Thế giới sắc màu
Trùng du Bàn A Sơn
10:21 | 21/01/2009
THANH LOANKhổng Tử từng nói: “Kẻ trí vui chơi sông nước, kẻ nhân vui chơi nơi núi non. Kẻ trí hiếu động, kẻ nhân trầm tĩnh. Kẻ trí thì vui vẻ kẻ nhân trường thọ” (Trí giả nhạo thủy, nhân giả nhạo sơn, trí giả động, nhân giả tĩnh, trí giả lạc, nhân giả thọ).
Trùng du Bàn A Sơn
Bàn A Sơn

Qua các cuộc lãm du hay cả phương trời lao viễn mộng những phong cảnh hữu tình đã sống mãi với thời gian qua các nét họa của văn nhân cùng bao áng thơ bất hủ.
Bàn A Sơn (còn gọi là Núi Vồm) thuộc làng Vồm xã Thiệu Khánh, Thiệu Hóa - Thanh Hóa. Đây là một dãy núi đẹp được các vua chúa, quan lại thời Lê, Lý, Trần thường đến nghỉ ngơi, chiêm ngưỡng.
Gắn liền với dãy núi là vô số di tích văn hóa, lịch sử có giá trị cao như: Sông Chu, Núi Đọ, Chùa Vồm, Ghè Ông Vồm, Thành Tư Phố.
Thắng cảnh này là nguồn sáng tạo cũng như là nơi ghi dấu bao tuyệt tác văn chương (Lê Cảnh Thống Hoàng Đế, Ngô Thời Nhậm”). Nhưng may mắn và tự hào hơn cả là danh thắng này được thể hiện qua nét họa tài hoa, với ý thi tao nhã, thư pháp tuyệt vời của vị đại thần, danh nhân Nguyễn Thuật.

Nguyễn Thuật hiệu Hà Đình (1842 - 1911) quê ở Quảng Nam là một đại thần của Triều Nguyễn (1802 - 1945) trải qua các đời vua từ Tự Đức, Dục Đức, Hiệp Hòa, Kiến Phước, Hàm Nghi, Đồng Khánh, Thành Thái, Duy Tân. Ông đã làm quan đủ 6 bộ trong Lục Bộ của triều nhà Nguyễn. Từng đi sứ hai lần qua Trung Quốc, 1 lần phó sứ, 1 lần là chánh sứ, năm 1881, 1883.
Ngoài các vua Việt Nam, ông còn được vua Quang Tự (1875 - 1908) Trung Quốc ban tặng sắc phong, được tặng Huân chương Bắc đẩu bội tinh (Ordre National de la Legion d’honneur) là huân chương cao quý nhất của Nhà nước Pháp (từ ngày thành lập 19/5/1802 cho đến nay (2008) chỉ hơn 110.000 cá nhân trên thế giới được trao tặng).
Thi tài của ông trác tuyệt với số lượng rất lớn, trên 500 bài thơ văn, chưa kể câu đối được lưu trữ ở Viện Viễn Đông bắc Bác Cổ “E’cole francaise d’Extreme - Orient” (EFEO) là nơi khảo cứu, tàng trữ tinh hoa văn hóa của Việt cũng như trên thế giới.

Họa phẩm Trùng du Bàn A Sơn (lại đi chơi Bàn A Sơn) được vẽ bằng màu nước trên giấy lúc ông làm Tổng Đốc Thanh Hóa (1887 - 1893). Căn cứ nội dung, bài thi nhất là thủ bút của tác giả được viết trên gỗ vào năm Thành Thái Nhâm Thìn Thu (1892), hiện còn lưu trữ tại nhà hậu duệ của ông; tác phẩm được thực hiện vào năm 1892 (hoặc có thể sớm hơn).
Xem họa phẩm ta thấy màu chủ đạo là màu xanh nhạt, đây là kiểu tạo màu “đạm thái” của Trung Quốc họa. Nó có thể xuất phát từ “khinh phất đan thanh” (nhẹ phớt màu sắc) của Ngô Đạo Tử, (680-?).


Quan sát các ngọn núi Bàn A trong tranh ta thấy sự thể hiện không gian, màu sắc thật tinh tế. Ngọn núi gần thấy lớn, được tạo thành bằng những nét đậm nhạt cho thấy cả hình khối, sự hùng vĩ của ngọn núi. Các cây trên đỉnh núi hình thành bằng những nét chấm phá một cách phóng khoáng nhưng không thiếu sự tinh vi về cách phân bổ. Quả là “thạch phân tam diện - thụ phân tứ kỳ”. Ngọn núi xa thì nhỏ hơn, chỉ thấy những rặng cây xanh xanh ở chân núi. Đỉnh núi cũng được dùng màu đen đậm hơn, không thấy được bề của ngọn núi. Ngọn núi xa nhất thì nhỏ hơn cả và được chuyển qua màu xanh nhạt nhẹ, cho thấy như đã giao hòa với đất trời.
Màu đen, xanh đậm, nhạt của nước cho thấy sự sâu thẳm chuyển động.
Vì “nước trong tranh không chảy, không róc rách chỉ là nước chết”. (Quách Hy 1020-1090).

Một con thuyền đơn chiếc nhưng trông bình an giữa vùng nước bao la, đây là lối tả ý cho ta thấy sự sống đang dâng trào dưới khung cảnh êm đềm, mơ mộng dù không xuất hiện hình bóng con người. Hàn lâm đồ họa Viện của Tống Huy Tôn trong một kỳ thi họa diễn ý câu thơ: “Đạp hoa quy khứ, mã đề hương” (Con ngựa dẫm hoa trở về móng còn thơm), tác phẩm được giải là bức tranh những con bướm bay theo gót chân ngựa. Đây là đặc điểm của lối tả ý trong hội họa Trung Hoa.
Như Tông Bỉnh (375 - 443) trong luận họa sơn thủy đã nói: “Đó là vì cách xa cảnh thì càng thấy nhỏ”, ở đây họa gia, danh thần Nguyễn Thuật đã “lấy màu sắc vốn có mà vẽ nên tranh”. Ông vận dụng tinh thông phép thấu nhị, tam viễn trong sơn thủy họa đã hòa nhập vào thiên nhiên với sự quan sát tinh tường và lòng yêu mến quê hương sâu sắc để sáng tác.
Ông đã trang trải núi lòng qua bài thi trên họa phẩm:

TRÙNG DU BÀN A SƠN
Hà niên câm khiếu thủy vân ôi,
Liêm sử phong lưu vị dịch tài
Triều thị kỷ canh sào tự tại
Giang sơn như tạc ngã trùng lai
Nghinh huân tọa tảo nham hoa lạc.
Chữ mính tuyền phân thạch tỉnh khai.
Dịch dịch thế đồ nhơn diệc lản.
Bất phương trụ trượng địch phù ai.
                                                    Hà Đình

Nghĩa:
LẠI ĐI CHƠI BÀN A SƠN
Năm nào vùng nước lặng câm xa vắng
Khiến phong lưu không trổ được tài.
Làm quan hay làm dân bao lần vẫn tự tại,
Giang sơn như cũ ta lại đến đây
Đón hơi thơm, ngồi quét hoa rơi bên hang đá,
Nấu trà nước suối, sẵn đây giếng mời,
Mãi mãi lo toan đường đời ai cũng mệt,
Ngại gì chống gậy chơi, giặt sạch bụi mù.
                                                    Hà Đình

Dẫu công trạng và tước vị cao sang nhưng với bản chất là kẻ trí, người hiền nên cái thú của người quân tử, kẻ tao nhân chẳng vơi nhạt trong ông. Tác giả đã nghiệm được sự quan nhất thời, dân vạn đợi. Ông đã thấy được cái đạo, cái lý trong việc “chống gậy chơi, giặt sạch bụi mù”.
Cũng như Tô Đông Pha (1037 - 1101), bậc thầy nghệ thuật kết hợp họa với thi, thư. Trong họa phẩm Bàn A Sơn, họa gia Nguyễn Thuật đã chọn vị trí thích hợp cho việc đề lạc khoản đã tạo nên sự cân đối của tác phẩm.
Với kích thước khiêm tốn (27cm x 37cm) nhưng nhìn vào bức tranh Bàn A Sơn ta thấy mình bỗng nhỏ nhoi trước sự hùng vĩ, mênh mông của đất trời. Tác giả đã thể hiện được quan điểm của Triền Tử Kiên đời Tùy (581 - 617) trong luận họa sơn thủy là “thu vạn dặm vào trong một thước”.

Để nói về văn chương, thư pháp của tác giả ta nên nghe các nhận xét của văn nhân, đại phu Trung Quốc.
Hoàng Kiến Nguyên, Bảng Nhãn khoa Mậu Thìn đời vua Quang Tự: “Ông Hà Đình họ Nguyễn tính trời cao thanh, bút lực mạnh mẽ có một sức riêng... Tài của ông tinh tế vào cõi thơ, há bỏ qua sự việc mà không vẽ ra được ư?… Xứ Giao Châu chưa có ai tài hơn ông”.
Trần Khải Thái, Tiến Sĩ, Ngự Sử Hàn Lâm Viện - Biên Tu đời vua Quang Tự cũng hết lòng khâm phục khi viết bài tựa cho ông: “Dù bức nhỏ một lời chưa thấy hết cái đẹp, nhưng đã biết khả năng văn chương, thao thức hết sức tận tụy vậy”. Đặc biệt, ông được Tổng Đốc Quảng Đông - Tăng Quốc Phiên (1811 - 1872) - [Nhất Đẳng Hầu Tước - Thái Tử Thái Bảo] rất quý trọng, từng cùng nhiều lần xướng họa và in thành sách tại Trung Hoa.

Trong “Nhật ký Thiên Tân” có viết lúc đi sứ Trung Quốc, ông được Tín Phủ - Công Bộ Lang Trung - mời đề thơ trên bức họa: “Hải khách cầm thọ” (Khách biển cây đàn chén rượu) của sứ thần Triều Tiên - Lý Ngẫu – vẽ năm Đạo Quang thứ nhất (1821), Ông cũng được họa sĩ Trương Khải (Trung Quốc) tặng tranh. Những chi tiết đó cho ta thấy sự trọng vọng của người nước ngoài với tài thi họa của ông biết dường nào.
Tại hội nghị lần thứ 7 của các nhà sử học Á Châu tổ chức ở Bangkok năm 1977, “Nhật ký Thiên Tân” được giáo sư Jao Tsung Yi (1917) (Nhiêu Tông Di) phát triển thành luận văn của mình báo cáo tại hội nghị. Năm 1980 “Nhật ký Thiên Tân” của Hà Đình - Nguyễn Thuật được xuất bản bởi Trung Văn Đại học Xuất bản xã - Hương Cảng. Với lời tựa của chuyên gia về lịch sử Việt Nam: Chen Ching Ho [Trần Kinh Hòa] (1917 - 1995).

Trong lịch sử văn hóa Việt nhiều danh sỹ đến cuối đời vẫn không có một tác phẩm hội họa, gần nhất là nhà thơ nổi tiếng Tùng Thiện Vương Miên Thẩm (1819 - 1870) cũng chỉ ta nhiều cảnh đẹp qua văn chương. Cho nên trong nhiều khảo luận về mỹ thuật cổ Việt hoặc mỹ thuật triều Nguyễn cho rằng trước thế kỷ 20 chúng ta không có họa sỹ.
Đã có nhận định: Di sản mỹ thuật Việt là phù điêu, tượng, ít tranh lụa, giấy, đề tài là tín ngưỡng, tranh chơi, những thể loại khác chưa có.
Đây là những ý kiến chủ quan của một số nhà phê bình mỹ thuật tạo tiền đề xấu trong nhận thức những thế hệ trẻ yêu văn hóa nước nhà.
Như họa sỹ Trịnh Cung đã nói trong “Về một số sai sót trong sách mỹ thuật Việt hiện đại”: “Đề tài thì to tát, quá tầm so với sức người viết nhưng lại không chịu tham khảo kỹ, ngại di chuyển để tiếp cận tư liệu sống. Không mở rộng sự cộng tác của những người biết rộng hơn mình ở một số lĩnh vực và địa phương của họ...”.

Có thể không phải là Lê Văn Miến (1873 - 1943) (Tốt nghiệp Cao đẳng mỹ thuật Paris 1894) mà trong triều Nguyễn chúng ta đã có một người yêu nước nổi tiếng, nhà Vua, họa sỹ Hàm Nghi. Theo nhà sử học Nga - N.I. Nikulin, người biết về vua Hàm Nghi trong thời gian lưu đày cũng như đã biết tác phẩm “Bình Văn” của Lê Văn Miến đã nói: “Vua Hàm Nghi là một trong những họa sỹ đầu tiên của Việt Nam, bắt đầu vẽ theo truyền thống Châu Âu - với thể loại tranh sơn dầu, bằng sự tính toán theo phép phối cảnh. Hàm Nghi cần phải được coi là người mở đầu cho nền hội họa mới của Việt .
Theo Nguyễn Ngọc Giao thành viên của Đoàn làm phim tư liệu về “Ba Vua” viết tại Paris ngày 17/5/2008 thì không chỉ là họa sỹ, vua Hàm Nghi còn là một nhà điêu khắc. Theo các tài liệu còn lưu trữ thì năm 1890 vua Hàm Nghi đã học vẽ với họa sỹ Reynaud (giải nhất Roma) và “tiến bộ nhanh chóng thấy rõ từng ngày”. Nhà vua đã từng triển lãm tranh, tượng ở Paris vào năm 1926. Vua Hàm Nghi có quan hệ rộng và được giới văn nghệ sỹ của Kinh đô Ánh sáng đánh giá cao. Như vậy dù không có tác phẩm được biết đến ở Việt thì cũng có thể nói vua Hàm Nghi là người Việt đầu tiên vẽ tranh theo truyền thống Châu Âu.

Với sơn thủy họa Trung Hoa thì một số danh thắng Việt Nam được thể hiện từ thời Chúa Nguyễn trên gốm sứ nhưng lại do người Trung Quốc sáng tác: Thiên Mụ hiểu chung, Ái Lĩnh xuân vân, Tam Thai thính triều...
Chúng ta không có Họa viện hoặc Văn nhân họa đã xuất hiện từ đời Tống như ở Trung Quốc. Nhưng chúng ta may mắn có họa gia tài hoa Nguyễn Thuật.
Sau khi xem tác phẩm Bàn A Sơn, Yaovanee Niranda một chuyên gia mỹ thuật về Đông Nam Á của công ty Christies - Thái Lan đã công nhận:  “it is quite unique” (Đây là cái duy nhất, hay ta thường gọi là độc bản) và cũng nói thêm: “However the artist is Chinese in Vietnam: (Tuy nhiên họa sỹ là người Trung Quốc ở Việt Nam).

Họa pháp điêu luyện kết hợp với thi, thư, đạt đỉnh cao của nghệ thuật đạm thái sơn thủy họa đã làm cho người ta ngạc nhiên và hồ nghi về nguồn gốc của tác giả. Chúng ta không ngạc nhiên với những nhận định trên vì ngay cả những người Việt chuyên khảo cứu về mỹ thuật vẫn chưa thấy, biết được thì những người nước ngoài càng ít có cơ duyên gặp, hiểu được. Ta nên tự hào vì các văn nhân, đại phu Việt không phải chỉ là những nhà nho biết vẽ mà chúng ta đã có những họa gia làm lay động lòng người. Trong di sản mỹ thuật cung đình triều Nguyễn đã hiện hữu một tác phẩm hội họa với phong cách hàn lâm.

Danh nhân Nguyễn Thuật để lại nhiều tác phẩm sơn thủy họa nhưng do thời tiết và chiến tranh nên hầu hết đã mai một, trong đó có tác phẩm về núi Kim Sơn (tỉnh Thanh Hóa) hư hỏng do mưa lũ trong thập niên 80. Ông cũng là vị đại phu để lại nhiều tác phẩm thư pháp, bi ký cả trong và ngoài nước.
Bàn A Sơn có lẽ là họa phẩm duy nhất của họa gia Nguyễn Thuật còn lưu truyền cho đến hôm nay mà ta biết được.
Lúc sinh thời, vị đại thần triều Nguyễn, danh sỹ Đào Tấn rất quý trọng tài năng, đức độ của Nguyễn Thuật đã từng làm thơ tặng ông qua bài: “Ký hoài Hà Đình Công” (Nhớ ông Hà Đình gởi thơ thăm).
Nếu nói vua, họa sỹ Hàm Nghi, họa sỹ Lê Văn Miến, các họa sỹ mỹ thuật Đông Dương là những người Việt đầu tiên đi theo dòng nghệ thuật bác học Tây Phương thì danh nhân, Đại thần Nguyễn Thuật là họa sỹ Việt Nam đầu tiên thể hiện xuất sắc phương pháp Sơn Thủy họa bác học nổi tiếng của Trung Hoa. Nền Mỹ thuật đã tạo dấu ấn văn hóa cho các nước trong khu vực: Triều Tiên, Nhật Bản từ thế kỷ thứ 10.

Xuất hiện tự ngàn xưa trên chốn quan trường với bao thủ đoạn mua quan bán tước, có mấy ai từng làm sớ xin vua đừng tăng thêm phẩm trật như cụ Hà Đình. Đã mấy ai làm đến bậc Đại thần mà vẫn thấy mình “học thức tầm thường” biết xót xa vì “dân đau ốm bịnh hoạn chưa tươi tỉnh lại, kẻ tha phương cầu thực chưa trở về, binh nhiều thuế nặng”.
Tài năng, đức độ của ông càng tỏa sáng trước lời nhận xét của Vua Tự Đức: “Nguyễn Thuật là người tuổi trẻ tân tiến, hiếu học, thông minh, đỉnh ngộ, biết lẽ phải, không a dua theo kẻ khác”.
Vua Thành Thái cũng từng viết: “Nguyễn Thuật là người khí tượng cao khiết, học thức uyên bác... Từng đem ơn ích cao thượng cho kẻ khốn cùng... Thật ông là một người xứng đáng làm mẫu mực cho vạn thế. Trân trọng nơi đây”.
Nhà vua cũng từng so sánh vị Đại thần “văn chương nổi tiếng như bậc công khanh thời Hàn - Ngụy, đức cao vọng cả...”.

 Nghĩ về cuộc đời, sự nghiệp của Hà Đình Nguyễn Thuật, ta không thể không liên tưởng đến một người tài đức, từng làm quan đến Thượng thư, giỏi về văn chương, hội họa vốn là Thi Phật, Tổ Sư Nam Tông họa phái: Vương Duy (701 - 761). Một người đã từng tự vấn về mình:
“Tiền thân xưa họa sư
 Kiếp này lầm thi khách”.
Hy vọng nghệ thuật không cúi mình trước chính trị như Matthew Larking đã nói ở triển lãm “50 năm hội họa cận đại Việt : 1925 - 1975”. Mà chúng ta nên nói như nhà thơ Nguyễn Duy (biên tập phim tư liệu “Ba Vua”): “Vậy mà, cả một triều đại như thế, với rất nhiều nhân vật xứng đáng được biết ơn và vinh danh như thế, hầu như bị “loại bỏ” khỏi lịch sử dân tộc trong hệ thống chính thống... Từ đó, đúc kết những bài học lịch sử, định hướng thái độ ứng xử có văn hóa, hợp đạo lý đối với tiền nhân, nâng cao niềm tự hào dân tộc, tình đoàn kết dân tộc, cho hôm nay và cho cả hậu thế”.
Dù có bị che đậy, bóp méo, lịch sử rồi lại sáng tỏa dưới ánh sáng của tình yêu và chân lý.

Tuy chỉ là một tác phẩm đơn chiếc như ánh trăng non trên cây Ngô đồng trụi lá nhưng với tài năng nhân cách của họa gia, danh nhân, đại thần, Nguyễn Thuật qua họa phẩm Trùng du Bàn A Sơn, chúng ta lại có được niềm vui, lòng tự hào, sự thay đổi trong tâm thức về nền mỹ thuật cổ truyền và những giá trị di sản văn hóa Việt Nam.
T.L

(nguồn: TCSH số 240 - 02 - 2009)

 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng