Thế giới sắc màu
Những bữa tiệc linh đình nhất trong lịch sử hội họa
14:45 | 05/01/2015

Năm mới là thời điểm của những tiệc tùng liên miên. Hội họa từ lâu đã rất quan tâm tới chủ đề này. Hãy cùng nhìn lại những bữa tiệc linh đình, nổi tiếng nhất trong lịch sử hội họa.

Những bữa tiệc linh đình nhất trong lịch sử hội họa

Bức “Bữa tối cuối cùng” - danh họa người Ý Leonardo da Vinci vẽ cuối thập niên 1490

Bức tranh nổi tiếng và đã trở thành kinh điển của hội họa, khắc họa Chúa Jesus dùng bữa tối cuối cùng với 12 tông đồ ở Jerusalem. Câu chuyện này đã trở thành một đề tài lớn trong hội họa kể từ giai đoạn đầu của đạo Thiên chúa, nhưng chỉ có bức “Bữa tối cuối cùng” của Leonardo da Vinci là nổi tiếng và trường tồn cùng với thời gian.

Chúa ngồi ở vị trí trung tâm trong một tư thế khiến người ta liên tưởng ngay tới cảnh Chúa bị đóng đinh trên cây thánh giá, ngài dường như tách biệt và sắp biến mất. Ngài ngồi đó, tiên tri rằng một trong những tông đồ của mình sẽ phản bội.

Judas, kẻ phản Chúa, ngồi ở vị trí thứ 4 từ trái sang, ngả lưng về phía sau và tỏ ra hoàn toàn vô tội khi thản nhiên với tay lấy một mẩu bánh mì. Nhưng cách khắc họa bàn tay của Judas đã được Da Vinci khéo léo thực hiện, trông như thể đầu rắn, nó đã bộc lộ tâm địa của kẻ phản Chúa.

Bức “Bữa tiệc của các vị Thánh” - danh họa người Ý Giovanni Bellini vẽ năm 1514

Những bữa tiệc linh đình nhất trong lịch sử hội họa

Những bữa tiệc của các vị thánh thần là một chủ đề thường thấy trong hội họa Ý thế kỷ 16. Các họa sĩ thời Phục hưng thường tự “biên đạo” những bữa tiệc của các vị thần trên đỉnh Olympia.

Bức “Bữa tiệc của các vị Thánh” là một trong những tác phẩm lớn cuối cùng của danh họa Bellini, được thực hiện với sự hỗ trợ của một người học trò về sau cũng sẽ trở thành một danh họa nổi tiếng lịch sử - Titian. Bức vẽ của Bellini được đánh giá là siêu phẩm hội họa, đã hiện thực hóa những nhân vật thần thoại trong những dáng hình cụ thể, sinh động.

Ở góc phải của bức tranh, người ta có thể thấy vị thần của dục vọng - Priapus đang đặt tay lên một nữ thần dường như đang… ngà ngà say. Trong khi đó, Jupiter - vị thần của bầu trời và sấm sét cùng những vị thần khác đang say sưa uống rượu. Trong tranh có sự xuất hiện của những đồ sứ màu trắng xanh của Trung Quốc - mặt hàng quý hiếm mới được mang sang Châu Âu thời bấy giờ.

Bức “Tiệc cưới ở Cana” - danh họa người Ý Paolo Veronese vẽ năm 1563

Những bữa tiệc linh đình nhất trong lịch sử hội họa

Bức tranh khắc họa lại bữa tiệc cưới mà Chúa và các tông đồ được mời tới tham dự, đó là một câu chuyện kể về phép lạ của Chúa. Khi Chúa và tông đồ tới Cana thì tiệc đã sắp tàn và rượu đã hết.

Chúa liền bảo những người hầu đổ đầy nước vào các vò, sau đó ngài làm một phép lạ, biến nước thành rượu. Đây là phép lạ đầu tiên trong 7 phép lạ của Chúa.

Bức tranh được thực hiện theo yêu cầu của một tu viện ở Venice, Ý, và nằm trong phòng ăn của tu viện này suốt 235 năm, cho tới khi Napoléon ra lệnh đưa bức tranh tới Paris hồi năm 1797. Khi đó, bức tranh khổng lồ này đã bị cắt làm đôi để có thể tiện vận chuyển.

Bức “Chiến thắng của Bacchus” - danh họa người Tây Ban Nha Diego Velázquez vẽ năm 1628

Những bữa tiệc linh đình nhất trong lịch sử hội họa

Nhân vật có làn da trắng xanh trong bức tranh là vị thần rượu Bacchus, vây quanh thần là những “người trần mắt thịt”, người dân lao động vất vả quanh năm. Bức tranh được lấy cảm hứng từ thần thoại, trong đó thần rượu Bacchus mang theo một người tùy tùng xuống trần gian.

Bức tranh khắc họa những người dân lao động vất vả với khao khát được “uống thả phanh” sau chuỗi ngày vật lộn với cuộc sống. Thần Bacchus đã tới và tặng rượu cho những người đàn ông này, trong một khoảnh khắc, thần giải thoát họ khỏi những vấn đề đau đầu trong cuộc sống.

Những người đàn ông vây quanh thần Bacchus còn như đang mời mọc người xem tranh cùng tham gia tiệc rượu với họ. Trong văn học Ba-rốc, thần Bacchus được cho là biểu tượng của sự giải phóng con người khỏi những nhọc nhằn, đau khổ trong cuộc sống.

Bức “Bữa tiệc của Herod” - Peter Paul Rubens vẽ năm 1638

Những bữa tiệc linh đình nhất trong lịch sử hội họa

Sách Phúc âm kể lại, vua Herod xứ Galilee thời Đế chế La Mã đã bắt giam Thánh John bởi Thánh đã quở trách Herod vì ly hôn vợ rồi tái hôn với chị dâu Herodias. Trong ngày sinh nhật của vua Herod, Salome - con gái riêng của Herodias đã nhảy múa điệu nghệ trước mặt nhà vua và các khách khứa khiến vua rất hài lòng, thích thú.

Trong lúc say, Herod hứa sẽ tặng cho Salome bất cứ thứ gì cô ta muốn, Salome liền yêu cầu có được… đầu của Thánh John. Herod đồng ý và ngay lập tức cho hành quyết Thánh John trong ngục.

Bức tranh vừa đẹp đẽ vừa khủng khiếp này cho thấy khoảnh khắc Salome nhận được điều mà cô ta mong muốn - đầu của Thánh John được dâng lên trong bữa tiệc. Herodias - mẹ của Salome - tay cầm một chiếc dĩa đang chọc vào đầu thánh John trước ánh nhìn kinh hãi của Herod.

Bức “Gia đình phóng túng” - họa sĩ người Hà Lan Jan Steen vẽ năm 1664

Những bữa tiệc linh đình nhất trong lịch sử hội họa

Trong khi những bức tranh khắc họa cảnh tiệc tùng thời Phục hưng thường đưa vào những vị thần hoặc giới quý tộc, thì vị danh họa người Hà Lan lại đưa vào một khung cảnh sinh hoạt gia đình. Bức tranh phản ánh trong đó những ẩn dụ về đạo đức.

Người đàn ông áo đen được cho là chủ gia đình đang tán tỉnh cô hầu gái, trong khi đó, người phụ nữ được xem là vợ ông ta thì mải lấy thêm rượu mà không nhận ra rằng chân mình đang giẫm lên cuốn Kinh thánh. Khúc thịt lợn muối nằm ở tiền cảnh của bức tranh, đáng lẽ là món trung tâm của bữa tiệc đã bị bỏ quên dưới sàn và trở thành đại tiệc cho… chú mèo.

Bức “Bữa tiệc của Belshazzar” - họa sĩ người Anh John Martin vẽ năm 1821

Những bữa tiệc linh đình nhất trong lịch sử hội họa

Bức tranh khắc họa quang cảnh hùng tráng đến rợn ngợp ở thành Babylon, nhà vua Belshazzar nhận được một lời sấm truyền viết trên tường (những dòng chữ sáng lấp lánh nằm ở phía bên trái bức tranh), dự báo những điều không lành về sự cai trị của Belshazzar.

Bữa tiệc linh đình mà nhà vua đang tổ chức ngay lập tức bị phủ bóng đen. Trong bức “Bữa tiệc của Belshazzar”, người xem thấy một bầu không khí đen tối, đầy ẩn họa với tia sét lóe sáng “rạch trời”.

Bức “Buổi dã ngoại trên bãi cỏ” - danh họa người Pháp Édouard Manet vẽ năm 1862

Những bữa tiệc linh đình nhất trong lịch sử hội họa

Được đánh giá là một trong những bức họa vĩ đại nhất của lịch sử mỹ thuật phương Tây nhưng đương thời, bức tranh này từng bị “hắt hủi, rẻ rúng”, lý do là bởi tác phẩm đã phá vỡ mọi quy tắc về phối cảnh và sự mô tả hình tượng. Hẳn phần lớn những người xem tranh đều tự đặt ra câu hỏi tại sao những người đàn ông ăn vận “đầy đủ” còn người phụ nữ lại khỏa thân; tại sao họ nói chuyện mà không nhìn vào nhau…

Những đồ ăn nằm trong chiếc giỏ mây chỉ gồm hoa quả và một ít bánh mì, tất cả nằm lăn lóc trên bãi cỏ, khiến người ta có cảm giác đây không phải một cuộc dã ngoại thật sự. Điều gây tranh cãi ở bức tranh này tại thời điểm mà nó ra mắt, đó là họa sĩ đã kiên quyết đến với cái mới trong hội họa, từ bỏ những ước lệ, những ẩn dụ, những giáo điều, ông chỉ trung thành phản ánh những thực tế sinh động và trần trụi của cuộc sống hiện đại đương thời.

Nguồn: Bích Ngọc - Dân Trí

 

 


 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng