Thế giới sắc màu
Năng lượng cố đô
09:26 | 17/05/2013

VIỄN PHƯƠNG

Vào ngày 13 tháng 3 năm 2013, đã có một không khí lạ xuất hiện trong không gian hội họa xứ Huế. Sự gặp gỡ của 55 nghệ sỹ trẻ đến từ 17 tỉnh thành cả nước trong cuộc triển lãm mang tên Năng lượng cố đô đã báo hiệu cho một sự đột phá thực sự trong tư duy sáng tạo của lớp họa sỹ trẻ hiện nay.

Năng lượng cố đô
Tác phẩm "Mùa yêu" của Đặng Thị Thu An (Huế)

Tại cuộc triển lãm, trong số 55 nghệ sỹ trên toàn quốc, thì Huế đã góp mặt tới 20 nghệ sỹ với cảm thức và tư duy sáng tạo khác biệt. Đó cũng là điều khiến cho tiến sỹ Nora Taylor (Ban nghiên cứu nghệ thuật Nam Á và Đông Nam Á, Đại học Nghệ thuật Chicago, Hoa Kỳ) cho rằng: “Huế là nơi bắt nguồn cảm hứng cho sự khám phá, đổi mới và sự sáng tạo trong nghệ thuật ngoài những thành phố lớn như Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh. Huế cũng là nơi tôn vinh nghệ thuật cùng với ý tưởng độc lập, tự chủ đã tạo nên một nền nghệ thuật sống động thâm nhập vào đời sống hiện nay. Những nghệ sỹ trẻ Huế là những người có óc sáng tạo và sự cá biệt nhất Việt Nam...”
 

Tác phẩm Chiếc lá cuối cùng của Phạm Huy Thông (Hà Nội)


Người ta nhận thấy có một cái gì đó lạ lẫm, khác biệt trong thế giới mà các họa sỹ trẻ đang trưng ra tại cuộc triển lãm này. Người xem cũng khó tìm thấy được đâu là thực tại được các họa sỹ tô vẽ. Hiện thực đã bị quên lãng hay đang có một lớp hiện thực khác ẩn sau những họa tiết tưởng như là kỳ quặc ấy?
 

"Sự trống rỗng" của Nguyễn Đinh Duy Quyền (Đà Nẵng) "Manequin" của Hoàng Trung Dũng (Thái Bình)


Trong các tác phẩm: Chiếc lá cuối cùng của Phạm Huy Thông, Mùa yêu của Đặng Thị Thu An, Sự trống rỗng của Nguyễn Đinh Duy Quyền, Manequin của Hoàng Trung Dũng... đã bớt phần bắt chước hiện thực, mà họa sỹ đang hướng đến một siêu thực tại. Tác phẩm của họ là sự gắn kết giữa hiện thực và thế giới của mơ tưởng, thế giới của những giấc mơ. Hình họa không hướng tới diễn tả đúng sự vật mà vượt ra ngoài sự kiểm soát của lý tính, thậm chí phá sản quan niệm thẩm mỹ truyền thống.
 

"Mona - Budha" của Nguyễn Hóa (Huế)

Các tác phẩm này đi ra từ trí tưởng tượng và liên tưởng, chúng khiến người xem chênh chao giữa thực tại và mơ mộng. Khiến người xem vừa bị mê hoặc, vừa thấy sợ hãi, bất an. Cảm tưởng như mình đang trôi vào những giấc mơ hoang tưởng, đang thụ cảm sự phi lý và những cơn dư chấn nội tâm... Khi tranh không còn mô phỏng thực tại thì sự va đập của màu sắc, họa tiết sẽ tạo ra những tín hiệu gợi lên những ý niệm về một dạng thức thực tại khác. Một thực tại nằm ở một chiều logic khác, không bị quy chụp bởi các nguyên tắc. Các họa sỹ đang dần chạm vào tâm thức của xã hội đương đại khi họ không cố tạo ra những khoái cảm thẩm mỹ thông thường mà cố trưng ra một thế giới khước từ diễn giải, tạo ra những xung đột, va chấn trong tiềm thức. Thực sự các họa phẩm không còn bị gò bó vào hiện thực, chúng dường như thoát khỏi mọi quy chiếu khách quan. Sự tưởng tượng và cách bố trí của nghệ sĩ đã giải thoát cho hình họa không bị lệ thuộc vào sự quy chiếu của lý tính. Điều này làm chúng ta nhớ tới lời của Kandinsky khi ông nói rằng “Hội họa là sản phẩm của một sự căng thẳng nội tâm, phải ghi lại trạng thái tâm hồn, chứ không phải là thể hiện vật thể.”
 

"Chuyện voi Pắc Cú" của Hồ Văn Hậu (Đắklăk) "Mưa dầm" của Nguyễn Đình Hoàng Việt (Huế)


Hiện thực gốc đã bị đánh mất trong Mona - Budha của Nguyễn Hóa, Chuyện voi Pắc Cú của Hồ Văn Hậu, Mưa dầm của Nguyễn Đình Hoàng Việt... Đây chính là thế giới giả tạo, ngụy tạo, một thế giới đầy rẫy những bản sao, những bản thế vì, những simulacrum mà nghệ thuật hậu hiện đại đã tạo ra ở phương Tây sau đó lan tỏa trên khắp hành tinh của chúng ta. Nếu như trong nghệ thuật trước đây, người nghệ sỹ luôn cấp ý nghĩa biểu đạt cố định nào đấy cho tác phẩm, và người xem cứ thế truy tìm ý nghĩa ấy dựa trên căn nền và người nghệ sỹ đưa ra. Xét thấy hiện nay, điều ấy đã trở nên lỗi thời. Đến với không gian hội họa Năng lượng cố đô người ta nhận thấy có những thứ nằm về phía bên kia của trí khôn, của logic, của những nguyên tắc thẩm mỹ thông thường. Người họa sỹ không tin tưởng vào những xác định của khách quan vì thế họa tiết của họ khó nắm bắt khi họ muốn phơi bày thế giới của vô thức. Và có hay không ý nghĩa khách quan của những tác phẩm nghệ thuật đương đại này? Hay giá trị của tác phẩm nằm ở những diễn giải khác biệt và chủ quan của mỗi chúng ta. Những cảm nghiệm riêng biệt của mỗi người sẽ tự cung cấp ý nghĩa và giá trị cho họa phẩm.

Mang cảm thức nghệ thuật mới, lớp họa sỹ trẻ hiện nay đã có những khác biệt trong tư duy sáng tạo so với những chuẩn mực của hội họa truyền thống. Suy cho cùng, sáng tạo ngày nay đang hướng tới mỹ học của cái khác. Trong xu hướng văn hóa toàn cầu, xu hướng thế giới phẳng, việc tạo ra được một sự khác biệt nào đấy trong nghệ thuật không phải là điều ai cũng có thể làm được. Và chìa khóa để mở ra những chân trời mới chính là người nghệ sỹ phải biết nhìn về phía mà người khác ít để ý tới, phía mà người khác đã lãng quên.

V.P
(SDB8/3-13)







 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng
Huệ và Họa (23/10/2012)