Sân khấu Huế
Nhà văn Trần Thanh Mại, luật sư Phan Anh và tham tá Hồ Thu Quê năm 1936 diễn kịch nghiệp dư vở “Hernani” của Victor Hugo
11:04 | 13/04/2009
THÁI VŨNhà văn Trần Thanh Mại và nhóm Hồ Thu Quê đã hai lần diễn những vở kịch nghiệp dư tại thành phố Huế để quyên tiền ủng hộ đồng bào bị nạn đói ở Nghệ Tĩnh: lần thứ nhất vở Hernani của Victor Hugo được diễn vào năm 1936 trong phong trào Mặt trận bình dân và vở Kinh Kha vào năm 1945, trước Cách mạng tháng Tám, trong thời kỳ chính phủ Trần Trọng Kim.
Nhà văn Trần Thanh Mại, luật sư Phan Anh và tham tá Hồ Thu Quê năm 1936 diễn kịch nghiệp dư vở  “Hernani” của Victor Hugo

Xứ Huế thuở đó, vào những năm 30, hình thức diễn xướng Ca cung đình (hay Ca thính phòng) Nói vè dường như dần bị hình thức biểu diễn kịch hát lấn át. Đó là những năm đầu của thoái trào cách mạng sau vụ Yên Bái và Xô viết Nghệ Tĩnh cũng như nạn khủng hoảng kinh tế 30-31, nhưng lại có chiều hướng đi lên và dần phát triển ngấm ngầm của tinh thần yêu nước khi cụ Phan Bội Châu bị đưa về Huế giam lỏng để rồi trở thành Ông Già Bến Ngự. Thời gian đó, ở Huế có khá nhiều gánh kịch hát Huế do các ông bầu tư nhân chủ trương, cũng đồng thời là tác giả các vở ca kịch thường diễn ở các rạp quen khách như rạp Bác Hoà, hay rạp Đồng Xuân Lâu, thường gọi là rạp bà Tuần; còn nội thành thì có gánh hát, chủ yếu là tuồng do mẹ Bảo Đại là bà Từ Cung đỡ đầu, cũng như đoàn của bà Chúa Tám (con gái vua Thành Thái) có vợ Trần Thanh Mại là chị Phan Thị Yến làm diễn viên, từng được Nam triều tặng hai Bắc Đẩu bội tinh. Tình hình ca kịch như thế, nên trong phong trào học sinh yêu nước, ảnh hưởng của cụ Phan, có lần nữ sinh trường Đồng Khánh đã tổ chức diễn vở Trưng Nữ Vương.

Khoảng năm 1935-1936, nông dân hai tỉnh Hà Tĩnh và Nghệ An cùng dân nghèo thành thị lâm vào nạn đói, một số công chức và trí thức ở Huế chịu ảnh hưởng của kịch hát Huế, đã họp nhau diễn kịch để quyên tiền ủng hộ nạn đói Nghệ Tĩnh... Trần Thanh Mại, với sự hỗ trợ của người bạn cùng Sở Kho bạc là Hồ Thu Quê - chính là người năm 1936 hướng dẫn vua hề Charlot du lịch thăm thắng cảnh và lăng tẩm xứ Huế, khi Chalie Chaplin ghé Đông Dương – kéo đám công chức bạn bè trẻ tổ chức diễn kịch, sau khi hỏi mượn được khung diễn không mất tiền thuê của Viện Dân biểu Trung Kỳ, nằm gần cầu Ga, bên số lẻ đường Lê Lợi hiện nay, lúc đó do cụ Huỳnh Thúc Kháng là Viện trưởng. Đã diễn kịch bằng tiếng Pháp lại chọn ngay vở kịch Hernani của Victor Hugo, diễn viên phải nói bằng tiếng Pháp nguyên y kịch bản.

Cụ Hồ Thu Quê, đã 83 tuổi (năm 1993) kể: “Chúng tôi đã phân vai và chia nhau học thật thuộc vai nhân vật mình sẽ đóng. Trần Thanh Mại vai tướng cướp Hernani, Hồ Thu Quê vai vua Don Carlos, Phan Anh cải trang đóng vai nữ Dona Sol, một anh bạn người Pháp cũng mê kịch là Henri Richard đóng vai bá tước già Don Ruy Gomez. Mấy bạn khác là Vinh, Tôn Thất Phùng (bác sĩ), Hoành, Phạm Giao (con cả Thượng thư Phạm Quỳnh), Tư và Song thì đóng vai lính cận vệ... ”

Hernani là vở kịch đầu tiên của Victor Hugo, lúc đó (1830) mới 28 tuổi, được thoát kiểm duyệt ra trình diễn trước công chúng Pháp. Tác phẩm được viết năm nhà văn 27 tuổi. Đó là vở kịch lấy bối cảnh xã hội Tây Ban Nha thế kỷ XVI, trước khi vua Tây Ban Nha là Don Carlos trở thành hoàng đế Charles Quint của đế chế Đức. Đại khái, đã từ lâu tướng cướp Hernani luôn tìm cách theo đuổi vua Don Carlos để trả mối thù Carlos đã giết cha mình. Trong thời gian đó, tình cờ Hernani gặp Dona Sol, là cháu gái cũng là vợ chưa cưới của bá tước già Don Ruy Gomez. Vua Carlos cũng mê Dona Sol nên tìm cách bắt cô ta làm con tin. Vậy là Ruy Gomez phải liên kết với Hernani, tuy rất căm thù chàng trai trẻ. Y hẹn nếu có tiếng tù và thì Hernani phải uống thuốc độc tự tử. Sau đó, Don Carlos được bầu làm hoàng đế đế chế Đức và bắt giam tất cả những ai đã bội phản, trong đó có Hernani và Ruy Gomez. Nhưng nhà vua lại khoan dung, tha Hernani và cho kết hôn với Dona Sol. Đêm tân hôn, lão bá tước Don Ruy Gomez trả thù, thổi tù và, Hernani giữ lời hứa, mặc dầu Dona Sol can ngăn, nhưng chàng ta vẫn uống thuốc độc tự tử. Dona Sol thất vọng chết theo...

Nội dung kịch bản quả thật hấp dẫn, Trần Thanh Mại, Phan Anh, Hồ Thu Quê và đám bạn say mê tập dượt, lại dán quảng cáo rùm beng. Đến khi coi như các vai diễn đã nhập, chợt nhìn quảng cáo ngày diễn thì chỉ còn 7 ngày! Bảy ngày? Chao ôi, chưa có phông màn, nguy nữa lại chưa có trang phục kiểu thế kỷ XVI, chứ nói gì son phấn để hoá trang. Tiền thì khỏi lo vì các nhà hảo tâm đã giúp khá nhiều, còn cái lo nữa là Khâm sứ Huế, Yves Châtel cũng hứa đi xem. Có thể cả vua Bảo Đại và mấy quan triều như Thượng thư Phạm Quỳnh nữa...

Nhưng rất may, tháng tư năm đó (1936), Công sứ cũ ở Huế là M. Devé, sau khi dự Triển lãm Quốc tế thuộc địa ở Pháp đã qua lại Huế. Devé là người ham thích nghệ thuật, giỏi về nghệ thuật sân khấu, am hiểu mỹ thuật, lại là quan thầy của Hồ Thu Quê và Trần Thanh Mại. Vậy là Trần Thanh Mại và Hồ Thu Quê đến nhà riêng gặp Devé trình bày sự tình. Devé nghe xong, đi đi lại lại dáng suy nghĩ rồi bỗng hỏi: “Ai chọn vở nầy?”

Mại và Quê lúng túng rồi Quê chỉ Mại. Devé nhìn Trần Thanh Mại và hỏi: “Anh có biết vở Hernani của Victor Hugo được diễn bắt đầu từ năm nào không?”

Trần Thanh Mại đáp là năm 1830, Devé nói luôn: “Như thế, đến nay vừa trên 100 năm! Anh biết tại Paris, vở ấy được diễn bao nhiêu lần không? (ông ta nói luôn) khoảng 3 hay 4 lần, không nhiều hơn! Thế mà ngay tại đây, tại xứ Huế nầy, các anh lại... liều!”.

Trần Thanh Mại và Hồ Thu Quê ngồi ngớ ra. Devé hỏi dồn: “Còn trang trí? Trang trí thế kỷ XVI đó? Lại quần áo, nghĩa là trang phục nữa?”.

Cả Trần Thanh Mại, Hồ Thu Quê trong bụng đều rủa ngầm cái tên nguyên Khâm sứ Huế đầy quyền hành và hách dịch đó. Quả thật thời đó, xứ Huế tuy có ca kịch ảnh hưởng cải lương Nam Kỳ, nhưng nghệ thuật biểu diễn còn đơn giản. Các diễn viên nam thì bận áo dài, đội khăn xếp, đi giày hạ, cầm quạt, là vai quan thì đeo thẻ bài, diễn viên nữ bận áo dài màu, đi giày mũi thêu cườm hay bện dừa. Diễn vở Hoạ sĩ Ngọc hay Lấy nhau vì tình thì có bận theo Âu phục ...  chứ ăn bận theo cái kiểu... thế kỷ XVI thì... chịu, chỉ biết sơ sơ qua sách.

Devé hỏi dồn: “Đọc Souvenirs (Những kỷ niệm) của A. Dumas chưa? Cả Histoire du romantisme (Lịch sử chủ nghĩa lãng mạn) của Théophile Gauthier nữa?”. Trần Thanh Mại thú vị cười, khẽ gật đầu tỏ ý đọc rồi. Devé lúc nầy vui hẳn lên, nói luôn: “Đọc rồi, Hernani là vở khởi đầu cho cuộc “đánh nhau” giữa phái cổ điển và phái lãng mạn, mở đầu cho một hướng sáng tác mới trong văn học... ”. “Trận chiến Hernani” – la bataille Hernani, như lịch sử văn học Pháp vẫn gọi, bởi rằng ngay buổi diễn lần đầu vở ấy, hai phái đã công kích nhau, gần như đánh nhau kịch liệt. Vì vậy, khi Devé nhắc, Trần Thanh Mại nhớ ngay bài A. Dumas đã viết là lúc ấy nhà thơ A. de Vigny mặc áo gi-lê màu đỏ chói, thắt ca-vát cũng màu đỏ chói trên sân khấu, Hernani, tên cướp, “mặc áo giáp tay áo màu đỏ tía còn quần thì màu xanh biển, nàng Dona Sol mặc toàn đồ trắng, vua Carlos mặc áo giáp vàng... ”

Cuộc gặp gỡ coi như đạt kết quả... quá mỹ mãn ngay hôm đó, Devé đã tích cực giúp vẽ kiểu áo, chọn màu áo cho mỗi nhân vật trong vở Hernani. Kỳ công của đám “nghệ sĩ nghiệp dư” Trần Thanh Mại, Hồ Thu Quê và Phan Anh là chỉ trong vòng đúng ba tuần với Devé làm cố vấn, đạo diễn, lại kiêm cả họa sĩ trang trí mọi thứ nội thất, vẽ các kiểu áo quần, mũ đội, giày đi... cho từ vua Carlos, Hernani, Dona Sol, cho đến lính cận vệ, cờ xí, gươm giáo... theo đúng kiểu thế kỷ XVI. Mọi chi tiết đều xong xuôi, đúng đêm diễn.

Ngay đêm diễn khai mạc, ngoài Khâm sứ Huế Yves Châtel cùng đông đảo công chức người Pháp và đám quan triều như Phạm Quỳnh, vua Bảo Đại và cả Nam Phương hoàng hậu cũng đến xem. Không khí buổi diễn phấn chấn hẳn lên. Đến đoạn bá tước Ruy Gomez chỉ Hernani (Trần Thanh Mại) hỏi “Người nào đấy?”, vua Carlos đáp: “Đó là đứa theo (hầu) ta”. Thế là Hernani tiến lên một bước (nhìn xuống Bảo Đại và Khâm sứ Châtel), tự nói một mình: “Đứa theo mi? Ôi tên vua! đứa theo mi? Chính là ta. Ngày và đêm, ta theo mi từng bước”. Ý nói là Hernani luôn theo bước vua Carlos để trả thù cha, vậy mà Bảo Đại cũng như Châtel ngồi im...

Mấy hôm sau, Hải Triều Nguyễn Khoa Văn gặp Trần Thanh Mại, đã nói: “Vở Hernani chống phái cổ điển, nghĩa là chống phong kiến và bảo thủ, vậy mà họ im re” (chỉ Bảo Đại và Châtel). Chủ nghĩa lãng mạn đã thắng, văn học lãng mạn đã thắng là phải.


Hẳn những ai - nay đã cao tuổi - trước Cách mạng tháng Tám-1945, học Trung học, lớp Đệ Tứ, đều nhớ giai đoạn chuyển tiếp văn học cổ điển (với Cerneille, Racine) qua văn học lãng mạn năm 1830 (với A. de Vigny, Lamartine, Chateanbriand và nhất là Victor Hugo với vở kịch Hernani) đã gây nên Trận chiến Hernani một thời đầy hào hùng của lớp văn nghệ sĩ Pháp đầu thế kỷ XIX.

T.V

(200/10-05)

Các bài mới
Các bài đã đăng
Vọng thời gian (17/10/2008)