Thế giới sắc màu
Hàng rào mỹ thuật
15:31 | 18/11/2008
LÊ BÁ ĐẢNGNgày còn giặc, bọn chúng nó ồ ạt đem tất cả khí giới tối tân, chất độc hoá học, cho đến cả hàng rào điện tử đến Trường Sơn để ngăn cản sự đi lại của cả dân tộc ta và cố ý chia cắt đất nước ra làm hai.

Không hiểu sao mà chúng ngây ngô đến thế! Ở Việt : “chông đã thành gai”. Mạch máu hồng vẫn có đường gai là gai lửa qua lại và đánh đổ cả sức mạnh, tài năng, trí óc, và tất cả mưu mô hiểm độc xâm chiếm của chúng.
Suy đi nghĩ lại cho kỹ thì chúng giàu có hơn ai cả, dân lại đông, đầy cả đại học này, đạo giáo kia, cả lũ giáo sư hạng nặng hạng nhẹ, sách vở lý thuyết trên trời dưới đất không thiếu, mà không biết cái lẽ tầm thường của con người là từ xưa đến nay không một sức mạnh nào, dù có hung ác đến đâu đi nữa cũng không thể nào đàn áp được một dân tộc đã biết đồng lòng quyết tâm giữ vững cách sống của họ. Thứ nhất là dân tộc Việt .

Đến đây tôi không muốn ra ngoài đầu đề chính là: “dựng nên hàng rào mỹ thuật” trên những nơi mà quân giặc đã cố ý dựng nên “hàng rào điện tử”.
Chúng ta còn đang thiếu thốn vật chất nhưng cái văn hiến của chúng ta cho chúng ta biết là ở trên đời này không có chi quý, đẹp bằng mỹ thuật và mỗi khi...cái mỹ thuật ấy đã ăn sát vào đất đai, núi rừng và lòng người thì còn lại mãi mãi và đẹp hơn chi hết.
Không thể so sánh cái “hàng rào mỹ thuật” của ta với bất cứ cái chi đã có, cho đến cả “Vạn lý trường thành” của Trung Hoa. Vạn lý trường thành là để ngăn cản quân ngoại xâm.
Ở đây trái lại chúng ta còn muốn mời tất cả các dân tộc (cả kẻ thù) đến đây để chiêm ngưỡng cái hàng rào mới mẻ tự nhiên mà họ không có và không thể có.

Hàng rào mỹ thuật” là thế nào? Là một thứ mỹ thuật rải rác nhiều nơi, ăn sát vào núi rừng tạo hoá, làm đẹp thêm thiên nhiên, ăn sát vào lòng người bất cứ ai, cho đến cả bọn giặc, kẻ thất học, người thông thái. Hơn nữa chúng ta sẽ dựa vào mỹ thuật này để làm ăn sinh sống một cách sang trọng và cao hãnh. Ngày nay dọc theo con đường số 9 ngon lành có nhiều nơi cây cối đã mọc lại tươi tốt, có nhiều khe suối mát mẻ, có nhiều động, có cả khe nước nóng, có nhiều hòn núi nho nhỏ xinh xinh, có cả gió Lào thêm vào cái nắng chang chang như lửa đốt, có cả mưa dầm làm mềm cả núi đá, bên các khe suối có nhiều hòn đá lớn nhỏ láng bóng rất xinh như trời đất đã đẽo gọt cho vui mắt loài chim, loài vượn, heo rừng, voi rú. Tôi đã đến xem và đã tưởng tượng: có thể mỹ thuật hoa mấy cái động (động cứt dơi) có thể trở nên nơi kỳ quái đón tiếp khách du lịch trong và ngoài nước. Chúng ta có thể có  nhiều nhóm nghệ sỹ trẻ đang muốn tìm ra cái chi mới lạ chứ không chịu cúái đầu mãi mãi mòn ghế nhà trường để rồi suốt đời vẽ mấy bức tranh trên bố, trên giấy, trên lụa nhỏ nhen, vẽ mấy cô đứng, mấy cô nằm hay cắm hoa chải tóc để nịnh hót con mắt mấy người du lịch tầm thường; hay đắp mấy cái tượng ông này bà kia, bắt chước Tây, Tàu, Nga, Mỹ rồi cùng nhau mèo khen mèo dài đuôi đó thôi. Lại có nhóm bày ra sắp đặt rồi lung tùng beng sắp với đặt kêu la là đẹp và dù có đẹp đi nữa thì cũng là bắt chước đường lối của nước ngoài.

Cái tranh, cái đẹp của chúng ta là núi rừng, ruộng nương, bát ngát bao la, làng mạc, hồ nước, luỹ tre mênh mông bát ngát vây quanh đời sống của con người giữa tạo hoá thiên nhiên. Ông cha ngày trước ra nhìn phong cảnh rồi thốt lên là: cảnh đẹp như TRANH. Chứ đâu có tranh lồng kính treo trên vách như Tây Tàu
Từ xưa đến nay bất cứ ai từ khi lọt lòng mẹ vài ba tháng đã cần đến hạt gạo, hạt gạo mọc dưới đồng quê, ngày nay chúng ta là nghệ sĩ thì ai cấm chúng  ta bày ra một thứ đẹp là: làm cho lúa gạo mọc lên trên dãy núi Trường Sơn, non cao nước độc nơi chó ăn đá gà ăn muối. Mỗi hạt gạo trên Trường Sơn là một tác phẩm mỹ thuật chưa hề thấy, có hạt lớn như con bò, con trâu, hạt cao như cái chùa, cái quán, cái nhà, hạt như trứng gà, hạt xinh xắn như đồ nữ trang.

Hạt nào cũng là tác phẩm mỹ thuật riêng biệt kiểu cách, hình thức, chất liệu và thấm đậm cái tài nghệ, cái tâm tình của nghệ sỹ ngày nay nữa. Cái nghệ sỹ với một trường phái mới bày vẽ ra cái chưa hề có chứ không phải  bọn nghệ sĩ quèn chỉ biết bắt chước ăn cắp kiểu cách, đường lối của nước ngoài hay ghen tuông nói xấu sau lưng những đồng nghiệp khác.
Nhiều hạt gạo mỹ thuật sẽ mọc lên trên một khung cảnh lạ kỳ thành làng thành xóm. Mỗi nhóm một kiểu cách, chất liệu tự nhiên, màu sắc xếp đặt khác nhau nhưng nằm trong một tinh thần sáng tạo thật sự. Cùng ở vùng này có tượng Đài Chiến sĩ rất long trọng, rất cảm xúc, tôi đã đến thắp nhang nhiều lần và đã có ý nghĩ là làm sao cho long trọng hơn nữa là gắn thêm mỹ thuật, để đất đai rừng cây đá cả vùng đều mang dấu của những anh hùng đã tranh đấu và hy sinh  ở đây mới xứng đáng. Trên bao nhiêu đồi núi có thể nổi bật lên tự nhiên những hình dạng, hình khối của chiến sĩ đang chiến đấu, đang ngã xuống và ăn sát vào cỏ xanh như mồ mả, như những hòn đá đã thành hình người chiến sĩ...

Rồi có thể có mấy hạt gạo mỹ thuật làm bảo tàng chứa những tranh tượng sáng tác hồi còn giặc như loại tranh “Đường mòn Hồ Chí Minh” như tác phẩm làm bằng xác máy bay bị bắn rơi, như tranh vẽ ngày còn giặc.
Hiện giờ rất thuận tiện là có con đường cái lớn nối liền Nam Bắc ngang qua con đường số 9 thì chán chi khách qua lại và muốn ngừng lại để viếng các xóm làng mỹ thuật. Mà mỗi khi có khách tứ xứ tìm đến thì chán chi cách làm ăn. Tôi chắc rằng ai đến đây sờ bằng cặp mắt, nhìn bằng bàn tay thì thế nào cũng muốn có một vài hạt gạo nho nhỏ bỏ túi mang về làm kỷ niệm, các cô các bà thế nào cũng muốn có vài hạt gạo làm đồ nữ trang. Rồi chế tạo ra những bữa cơm với gạo mỹ thuật nữa thì có khó khăn chi. Tôi còn chắc chắn là có nhiều khách muốn nghỉ chân, ngủ lại vài đêm trong lòng hạt gạo nữa cơ.

Tôi là nghệ sĩ đã tra (nhưng chưa già lắm, mới 85 thôi) ý tưởng này của tôi rất trẻ, nhưng nếu có thầy nào chưa đồng ý và muốn thêm chi nữa thì cứ từ trong văn hoá của chúng ta chán chi đường lối khác. Tỉ dụ truyền thuyết Thánh Gióng cỡi ngựa sắt đánh đuổi quân xâm chiếm rồi bay về trời.
Thánh bay về trời nhưng thế nào Thánh cũng còn lai vãng dòm ngó đất nước con người xứ sở này. Thánh bay trên trời thì chúng ta có thể hình dung những cái bóng của Thánh và ngựa nổi lên trên mặt đất.
Đã là nghệ sỹ chúng ta có thể thêm vào trên dãy Trường Sơn cạnh các làng xóm gạo những hình ảnh cái bóng của Thánh rải rác, ngược xuôi, lớn nhỏ, đủ màu sắc chất liệu khắp nơi. Bay xa thì bóng nhỏ, bay gần thì bóng lớn. Bóng có thể là cây cối- hoa cỏ đất nung- đá kéo sắp ghép lại thì cái “Hàng rào mỹ thuật” này thật chưa hề có và mãi mãi ăn sát vào núi đồi  và văn hoá  của dân tộc ta.

Đây là ý nghĩ là lý tưởng là ngây ngô là điên điên, tàng tàng không thực tế nhưng nếu không có những ý nghĩ này thì cứ lẹt bẹt, bắt chước nước ngoài để cho chúng khinh bỉ và con cháu sau này sẽ chê bai cái thế hệ chúng ta. Không dễ dàng chi nhưng: “MUỐN ĂN PHẢI LĂN VÔ BẾP”và MUỐN là ĐƯỢC. (Xin lỗi không nhớ là tục ngữ nước nào nhưng mà riêng tôi đã có muốn)
Cái cản trở to nhất là nhà cầm quyền. Nhưng tôi cũng đã có thử thách đã hai lần luôn, nhà cầm quyền Huế đã để cho tôi tự do mang tranh vẽ từ xứ ngoài họ chưa hề thấy, mà tranh tôi không có cờ đỏ sao vàng, cũng chả có chân dung lãnh tụ mà có khi tranh cũng chẳng phải là tranh, màu sắc lung tùng beng, hình thức chỗ có chỗ không- mà họ để cho tôi làm triển lãm trong bảo tàng Hồ Chí Minh rất long trọng.

Tôi có cảm tưởng là “Hàng rào mỹ thuật” họ chưa hiểu được vì chưa hề có vì tầm nhìn, vì đường lối nhưng tôi chắc họ không ngăn cản, không tìm cách hối lộ thủ tục để phá phách đâu, còn về chuyện giúp đỡ là chuyện khác. Nhưng biết đâu!
Như tôi biết cái cản trở gay go nhất là phá bỏ cái đầu óc cái suy nghĩ hẹp hòi của sách vở của nề nếp nhà trường là chỉ vẽ tranh dầu tranh mỡ, vẽ tranh nịnh hót người, du lịch, làm oai con mắt mấy đứa mới giàu, mấy chú bán tranh như bán thịt nướng đó thôi.
Còn về mặt giúp đỡ vật chất tôi còn tin ở vài người Việt làm nên giàu có thừa thãi có thể giúp ít nhiều nghệ sĩ làm nên các công trình mà con cháu họ cũng hưởng được sau này. Tôi đã thấy ở các nước khác có những “quái thai” thứ người này thì thế nào Việt cũng có nhưng rất hiếm. Phải lục tìm thì thế nào cũng có.Tôi rất tin.
Vậy: “Muốn ăn phải lăn vô bếp” là Việt tính. Vậy các bạn có ý kiến chi?
 2005
 L.B.Đ

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng