Thế giới sắc màu
Vài dòng về tranh tượng & ảnh khỏa thân
08:56 | 29/06/2012

UYÊN HUY

Họa sĩ, Nhà giáo Nhân dân;
Chủ tịch Hội Mỹ Thuật TP Hồ Chí Minh

Vài dòng về tranh tượng & ảnh khỏa thân
"Ngày và đêm" - tranh Uyên Huy

Trừ những người mù bẩm sinh… không một ai trong đời mà không từng nhìn thấy những hình ảnh khỏa thân của con người, ít nhất cũng là được tự nhìn ngắm mình hay người rất thân của mình.

“Con người là cái đức của trời đất” (“Nhân, thiên địa chi đức”). Thân thể đẹp của con người là do tự nhiên và do zen di truyền từ chủng tộc, dân tộc, gia tộc… thậm chí cả quá trình luyện tập và gìn giữ. Hạnh phúc thay cho những người có thân thể đẹp và cũng hạnh phúc thay cho những nghệ sĩ đã ghi nhận, phản ánh vẻ đẹp ấy để cho mọi người cùng thưởng thức.

Là nghệ sĩ mỹ thuật hay nhiếp ảnh thực sự sống bằng nghệ thuật, bằng sự say mê sáng tạo để đi tìm, phát hiện cái mới, nét độc đáo và phản ánh chúng bằng tài năng nghệ thuật… luôn có lòng tự trọng nghề nghiệp, không ai dại gì dấn thân vào việc đưa ra những tác phẩm tầm thường để rồi bị mang tiếng là có đầu óc khiêu dâm, đồi trụy.

Hơn một tháng nay, trên báo chí đều có những thông tin về sự đánh giá ảnh khỏa thân (nude). Bản thân tôi cũng nhận thấy một số nhà nhiếp ảnh có tài năng thực sự… Các anh đã cống hiến những hình ảnh khỏa thân mang tính nghệ thuật cao, hoàn toàn không có tính gợi dục, không giống như hình ảnh trong tạp chí Play Boy… Có chăng còn vài ảnh mà tư thế người mẫu chưa tự nhiên lắm. Tôi chưa được xem những bức ảnh mang tính khiêu dâm của ai đó. Nếu có thực thì đây không phải là nghệ sĩ nhiếp ảnh và cũng không phải là nghệ thuật.

Năm 1997, bản thân tôi (cũng với bút hiệu này) đã mạo muội trình bày ý tưởng, quan niệm của mình về thể loại tranh tượng khỏa thân. Bài viết hồi ấy có tên là “Hình tượng khỏa thân trong các tác phẩm điêu khắc”. Bài này đã được đăng trong tạp chí Mỹ Thuật Thời Nay (khổ nhỏ).

Cách đây hai năm, tại thành phố Hồ Chí Minh có một tác phẩm của một họa sĩ lão thành vẽ một cảnh thiếu nữ khỏa thân tắm suối (với góc nhìn xa) nhưng cũng được “đề nghị cất đi”. Điều này đã gây ra dư luận không hay hồi ấy. Qua đó cho thấy người duyệt cho phép triển lãm không hiểu chút nào về mỹ thuật mà chủ yếu là sợ trách nhiệm cho cá nhân mình.

Trên thực tế nếu những cán bộ văn hóa mà chịu khó thâm nhập vào các trường mỹ thuật để hiểu rằng vẽ nghiên cứu con người ở trạng thái khỏa thân là môn học bắt buộc. Bản thân tất cả các nghệ sĩ chuyên nghiệp vốn kinh qua trường lớp thì việc vẽ khỏa thân đối với họ là một yêu cầu quan trọng của môn vẽ hình họa. Người học được giảng dạy và được vẽ nhiều thế dáng đối tượng khỏa thân từ người già, thanh niên và thanh nữ. Các bài học được phân loại, đánh giá và chấm điểm.

Thông thường để đánh giá một bài hình họa người ta phải dựa vào ba tiêu chuẩn chủ yếu như sau: Tính trung thực, tính khoa học và tính nghệ thuật.

Tính trung thực là vẽ phải giống mẫu, giống các đặc điểm về thế dáng, cấu trúc cơ thể học, phái tính, lứa tuổi… nhưng phải qua sự tinh lọc hình tượng. Ở trình độ cao hơn thì tính trung thực còn là cảm xúc có thật của người vẽ trong quá trình thể hiện bài.

Tính khoa học chính là vẽ đúng cơ thể học, các bộ phận trên cơ thể lắp ráp với nhau không sai cấu trúc cơ thể học. Tính nghệ thuật chính là trình độ thẩm mỹ của người vẽ thông qua tài năng diễn tả, đôi phần thể hiện cá tính của người vẽ nữa. Bài vẽ mà thiếu yếu tố thứ ba thì không bao giờ được đánh giá cao, cho dù vẽ cực kỳ giống mẫu. Tất cả những nghệ sĩ sau khi rời nhà trường thì điều quan tâm của họ là trình độ nghệ thuật, cái riêng. Họ tự do sáng tạo để thể hiện cái Tôi của mình. Vẽ tranh khỏa thân cũng nhằm mục đích này mà thôi. Do đó, khi vẽ tranh, thì khái niệm về sự trung thực với mẫu không được đặt nặng lắm. Họ không vẽ giống như những nhà họa hình ngoài phố.

Vẽ, làm tượng khỏa thân đã trở thành thói quen của các họa sĩ, nhà điêu khắc. Họ thực hiện việc này hoàn toàn vì động cơ chủ yếu là sáng tạo nghệ thuật. Họ đã chán yêu cầu vẽ giống, mô tả người mẫu khỏa thân.
 

“Các cô gái vùng Avignon” tranh họa sĩ Picasso


Hiện nay trong dòng tranh khỏa thân thường theo hai hướng như sau: Một là vẽ tả thực mang tính nghệ thuật. Không chủ yếu diễn tả những phần nhạy cảm. Hai là vẽ theo sự sáng tạo chủ quan, hình khỏa thân chỉ là cái cớ để diễn tả ý tưởng. Thí dụ họa sĩ Klim (người Áo) diễn tả hai hình khỏa thân nữ một già cỗi, một mơn mởn, đầy sức sống. Cách tạo sự tương phản này có nhiều nhà nhiếp ảnh đang sử dụng. Đa số đều theo hướng thứ hai.

Trong lãnh vực mỹ thuật thì hình vẽ hay hình tượng nghệ thuật hoặc ảnh nghệ thuật không phải là bản thân đối tượng mà là chính là sự thể hiện cách nhìn riêng của nghệ sĩ đối với đối tượng ấy. Chính “cách nhìn” thể hiện thị hiếu thẩm mỹ, trình độ nghệ thuật, kinh nghiệm chuyên môn, sự sáng tạo, tài năng cái riêng cùng với khả năng biểu đạt, của nghệ sĩ.

Trong lãnh vực nghệ thuật nhiếp ảnh cũng vậy, khi quyết định bố trí người mẫu để chụp khỏa thân thì người nghệ sĩ cũng xuất phát từ động cơ sáng tạo nghệ thuật, vì cái hay, cái mới, sự độc đáo, tính nghệ thuật được bộc lộ qua cách nhìn, quan niệm về ảnh nghệ thuật khỏa thân cùng với trình độ tay nghề, thị hiếu thảm mỹ của nhà nhiếp ảnh. Trong mỹ thuật hay nhiếp ảnh thì sự hòa quyện giữa cái Đẹp, cái Thực và chất Thơ cũng là yêu cầu để đánh giá tác phẩm.

Cho nên, người nghệ sĩ nhiếp ảnh cũng bố trí, sắp xếp bố cục người mẫu thực theo nhiều thế dáng để động tác của cơ thể tạo nên nhịp điệu nào nhằm mục đích làm cho hình và khối của toàn thân bộc lộ nét đẹp theo ý muốn của tác giả.

Nghệ thuật nhiếp ảnh là nghệ thuật vẽ bằng ánh sáng. Chính sự bố trí ánh sáng làm sao cho nó tác động vào toàn thân người mẫu một cách thẩm mỹ nhất. Ánh sáng mạnh hay yếu tác động hợp lý vào những chỗ cần thiết để tạo hiệu quả về tạo hình (có khi nhà nhiếp ảnh sử dụng thủ pháp ngược sáng). Cũng có khi nghệ sĩ nhiếp ảnh phải chọn nhiều vị trí, thay đổi các tác động ánh sáng để chụp, điều chỉnh độ bắt sáng và từ đó chọn ra bức ảnh đạt yêu cầu thẩm mỹ nhất. Cũng có trường hợp tác giả chủ ý biến hình khối của thân thể người mẫu trở thành cảm giác về đường nét và nhịp điệu của ánh sáng mà thôi.

Như vậy thì việc chụp ảnh khỏa thân để mô tả những bộ phận gợi cảm đâu phải là mục tiêu của nghệ thuật nhiếp ảnh. Bởi lẽ đó là mục đích của các phóng viên tạp chí Play Boy hay Pen House? Thật ra thì trình độ của các nhà nhiếp ảnh của các tạp chí này không phải dở nhưng mục tiêu của họ khác với những nhà nhiếp ảnh khỏa thân nghệ thuật.

Trong trường hợp một ảnh bị cho là ảnh “khiêu dâm” thì phải hội đủ ba yếu tố cơ bản sau đây:

Một là nhà nhiếp ảnh cố tình bố trí tư thế, hành động mang tính kích dục mà chúng ta thường thấy ở phim sex. Hai là bản thân người mẫu cũng có những động tác, ánh mắt diễn tả cho đạt ý muốn của nhà nhiếp ảnh. Ba là nhà nhiếp ảnh cố tình chọn góc nhìn, tầm nhìn, bố trí ánh sáng chỉ để đặc tả những bộ phận nhạy cảm. Nếu chúng ta thấy rõ ba động cơ này thì mới quy cho nhà nhiếp ảnh có ý tưởng không lành mạnh.

Nếu bản thân tranh hay ảnh không có những yếu tố này thì sự quy kết “khiêu dâm” là do trí tưởng tượng của người đánh giá… thậm chí họ không hiểu thế nào là đạo đức hay nghệ thuật.

Trong thực tế sáng tạo của lĩnh vực nghệ thuật thị giác thì hai yêu cầu “tả” và “gợi” luôn luôn được nghệ sĩ quan tâm. Ở trình độ cao thì “khả năng gợi” đi đôi với tính sáng tạo và “gợi” ở đây có hàm ý về hiệu quả của sự tinh lọc, diễn ít nhưng hàm xúc. Nó là sự khêu gợi trí tưởng tượng trên nền tảng thẩm mỹ của nghệ thuật thị giác.

Như vậy, phải chăng những người đánh giá tranh ảnh khỏa thân chỉ chăm bẳm vào hình người không mặc quần áo? Họ chỉ chú trọng đến cái gọi là “phạm trù đạo đức” mà bất cần nghệ sĩ, bất cần cả trình độ đánh giá nghệ thuật một cách phiến diện của chính mình thì đây là điều đáng tiếc. Chính họ đã và đang làm chùn bước sự sáng tạo của nghệ sĩ!

Xưa kia khi bàn về nghệ thuật và đạo đức thì tu sĩ Dr. Carlos Cardo, thầy tu dòng Barcelone đã phát biểu khi tổng kết hội nghị về Nghệ thuật và đạo đức: “Nếu tranh khỏa thân là đẹp, thì ở đó nó diễn tả được sự thuần khiết và trong sạch mà tính thẩm mỹ triệt tiêu được tất cả mọi hình thái nhục dục. Ở đó, người nghệ sĩ đã có ý thức diễn tả với kinh nghiệm và sự lịch duyệt… và vì vậy chính nó là đạo đức…”.
 

“Thiếu nữ đứng” của nhà điêu khắc Pháp  Gaston  Lachaise

Như đã nêu thí dụ về tác phẩm của họa sĩ người Áo là Klim ở trên thì trong thực tế việc sáng tạo ra hình tượng khỏa thân có khi chỉ là cái cớ để họa sĩ, nhà điệu khắc thể hiện ý tưởng của riêng mình. Chúng ta hãy xem hai pho tượng vô cùng độc đáo của nhà điêu khắc người Pháp tên là Gaston Lachaise: Ở bức tượng tên là “Ngọn núi” ông đã tạo hình một pho tượng khỏa thân nữ ở tư thế nằm mà toàn thân như là một khối thịt tuôn chảy nhão nhoẹt. Còn ở bức tượng thứ hai ông đã tạo hình mội nữ khỏa thân với thế đứng đồ sộ, hình khối chắc nịch, tuyệt đẹp với tên gọi là “Thiếu nữ đứng”.

Còn nữa, các tác phẩm tuyệt đẹp bằng đá cẩm thạch của nhà điêu khắc James Pradier với chủ đề “Thần dê và Bacchante”. Nhà điêu khắc Michel Angle với kiệt tác “Pietà và pho tượng Davis. Đây là những tác phẩm kinh điển diễn tả như thực thể đẹp không phải vì chủ nghĩa duy mỹ mà chính là vì yêu cầu lột tả của đề tài hay chủ đề.

Vào thời kỳ Phục Hưng, cũng chính nghệ sĩ vĩ đại Michel Angle, người được cho là có “bàn tay vàng” vì khả năng toàn diện về điêu khắc lẫn hội họa của ông. Ông đã sáng tác nên bức tranh khỏa thân lớn nhất trong lịch sử mỹ thuật thế giới từ trước đến nay với 354 nhân vật đều không có mảnh vải che thân. Đó là những hình tượng trong bức tranh mà ông vẽ trên nóc Thánh đường Sixtine khi được yêu cầu sáng tác về “Ngày phán xét cuối cùng”. Bức tranh này ông vẽ dưới sự cho phép của Đức Giáo Hoàng Paul III. Nhưng sau đó bị công chúng phản đối. Cuối cùng ông đành phải vẽ thêm những mảnh vải che lên thân thể như chúng ta đã thấy ngày hôm nay. Điều này nói lên rằng có khi những nhà đạo đức chính thống cũng không quá hẹp hòi.

Như vậy những nghệ sĩ tài danh như James Pradier, Michel Angle. Gaston Lachaise… làm tác phẩm đâu phải vì mục đích là tạo ra tranh tượng khỏa thân mà vì những ý tưởng lớn hơn, độc đáo hơn.

Ngoài những tác phẩm khỏa thân đẹp mang tính hàn lâm của Ingres, Ruben thì các tác phẩm của Modigliani, El Greco đâu phải vì động cơ mô tả cơ thể đẹp. Chúng ta hãy quan sát chân dung, đôi mắt ở hình tượng khỏa thân của họa sỹ Modigliani không bao giờ có con ngươi. Đây là nét riêng trong cách tạo hình của nghệ sĩ này… Còn họa sĩ El Grec thì hình tượng thân người được kéo thật dài theo tỷ lệ 11 đầu (thông thường chiều cao của người Châu Âu chỉ bằng 7 đầu rưỡi.)

Cách đây ba năm, Nhà xuất bản văn hóa Thông tin đã cho ra đời quyển sách “Tranh tượng khỏa thân” với khổ lớn, trong đó giới thiệu nhiều tác phẩm thuộc chủ đề này. Quyển sách đã được nhà lý luận, phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo giới thiệu rất hay. Giá mà tất cả cán bộ văn hóa thông tin có được quyển sách này chắc là họ hiểu đôi chút và thông cảm cho nghệ sĩ mỹ thuật và nhiếp ảnh nhiều hơn.

Trên thực tế muốn hiểu nghệ thuật thì phải học, phải chịu khó dấn thân vào thực tế đời sống của nghệ sĩ thì mới hiểu họ, hiểu giá trị của tác phẩm. Những quyết định khe khắt vì thiếu hiểu biết sẽ làm cho giới nghệ sĩ xa rời cán bộ quản lý.

Trong cuộc Họp Ban Chấp Hành Hội Mỹ Thuật Việt Nam vào hai ngày 15 và 16 tháng 3 vừa rồi. Ngoài những vấn đề quan trọng của Hội trong năm 2012 thì vấn đề tranh ảnh khỏa thân cũng được đưa ra bàn. Tại cuộc họp dường như đa số đều mong muốn Bộ Văn Hóa Thể Thao và Du Lịch cho phép tổ chức một số cuộc triển lãm tranh tượng, ảnh về thể loại này với sự chọn lọc nghiêm túc của Hội Đồng Nghệ Thuật… Từ đó có thể tiếp tục in những tranh tượng, ảnh loại này để từng bước giới thiệu những tác phẩm đẹp, lành mạnh. Chính điều này sẽ làm dịu đi những sự đánh giá khe khắc của một số địa phương đối với nghệ thuật tranh ảnh khỏa thân.

Để kết thúc bài viết này tôi xin trích lời phát biểu của nhà thơ lãng mạn Pháp thế kỷ 19, Teophin Cochie (Theophile Gautiere) đã được in trong quyển “Tranh Tượng khỏa thân” do nhà xuất bản Văn Hóa Thông Tin, xuất bản năm 2009. Ý kiến của Ông này như sau: “Tôi có thể khước từ quyền làm người Pháp và quyền công dân của tôi nếu được xem một bức tranh thật của Raphel hay Người đàn bà đẹp khỏa thân. Cách nói của tôi có thể hơi quá, song đó đích thực là bản chất của một con người, có khác chăng là người dám nói ra, còn số đông thì thích đấy mà chỉ để trong lòng. Tự chiêm ngưỡng mình là một nhu cầu chính đáng của một con người đích thực. Song hình tượng khỏa thân luôn là vấn đề nhạy cảm trái chiều xuyên suốt lịch sử mỹ thuật. Không phải ai cũng hiểu vẻ đẹp của cơ thể, vẻ đẹp khỏa thân, nhất là của phái đẹp được coi là nguồn gốc của sự sống con người…”.

U.H 
(SDB 6-12)








 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng