Năm nay đã 90 tuổi, gần 70 năm lao động nghệ thuật, họa sĩ Huỳnh Phương Đông đã vẽ 20.000 bức tranh, ký họa.
Ông tâm sự: “Trong 70 năm lao động miệt mài, hết 30 năm đã diễn ra trong khói lửa chiến tranh, ngót 40 năm trong hòa bình xây dựng đất nước. Nhưng số tác phẩm về chiến tranh cách mạng vẫn nhiều hơn tranh về hòa bình. Đó là một thực tại không thể phủ nhận và cũng là… khuyết điểm của tôi. Đây là tấm lòng, tình cảm của tôi với nhiều nỗi băn khoăn đối với cuộc chiến đấu của dân tộc, quá lớn lao, quá cao đẹp, quá nhiều anh hùng, chiến sĩ, liệt sĩ. Tôi chưa thể ghi được, vẽ được hết sự ác liệt của chiến tranh, nỗi gian nan, nét anh hùng của nhân dân ta, dân tộc ta với nhiều gương sáng tuyệt vời”.
Sợ hết cơ hội
Tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ của dân tộc với tư cách là họa sĩ - chiến sĩ, mỗi bức tranh về cuộc chiến bảo vệ đất nước mà ông đã vẽ đều thấm máu của đồng đội.
Vẽ bất cứ khi nào có thể là nhu cầu của Huỳnh Phương Đông. Ngày ở chiến trường, ông luôn mang theo bên mình bút vẽ, hộp màu và mẩu than chì đựng trong một thùng đạn méo mó của Mỹ. Chất liệu vẽ rất hiếm hoi nên ông luôn tùy cơ ứng biến, sử dụng bất cứ loại giấy nào mình có: những mẩu carton, giấy vụn, bìa lịch, truyền đơn… Ông phải dùng bút vẽ tự tạo bằng những cành cây. Khi thiếu chất pha sơn, ông phải dùng màu nguyên bơm ra từ tuýp màu. Bất chấp điều kiện thiếu thốn trăm bề ấy, ông liên tục phác thảo và ký họa khung cảnh chiến trường, các đơn vị chiến đấu, cuộc sống hàng ngày trong khu căn cứ, chân dung người đồng chí, chân dung cán bộ lãnh đạo và chiến sĩ, chân dung một người tù binh Mỹ. Có lần đoàn đi tải gạo, đến đoạn Cần Xe - Trảng Bom gặp máy bay địch bắn phá. Khi vừa tan cuộc, khói lửa chung quanh còn bốc lên ngùn ngụt đã thấy ông Ba Đông lấy giấy bút ra, đứng giữa đồng không ghi ghi chép chép. “Có gì đảm bảo máy bay địch không quay trở lại quần đảo như bao lần trước, trong khi đó họa sĩ này coi như không”, họa sĩ Lê Thanh Trừ nhớ lại. Khi đi vẽ tranh ở chiến trường Đồng Tháp Mười những năm ác liệt 1972 - 1973, có những trận kẻ thù chỉ ở cách ông... 50 phân! Kẻ trên bờ, người dưới nước! Có trận 25 chiếc trực thăng đã chụp xuống đơn vị ông... ở nhà anh em đã mặc niệm (!).
Sau giờ chiến đấu, từ những bức phác thảo, ông triển khai thành tranh màu nước hoặc sơn dầu. Những tác phẩm lớn như: Trận Ấp Bắc, Trận Bình Giã, Trận cầu Chữ Y, Trận Junction city… ra đời như thế, phản ánh sự căng thẳng, khốc liệt của trận đánh và cảm giác hồi hộp, bức bối. Người xem dường như bị hút vào trận đánh với những cận cảnh sinh động chỉ có được khi họa sĩ trực tiếp có mặt tại đó. Nhiều cảnh được vẽ bằng những mảng màu đỏ dữ dội, ma quái, cho thấy sự khốc liệt của chiến trường. Ông nhớ lại: “Tôi vẽ ngay sau mỗi trận đánh bởi tôi sợ mình có thể hy sinh và không còn cơ hội được vẽ”.
Ông vẽ rất nhiều chân dung và nhiều người đã hy sinh ngay sau khi ông vẽ. Những bức chân dung thường được ông vẽ rất nhanh, ngay tại chỗ, rất chân thực và sống động, gây ấn tượng đậm nét cho người xem. Bà Johanna Branson, tiến sĩ lịch sử mỹ thuật, người Mỹ, nhận xét: “Ông luôn chú tâm quan sát, ghi lại hình ảnh những người xung quanh mình. Nhưng ông không đơn giản chỉ vẽ họ, mà còn chia sẻ những trải nghiệm của mình với họ, ông trở thành một phần trong đời sống của các nhân vật. Chính điều này đã tạo nên nét độc đáo, tiêu biểu, đặc trưng trong tác phẩm của Huỳnh Phương Đông, độc đáo đến mức kỳ lạ”.
Còn với họa sĩ Vũ Giáng Hương: “Huỳnh Phương Đông có bút pháp phóng khoáng, tranh của ông mang màu sắc trong sáng, trong cảnh tàn phá vẫn có những mảng trời xanh thân yêu của đất nước - màu của niềm tin và hy vọng. Tình cảm với quê hương, lòng quyết tâm chiến đấu, khả năng diễn đạt của ông đã tạo nên những tác phẩm hội họa có giá trị nghệ thuật”.
Gặp bất cứ ai, họa sĩ Huỳnh Phương Đông cũng giở đồ nghề ra ký họa. |
Ký họa là tài liệu quý
Trước đây có người cho rằng ký họa không phải là tác phẩm. Họa sĩ Huỳnh Phương Đông suy nghĩ nhiều mà không nói ra và cứ lao động miệt mài vượt lên tạo tác phẩm từ kho tư liệu quý giá đó. “Tôi đã theo con đường đứng lên cầm súng khi đất nước lâm nguy. Và tôi đã chọn con đường hiện thực trong nghề nghiệp để phục vụ nhân dân, phục vụ sự nghiệp cách mạng”, ông tâm niệm.
Quan sát tinh tế và liên tục sáng tạo là nhu cầu của Huỳnh Phương Đông. Những năm 1940, ở tuổi 15, khi theo học trường Mỹ thuật thực hành, ông đã nảy ra ý định chế tạo bút vẽ vì hồi đó rất khó kiếm một cây cọ tốt ở Sài Gòn. Quan sát những chiếc bàn chải bán tại khu người Hoa trong Chợ Lớn, ông phát hiện chúng được làm từ lông heo. Xin được lông heo từ mấy nhà buôn, ông ngồi nhà mày mò làm bút vẽ. Thử nghiệm nhiều kiểu dáng khác nhau, cuối cùng ông chế tạo được loại bút vẽ dùng nhiều lần mà vẫn không bị tòe. Ông cùng người bạn đồng môn Hồ Tấn Thuận sản xuất bút vẽ đem bán, nguyên liệu là lông heo, vỏ hộp sữa dùng làm đế bút. Mài giũa và đánh bóng một chút, những cây cọ hoàn chỉnh được bày bán tại một cửa hàng của người Pháp có tên là Albert Portail, đối diện khách sạn Continental. Đây chính là nguồn thu nhập thường xuyên của chàng sinh viên mỹ thuật có đầu óc kinh doanh.
Ông không chỉ vẽ khá nhanh các chân dung mà còn thể hiện được tính cách của người mẫu, chỉ cần phác qua vài nét đã rõ người trong tranh là ai. Và Huỳnh Phương Đông luôn say mê ký họa chân dung bất cứ khi nào có dịp. Họa sĩ Lê Thanh Trừ kể: “Có lần đi dự một liên hoan cuối năm, khi bàn tiệc đã dọn ra, ông vẫn mê mải ký họa cho đồng nghiệp bức chân dung kỷ niệm. Nhiều người vây quanh trầm trồ. Ba Đông chợt nhận ra một người bạn cũ.
- À, anh Sáu hả? Đợi chút nhen. Tôi sẽ kỷ niệm anh một bức…
Chân dung người bạn cũ vừa vẽ xong chưa kịp ký tên đã có người khác ngồi thay chỗ.
- Đợi đấy, đợi đấy.
Rồi lại người nữa, người nữa… Huỳnh Phương Đông vẽ tặng không biết mệt. Khi xong bức cuối cùng mới hay những người dự tiệc đã dần dần đứng lên bắt tay nhau từ giã”.
Lần gần nhất ông chuyển nhà phải chở 11 chuyến xe tải mới hết tranh, tượng! Riêng chân dung đã 3.500 bức... Căn nhà ông gần 250m2 diện tích sử dụng nhưng dường như quá nhỏ bé, chật hẹp khi phải chứa đựng một khối lượng tranh đồ sộ. Con gái ông là Huỳnh Phương Lan, người cũng được cha truyền tình yêu hội họa và trở thành họa sĩ, tâm sự: “Tôi rất khâm phục tinh thần lạc quan và sức làm việc mạnh mẽ, liên tục của ông. Ký ức qua hai cuộc chiến tranh không làm tâm hồn của ba tôi bị khô khan. Cuộc sống trong hòa bình vẫn đang từng ngày thay đổi và ba tôi vẽ mọi người trong gia đình, vẽ bè bạn trong các cuộc họp mặt, vẽ hoa lá, vẽ phong cảnh… Ai một lần đến thăm ba tôi tại nhà riêng đều ra về trong luyến tiếc vì không có đủ thời gian để xem hết kho tàng tranh của ba tôi”.
“Tôi chưa vẽ hết những thành tựu mới về xây dựng đất nước, thành phố ta đã đàng hoàng hơn, to đẹp hơn rất nhiều. Quá sức tưởng tượng của tôi. Tôi còn mong sẽ trực tiếp vẽ được cảnh đồng bào, chiến sĩ ngày đêm canh giữ biển trời, biên cương của Tổ quốc”. Và để “chuộc lỗi”, ngày nào ông cũng vẽ đến nửa đêm.
|
Nguồn: ĐỖ QUANG TUẤN HOÀNG - SGGP