Một ngày nọ, khi vẽ một thiếu nữ, tôi chợt nhận ra điểm duy nhất sống động ấy là ánh nhìn như bất động của nàng. Những thứ còn lại có ý nghĩa không hơn gì cái sọ người. Người ta luôn muốn tạc nên một con người sống, nhưng điều khiến pho tượng ấy có sự sống chỉ có thể là ánh nhìn của người đó.
Những tượng hình đầu người do thổ dân New Hebrides tạc rất chân thực, thậm chí hơn cả chân thực, bởi ở những pho tượng ấy toát lên ánh nhìn. Đó không phải là sự mô phỏng đôi mắt, mà thực sự, đích xác là ánh nhìn. Mọi thứ khác chỉ là khung của ánh nhìn ấy. Nếu ánh nhìn ấy, cũng có nghĩa là đời sống, là bộ phân chính, thì phần đầu người mới trở thành bộ phận chính,... phần còn lại của cơ thể chỉ mang chức năng phụ, góp phần làm đời sống con người khả hữu - một đời sống trú ngụ trong sọ người. Rồi đến một lúc nào đó, tôi bắt đầu nhìn thấy những con người trên phố cứ như thể bản chất sống của họ bị thu lại đến độ nhỏ xíu. Tôi nhìn thấy những hiện hữu sống chỉ qua mắt họ mà thôi. [1951]
Alberto Giacometti (1901-1966), con trai một họa sĩ nổi tiếng người Thụy Sĩ, đã định cư tại Paris từ năm 1922, nơi ông bắt đầu tìm hiểu lĩnh vực điêu khắc cùng với Antoine Bourdelle, một học trò của Rodin. Đến cuối những năm 1920, ông tiến hành thử nghiệm những hình thức nghệ thuật được khởi nguồn từ chủ trương tạo ra sự kết hợp tự do mà các nghệ sĩ trong phong trào siêu thực đề xuất - những người mà ông vẫn còn gắn bó cho đến giữa thập niên 1930. Sau đó, ông dấn thân vào một cuộc kiếm tìm đầy khó nhọc những phương tiện tái trình hiện hình ảnh con người trong tình huống thực của mình trong không gian - không gian mà ông ngày càng cố gắng diễn dịch trong cả tranh vẽ và tượng như một thành tố chủ động ảnh hưởng đến những cơ thể bên trong nó. Những ý niệm của ông về chủ thể - được phát triển vào cuối những năm 1930 - gần như cùng hướng với tư tưởng của các nhà hiện tượng học ở Pháp, đặc biệt là Maurice Merleau Ponty và Jean Paul Sartre, hai triết gia xây dựng những lý thuyết mới về tri nhận ảnh hưởng đến nhiều nghệ sĩ sau Thế chiến II. |
Nếu người ta nỗ lực nắm bắt những gì mình nhìn thấy, càng nhiều càng tốt, thì quá trình này, dù trong khoa học hay nghệ thuật, đều giống nhau. Học giả trong bất cứ lĩnh vực nào cũng sẽ nhận thấy càng thêm những điều họ biết, càng nhiều hơn nữa những thứ họ cần phải học, và nắm bắt tri thức trọn vẹn là một điều bất khả. Hơn nữa, tri thức trọn vẹn chính là sự chết. Nghệ thuật và khoa học đều là nỗ lực để thấu hiểu mà thành công hay thất bại chỉ là thứ yếu. Cuộc phiêu lưu này mới chỉ khởi sự từ niên đại gần đây - từ khoảng thế kỉ thứ XVIII với danh họa Chardin, khi con người bắt đầu quan tâm đến nhãn quan riêng của người nghệ sĩ hơn là mục đích phục vụ nhà thờ hay đem lại khoái cảm cho vua chúa. Cuối cùng, con người được trao về cho chính mình! Người ta không thể nào diễn tả bằng ngôn ngữ cái họ cảm nhận bằng bàn tay và đôi mắt. Ngôn từ xuyên tạc ý nghĩ, sự viết bóp méo ngôn từ - rồi người ta sẽ không nhận ra chính mình nữa. Tôi không tin không gian là cái khó biểu đạt; không gian được tạo nên chỉ bằng các vật thể; một vật thể chuyển động mà không có mối tương quan với bất kì vật thể nào khác sẽ không tạo nên được những ấn tượng về không gian. Chỉ chủ đề là thứ cần xác định rõ. Không gian, hình khối, toan vẽ, thạch cao, hay đồng thiếc… có quá nhiều phương tiện cho nghệ sĩ. Điều quan trọng duy nhất là sáng tạo nên một vật thể mới truyền ấn tượng gần nhất có thể với ấn tượng được nhận về khi ta ngắm nhìn chủ thể... Điêu khắc lắng lại trong khoảng trống. Nghệ sĩ làm rỗng không gian để kiến tạo vật thể, và vật thể, theo cách hiểu thông thường, tạo nên không gian, không gian là thứ tồn tại giữa chủ đề và điêu khắc gia. [1962] Có thể người ta vẫn nghĩ chủ nghĩa hiện thực thể hiện ở sự sao chép một chiếc cốc yên vị trên mặt bàn. Thực tế, một con người không bao giờ sao chép được bất cứ cái gì ngoại trừ cái nhìn về nó đọng lại tại mỗi khoảnh khắc, cái hình ảnh sẽ trở thành ý thức. Anh không thể nào sao chép được chiếc cốc trên mặt bàn, anh chỉ sao chép được phần đọng lại của một cái nhìn... Mỗi khi tôi nhìn vào chiếc cốc, nó lại như đang tự tái tạo chính nó, nghĩa là, tính chất hiện thực của nó trở nên bất định, vì hình ảnh phóng chiếu của nó vào đầu óc tôi cũng bất định hoặc không hoàn chỉnh. Ta nhìn chiếc cốc ấy như thể nó đang biến mất, rồi lại hiện ra trong tầm mắt, rồi lại biến mất, và lại hiện ra... – nghĩa là thực sự bao giờ nó cũng nằm giữa tồn tại và không tồn tại. Đó mới chính là thứ mà ta muốn sao chép. [1963-1964]
Alberto Giacometti
Nguồn: Hoa-Giang - Tia Sáng
(Theo Twentieth – Century Artists on Arts, ed.by Dore Ashton, NY:Pantheon Books, 1985, trang 56-57)