Tôi quen với họa sĩ trẻ Nguyễn Văn Hè từ những năm anh còn là sinh viên trường Đại học Nghệ thuật Huế. Cà phê vỉa hè ở đường Phạm Hồng Thái là nơi chúng tôi thường gặp gỡ chuyện trò vào những chiều cuối tuần. Hè có một đời sống nội tâm hết sức mạnh mẽ nhưng ứng xử vô cùng nhẹ nhàng và kín đáo.
Cuộc sống khốn khó khiến anh liên tục thay đổi nơi ở nhưng không phải vì thế mà đời sống sáng tạo nghệ thuật của anh lại bị giới hạn và bó hẹp. Bù lại, nhiều tác phẩm nghệ thuật lần lượt ra đời và đã gây không ít bất ngờ cảm xúc, ấn tượng mạnh mẽ cho người thưởng lãm như: Mặt trái- triển lãm sơm mài 2006, Thế Trận- trình diễn tại Triển lãm Năng lượng Cố đô 2013 và gần đây là Nỗi buồn chiến tranh-sơn dầu tại Triển lãm Mỹ thuật Bắc Trung bộ 2014. Mỗi tác phẩm của anh là một thông điệp, mỗi câu chuyện kỳ thú, một câu chuyện kể có chủ đề riêng mà Hè muốn gửi đến những người yêu mến nghệ thuật tạo hình, nghệ thuật đương đại thực sự.
Sự tìm tòi cái mới, cách thể hiện của Hè qua các loại hình nghệ thuật từ tranh sơn mài truyền thống, đến tranh sơn dầu hay sắp đặt, trình diễn… đều góp phần làm phong phú, đa dạng cho đời sống nghệ thuật đương đại, mang lại ngôn ngữ sống động, ẩn chứa nhiều suy tư, ray rứt trước đời sống xã hội hiện đại. Nhưng nỗi đau về chiến tranh, hậu chiến tranh vẫn không thể nguôi ngoai trong anh, không thể thiếu vắng trong mỗi tác phẩm của anh, cứ ám ảnh, dằn vặt mãi trong anh, để rồi lặng lẽ đi vào các tác phẩm một cách vô tư, hồn nhiên…Có lần Hè chia sẻ: “Ở một đất nước mà chiến tranh đã lùi xa gần nửa thế kỷ nhưng đâu đó vẫn bắt gặp những cái chết oan uổng, vô tội do vật liệu nổ còn sót lại sau chiến tranh, trong đó có cả người thân ruột thịt của mình. Khủng khiếp hơn là ở không ít ngôi làng, góc chợ trời, người dân vẫn hồn nhiên vật lộn mưu sinh đầy hiểm nguy với đóng phế liệu đổ nát, mà có không ít vật liệu nổ chưa được phá hủy.”
Những tác phẩm đạt các giải thưởng cao đều được Hè lấy ý tưởng từ nỗi đau chiến tranh, hậu chiến tranh như: Tác phẩm Thế Trận, Nỗi buồn chiến tranh. Và ngay cả không gian Café Hè, ở 27 Lê Ngô Cát, Tp Huế cũng là một minh chứng sinh động cho điều này. Hơn 200 vật dụng, tư trang, các loại vũ khí đạn dược phần lớn của Quân đội Mỹ còn sót lại sau chiến tranh được anh sưu tập và bày biện tại không gian café độc đáo này như một bảo tàng quân sự thu nhỏ, từ những chiếc thẻ bài của lính Mỹ ở sân bay Tà Cơn(Khe Senh), hay đến những xác pháo 150 ly ở vùng đồi A So(A Lưới), rồi một phần thân xác máy bay được phát hiện ở vịnh đẹp Lăng Cô mới đây, cho đến chiếc máy vi tính trong cuộc chiến chống IRAQ đang được sử dụng ở quầy bar.
Dường như tất cả mọi vật dụng ở đây đều được anh tận dụng, tái chế từ các phế liệu thu được sau chiến tranh. Dưới bàn tay của nghệ sĩ trẻ này, mọi vật dụng, quân trang, vũ khí… đều được hoán đổi, thay thế vị trí, công năng sử dụng , xoá dần khoảng cách, suy nghĩ nặng nề và những gì thuộc về thời chiến loạn lạc. Từ chiếc thùng phuy nhiên liệu nay được sử dụng để làm logo bảng hiệu rất ấn tượng cho quán cafe, đến những chiếc vỏ đạn được biến thành lọ cắm hoa, cho đến chiếc mũ của một linh Mỹ vẫn còn đó những dòng chữ trắc ẩn đầy bi quan “Bồng Sơn – 1968: Việt Nam- Địa ngục trần gian và Tôi đang nghĩ về cái chết của chính mình” hay những tấm ri sắt dùng để lót đường cho xe qua nay lại trở thành chiếc bàn của quán, những két sắt nay trở thành ghế ngồi tri kỷ, nơi chia sẻ, hàn huyên, kết nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa chiến tranh và hòa bình, giữa con người và con người.
Như một bảo tàng nhỏ về chứng tích chiến tranh, Cafe Hè đã dần trở thành một không gian độc đáo, một địa chỉ sinh động không chỉ cho những người lớn tuổi đến đây để cùng chia sẻ kí ức về một thời mưa bom, bão đạn, mà ngay kể cả những cựu binh Mỹ từng tham chiến ở Việt Nam, trong hành trình đến Huế cũng không giấu nỗi bất ngờ và xúc động khi đến với không gian này. Với lớp trẻ ngày nay, qua những kỷ vật và hình ảnh này, họ có thể lại tìm về lịch sử, tìm về quá khứ để được biết thêm phần nào của cuộc chiến đấu giành độc lập cho Tổ quốc và trân trọng những giá trị tốt đep của cuộc sống hôm nay. Đây cũng chính là một tiếng nói, một thông điệp để phản đối chiến tranh mà Hè đang nỗ lực thực hiện.
Tốt nghiệp Đại học Nghệ thuật năm 2008, Nguyễn Văn Hè là nghệ sĩ trẻ đạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải ba Festival Mỹ thuật đương đại Việt Nam 2011 tại Hà Nội, với tác phẩm Cảm nhận (trình diễn). Giải C giải thưởng Văn học Nghệ thuật Cố đô lần thứ V 2008 - 2013, với tác phẩm Thế trận(trình diễn). Tặng thưởng Triển lãm Mỹ thuật Bắc miền Trung tại Huế năm 2014, với tác phẩm Nỗi buồn chiến tranh và nhiều giải thưởng của Hội Mỹ thuật Huế.
Theo Công Bằng (Nguồn TRT)