Thế giới sắc màu
Huệ và Họa
09:22 | 23/10/2012

MỘT DANNA

Những ý tưởng về hội họa dưới đây của tôi được khơi gợi từ sự nghiên cứu về Thiền và triết học Hủy cấu trúc (deconstruction).

Huệ và Họa
Núi rừng Tây Bắc – Một Danna

Trong quá trình sáng tác tranh thủy mặc những quan điểm dần dần hé lộ ra làm tôi cũng không thể ngờ rằng tư tưởng Phật giáo cổ xưa của phương Đông và triết học đương đại phương Tây lại có sự đồng điệu và làm sáng tỏ lẫn nhau. Càng vẽ tranh thủy mặc tôi lại càng thấy những giá trị siêu việt của tư tưởng, như thể bản thân mình đang đi trên một con đường hướng tới sự giải thoát.

1. Pháp Hoạ Thiền

Một bức tranh là một “tồn tại”, ở đâu đó trong những khoảnh khắc mong manh. Ta không thể nắm bắt được nó, bởi khi ta tưởng như chạm được vào thì nó đã không còn như thế nữa. Cái “tồn tại” đó, biến chuyển với tất cả các cung bậc của tâm thức, nó tìm tới những nơi mà ta chưa bao giờ trải nghiệm. Nó không có một giới hạn hay khuôn mẫu nào. Do vậy, vẻ đẹp của một bức tranh không thể dùng mỹ học mà đánh giá; nó có thể là chân thực hay méo mó, xảo luyện hay ngờ nghệch, chặt chẽ hay lỏng lẻo, ngộn ngợp hay phẳng lặng…

Tâm của chúng ta, những người vẽ tranh và thưởng thức tranh, những kẻ chưa đạt tới mức toàn giác, là luôn luôn biến đổi vô thường, may ra có thể định lại trong lúc thiền. Nếu như trong lúc vẽ, họa sĩ có thể định được tâm của mình, không để cho những ý nghĩ lan man bám đuổi, nhất quán tập trung vào nét bút, rồi quên hẳn cái nét bút đó, thỏa thuê tung hoành trên tờ giấy không bị một chướng ngại nào, thì đó gọi là pháp Họa Thiền. Khi đó, vẻ đẹp tác phẩm là sự huyền diệu không thể diễn tả được bằng kinh nghiệm ngôn ngữ.

Tác phẩm nghệ thuật thực thụ không phải là một sản phẩm do ý muốn con người tạo ra, bởi ý của con người thì chẳng bao giờ đạt tới cái khôn cùng của vũ trụ, cái huyền diệu của bản lai. Với pháp Họa Thiền, tác phẩm chính là vũ trụ, chính là cõi nhân duyên chứ không chỉ đơn thuần phản ánh tư tưởng của tác giả. Nghệ thuật vốn tự do sảng khoái, không bị kìm hãm bởi bất cứ một ý niệm nào, tự nhiên như nhân loại đang tồn tại hàng ngày, như vũ trụ đang vận động từng giây.

Như thế, quá trình sáng tác nghệ thuật như là một pháp của Thiền. Tác phẩm nghệ thuật không phải là mục đích mà chỉ là phương tiện giúp ta giác ngộ. Nhưng pháp Họa Thiền không thể giúp ta giải thoát mà chỉ giúp ta ngộ đạo bởi vì nghệ thuật vốn bắt đầu từ hứng khởi, một dạng cảm xúc vẫn nằm trong ngũ uẩn.

2. Hứng khởi

Sự khác biệt lớn nhất giữa nghệ thuật và những gì gần giống nghệ thuật là hứng khởi.

Nếu không có hứng vẽ tranh mà cứ vẽ thì đó chỉ là những bài luyện tập. Luyện tập cũng là điều rất cần thiết nhưng sản phẩm của nó không phải là tác phẩm nghệ thuật. Khi có hứng khởi thì hoạ sĩ dễ tập trung vào hiện tượng vẽ, trụ vào nó, làm cho những suy nghĩ biện chứng bị gác lại, những hình ảnh lan man vô thường trong tâm dần biến mất; sau đó họa sĩ sẽ dễ dàng hơn nhập vào trạng thái hoạ thiền. Khi đó, vẽ là vẽ, không có gì ngoài vẽ.

Nét bút của hứng khởi thì không chứa ý nghĩ, như nước chảy từ cao xuống thấp, tự thân không biết đổ về đâu nhưng lại thành dòng chảy. Khi vẽ, họa sĩ không thể nào cân nhắc suy tính cho bố cục và đường nét hoàn hảo. (Đường nét và bố cục phải được rèn luyện qua các bài tập từ trước). Bàn tay cứ thế bay lượn với bút và giấy, không còn sự chỉ đạo của đầu óc nữa.

Hứng khởi sẽ tạo ra vẻ đẹp tự nhiên tinh khôi, một vẻ đẹp hướng tới trạng thái cảm xúc nhiều hơn là kỹ thuật thể hiện. Sự tinh xảo, lão luyện có thể tạo ra một vẻ đẹp nào đấy nhưng nó sẽ hàm chứa hứng khởi ít hơn là sự mộc mạc, khờ dại. Những người nghệ sĩ mới bước vào nghề tuy có kỹ năng thể hiện và thẩm thấu mỹ học non kém nhưng lại có hứng khởi và khát khao sáng tạo hơn hẳn những người lâu năm trong nghề. Kẻ mới vẽ thì ít bị ảnh hưởng từ lối mòn sáng tác của những người đi trước, ít bị ràng buộc bởi những nguyên tắc mỹ học phổ quát nên cảm xúc đầy tràn, hứng khởi trào dâng.

Nhưng hứng khởi không phải lúc nào cũng xuất hiện. Chẳng lẽ vì không có hứng khởi mà không sáng tác nghệ thuật? Không, người nghệ sĩ phải luôn luôn rèn luyện. Có thể từ những bài tập mà xuất hiện một trạng thái khác của Thiền gọi là đốn chuyển.

Trúc – Một Danna


3. Đốn chuyển

Đốn chuyển là một trạng thái xuất thần trong quá trình sáng tác nghệ thuật. Nó diễn ra rất nhanh, như thể trạng thái đốn ngộ của các thiền sư. Khi ta vẽ với một khởi đầu có suy tính về bố cục và hình thể, có sự trau chuốt về kỹ thuật thể hiện, bất ngờ một cơ duyên nào đó chợt xuất hiện và bức tranh ngay lập tức chuyển hóa sang một trạng thái hoàn toàn mới, khác hẳn với những suy tính ban đầu của ta về ý tưởng, bố cục, hình thể. Lúc đó ta không thể suy nghĩ về bức tranh được nữa, ta trải nghiệm một hiện tượng khác lạ của tinh thần, chưa bao giờ từng gặp. Mục đích và ý chí ban đầu của ta về tác phẩm bị phá tan. Ý không còn là ý. Tranh không còn là tranh. Và khi nét bút dừng thì tranh lại là tranh.

Không chỉ trong khi sáng tác nghệ thuật, trong cuộc đời người nghệ sĩ cũng có thời khắc đốn chuyển. Khi đó nghệ sĩ ngộ ra rằng không có một pháp nào cho nghệ thuật, không có một quy tắc kỹ thuật hay trường phái nào cho hội họa. Thời khắc đốn chuyển đó có ý nghĩa lớn lao trong cuộc đời người nghệ sĩ; từ khi đó trở đi nhãn quan của anh ta không còn bị bó buộc nữa.

Họa sĩ chưa ưng ý với những bức tranh của mình, chưa hài lòng với những trường phái đương thời, anh ta muốn thoát khỏi vòng kiềm tỏa của chính tâm mình và những quy cách của xã hội. Anh ta trăn trở ngày đêm, suy nghĩ và vẽ, suy nghĩ và vẽ... Rồi một ngày kia, với một cơ duyên nào đó xảy ra, anh ta bừng nổ, thông suốt hết những khúc mắc trước đây với một cảm quan phi ngôn ngữ. Anh ta cảm nhận thấy một sự thay đổi to lớn đang xảy ra trong mình mà không thể nào giải thích nổi. Anh ta lao vào vẽ với một tinh thần sảng khoái, bao la, không gì vướng mắc; và nét mực trên giấy cứ bay nhảy tự do không thể ngăn cản được.

Thời khắc đốn chuyển đã phá vỡ cái chấp hay là những quan niệm theo một chiều hướng nào đấy, vốn được quy ước theo một trung tâm khái niệm ngôn ngữ. Nói cách khác, đốn chuyển là biểu hiện cụ thể của quá trình Giải trung tâm trong sáng tác nghệ thuật.

4. Giải trung tâm

Giải trung tâm một quá trình phá bỏ xu hướng một chiều nào đó của tâm thức. Nói nôm na theo kiểu Thiền là phá chấp. Nói theo triết học deconstruction thì nó là sự chống lại logocentrism.

Sáng và tối là hai thành tố tương đương của trục khái niệm sáng - tối, nhưng chúng ta thường chỉ gắn suy nghĩ của chúng ta vào một thứ lấy làm trung tâm như “đo độ sáng” mà không có “đo độ tối”. Chúng ta nói về “cuộc sống” mà không nói về “cuộc chết” cho sự tồn tại của chúng ta. Chúng ta nhìn thấy “nét mực trên giấy” chứ không nhìn thấy “giấy dưới nét mực”. Những quan niệm một chiều đó của chúng ta cần phải phá vỡ và đó là quá trình giải trung tâm.

Phần lớn những hệ thống kiến thức mà loài người xây dựng từ trước tới nay đều có những yếu tố quy ước khởi nguồn như các tiên đề, định nghĩa trong khoa học; các luật lệ, hiến pháp, tập tục trong xã hội. Sau đó, các hệ thống phát triển quanh những yếu tố chủ đạo như vua chúa, nhà nước, giám đốc. Hội họa cũng không nằm ngoài “lịch sử của những trung tâm” với những quy tắc phối màu, những cách dụng mực, những tác phẩm kinh điển, những tư tưởng mỹ học của tiền nhân. Lịch sử nghệ thuật đã ghi nhận những sự giải trung tâm, ví dụ như những bản nhạc nghịch ngợm của John Cage, cách phối màu kỳ lạ của Van Gogh, tư tưởng cách tân hội họa của Thạch Đào,... Nhưng rồi thời gian trôi qua, những tác phẩm trở thành biểu tượng, quy ước cho những giá trị của thời đại đó, chúng trở thành trung tâm. Để rồi một cuộc giải trung tâm mới sẽ diễn ra. Không ai khác, chính mỗi người chúng ta đang tham gia quá trình giải trung tâm với những tác phẩm của mình.

Mỗi chúng ta đang hành động theo mục đích của mình như muốn sống và vẽ tranh, muốn giải trung tâm và sáng tạo. Mục đích có vai trò rất quan trọng để ta dồn năng lượng nhằm hiện thực hóa điều chúng ta mong ước. Nhưng điều quan trọng hơn là ta không để mục đích điều khiển ta, để tâm của ta không còn vướng bận với những khái niệm mà tự ta đặt ra. Ta giải trung tâm chính bản thân mình.

5. Tương đối
 

Tôm – Một Danna

Khi hệ thống được xây dựng quanh yếu tố trung tâm được giải phóng thì mối liên hệ giữa các cá thể là sự so sánh tương đối giữa chúng. Có sáng là bởi tối, có tối là bởi sáng. Bức tranh sẽ không còn mục đích, ý tưởng chủ đạo, yếu tố nội bật. Điều đó không phải tất cả làng nhàng như nhau mà là tất cả chỉ là tương đối. Nếu như trong cấu trúc trung tâm giá trị của các cá thể gắn với những giá trị quy ước thì sau khi giải toả sẽ không còn giá trị quy ước, mà chỉ là giá trị so sánh.

Phần lớn mọi người cho rằng mỗi màu sắc hay hình thể đều có tự tính của nó, ví dụ như màu đỏ mạnh mẽ, màu lam yên bình, hình tròn năng động, hình vuông tĩnh tại... Quan điểm đó là nhầm lẫn cứng nhắc. Mọi thứ đều không có tự tính; màu sắc, hình thể, sáng tối trong một bức tranh đều do sự so sánh tương đối với nhau mà tạm thời có một tính chất nào đó. Ý nghĩa của bức tranh được tạo thành nhờ sự ảnh hưởng tương đối giữa các thành tố. Ví dụ một hình tròn được đặt cạnh những đường cong có tính chất khác với khi nó được đặt cạnh những đường thẳng, một cây tùng được vẽ trên đỉnh núi lạnh lẽo trường cửu khác với khi nó được vẽ trong thung lũng êm đềm khói bếp. Mặt khác, những ý nghĩa của các thành tố trong tranh còn phụ thuộc vào giá trị biểu tượng của chúng trong không gian ngôn ngữ của chúng. Ví dụ người Á Đông nhìn màu vàng thiên về tính chất quyền quý trong khi đó nhiều dân tộc ở phương Tây lại thiên về tính chất bại hoại, nhút nhát.

Mọi thứ đều có giá trị tương đối, và mỗi khái niệm chỉ có thể xác định giá trị tạm thời nào đó thông qua so sánh với những cái khác; toàn bộ khái niệm ngôn ngữ (tất nhiên trong đó có cả màu sắc, hình thể, ánh sáng…) nằm trong pháp vô thường. Vì thế khi họa sĩ nắm được yếu chỉ này, anh ta không còn bị gò bó theo một khuôn mẫu nào nữa. Những lời giáo huấn của thầy dạy, những kỹ thuật vẽ của các danh dọa, những xu hướng thời thượng và chính cả những kiến giải của bản thân… tất cả là tạm thời và có thể bị lật đổ bất cứ lúc nào.

6. Vắng mặt

Một trong những sự giải trung tâm quan trọng nhất của nghệ thuật là giải trung tâm những gì có thể cảm nhận, thể hiện được. Tức là giờ đây chúng ta phải đặt vấn đề vào những gì nghệ sĩ chưa cảm nhận được, chưa thể hiện được; đó là yếu tố vắng mặt của nghệ thuật.

Thông thường chúng ta chỉ cảm nhận được cái mà các giác quan thấy, và họa sĩ cũng thường chỉ thể hiện được cái mà nó có tính hiện hữu; bởi vì cái “thấy” và “hiện hữu” đó là trung tâm của một cấu trúc nhận thức. Cấu trúc đó được phá hủy khi chúng ta nghĩ tới cái vắng mặt, cái phi hiện hữu. Lưu ý rằng, tính hiện hữu trong hội họa không phải là tính tả thực. Một bức tranh tả thực có thể truyền tải yếu tố vắng mặt, cũng như một bức tranh trừu tượng có thể chỉ mô tả toàn những thứ hiện hữu. Một bức tranh mà ý nghĩa của nó đã thể hiện được trọn vẹn bằng tất cả những gì có trên mặt giấy thì chưa phải là một bức tranh hay.

Cái vắng mặt là thành phần không thể thiếu trong bức tranh, nó phải đi kèm cùng thành phần hiện hữu. Khởi thủy khi có hình thể để tạo nên một bức tranh thì cũng chính là khi cái vắng mặt xuất hiện, chỉ có điều rất ít họa sĩ muốn theo đuổi nó, và cũng rất ít người xem tranh thấy được vẻ đẹp của nó.

Làm sao họa sĩ có thể đưa vào tranh cái vắng mặt? Sự thực thì anh ta không thể nào cảm thấy được nó. Nó là một trạng thái không nằm trong lý trí để mà nắm bắt. Nó gần như là cảm thấy mà không thể nào cảm thấy. Họa sĩ cứ vẽ và có lúc cái vắng mặt sẽ lẩn khuất trong tranh.

Và làm sao người xem có thể suy đoán cái vắng mặt trong bức tranh? Nhờ sự so sánh tương đối với những cái hiện hữu trong tranh mà người xem truy tìm cái vắng mặt. Những biểu hiện khơi gợi về cái vắng mặt cho người xem tranh có thể là: một bố cục lệch hoặc lấy khoảng trống làm tâm điểm; hoặc những nét mực rơi vào hư không; hoặc bóng tối; hoặc ý nghĩa của tên tranh không xuất hiện trong bản thân bức tranh…
 

Sen – Một Danna


7. Dấu vết

Cũng bởi tính vô thường và tương đối của thế giới mà một đối tượng luôn là một nhân hoặc quả của các đối tượng khác; một khái niệm bất kì mang dấu vết từ các khái niệm khác và cũng đồng thời tạo ra các dấu vết. Mỗi hình thể, mỗi màu sắc đều có dấu vết từ các hình thể, màu sắc khác. Bởi khi chúng ta tách rời sự tương tác toàn cục của bức tranh, xét tới một thành tố bất kì thì lúc đó cái thành tố đó đã biến mất, chỉ còn lại dấu vết mà thôi. Chúng ta nhìn một hình tròn trong một bức tranh trừu tượng thì đừng nghĩ nó là một hình tròn, có thể nó chỉ là dấu vết của một dải cong, hoặc một đường chéo, hoặc một hình vuông, hoặc thậm chí nó là dấu vết từ một mảng màu.

Mỗi khoảnh khắc của đời người trôi qua, ta không thể nào dừng lại mà nắm lấy nó. Mà khi cố tình dừng lại thì khoảnh khắc đó chỉ còn là dấu vết của sự sống. Không thể có một khoảng khắc sống tròn vẹn và tự xác định được đang sống. Khi họa sĩ vẽ, mỗi nét bút trong bức tranh đều nằm trong một sự vận động chung, nét này là dấu vết của nét khác, không hề có nét nào vô duyên cả. Vì vậy, xem tranh là xem cái chuyển động chứ không phải nhìn vào một chi tiết tách rời nào đó. Người xem sẽ đi vào cái chuyển động trong tranh, thấy sự tương tác giữa các thành tố trong tranh, thấy chúng từ đâu tới và chúng đi về đâu. Rồi sau đó người xem sẽ thấy chẳng còn cái “chúng”, chẳng còn một đối tượng nào nữa bởi đó chỉ là một ảo tưởng sinh ra trong quá trình tương tác không có điểm dừng. Ý nghĩa và giá trị của bức tranh vì thế không bao giờ tĩnh tại. Ngọn bút của họa sĩ đã dừng, bức tranh đã được đưa vào khung, nhưng những đường nét của nó luôn vận động mỗi khi có một ai đó xem.

Một bức tranh hoặc một chi tiết nào đó của bức tranh còn là dấu vết của những bức tranh khác hay là phản chiếu của những hình ảnh tự nhiên, những quan điểm xã hội. Họa sĩ thích một lối vẽ nào đó của họa sĩ khác, thích một bài thơ, ấn tượng với một cảnh đẹp, xúc động với một số phận,... anh ta phản ánh chúng vào trong tranh. Và khi đứng trước bức tranh hoàn thành, công chúng phải truy tìm những dấu vết đó thì mới có thể thấy được vẻ đẹp của bức tranh.

8. Hủy

Vẽ một bức tranh là sự sáng tạo hay hủy diệt?

Khi họa sĩ nổi hứng vẽ tranh thì cũng là lúc kết thúc trạng thái suy nghĩ miên man để đi vào trạng thái họa thiền. Khi họa sĩ bừng ngộ về một yếu chỉ của nghệ thuật thì cũng là lúc những chấp mê trước đây bị đập tan. Khi họa sĩ vẽ xong bức tranh, cái trạng thái hứng khởi sống động hoặc cái bừng nổ đốn chuyển của anh ta cũng kết thúc. Vậy, sự hủy luôn đi cùng với sự vẽ tranh. Người ta thường tôn vinh nghệ thuật, cho rằng đó là sự sáng tạo. Những gì tốt đẹp được gán cho nghệ thuật. Đó là một quan điểm chấp chứa u mê. Tại sao nghệ thuật không phải là sự hủy diệt? Nói nghệ thuật là hủy diệt không phải để khẳng định nó, mà để phá chấp về cái gọi là sáng tạo nghệ thuật.

Khi ta sáng tạo cái mới, tức là ta hủy diệt cái cũ. Hiểu về sự hủy diệt trong nghệ thuật cũng là một điều cần thiết. Kẻ tu hành mà đắc quả tối thượng là nhập Niết bàn, thoát khỏi luân hồi đau khổ thì tức là kẻ đó đã hủy bỏ tất cả các pháp, các nghiệp. Một sự hủy diệt tuyệt đối. Cũng là một sự sáng tạo tuyệt đối. Khi nghệ thuật đạt tới sự hủy diệt tuyệt đối này thì những khái niệm như hứng khởi, đốn chuyển, giải trung tâm, tương đối, vắng mặt, dấu vết… thành những lời nhảm nhí.

Sự hủy diệt là giá trị tối thượng của nghệ thuật. Trước hết, nó là sự phá bỏ những trụ kiến của người vẽ cũng như người xem. Thứ nữa, khi đạt đến cực điểm của sự hoan hỉ thì người ta chẳng cần níu giữ thứ gì nữa dù là tác phẩm, dù là tài năng, thậm chí cả thân xác và tâm hồn. Cuối cùng, hủy diệt thì không còn nghệ thuật. Khi không còn nghệ thuật nữa thì là lúc giá trị của nó đạt đến viên mãn.

Và với sự hủy diệt người ta có thể vẽ bằng bất cứ thứ gì, bằng bất cứ kiểu cách nào; người ta có thể vẩy mực lên một tác phẩm đã được cho là kiệt tác; người ta chẳng còn nghe theo bất cứ một họa luận hay họa pháp nào.

M.D
(SH284/10-12)








 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng