Thế giới sắc màu
100 Năm Cánh Hạc Thiên Trường
15:17 | 21/08/2014

Họa sĩ Dương Cẩm Chương vừa qua đời ngày 9/8 ở tuổi 104 tại TP. HCM. Sáng ngày10/8, tang lễ của ông đã được tổ chức  tại nhà riêng(121/41 Lê Thị Riêng, Q.1, TP.HCM). Lễ động quan diễn ra lúc 7h ngày 13/8, sau đó hỏa táng tại Bình Hưng Hòa. Di cốt của họa sĩ sẽ được mang về nghĩa trang họ Dương thuộc huyện Khoái Châu, Hưng Yên.

100 Năm Cánh Hạc Thiên Trường
Chân dung họa sĩ Dương Cẩm Chương

Họa sĩ Dương Cẩm Chương sinh năm 1910 tại Hải Dương. Thân sinh ông là nhà chí sĩ Dương Bá Trạc - người khởi xướng phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục (cùng với cụ Lương Văn Can).  Ông còn có hai người chú ruột rất nổi tiếng là: giáo sư Dương Quảng Hàm và giáo sư Dương Tự Quán.  Ngay khi còn nhỏ, Dương Cẩm Chương đã có năng khiếu hội họa. Vì vậy, khi học xong Tú Tài, ông đã dự tính học ngành kiến trúc để trở thành kiến trúc sư, nhưng thời đó chưa có đại học kiến trúc, ông phải vào trường thuốc học y khoa. Dù vậy, lúc này ông vẫn học dự thính thêm ở Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương và cũng làm ký giả cho tờ Trung Bắc Tân Văn để kiếm tiền đi học. Ông đã từng phỏng vấn danh hài Charlot, danh hoạ Fujita của Nhật Bản khi họ ghé thăm Việt Nam, với những câu hỏi hóm hỉnh "ông thấy phụ nữ Việt Nam có gì đặc biệt so với phụ nữ thế giới? ". Năm 1938, ông tốt nghiệp y khoa, trở thành bác sĩ phẫu thuật, làm việc ở tại bệnh viện Lalung Monnaire Saigon (nay là Bệnh viện Chợ Rẫy). Ông thực sự đến với hội hoạ ở tuổi năm mươi. Song,  khi nhắc đến Dương Cẩm Chương, nhiều người lại thường nhớ đến ông như một họa sĩ tài hoa, dí dỏm, hài hước, uyên bác trên nhiều lĩnh vực... mà quên ông là một một bác sĩ đã từng đi nhiều nơi trên các lục địa Á, Âu, Mỹ, nghiên cứu chuyên sâu nhiều ngành y học...

Dương Cẩm Chương cắt nghĩa, bởi vì trong mấy chục năm hành nghề y, ông không lúc nào quên hội họa. Nó cũng là “họa nghiệp” cùng với “y nghiệp” gắn liền suốt cuộc đời ông. Khác ở chỗ, một cái trời cho, một cái ông chọn. Dù vậy, ông vẫn thường nói  : “hội họa với tôi là nghiệp dư”.

   Họa sĩ Dương Cẩm Chương là hội viên Hội Họa sĩ Pháp, từng có trên 20 lần triển lãm tại Paris, được giải thưởng của Hội thi phong cảnh (1971 - 1973), huy chương bạc của phòng tranh quốc tế miền Nam nước Pháp (1974), huy chương bạc Hội văn học nghệ thuật Pháp (1977), giải thưởng Hội liên hiệp nghệ sĩ tạo hình (1981)... Ông đã đi, sống và vẽ khắp mọi miền trên thế giới, nhưng với ông,  nơi đẹp nhất vẫn là đất nước quê hương.  Ông vẽ rất nhanh, thường từ 1 đến 2 tiếng đồng hồ là xong một tác phẩm. Có trường hợp ở một bức tranh, ông đang vẽ dở dang thì trời mưa ập xuống, ông để luôn không vẽ nữa và  xem như hoàn thành tác phẩm. Trong hàng trăm bức tranh đã sáng tác, ông tâm đắc nhất là bức tranh Bàn Cờ vẽ về một xóm nghèo ở Sài Gòn (1960); bức tranh Phật đản ở Washington (1983) là một kỷ niệm đáng nhớ của những ngày tha hương. Một bức tranh khác, ông vẽ trong nhiều năm liền, song cứ bị rơi vào tâm trạng “như chìm đắm, như chưa tan một giấc mơ”...Đó là bức tranh vẽ về  con đường nhỏ mang tên Dương Bá Trạc, bên kia cầu Chữ Y, quận 8, nối liền nội thành và ngoại thành TP.HCM. Tâm trạng này đã được nhà thơ Thân Thị Ngọc Quế (1918-2007), vợ ông, chia sẻ: “Nâng theo cánh hạc thiên trường/ Mà tình nước đã ngàn phương đất trời...”(*)

Tháng 9-1991, Hội mỹ thuật thành phố Hồ Chí Minh đã tổ chức triển lãm tranh sơn dầu của Dương Cẩm Chương tại thành phố Hồ Chí Minh. Nhiều đồng nghiệp, bạn bè trong và ngoài nước đã nhận xét, nét vẽ của ông sắc sảo, ngọt ngào, màu sắc tương phản đã phơi bày được cách nhìn cuộc sống sinh động, đối chọi giữa cái xấu bên cái tốt, cái nghèo khó bên cái giàu sang hoa lệ... nhưng tất cả đều cháy lên một tình yêu con người, thiên nhiên tha thiết. Năm 1993, họa sĩ Dương Cẩm Chương  lại có cuộc  triển lãm ở Hà Nội. Năm 1999, ông nhận huy chương Vì sự nghiệp mỹ thuật VN tại Hà Nội. Những năm gần đây, ông thường xuyên có mặt ở quê nhà vào những dịp Tết. Ông cho biết, ông đã chọn  thành phố Đà Lạt  để mỗi năm về sống để vẽ vài ba tháng. Vì ông cho rằng : “Đây là một thành phố tình cảm, có một tâm lý riêng, một sắc thái riêng, có lẽ chỉ vì gần gũi như mặt thấy mặt, tay cầm tay. Cái thành phố Đà Lạt này như biết săn sóc giữ gìn tình cảm cho con người biết tìm nó... Thì giờ nhanh chóng nhưng lúc nào cũng nhàn rỗi, mỗi một hoạt động trong ngày gần như một giải trí, có lẽ ở đây hơn ở Paris, mới thấy một thứ nhàn rỗi, thanh thản, không vướng víu... Sinh hoạt ở đây đầy tình người...”

Sinh thời, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn rất thích giao du với vợ chồng ông. Có lần nhạc sĩ đã viết về ông: “...Bằng tất cả sự sảng khoái đầy rạo rực của một con người không có tuổi tác... ông chính là kẻ lữ hành không mệt mỏi của đường dài...”. BS Thân Trọng Minh (cháu ruột của bà Thân thị Ngọc Quế) và cũng là một họa sĩ nổi tiếng đã nhận xét về Dương Cẩm Chương: “Phong thái sáng tác của ông rất gần với những họa sĩ vẽ tranh thủy mặc: một vệt màu, một nét cọ là một hứng cảm nghệ thuật dứt khoát, hiếm khi phải bôi xóa. Dương Cẩm Chương luôn tôn trọng cái ấn tượng ban đầu mà cảnh vật tạo cho ông. Khi ông vẽ, cảnh nhập vào người, người nhập vào cảnh, người và cảnh là một”.  Sinh nhật lần thứ 102 (ngày 19.12.2012), họa sĩ Dương Cẩm Chương cho ra mắt tập thơ có tựa là Thi Tâm do NXB Thời Đại. Tháng 6.2013, ông đã góp mặt buổi ra mắt dự án xuất bản quyển truyện tranh cho thiếu nhi về những tấm gương Việt, do Hội quán các bà mẹ và NXB Phụ nữ tổ chức (gồm 6 câu chuyện về 6 nhân vật: bác sĩ, họa sĩ Dương Cẩm Chương, nhà giáo Đàm Lê Đức, nhà âm nhạc dân tộc học – GS, TS Trần Văn Khê, nhà thơ Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc và cố bác sĩ, nghệ sĩ Trương Thìn). Hằng ngày, ông vẫn thường tìm những thông tin đã lưu trữ trong tài liệu lưu trong quyển nhật ký, đánh số với bìa màu khác nhau đặt ở đâu trên tủ. Độc đáo nhất, trong đó có  tuyển tập Giọt nước cành dương của ông, nơi lưu thông tin, thơ, hình ảnh của những người phụ nữ trong đời mà ông yêu mến, biết ơn, trân trọng...


          Tranh của họa sĩ Dương Cẩm Chương (2 ảnh)

 

 

Box:

Năm 1968, nghỉ hưu, Dương Cẩm Chương định cư tại Pháp, nơi được coi là cái nôi của nghệ thuật, để vẽ tranh chơi. Ông nói: "Tôi vẽ cho tôi, vẽ những gì tôi thích, tôi nhìn thấy, tôi suy nghĩ, và tôi chiêm ngưỡng". Để vẽ được, ông đã phải trải qua một quá trình đào tạo ở trường Mỹ thuật, cao đẳng hoạ hình, học tắt qua các học viện ở Mỹ và Pháp với nỗ lực cá nhân cao. Ông vẽ từ con ngựa già trầm tư giữa thủ đô Washington đến những chú bò thong thả bước đi giữa châu Phi lầm cát bụi và cô nghệ sĩ mù kéo vĩ cầm trong xe điện ngầm ở Paris. Ngày giỗ mẹ giữa Washington D.C lung linh, Dương Cẩm Chương đã thắp nén hương nơi bàn tiệc ở một khách sạn sang trọng. Và người ta dẫn ông đến một ngôi chùa Việt Nam ẩn giữa lòng Washington. Hôm đó cũng là ngày Phật Đản, ngôi chùa nghi ngút khói hương, chập chờn ngọn nến, những chị, những em gái Việt Nam trong bộ quần áo dân tộc đủ màu, thành tâm tụng kinh, niệm Phật, hướng tâm linh về đất mẹ Việt Nam. Cảnh tượng này đã vào tranh Dương Cẩm Chương, màu đỏ, màu vàng sáng lên giữa những màu nâu, đen, xám u tịch. Màu đỏ trong bức tranh này ấm nóng như dòng máu đỏ từ tim người con xa Tổ quốc chảy tuôn về đất mẹ. Rồi Dương Cẩm Chương tìm đường về cố hương...Ông nói:"Quê hương bao giờ cũng đẹp. Nhưng sau mấy chục năm xa nhà, nay trở về nhìn bằng con mắt hoạ sĩ, tôi thấy nhiều cái đẹp mà lúc ra đi tôi không thấy".  

 

------------------------------------------------------------------------------------------------------------

(*):  Thân Thị Ngọc Quế sinh tại TP Huế. Đương thời, bà được coi là một hiện tượng hy hữu trên văn đàn Việt Nam: sau hơn 40 năm định cư ở Pháp, năm 1988 bà trở về quê hương và làm thơ khi khi đã qua ngưỡng tuổi "cổ lai hy". Nhiều nhạc sĩ đã phổ nhạc từ thơ của bà, như Dzoãn Mẫn, Phạm Duy, Hoàng Giác, Trịnh Công Sơn, Tô Vũ, Phạm Trọng Cầu...

Nguồn: Trần Trung Sáng - vanchuongviet

 

 

 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng