Khiêm ơi, chúng em là hạnh phúc đây.
Khiêm (cố gạt ra): Không... không... Ta đi... Ta cần tìm nó.
Quỷ II: Tìm chân lý à?
Hai cô gái điếm (giơ cao chân, để lộ đùi): Anh Khiêm ơi... Chân của chúng em đây...
Khiêm (gạt đi): Đi... đi...
Hai quỷ và hai gái điếm vây quanh Khiêm.
Quỷ II: Hiểu rồi! tôi hiểu anh cần gì rồi!
Quỷ II rút ra một con dao to bản, dài, nhọn lưỡi.
Quỷ II: Có phải anh cần đến thứ này không?
Quỷ I: Đúng rồi, làm việc thiện phải cần đến nó đấy.
Khiêm (giơ hai tay): Đưa đây... đưa đây!
Quỷ II (đưa dao): Dao sắc lắm.
Khiêm (cầm dao, như chợt tỉnh): Thực ra, có cần đến nó không?
Quỷ I: Trong thực tế, đúng ra là không cần. Nhưng vì sự triệt để của chân lý thì nó cần. Đây lại là sân khấu nữa!
Khiêm (cầm dao, co chân múa một bài quyền rất hùng dũng): Tránh ra! Tránh ra!
Hai quỷ và 2 cô gái điếm dạt ra. Khiêm múa dao trong tiếng nhạc võ hùng dũng.
Khiêm (vừa múa dao vừa thét to những miếng võ trong bài "Ngũ môn phá trận")
Chấp thủ song âm, bái tầm long thế
Hoành khai hổ, hổ phục địa lôi
Lan thiền thán thủy hồi tam chiến
Lập bộ lôi côn phá ngũ môn v.v...
Màn kéo lại.
***
HỒI THỨ BẢY
Màn mở. Mọi người đang sắp xếp trong nhà. Trên cao là ảnh lão Kiền (ảnh to, cười). Trên sân khấu không thấy có Sinh, Khiêm. Những người còn lại đều rất diện: Cấn (quân phục không lon), Đoài (comlê cravat), Khảm (comlê cravat), Tốn (quần áo mới, áo trong quần), My Lan, Mỹ Trinh (áo dài sặc sỡ).
Giữa sân khấu là chậu hoa đào. Những người trong nhà đang kê bàn, cắm hoa, trải khăn bàn. Không khí Tết.
Khảm: Hôm nay ngày Tết, lại đúng là ngày chị Sinh về, thật là vui!
My Lan: Chị Sinh đẻ con trai, hả anh Cấn?
Cấn: Ừ, con trai. Thằng bé kháu lắm.
Đoài: Thấm thoát thế là ông cụ nhà mình đã khuất núi được trăm ngày rồi, nhanh thật.
Cấn: Chú Đoài với cô Mỹ Trinh định bao giờ cưới đây?
Mỹ Trinh (cười): Tùy ở anh Đoài. Em thì thế nào cũng được.
Đoài: Bố em hứa cho 1 "cây", không ăn thua, em ạ. Nếu em vòi được 3 "cây" thì anh cưới liền.
Mỹ Trinh (dí vào trán Đoài): Anh ghê gớm lắm. Định đào mỏ hay sao?
Khảm: Anh Đoài với chị Mỹ Trinh còn có chỗ dựa, em với My Lan đang chết dở đây. Tốt nghiệp ra trường, có khi cả hai phải kéo nhau đi Tây Nguyên sinh kế.
My Lan: Lo gì? Anh chẳng bảo có tình yêu là có tất cả đấy à?
Cấn: Thế còn chú Tốn?
Tốn cười bẽn lẽn úp mặt vào ngực áo Cấn.
Khảm: Chị Sinh về kìa!
Mọi người quay ra. Sinh đi vào, tươi cười, tay bế con. Ánh sáng rực rỡ khi Sinh xuất hiện.
Sinh: Chào cả nhà!
Khảm: Chị Sinh đẹp quá! Thật như hoàng hậu! Thật như Đức bà đồng trinh.
Cấn (bế con): Trời ơi! Thằng bé kháu quá! Nó cười đây này!
My Lan: Trời ơi, thật đúng là chúa hài đồng.
Đoài: Cháu ơi, cháu sẽ khổ suốt đời thôi.
Thằng bé được chuyền tay một vài người, không khí vui vẻ. Tùy các diễn viên đặt lời thoại cho phù hợp. Mất chừng 5 phút.
Sinh: Thôi, các cô các chú để cho cháu ngủ.
Bế con, nựng con mang ra giường, ngồi quạt cho con. Cấn kéo riđô lại. Một nửa sân khấu bên này mọi người vui vẻ.
Đoài: Nào! Xin nâng cốc chúc mừng sức khỏe mọi người! Cuộc sống dù khốn nạn, tủi cực, chúng ta vẫn mãi gắn bó với nó!
Mọi người nâng cốc.
Khảm: Tôi đề nghị nâng cốc chúc mừng tất cả phụ nữ trên thế gian này.
My Lan: Không! Em đề nghị nâng cốc chúc đứa trẻ vừa mới sinh ra?
Mỹ Trinh: Đúng rồi! Nó tên là gì nhỉ? Phải nâng cốc chúc cho tương lai của nó.
Đoài: Hoan hô! Chúc cho trẻ thơ, cả những đứa trẻ có cha có mẹ và cả không cha không mẹ nữa.
Cấn: Chú Tốn, chú cũng chúc cái gì đi chứ!
Tốn (cười vui vẻ): Em xin chúc sức khỏe hoàng đế.
Đoài: Đúng rồi! Hay quá! Thật là tuyệt. Mày đúng là thằng què của mọi thời đại! Xin chúc sức khỏe hoàng đế!
Khảm: Không có vua cơ mà?
Đoài: Sao lại không có vua? Có chứ! Tiền là vua! Tình là vua!
Khảm: Vậy thì xin chúc sức khỏe hoàng đế!
Tất cả đồng thanh vui vẻ: Chúc sức khỏe hoàng đế!
Khiêm say rượu, quần áo xộc xệch, cầm dao đi vào.
Khảm: Anh Khiêm!
Cấn: Chú Khiêm! Sao say bét thế?
Mọi người quay ra.
Khiêm: Anh bảo ai say?
Cấn: Chú điên đấy à?
Khiêm: Anh bảo ai điên?
Khiêm cầm dao dồn Cấn... Cấn đi giật lùi rồi bỏ chạy, miệng lẩm bẩm: "Này! Đừng đùa! đừng đùa".
Đoài: Chú Khiêm! Bỏ dao xuống! Chú điên đấy à?
Khiêm: Anh bảo ai điên?
Khiêm cầm dao dồn Đoài. Đoài, Khảm, My Lan, Mỹ Trinh đi giật lùi rồi bỏ chạy, ngã dúi lên nhau. Bên kia riđô, Sinh sợ hãi ôm chặt con vào lòng. Khiêm lại múa dao hát bài hát võ.
Tốn (cầm cốc rượu, tươi cười): Anh Khiêm! Xin mừng sức khỏe hoàng đế!
Khiêm gạt cốc rượu ra.
Tốn: Anh Khiêm! Anh Khiêm! Em mơ một cái ước mơ!
Khiêm (như người điên): Ước mơ ư? Ước mơ gì?
Tốn: Em mơ một cái ước mơ.
Khiêm (cười phá lên): Ước mơ ư? Ước mơ này! Này ước mơ này!
Khiêm đâm Tốn. Tốn chấp chới.
Tốn: Anh Khiêm! Anh Khiêm... Em mơ...
Tốn quỵ xuống, Khiêm quăng dao gục bên xác Tốn. Bên kia đứa bé con khóc ré lên. Sinh dỗ nó.
Bài hát "Ru con Nam bộ" cất lên. Sinh tóc xõa, bế con, đau khổ đi ngang qua sân khấu. Khi chấm dứt bài hát "Ru con Nam bộ" thì màn kéo lại. Trong hậu trường, vang lên một hồi trống. Màn mở ra ngay, các diễn viên chào khán giả.
HẾT
(TCSH39/09&10-1989)
-------------
(1) Hơi giống như nhạc của bài hát "cùng nhau đi hồng binh".