Sân khấu Huế
Sức sống nghệ sỹ ưu tú Ngọc Bình trên sân khấu ca kịch Huế
16:11 | 18/11/2008
NGUYỄN THANH TÚCách đây hơn nửa thế kỷ, một gánh hát người Huế đang lưu diễn trên đất Bắc bỗng khựng lại giữa chừng khi nghe tin sông Bến Hải bị kẻ thù ngăn tuyến. Đôi bờ cách trở. Gánh hát với hai mươi số phận đẩy đưa khắp phương kiếm kế sinh nhai. Thôi thì họ gắn thân phận với đủ thứ nghề, phơi mặt với cơm gạo mắm muối, miễn sao trụ lại được trong cái thời bao cấp.

Ở gánh hát thời đó có cặp vợ chồng mới cưới, ông tên là Ngọc Yến, bà là Kim Oanh, họ là đôi “trai tài gái sắc” nổi danh khắp xứ Huế thời bấy giờ, nhưng rồi họ cũng phải chịu chung cảnh ngộ với những người đồng nghiệp của mình. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, Ngọc Yến tham gia vào Đội tuyên truyền tỉnh Hải Hưng một thời gian rồi sau đó về làm cán bộ thuế tại Lam Kiều - Hà Tĩnh. Năm 1957, gom cả số tiền bán nhà cửa, ông bà thành lập lại gánh hát rồi tiếp tục những chuyến công diễn ra tận Hà Nội. Chính gánh hát đó là tiền thân của đoàn ca kịch Trị - Thiên, sau này được Bộ Văn hoá Thông tin thành lập để phục vụ cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Bây giờ nghe qua lời kể của Tiểu Hoa - cô con dâu trưởng của NSƯT Ngọc Yến và nghệ nhân ca Huế Kim Oanh làm tôi liên tưởng đến tài năng nghệ thuật của NSƯT Ngọc Bình - anh con trai đầu được ông bà hoà chung giọt máu sinh thành, nuôi dưỡng và ước mơ gieo mầm ca hát diễn xướng từ những ngày anh còn thơ bé. Cho đến bây giờ, ước mơ của ông bà như phần nào đã được toại nguyện. Cả đại gia đình từ con trai, con gái, đến dâu rể, các cháu đều hoạt động ở lĩnh vực nghệ thuật ca hát chuyên nghiệp. Riêng Ngọc Bình cùng tài năng anh đã thể hiện, đang lấp lánh như một viên ngọc quý của sân khấu ca kịch Huế.

Ngọc Bình sinh ra ở Đồng Hới, mảnh đất thấm đẫm nắng mưa mang theo từng ngọn gió nồm thổi từ phía biển đậm đà vị mặn ngọt ngào. Có lẽ âm vang của biển, dòng sông Nhật Lệ và cả những câu hò khoan, hò hụi, vang theo nhịp chèo khua đã ban cho người dân nơi đây một cuộc sống giàu âm sắc. Với Ngọc Bình ngoài đặc ân đồng quê ấy, tuổi thơ anh còn được nghe, được nhìn những buổi tập, từng đêm diễn của nhiều nghệ sỹ tài năng cùng cha mẹ anh ở Đoàn Ca kịch Trị - Thiên. Trong môi trường ấy, vị ngọt của nghệ thuật ca hát cứ ngày một hun đúc niềm đam mê trong một tâm hồn vốn đã có “dòng máu di truyền”. Sau khi tốt nghiệp PTTH, Ngọc Bình quyết định lập nghiệp bằng con đường nghệ thuật sân khấu mà hai cụ thân sinh của anh đã đi qua. Từ những ngày đầu mới mẻ (1972) với niềm say mê nghệ thuật và năng khiếu bẩm sinh, dù chưa được đào tạo qua một trường chính quy nào nhưng với lối giảng dạy nghệ thuật truyền khẩu của cha mẹ và những nghệ sỹ cùng Đoàn, Ngọc Bình đã tiến bộ nhanh chóng.

Năm 1973, anh chính thức có vai diễn đầu tiên (Châu Tuấn trong vở “Thoại Khanh Châu Tuấn”) và đã để lại ấn tượng tốt đẹp với khán giả nhờ vào tài năng diễn xuất giàu tính sáng tạo, tự tin và giọng hát trầm ấm. Sau lần ra mắt đó, Ngọc Bình liên tiếp thành công nhiều vai diễn khác và dành nhiều giải thưởng cao quý tại các Hội diễn sân khấu chuyên nghiệp (SKCN) toàn quốc, khu vực như: vai Tà Lừng vở “Vòng tay oan nghiệt” (HCV - Hội diễn SKCN năm 1985). Hội diễn trở về anh gánh trên vai mình vai trò của một Phó đoàn, công việc lãnh đạo không làm anh hờ hững với con người nghệ sỹ đích thực trong mình. Năm 1990, Ngọc Bình dành HCV - Hội diễn SKCN với vai Đức trong vở “Lời trăn trối”; vai Kiếm trong “Rừng sương đỏ”; vai Si Ma trong vở “Truyền thuyết tình yêu”... Đặc biệt, NSƯT Ngọc Bình là một trong số ít các nghệ sỹ Việt thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ trên sàn diễn SKCN. Năm 2000, lần đầu tiên anh thử sức qua vở diễn “Ca múa nhạc sử thi" nhân kỷ niệm 70 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Ngọc Bình thể hiện hình tượng Bác Hồ đã để lại ấn tượng sâu sắc trong khán giả nhiều vùng miền từ Cà Mau, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình, Nghệ An... Chính sự thể hiện xuất sắc này thêm một lần nữa tái hiện trong vở “Hương sen đất Việt”, NSƯT Ngọc Bình đã vinh dự được trao giải B - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô Huế lần thứ 3 (năm 2004).

Viết về con người nghệ sỹ trong anh, ngoài tố chất một diễn viên tài hoa, Ngọc Bình còn là đạo diễn “mát tay” của hơn 100 vở diễn ở nhiều thể loại như: ca kịch, kịch nói, ca nhạc của SKCN, quần chúng. Ở đâu Ngọc Bình cũng để lại nét riêng của mình từ tính cách nhân vật, bố cục sân khấu đến âm nhạc. Sự thành công của anh trong lĩnh vực này một phần lớn nhờ vào năng khiếu bẩm sinh (NSƯT Ngọc Bình đã đảm nhiệm vai trò đạo diễn từ năm 1984). Nhưng có lẽ để khẳng định vị trí của một đạo diễn sân khấu chuyên nghiệp chắc tay, Ngọc Bình đã theo học và tốt nghiệp Khoa đạo diễn trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội năm 1995. Thành công đó của anh được thể hiện qua các vở diễn: “Duyên kỳ ngộ” (Giải đạo diễn xuất sắc - Hội diễn vùng Duyên hải phía Bắc năm 1996); vở “Điều không thể mất” (Giải đạo diễn xuất sắc - Liên hoan SKCN các tỉnh phía Bắc năm 2001); vở “Vú cát” (Giải đạo diễn xuất sắc - Liên hoan SKCN các tỉnh phía Bắc năm 2003)...

Ngoài việc tự khám phá để khẳng định mình qua các vai diễn bi, hài, già, trẻ đến vai trò một đạo diễn xuất sắc trước bầu trời nghệ thuật rộng lớn, Ngọc Bình còn viết và chuyển thể nhiều kịch bản sân khấu có chất lượng và là người nghệ sỹ mẫu mực có sức cảm hoá nghề nghiệp đến nhiều thế hệ diễn viên cùng Đoàn. Năm 1995 anh vinh dự được giữ trọng trách Trưởng đoàn. Trước trách nhiệm, niềm đam mê nghệ thuật cùng lòng nhiệt tình, Ngọc Bình lặn lội khắp nơi kêu gọi anh chị em đang lưu lạc với  nhiều nghề khác nhau trở lại Đoàn luyện tập xây dựng các chương trình mang đậm bản sắc Huế. Dưới sự dìu dắt của anh, sự tận tụy của anh chị em trong Đoàn đã từng ngày khẳng định sự ảnh hưởng của sân khấu ca kịch Huế đối với người xem trong và ngoài nước. Với 75 anh chị em nghệ sỹ, ngoài các chương trình công diễn, Đoàn ca kịch Huế thường xuyên đảm nhiệm trình diễn ở các chương trình Lễ hội, Đại hội trong Tỉnh. Sự dẫn dắt của Trưởng đoàn NSƯT Ngọc Bình và tập thể lãnh đạo Đoàn, đoàn ca kịch Huế hiện nay đang từng bước hoạt động theo phương thức của một Nhà hát (Ca kịch Huế - Ca múa nhạc) trong niềm đam mê nghệ thuật và sự cống hiến hết mình của anh chị em nghệ sỹ trong Đoàn. Vì vậy, năm 1997 đoàn ca kịch Huế vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng 2.

Không chỉ dừng lại ở sự thành công trong lĩnh vực sân khấu, trong lĩnh vực điện ảnh anh cũng đã nhiều lần thử sức. Lần đầu tiên Ngọc Bình đến với điện ảnh qua vai trung tá Đậu trong phim “Nhận Huế làm quê hương”; vai thầy bói trong phim “Đêm hội Long Trì”; vai tri huyện Thanh Chương trong “Tùng quang tâm sử”. Dù chưa được đánh giá cao, nhưng người xem khó quên một trung tá Đậu có sắc thái gương mặt đầy vẻ đểu giả của tên sỹ quan ngụy bán nước. Qua các vai diễn, Ngọc Bình đã tự vượt được qua ranh giới của nghệ thuật sân khấu mà không ít diễn viên đóng phim thường mắc phải. Có được sự thành công đó phải chăng nhờ vào một chút duyên thầm của người nghệ sỹ trong anh, của người biết chiêm nghiệm và tìm tòi. Những kinh nghiệm quý báu, ý thức khám phá và tình yêu nghệ thuật thứ 7 sẽ là động lực thúc đẩy anh đến với những thước phim mới đang chờ ở phía trước thời gian.

Với bài viết ngắn ngủi này, chưa thể nói hết thành tích mà NSƯT Ngọc Bình đã làm được trong hơn 30 năm hoạt động nghề nghiệp, chỉ phần nào ghi nhận sự cống hiến của anh đối với nghệ thuật nói chung và sân khấu ca kịch Huế nói riêng. Điều đó cũng là tâm niệm sẻ chia của anh: “Với tôi, được biểu diễn, dàn dựng, tham gia công tác nghệ thuật là nguồn cảm hứng tuyệt vời... Được sinh ra và trưởng thành trong một gia đình mà từ cha mẹ, anh chị, dâu rể, các cháu, và ngay cả người bạn đời đều làm công tác nghệ thuật nên sự đam mê nghệ thuật đã thấm vào máu thịt, tâm hồn tôi. Ý thức rèn luyện, tự nâng cao phẩm chất, đạo đức, năng lực sáng tạo nghệ thuật trở thành con người mới trong chế độ XHCN là niềm cổ vũ, động viên với mình”. Vâng, đỉnh cao của nghệ thuật luôn ở phía trước, còn con đường của người nghệ sỹ để vươn tới đỉnh cao ấy rất lắm chông gai, thử thách và cũng tràn ngập ánh hào quang! Vậy, tôi thành tâm chúc anh luôn “chân cứng đá mềm”.
 
Huế, tháng 10/2005
 N.T.T

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vọng thời gian (17/10/2008)