Họa sĩ - Nhà giáo Nhân dân Uyên Huy vừa hoàn thành cuốn sách Mỹ thuật đô thị Sài Gòn - Gia Định 1900 -1975 như sự tri ân với vùng đất mà ông đã sinh ra, lớn lên và có nửa thế kỷ hoạt động mỹ thuật.
Đây có thể coi là tác phẩm đầu tiên phác họa bức tranh toàn cảnh về mỹ thuật đô thị Sài Gòn xưa trong dòng chảy lịch sử - văn hóa của vùng đất này.
Nhân dịp này, Thanh Niên có cuộc trò chuyện với họa sĩ Uyên Huy.
* Thưa họa sĩ, cuốn sách đề cập tới rất nhiều mảng của hoạt động mỹ thuật tại đô thị Sài Gòn - Gia Định xưa, từ lịch sử các trường mỹ thuật, các khuynh hướng sáng tác, các tác giả, tác phẩm tiêu biểu, dòng chảy về lý luận mỹ thuật, quy hoạch đô thị và các công trình kiến trúc điển hình... Trong bức tranh toàn cảnh ấy, ông thấy tính chất nào của mỹ thuật đô thị Sài Gòn xưa là đặc biệt, nổi trội?
- Họa sĩ - Nhà giáo Nhân dân Uyên Huy: Đó là tính cởi mở và đa dạng. Kể từ khi người Pháp bắt đầu quy hoạch Sài Gòn năm 1861, hệ thống cai trị, sinh hoạt văn hóa nghệ thuật, các công trình kiến trúc, quy hoạch đô thị của họ đã ảnh hưởng lớn tới đời sống và nhận thức mỹ thuật của người Sài Gòn - Gia Định xưa. Chỉ trong vòng 13 năm (từ 1900 - 1913) người Pháp đã thành lập liên tiếp ở vùng đất này 3 ngôi trường dạy mỹ thuật ứng dụng đầu tiên của cả nước (Trường Mỹ nghệ Thủ Dầu Một, Trường Mỹ nghệ Biên Hòa, Trường Trang trí mỹ thuật Gia Định), trong lúc miền Bắc và cả khu vực Đông Nam Á chưa có một trường mỹ thuật nào; đồng thời đưa một số người dân bản địa sang Pháp học mỹ thuật.
|
Sau khi Trường cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở miền Bắc được thành lập vào năm 1925, nhiều nghệ sĩ miền Nam đã học mỹ thuật ứng dụng ở Sài Gòn lại tiếp tục học mỹ thuật tạo hình ở đây rồi trở về Sài Gòn làm việc, khiến cho mỹ thuật Sài Gòn phát triển mạnh ở cả hai mảng ứng dụng và tạo hình, khác với miền Bắc chỉ tập trung vào tạo hình. Mặt khác, từ năm 1900 Sài Gòn - Gia Định đã là nơi hoạt động giao lưu buôn bán theo nền kinh tế thị trường, đi cùng với nó là sự tự do trong tư duy sáng tác, sau đó nhiều họa sĩ từ Pháp, Mỹ về giảng dạy, nên từ năm 1954 - 1975 mỹ thuật phát triển mạnh với rất nhiều khuynh hướng và tư tưởng nghệ thuật: mỹ thuật vị nghệ thuật, mỹ thuật cách mạng, mỹ thuật phản chiến, mỹ thuật thương mại...
* Ông dành số trang khá lớn trong cuốn sách để nói đến sự phong phú của hoạt động đồ họa và quảng cáo ở Sài Gòn - Gia Định xưa, điều ít nhà nghiên cứu đề cập tới, và cho rằng những người chỉ đề cao mỹ thuật tạo hình mà coi thường mỹ thuật ứng dụng là “quá kém về nhận thức”. Vì sao vậy?
- Tư tưởng trên thường có ở những nghệ sĩ vốn sống ở khu vực từ lâu không có trường dạy về mỹ thuật ứng dụng, hoặc trong một nền kinh tế không có sự cạnh tranh thương mại, ở khu vực ấy thì mỹ thuật ứng dụng không thể nào phát triển được. Trong khi ở các nước tiên tiến hai mảng này gần như mất đi ranh giới và phát triển ngang bằng nhau.
Sau khi người Pháp thành lập 3 trường mỹ thuật ứng dụng đầu tiên, đến năm 1971 chính quyền Sài Gòn đã cho nâng Trường trung học Trang trí mỹ thuật Gia Định thành Trường quốc gia Trang trí mỹ thuật Gia Định, cho thấy họ rất coi trọng mảng mỹ thuật ứng dụng. Những họa sĩ từ các ngôi trường ấy đã đóng góp hiệu quả cho nền kinh tế miền Nam, trong rất nhiều hoạt động đồ họa, quảng cáo: vẽ mẫu thiết kế quảng cáo, vẽ bìa sách, bìa các bản nhạc, bao bì sản phẩm, vẽ quảng cáo cho các rạp chiếu phim, rạp cải lương, vẽ quảng cáo sản phẩm trên báo chí, thiết kế tem bưu chính, bích chương, truyện tranh, mẫu tiền kim loại...
|
Thật thú vị khi nhiều tác phẩm điêu khắc đang hiện diện ở các không gian công cộng Sài Gòn hay chỉ còn trong trí nhớ một số người đã được ông hệ thống lại và đưa vào sách với những câu chuyện thịnh suy quanh chúng. Hóa ra không phải tượng xưa nào cũng đẹp, và dù nhiều nhưng vẫn có danh nhân đáng được Sài Gòn tạc tượng lại chưa hề được tạc...
Vâng, giới nghệ sĩ chuyên nghiệp ở Sài Gòn từng vô cùng bức xúc trước hệ thống tượng đài quân đội và các danh tướng ngày xưa kém chất lượng xuất hiện trong thành phố, kết quả của một cuộc “chạy đua chào mừng” năm 1966. Và tôi cho rằng, lẽ ra Sài Gòn đã phải tạc tượng Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, người xác lập chủ quyền cho người Việt tại vùng đất Sài Gòn - Gia Định xưa từ lâu rồi!
* Người đọc cũng có thể xem cuốn sách của ông là một cẩm nang về các công trình kiến trúc tiêu biểu của Sài Gòn xưa. Ông nghĩ gì khi gần đây do yêu cầu xây dựng các công trình mới, nhiều kiến trúc cũ thân thuộc với người Sài Gòn hơn nửa thế kỷ nay phải phá bỏ?
- Việc phá bỏ những công trình cũ do yêu cầu mới của cuộc sống là điều không thể tránh khỏi. Tuy nhiên chúng ta cần phải làm việc này một cách thận trọng, vì những công trình tiêu biểu còn mang trong chúng cái hồn và lịch sử của cả thành phố. Trong quá trình phát triển, nhiều đô thị trên thế giới đã quy hoạch rõ ràng khu vực nào phải giữ lại, khu vực nào được xây mới... Thành phố chúng ta cũng phải làm việc này một cách cấp bách. Nếu không những người đi xa chừng vài chục năm sẽ không thể nhận ra Sài Gòn, còn những người đang sống ở Sài Gòn sẽ cảm thấy xa lạ ngay trên thành phố của mình.
Xin cám ơn ông.
Nguồn: Phạm Thu Nga - TNO