Quanh sàn diễn
Làn gió mới cho tuồng Việt
14:20 | 10/04/2017

Nhà hát Tuồng Việt Nam vừa chính thức khởi công vở diễn Dưới bóng đa huyền thoại, phát triển từ kịch bản văn học nổi tiếng Ngôi đền ma ám của tác giả, đạo diễn Singapore Chua Soo Pong. Nhiều chuyên gia hy vọng, dự án hợp tác quốc tế này sẽ mang đến làn gió mới cho sân khấu tuồng Việt Nam. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với đạo diễn CHUA SOO PONG về vở diễn này.

Làn gió mới cho tuồng Việt
Dưới bóng đa huyền thoại hy vọng mang đến luồng gió mới cho sân khấu tuồng - Nguồn: Nhà hát Tuồng Việt Nam

Hướng đến giới trẻ

- Ông có thể chia sẻ về vở diễn này?

- Cốt truyện xoay quanh 1 cây đa đã được nhân cách hóa, cành đá, lá đa, thân đa đều có linh hồn và sắc thái, tình cảm riêng. Tuy nhiên, sau một biến cố, thần đa bị tên đà độc và hoán đổi những nhân vật sống trong cây đa phục vụ mục đích hút máu người để tăng quyền lực trở thành bá chủ thiên hạ. Trước sự tàn ác của tên tà độc, một cô gái giàu lòng nhân hậu cùng chàng trai do con chim khổng tước biến thành đã can đảm chống lại nhưng do không cân sức nên chàng trai đã dùng trái tim mình nung đỏ thành thanh gươm để diệt trừ tên tà độc. Sau cuộc tranh đấu, chàng trai và cô gái đều chết. Nhân dân đã xây dựng ngôi đền tưởng nhớ công lao của hai người và thần đa.

Thông điệp chính của vở kịch là cái thiện luôn chiến thắng cái ác, người tốt sẽ không bao giờ lợi dụng người khác để làm điều có lợi cho mình. Người tốt cũng sẽ không bị cái đẹp bên ngoài quyến rũ mà luôn hướng về vẻ đẹp bên trong... Có nhiều nội dung quanh vở diễn này, chúng tôi sẽ nỗ lực để vở diễn đáng xem.

- Những nỗ lực cụ thể ở đây là gì, thưa ông?

- Thiết kế trang phục, hóa trang, sân khấu hứa hẹn sẽ hấp dẫn khán giả. Mỗi nhân vật được xây dựng đều có đặc trưng, khác biệt so với các nhân vật khác. Bản thân trong nghệ thuật tuồng, các vũ đạo, động tác thể hiện trạng thái tình cảm cũng như hoàn cảnh, ngữ cảnh đều rất rõ ràng, từ đó cảm xúc của diễn viên được bộc lộ rõ nhất. Âm nhạc sẽ kết hợp giữa truyền thống và hiện đại. Tôi cho rằng không cứ nghệ thuật truyền thống là phải dùng âm nhạc truyền thống mà cần có sự thay đổi, nhiều bối cảnh âm nhạc cần có tiết tấu nhanh, phù hợp với giới trẻ.

- Thực tế, sân khấu truyền thống, đặc biệt là sân khấu tuồng không thực sự được khán giả trẻ quan tâm. Điều gì ở vở diễn khiến ông lạc quan như vậy?

- Tôi cho rằng để thu hút giới trẻ đến với sân khấu truyền thống, đầu tiên chính là cốt truyện phải gần với tư duy của lớp trẻ cũng như tư duy của thời hiện đại. Chính vì vậy, nhiệm vụ của người viết kịch là làm thế nào để phù hợp với tư duy của lớp trẻ mà vẫn giữ được cái độc đáo của nghệ thuật tuồng truyền thống. Sau đó, vở diễn cần có cái tên hấp dẫn và thứ ba là trang trí sân khấu. Dưới bóng đa huyền thoại là một vở kịch mang tính thần thoại, sân khấu có đôi chỗ ma mị, với nhiều kỹ xảo, chứ không phải sân khấu tĩnh. Việc quảng bá cho vở diễn cũng được chú trọng, pano được thiết kế hiện đại, hấp dẫn, thấy ngay được nét hiện đại trong sân khấu truyền thống.
 

Vươn ra thế giới

- Ông đã nhiều lần kết hợp với Nhà hát Kịch Việt Nam nhưng tại sao ông lại chọn Nhà hát Tuồng cho vở diễn này?

- Đặc trưng của tuồng Việt Nam có nhiều điểm giống kinh kịch (Trung Quốc). Ở Thái Lan, Indonesia cũng có loại hình nghệ thuật vừa múa vừa hát. Tuy nhiên, sau khi xem tuồng Việt Nam tại nhiều liên hoan sân khấu quốc tế, tôi có thể chắc chắn rằng loại hình nghệ thuật này phù hợp với vở kịch hơn cả. Bản thân tôi cũng hy vọng sự hợp tác lần này sẽ thổi luồng gió mới cho nghệ thuật tuồng Việt Nam. Nhiều bạn bè đã hứa với tôi rằng, khi công diễn, họ sẽ sang Việt Nam để xem.

- Vậy, sau khi công diễn ở Việt Nam, ông có dự định gì tiếp theo cho vở diễn?

- Tác phẩm Ngôi đền ma ám của tôi đã được chuyển thể sang nhiều loại hình nghệ thuật và cũng đã được biểu diễn tại nhiều nhà hát ở Nhật bản, Trung Quốc, Singapore và Vương Quốc Anh... Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên tác phẩm được chuyển thể sang nghệ thuật tuồng. Do đó, tôi dự định sẽ đưa vở diễn đi biểu diễn tại Liên hoan Nghệ thuật Quốc tế Pohang (Hàn Quốc) vào tháng 8 tới. Ban tổ chức Liên hoan đã đọc bài báo tôi viết về vở diễn này nên muốn mời ekip sang trình diễn. Ngoài ra, họ đã nghe giới thiệu của tôi về Nhà hát Tuồng Việt Nam khi biểu diễn tại Nam Ninh cũng như sự khẳng định của tôi về vở diễn, nên họ tin tưởng và chấp nhận để vở diễn được trình diễn tại Liên hoan.

Tiếp đó, tháng 5.2018, vở diễn sẽ được giới thiệu tại Canada. Tuy nhiên, tôi hy vọng vở diễn không chỉ được biểu diễn ở Hàn Quốc và Canada mà sẽ được diễn ở Singapore và nhiều nước nữa.

- Xin cảm ơn ông!

Nguồn: Cẩm Vân - ĐBND

 


 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Molière ở An Nam (26/01/2015)