Đoàn chúng tôi gồm tác giả, đạo diễn, lý luận phê bình sân khấu, được Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam cử sang thăm Hội Nghệ sĩ sân khấu Trung Quốc và tìm hiểu sân khấu Trung Quốc trong giai đoạn mới. Khi đến Bắc Kinh mặc dầu trước mắt choáng ngợp bao nhiêu danh lam thắng cảnh có giá trị để tham quan, vì khi ở Việt Nam anh em chỉ mới đi du lịch Trung Quốc qua màn ảnh nhỏ nên ai cũng ao ước được đặt chân tận nơi, mắt xem tận chỗ như Vạn Lý Trường Thành, Cố Cung, Di Hòa Viên... Nhưng nhiệm vụ chủ yếu không thể nào lơ là đó là tìm hiểu sân khấu Trung Quốc. Nói đến sân khấu Trung Quốc thì thật là bao la, bao nhiêu dân tộc là bao nhiêu bộ môn, chỉ riêng tỉnh Quảng Đông cũng có gần 300 đoàn. Trong đó khoảng 100 đoàn do nhà nước tài trợ, toàn phần hay năm bảy chục phần trăm kinh phí, chủ yếu là các sân khấu dân tộc như kinh kịch, việt kịch... (Theo lời kể của bà Phượng Tổng thư ký Hội Sân khấu Quảng Đông). Sân khấu Trung Quốc và Việt trong giai đoạn hiện tại cũng khá giống nhau! Vì phim ảnh truyền hình gần như 24/24 giờ. Đa số cán bộ, công nhân, nhân dân ngày đi làm tối về cả gia đình bị thu hút vào các chương trình hay, đầy hấp dẫn của ty vi, vidéo màn hình tyvi đã len vào phòng ngủ của từng gia đình, không còn thì giờ đến rạp xem hát, xem diễn. Vì thế khách đến rạp ngày càng thưa vắng, một số đoàn nghệ thuật phải tạm nghỉ! Nhà hát trung tâm thành phố Quảng Châu gồm 3 tầng với 1.500 ghế ngồi, phương tiện hết sức hiện đại, trước đây các loại hình sân khấu hoạt động thường xuyên, nhưng nay mỗi tháng chỉ hoạt động nghệ thuật trên dưới mười buổi, còn thì chen vào các sinh hoạt khác để sống. Ngay ở thủ đô Bắc Kinh một số nhà hát sân khấu cũng vắng khách. Riêng kinh kịch,nhà hát mà chúng tôi được đến xem thì tồn tại tốt đẹp, hoạt động thường xuyên. Vì sao sân khấu kinh kịch Trung Quốc tại Bắc Kinh lại khả quan đến thế? Chúng tôi đến Bắc Kinh 2 hôm thì được trên bố trí cho đi xem kinh kịch, giờ mở màn là 19 giờ 30, nhưng người xem phải đến trước tại nhà hát lúc 18 giờ, vì đến đó không chỉ để xem diễn mà đầu tiên là xem bảo tàng tổng hợp kinh kịch, tiếp đó là ăn các món ăn dân tộc, sau cùng mới vào rạp xem diễn kịch. (Hình như trong giá vé người ta đã tính cả 3 khoản). Nhà hát chia làm ba phần, chính giữa là sân khấu, bên phải là nhà bảo tàng, bên trái là nhà ăn. - Nhà bảo tàng trưng bày khá tỷ mỷ về phục trang, hóa trang, nhạc cụ, phông cảnh qua từng thời kỳ, hàng trăm bộ phục trang kiểu mẫu khác nhau, hàng trăm khí cụ, mặt nạ nhân vật, râu tóc cờ xí đã tồn tại trên sân khấu kinh kịch hàng trăm, hàng ngàn năm trở lại đây, tiếp đó là tác phẩm, tác giả thật đầy đủ.Đúng là một sự sưu tầm bảo tồn hết sức công phu, người hướng dẫn, hướng dẫn cụ thể cho người xem, đặc biệt khách ngoại quốc.Chưa xem diễn chỉ mới xem bảo tàng đã thấy kinh kịch Trung Quốc hết sức vĩ đại (Mặc dù thì giờ ít ỏi chúng tôi chỉ mới cưỡi ngựa xem hoa). Sau khi xem bảo tàng thì qua bên trái là nhà hàng phục vụ các món ăn dân tộc, người phục vụ phục trang dân tộc, nói về các món ăn Trung Quốc thì chúng ta miễn bàn vì vừa lạ vừa ngon, chỉ đơn cử một món ăn quen mà lạ, món đầu tiên mà không thể nào quên. Không chỉ đẹp mắt, mà ngộ nghĩnh, kỹ thuật hầm, hấp, thật tuyệt vời, đó là con rùa, đặt trong một đĩa to để chính giữa bàn, đầu rùa vươn dài, chân duỗi, màu sắc như con rùa sống mà chúng ta thường xem nó bơi trong bể, con rùa đang trong tư thế bò nhanh, nhìn thật đẹp mắt. Nhưng khi người phục vụ cầm nĩa, xóc vào trên mai thì con rùa lập tức tan ra, từng mảnh, họ gắp bỏ vào chén cho khách ăn... Ăn vừa xong thì cũng đã đến giờ vào rạp. Sau khi xem bảo tàng kinh kịch tiếp đến ăn các món ăn dân tộc, lúc này, hình ảnh và hương vị của dân tộc đã choán ngập trong tâm hồn mọi người. (Giả dụ nếu lúc này vào rạp xem múa ba lê chắc là phần nào lạc lõng) Trước cửa rạp có bốn người trong trang phục dân tộc đứng thành 2 hàng, khách vào chỉ cầm vé trong tay (tấm vé to, có in hình nhà hát) cả 4 người cúi đầu chào lễ phép. Trong rạp không có số ghế cứ 4 người tự chọn 4 ghế đối diện nhau ở giữa là một bàn vuông, có khăn hoa trải, trên bàn đặt 6 đĩa kẹo và hoa qủa, một ấm nước trà thơm, 4 chén nhỏ để khách vừa xem, vừa ăn kẹo, uống nước, cứ khoảng 15 hay 20 phút thì tiếp viên lại ra rót nước vào ấm trà. Miệng nhấm nháp kẹo ngon, với chén trà thơm đặc biệt, mắt xem biểu diễn, anh em cùng nhìn nhau và thốt lên ôi ! tuyệt vời ! Chẳng biết dùng từ gì trong thời điểm này nữa. Đúng 7giờ 30 chuông rung, màn nhung hé mở người giới thiệu bước ra cũng trong trang phục dân tộc, họ giới thiệu bằng tiếng Trung Quốc, ngay lập tức trước tấm riềm trên sân khấu hiện lên hai hàng chữ chạy bằng điện tử, trên Hoa ngữ, dưới Anh ngữ, không cần thuyết minh, khách chỉ nhìn chữ là biết nội dung giới thiệu và chương trình biểu diễn hôm đó. Sau lời giới thiệu là trống nhạc vang lên, các nhân vật xuất hiện biểu diễn cũng như lần trước, diễn viên nói, hát, múa thì thì các hàng chữ trên riềm lại hiện ra mọi người đều đọc được, biết được ý nghĩa những lời họ đang hát, động tác họ đang diễn. Các diễn viên diễn thật hay, thật điêu luyện, chúng tôi cứ tưởng đây là thế hệ các diễn viên có tuổi nghề cao, nhưng sau khi diễn xong chúng tôi lên tặng hoa, bắt tay mới biết ngoài một số nghệ sĩ già thì hầu hết là thanh niên khoảng 20, 25 tuổi. Hôm đó chúng tôi được xem 3 trích đoạn mỗi trích đoạn khoảng trên dưới 30 phút, giống như chúng ta trích các đoạn hay trong Tạ Ngọc Lân lăn lửa của vở tuồng Đào Tam Xuân loạn trào, Vạn Bửu Trình Tường, Hộ Sanh đàn, Hoàng Phi Phổ lăn trướng... Có trích đoạn chỉ hai, ba nhân vật mà hấp dẫn, cuốn hút lạ thường, sau mỗi trích đoạn là những tràng vỗ tay không ngớt,hầu hết họ trích đoạn trong các pho tuồng cổ Trung Quốc. Hơn một giờ rưỡi xem kinh kịch mà thấy vẫn còn thèm xem thêm, vì tài nghệ diễn xuất của diễn viên thu hút khán giả. Ấn tượng đầu tiên của chúng tôi cứ tưởng rằng nhà hát này chỉ dành cho khách ngoại quốc, nhưng không phải, khách trong nước cũng đông, ngoài các cụ có tuổi thì rất đông nam nữ thanh niên, qua trao đổi mới biết họ đến xem tài nghệ diễn xuất của diễn viên, còn tuồng tích thì họ đã thuộc làu. Cũng như các cụ ta ngày xưa đi xem tuồng là để xem các diễn viên diễn còn tích thì có khi họ lại nhớ kỹ hơn diễn viên mới vào nghề. Sân khấu nhà hát kinh kịch đêm nào cũng sáng đèn, ngoài ra còn trích một số diễn viên đi biểu diễn phục vụ nhân dân, các cơ quan, trường học, làm sao để kinh kịch Trung Quốc phổ cập đến mọi tầng lớp nhân dân Trung Quốc. Nhân xem kinh kịch Trung Quốc nghĩ về ta, tuồng Việt và kinh kịch Trung Quốc giống như anh em song sinh. Tôi không có điều kiện nắm hiểu sân khấu tuồng toàn quốc nên không dám vớ đũa cả nắm. Ở đây tôi chỉ dám nói đến tuồng Huế trên đất cố đô. Tuồng Huế thịnh hành nhất từ thời các chúa Nguyễn như Nguyễn Phúc Khoát, ông nội Gia Long, Nguyễn Phúc Tuấn chú Gia Long ngày đêm say sưa hát bội. Vua Quang Trung đã diễn tuồng từ khi 12 tuổi lúc đầu gọi là chú hề Thơm, sau đó là kép chính các đoàn hát, ăn cơm tuồng cho đến khi cầm quân đánh giặc. (Nguyễn Huệ con người và sự nghiệp - NXB Khoa học Hà Nội 1967). Sau này các đời vua Minh Mạng, Thiêụ Trị, Thành Thái đều mê tuồng,đặc biệt vua Tự Đức được mệnh danh là cây đại thụ trong rừng văn hóa đại ngàn xứ Huế đã viết những pho tuồng đồ sộ như Vạn Bửu Trình Tường gồm 108 hồi được viết trong nhiều năm từ niên đại Tự Đức 1848 - 1883. Chính ông hoàng đế này đã tổ chức sáng tác đẻ ra nhiều tác phẩm tuồng Huế có giá trị. Các vở tuồng hay không chỉ diễn trong cung điện, trong Duyệt Thị Đường, Minh Khiêm Đường Thanh Bình Thự, mà còn đi diễn hầu hết các vùng từ thành thị đến nông thôn, chả vì thế hiện nay cứ đến ngày lễ, ngày tết là bà con vùng biển giành nhau mời đoàn tuồng Huế về biểu diễn đó sao! Đó là xưa, còn nay thì nhiều chuyện đáng bàn, ngay đến chỗ ở, chỗ tập của đoàn nghệ thuật truyền thống cũng tạm bợ không ổn định, nói gì đến nhà hát dân tộc nói gì đến khuếch trương chiến quả của cha ông ta ngày xưa! Nghị quyết 5 của Trung ương chỉ rõ : Xây dựng nền văn hóa Việt tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhưng đó là trong nghị quyết, còn làm thì chúng ta phải làm sao đây? Hiện nay ở Huế khách du lịch thập phương không phải là ít nếu chúng ta biết tổ chức giới thiệu thì chắc rằng người xem sân khấu dân tộc không phải hiếm! Lâu nay đoàn phục vụ khách tham quan, chủ yếu là múa hát cung đình, còn trích đoạn tuồng Huế thì thỉnh thoảng. Phải làm sao tuồng Huế phải len vào các trường học, cơ quan, xí nghiệp, nếu không thì một thời gian không xa khán giả sẽ lạ lùng với bộ môn sân khấu dân tộc này, đặc biệt là trong giới thanh niên. Tôi nhớ năm 1975 sau ngày thống nhất đất nước chúng tôi xem đoàn ca Huế của Quảng Bình vào phục vụ bà con Thừa Thiên Quảng Trị, cứ tưởng rằng nhân dân Huế sẽ vồ vập ca Huế nhưng ôi thôi ! đa số người từ 35 tuổi trở xuống đặc biệt là thanh niên, họ lắc đầu bỏ đi, vì đã từ lâu, họ quen với âm nhạc múa nhảy phương Tây, nhạc vàng rên rỉ, cải lương hài hước Sài Gòn! Còn món ăn dân tộc địa phương mình, do chính cha ông mình đẻ ra thì họ thờ ơ lạnh nhạt. Hiện tại ca Huế phát huy tốt nhưng không phải đến với quảng đại quần chúng mà nhờ phục vụ khách du lịch trên sông Hương (ca Huế trên sông). Nhân học tập Nghị quyết 5 của Trung ương tôi mạnh dạn đề xuất với tỉnh, Sở Văn hóa Thông tin, Hội Văn học Nghệ thuật cùng nhau bàn phương hướng tháo gỡ cho hai bộ môn sân khấu dân tộc ca Huế và tuồng Huế ngày càng tiếp cận với nhân dân, quần chúng đặc biệt trong giới thanh thiếu niên. Nếu ta không làm được như sân khấu kinh kịch Trung Quốc thì cũng học tập chút ít kinh nghiệm của bạn xây dựng cho mình, đáp ứng phần nào một mảng nhỏ trong Nghị quyết 5, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên mảnh đất Thừa Thiên Huế. 10/12/1998 NGỌC TRANH (nguồn: TCSH, 3.1999) |