Quanh sàn diễn
Ngọc Tranh - phía trước là tác phẩm
15:01 | 17/06/2009
VĨNH NGUYÊN...Ngọc Tranh sinh năm 1932 ở làng Thọ Linh, Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình. Cha mất sớm, ở với mẹ và bà nội. Tuy là con cưng nhưng sau những buổi đi học về là cắt cỏ, chăn trâu giúp đỡ gia đình, bởi vùng đất chỉ hai mùa khoai - lúa, mất mùa, bà con sống bằng nghề mây tre, lá nón trên rừng...

Vào năm 1985 đến 1990 nhiều người biết đến kịch Ngọc Tranh qua vở diễn "Tình yêu và tên cướp". Có 26 đoàn trong cả nước dàn dựng bằng các thể loại kịch nói, dân ca, cải lương, tuồng, chèo...

Đến tháng 10 năm 1995 nhiều báo chí, truyền hình trung ương, địa phương không kiệm lời ca ngợi nhà viết kịch Ngọc Tranh nhân hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Thành phố Huế. Ngọc Tranh "dính" luôn 3 vở: "Người tử tù mất tích" - Đoàn Chèo Thái Bình dựng - huy chương vàng; "Trái tim người mẹ" - Đoàn Dân ca Kịch Thừa Thiên Huế dựng - huy chương bạc; "Chim bằng trong bão tố" - Đoàn Nghệ thuật Truyền thống Huế dựng - huy chương bạc. Bởi thế, Ngọc Tranh đoạt giải thưởng đặc biệt về tác giả hội diễn.

Ngọc Tranh sinh năm 1932 ở làng Thọ Linh, Quảng Sơn, Quảng Trạch, Quảng Bình. Cha mất sớm, ở với mẹ và bà nội. Tuy là con cưng nhưng sau những buổi đi học về là cắt cỏ, chăn trâu giúp đỡ gia đình, bởi vùng đất chỉ hai mùa khoai - lúa, mất mùa, bà con sống bằng nghề mây tre, lá nón trên rừng...

Năm 1948, Ngọc Tranh học đệ nhị niên trường trung học Phan Bội Châu (Hà Tĩnh). Cả làng Thọ Linh lúc ấy chưa đến 10 cậu học sinh trung học. Đi học nhưng Ngọc Tranh rất yêu văn nghệ. Lời bài hát "Trai hùng nam quốc quyết tiến ra nơi sa trường" thôi thúc lòng trai trẻ nên mới 16 tuổi, Ngọc Tranh trốn trường, trốn gia đình đi bộ đội.

Buổi đầu ở các đại đội lẻ, chưa thành lập trung đoàn 18. Sau đó về tiểu đoàn 274 làm lính trinh sát. Đánh trận Hoàn Lão anh bị thương - một viên đạn xuyên qua mông. Anh về làm lính văn phòng, làm văn nghệ (thuộc trung đoàn bộ 18) hoạt động trên nhiều vùng đất Quảng Bình, Quảng Trị. Lúc này đã sáng tác và biểu diễn. Đi đâu cũng một cây đàn măng-đô-lin bên hông.

Hoà bình (1954) anh trở về địa phương làm đội trưởng văn nghệ xã. Tham gia cải cách ruộng đất, rồi đi buôn bán lặt vặt (3 năm). Nhưng ở đâu, làm gì Ngọc Tranh cũng không quên đàn và hát. Năm 1960 Ngọc Tranh vào đoàn văn công Quảng Bình. Anh chuyên đóng vai hài kịch và đọc tấu. Anh sáng tác và biểu diễn tấu "Mạ thằng cu", "Lão dân quân", "Bác chăn vịt", "Cu Sây" những vở kịch ngắn: "Bao gạo", "Say súng", "Con trâu". Những vở này thường xuyên có mặt trên sân khấu chống Mỹ "Tiếng hát át tiếng bom" của các vùng bắc vĩ tuyến 17.

Thấy có khả năng, Ty Văn hoá cho anh tham dự một số trại sáng tác của Bộ Văn hoá Thông tin, của Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam.

Vừa có vốn sống, nay được học hành, qua tuổi 40 cứng cáp, Ngọc Tranh viết khá chắc tay, đóng góp nhiều vở cho sân khấu địa phương. Bà con đùa vui không gọi tên anh mà gọi "Mẹt xáo" (nhân vật trong "Ổ khoá kho"), "Lão phó kham" (trong "Rổ cá chim") hoặc "Bác chăn vịt". "Những bước đi" là vở dài hơi (4 màn) ra mắt khán giả.

Nhập tỉnh Bình Trị Thiên, Ngọc Tranh giữ chức Phó Đoàn Kịch nói. Anh tiếp tục sáng tác và những vở mới lần lượt ra đời: "Mặt phẳng", "Ngọc hay là giá trị tình yêu", "Cha con người hát rong", "Đêm về sáng" (viết cho Đoàn Dân ca Kịch), "Vụ án ngược chiều", "Nước mắt và bạo lực", "Trái tim người mẹ", "17 năm tình hận" "Chim bằng trong bão tố" (viết cho Đoàn Tuồng Huế) chưa kể một số vở ngắn viết cho các đài vô tuyến truyền hình.

Sau vở "Tình yêu và tên cướp" được khắp nơi biết đến, tiếp vở "Cha con người hát rong" có 14 đoàn dàn dựng trong cả nước với những tựa đề khác nhau: "Mười năm cô đơn", "Chuyện tình người lính", "Bài ca tìm mẹ"...

Tiếp các vở: "Ông già và con chó" - giải 2 (không có giải 1), "Giấc mơ đẹp" (giải 3), "Nhất nhất" (độc tấu giải nhất), "Dậy mà đi" giải hội viên cao tuổi Uỷ ban toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam (năm 2000).

Năm 1997 Ngọc Tranh lên tuổi 65. Và chẳng hiểu run rủi thế nào lại gặp cô Hồ Thị Thanh Hoà, quê Thạch Hà - Hà Tĩnh, Hoà trước là văn công Trường Sơn, nghỉ chế độ thương binh loại 1, 81% chấn thương sọ não. Họ làm "lễ cưới" đơn giản ấm cúng đúng ngày sinh nhật của Hoà (19-8). Họ yêu nhau gắn bó như đôi uyên ương. Họ có căn hộ ở phường Kim Long. Nhờ các giải thưởng của cả hai người, căn hộ của họ được tu sửa khang trang dần. Hoà hàng ngày đọc sách, xem phim, làm thơ. Và thỉnh thoảng đi hát. Hoà hát các ca khúc kháng chiến, là những bài tủ của cô. Năm nào cũng được giải... nhỏ.

Sau 30 năm làm hội viên Hội nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam (1973-2003) Ngọc Tranh lên tuổi 71. Thành tích: 2 huy chương vàng, 7 huy chương bạc. Có 89 tác phẩm "trình làng" dưới nhiều hình thức. Nhưng muốn có 89 tác phẩm thành công thì anh có trên 200 tác phẩm viết ra.

Ngọc Tranh tâm sự: "Nghiệp đã gắn cho rồi nên phải làm việc siêng năng như con ong gây mật như con tằm nhả tơ. Tôi viết theo trái tim mình nên khi con tim đã rung lên thì không ai cản nổi. Dù thành công hay thất bại cũng cứ viết. Phía trước là tác phẩm!"

Huế, 20-6-2003
V.N
(176/10-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng