NGUYỄN HÀNG TÌNH
Cho dù không đến Tây Nguyên ta cũng thấy hoặc “cảm” về miền Thượng phương nam sống động nhiều rồi qua báo chí, truyền hình, văn chương. Nhạc về xứ này cũng thế, qua Y Phôn, Y Moan, Nguyễn Cường. Với nhiếp ảnh, thì càng bạt ngàn hơn tác phẩm và tác giả, không chỉ người đang sinh sống tại xứ này. Thế còn hội họa? Cần một sự tĩnh lặng của hội họa để nhìn thấu vào bên trong miền đất ấy, bởi đây vốn không phải vùng đất của sự ồn ào, lắm lời. Cây cọ nào đầy đủ nội lực cùng sự yêu thương chân thành cho một vùng đất để kể câu chuyện của nó qua sắc màu?
Tây Nguyên trong bạn là vùng đất lụa là quý báu với đại ngàn xanh mênh mông; là núi non hùng vĩ điệp trùng; là nhà sàn, là người bản địa đóng khố, gùi thổ sản, là tiếng cồng chiêng, đàn T’rưng, cây nêu, lễ hội, rượu cần, tượng nhà mồ huyền bí; là cà phê, cao su, tiêu, là đất bazan, là thác nước ầm ào tinh khôi… Bạn đã quen với thứ Tây Nguyên ấy trên báo chí, truyền hình suốt bao năm nay, đến độ bạn không muốn nhìn Tây Nguyên kiểu khác, ít ra như nó đang diễn ra, như “cuộc đời” thật của nó. Nói về “Tây Nguyên” là phải nói về vùng đất huyền bí đẹp. Bất cứ cuộc triển lãm tranh, ảnh nào về Tây Nguyên bạn đều nhận ra cái quán tính cảm thức đó. Chưa hẳn những nghệ sĩ kia vì đọc các nhà Tây Nguyên học kinh điển như Henri Maitre, Comdominas, Dambo, Cassaigne, Jean Boulbet… mà “phê thuốc”, chịu quy phục, ảnh hưởng; mà có thể bản thân họ tự “cài đặt” mình theo tâm lý đám đông.
Lê Vấn là một họa sĩ gần như duy nhất ở Tây Nguyên lội ngược dòng, thoát ra cảm thức đám đông ấy. Nếu bây giờ Lê Vấn mới “thoát” ra khỏi đám đông kia thì không có gì để nói, mà suốt ba mươi năm nay anh đã thế. Anh an nhiên bước đi, sống, vung cọ, như không để ý xung quanh đang có bao người cũng đang vẽ. Anh vẽ bằng sự chỉ huy của rung động nơi mình, cái tôi nghiêm cẩn, đạo lý tự nhận ra, mà hoàn toàn không có bóng dáng của cái “chúng ta”, hay sự hô hào nào. Hay nói khác, anh vẽ cho chính mình, trước những gì diễn ra trên vùng đất mình đang có mặt. Một con chim Phí “nhập cư” tử tế bay trên thảo nguyên sắc màu.
Bức Người về cuối rừng |
Hẳn bạn sẽ ngạc nhiên, rằng tại sao “lỗ” cà phê giăng khắp trong tranh Lê Vấn. Về mặt vật chất, nghĩa trần trụi, “lỗ” cà phê nó là một thứ gì đó trái khoáy, phá bĩnh và có “quyền lực” kinh tế, chính nó làm biến động cả Tây Nguyên suốt mấy chục năm qua. Và nó đã ám ảnh Lê Vấn - một nghệ sĩ, kẻ sống bằng tâm hồn. Là kẻ viết báo và nghiên cứu về môi trường, tôi nắm được sự cụ thể của những con số, ví như diện tích rừng tự nhiên hiện còn ở Tây Nguyên bằng diện tích xâm phá dọn sạch trong mười lăm năm từ 1980 - 1995: 1,8 triệu hécta. Hoặc hiện mỗi năm đều đặn mất tiếp trong số ít ỏi còn lại kia 20.000 - 25.000 hécta. Rừng tự nhiên dĩ nhiên chỉ còn trong các cứ điểm cuối cùng là rừng đặc dụng, phòng hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, Vườn quốc gia, chứ không phải bất kỳ đâu như đã từng ở xứ này. Tất nhiên, một nghệ sĩ người ta nhìn xuyên xã hội bằng trực giác nhạy cảm của họ, có thể đạt đến độ khái quát tinh tế, nên 500.000 hécta cà phê hay hơn hai triệu hécta cây trồng khác là cái gì đó không cần thiết. Dân tại chỗ lơi biệt dần cây lúa rẫy đến quyết liệt tìm chỗ dựa ở cây công nghiệp cà phê. Dân nhập cư ùn ùn theo tiếng gọi của cà phê mà tràn lên Tây Nguyên khiến vùng sơn nguyên từ một triệu dân thoắt cái lên trên 6 triệu. Di dân theo chủ trương kế hoạch hay tự do thì cũng là di dân. Nhưng “Lỗ” cà phê và cơn cuồng say đổi đời từ nó làm đau đớn và tê dại cơ thể vốn thanh khiết tự nhiên của Tây Nguyên. Tây Nguyên bị “lột trần” ra như nhộng. Đã bị trần truồng nhưng mọi người vẫn cứ vỗ về nhau nó đang là sơn nguyên, mọi thứ ở đây vẫn “huyền thoại”. Tôi nhận ra những thảm họa môi trường từ sự biến động khủng khiếp của núi rừng miền thượng, còn Lê Vấn với tâm hồn nghệ sĩ, anh cảm nhận xa tít về một sư hoang mang, hoảng loạn trong lòng người. Dân bản địa thì ngỡ ngàng, còn dân nhập cư lại chông chênh. Một nhóm người di cư thất thểu ngồi nhìn lên đồi núi đỏ lòm dù là chốn mưu sinh mới nay mai trong bức Non nước lạ lùng là một ví dụ về điều ấy. Phận người nhập cư đi khai phá đất thiêng của xứ người trong sự tả tơi cái nghèo từ cố quận, cho dù đất bazan có màu mỡ đến cỡ nào thì kiếp người trong hành trình kiếm ăn và tồn tại ấy vẫn chua xót (tác phẩm Cơn mưa đang đến). Những căn nhà nhập cư cô quạnh của dân nhập cư hòa khúc nhạc buồn bã của những làng bản địa đang tan dần cấu trúc xã hội và văn hóa (tác phẩm Trắc trở Tây Nguyên). Cái “lỗ” cà phê ấy nếu không làm rỉ máu bazan thì cũng làm tím tái những dãy núi ngọn đồi, con sông dòng suối (bức Đất đỏ”). Cộng đồng bản địa đi Cắt lúa trên nguồn mà như đi cắt chân tay, nguồn cội của mình. Những cuộc dời làng, tái định canh định cư đó đây khiến người đứt ruột đoạn tuyệt quê xứ, lòng người đổ nát như Mơ qua buôn cũ. Còn kẻ nhập cư thì mang theo bộ cốt văn hóa của mình và chơi vơi mượn lấy nó để tự mưu cầu làm ấm lại thân phận trên đất khách khi mùa sương giá về (tác phẩm Chợ rằm giữa rừng). Những anh chàng nhập cư đào hố để trồng cà phê mà không biết đúng sai về mặt đạo lý với trời đất. Con người chới với mà thiên nhiên cũng bấn loạn khi mọi thứ trên mặt đất bị lộ rõ, nháo nhào, kể chi con sông dòng suối, vạn vật. Lúc đó, bạn chơi vơi trong thứ kinh trời đất về sự thuận hòa phải có giữa con người với thiên nhiên - ở đầu non mà cũng thôi hiểu nổi nguồn (tác phẩm Người ở đầu non). Chất liệu trần gian như thế, hẳn phải vẽ những bức tranh về tình cảnh con người từng gắn bó với rừng một ngày về bên hồn ma của rừng với khẩu trang bịt ngút mặt mà ngậm ngùi nhìn sự rạn vỡ của núi đồi (tác phẩm Người về cuối rừng). Cá bơi trên sông mà còn hoảng loạn, vì nó cũng mất phương khi dòng nước kia cũng biến thiên (tác phẩm Đầu nguồn). Thế thì cũng không khó hiểu khi những cô gái sơn cước Ê Đê thuần khiết thiên nhiên, vô nhiễm tuyệt đối trước son phấn phù hoa bỗng một ngày thể hiện sự tồn tại của mình bằng những thứ gì được cho là tân thời không thua ai (tác phẩm Móng tay son). Tất nhiên những sơn nữ này cũng không biết mình là ai, có là chính mình, người của truyền thống bản địa. Tương lai là cái gì đó không biết được, mà con người còn phải sống cái đã. Như anh nói, họ, tất cả là những nhân vật chỉ có số phận mà không có lai lịch. Họ như nhau, cũng tợ rớt cái đùng xuống Tây Nguyên, cõi trần này, thế thôi.
Bức Người nơi đầu nguồn |
Lê Vấn thương yêu con người, dù bản địa hay di dân. Tranh của Lê Vấn là câu chuyện về số phận con người trong hành trình triệt phá thiên nhiên gốc, hạnh phúc là đó mà tự đày đọa mình đó, trừng phạt mình ngay lúc này, kiếp này, thời đại này. Thế nên anh bảo mọi thứ ở Tây Nguyên đều từ rừng, mà mất rừng là mất điểm tựa cốt tử. Con người tự hành hạ mình trong cuộc moi móc, đào bới rừng núi, ngược đãi và nâng niu đất đai đó. Nghệ thuật của Lê Vấn không bị chi phối bởi truyền thống văn hóa, hay di sản quá khứ bất kỳ nào. Cây cọ là công cụ để đưa tâm hồn anh xuyên qua thực tại, hồn nhiên, tỉnh bơ, mà thâm hậu.
Lê Vấn sống trầm lặng, ồn ào đã không mà “trình diễn” hẳn là thứ sinh hoạt xa lạ. Người tinh tế như tranh. Đời Lê Vấn hình như là một cuộc ân nợ với với xứ thượng, mà anh là “khách”. Từ làng dệt Duy Xuyên - Quảng Nam trôi vào làng dệt ngã tư Bảy Hiền ở TP. HCM, dạt lên Lâm Đồng, trở lại TP. HCM, dạt qua Dak Lak, quay lại Quảng Nam, dạt lên lại Dak Lak, ra Huế, rồi lại Dak Lak. Lê Vấn bỏ cơ quan Nhà nước để làm họa sĩ tự do từ rất sớm, chỉ sau chừng mười năm trong “quốc doanh”. Anh suýt đi đào “lỗ” cà phê ở Gia Lành (Di Linh, Lâm Đồng) như bao di dân khác, vào cái mùa bão tố “Đi Kinh tế mới” sau 1975 ấy quét qua gia đình anh khi đang sống ở Sài Gòn. Con đường hội họa đã dẫn anh vào trường mỹ thuật rồi thành họa sĩ chuyên nghiệp. Sống ở Buôn Ma Thuột hơn 30 năm, nhà cửa ổn định, miệt mài hội họa dấn thân, nhưng anh vẫn như luôn ở trạng thái của một kẻ di dân. Anh không biến cốt thành “người bản địa” để dễ “thành công”, nhận biệt đãi và “hòa nhập”. Tôi kể chuyện miền thượng bằng tâm thế của chính tôi, kẻ ngụ cư đích thực, “khách sĩ”. Cái cảm giác ấy khiến tranh của anh mang phẩm chất giang hồ lưu lạc và chân thành với cuộc đời. Bao giờ xem tranh anh, tôi vẫn thấy thứ nợ kia nó đeo bám cuộc đời lẫn không gian sáng tạo của Lê Vấn. Nhờ kiếp nợ riêng của anh mà cao nguyên đương thời hiện ra thật thà, điềm tĩnh, bao dung và sâu lắng trong miền mơ tưởng của hội họa.
Lê Vấn chỉ vẽ trên lụa. Họa sĩ chuyên nghiệp. Tất nhiên là tay chơi “lụa” hàng đầu Tây Nguyên bây giờ, giữa một Tây Nguyên chưa bao giờ hội họa được dân mỹ thuật trong nước “nể trọng”.
N.H.T
(SDB13/06-14)