“Từ mô phỏng đến phá hủy tự nhiên”: đây hoàn toàn có thể là nhan đề của một lịch sử nghệ thuật phương Tây. Một trong những nghệ sĩ hiện đại quan trọng nhất, và cũng có lẽ hiền minh nhất, Picasso, có nói: nếu chúng ta không thể thoát khỏi tự nhiên, như một số nghệ sĩ tiền bối và đương thời với ông đang cố gắng một cách vô ích, thì ít nhất chúng ta có thể làm biến dạng nó, phá hủy nó. Về cơ bản, đó chính là một hình thức mới của lòng sùng kính tự nhiên...
Tự nhiên không có lịch sử song những hình thức của nó là sự hiện thân sống động của tất cả các phong cách trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Tôi đã nhìn thấy sự khai sinh, sự nở rộ và sự suy thoái của phong cách Gothic trong những tảng đá ở thung lũng Kabul. Ở một cái ao bị phủ lớp váng màu xanh lá cây - đầy những hòn đá nhỏ, thực vật thủy sinh, những con ếch, những quái vật tí hon – tôi nhận thấy hình ảnh của cả nghệ thuật điêu khắc ở ngôi đền Bayon ở Angkor lẫn phong cách một giai đoạn của Max Ernst... Không thể chối bỏ thực tế rằng: tự nhiên xuất sắc trong nghệ thuật trừu tượng hơn là nghệ thuật hình tượng.
Hội họa trừu tượng hiện đại đã lựa chọn một trong hai hình thức: một cuộc kiếm tìm những bản chất (Kandinsky, Mondrian) hoặc đi theo chủ nghĩa tự nhiên của các họa sĩ biểu hiện trừu tượng Anh, Mỹ. Những người sáng lập nên trường phái này muốn thoát khỏi tự nhiên, muốn tạo nên một thế giới của những hình thức thuần túy và giản lược mọi hình thức về bản chất của chúng. Theo nghĩa này, những họa sĩ trừu tượng đầu tiên có thể được gọi lnhững nhà duy tâm (idealists). Người Mỹ không đi tìm cảm hứng cho mình từ tự nhiên nhưng họ quyết định làm việc theo cách tương tự như tự nhiên. Hành động hay động tác vẽ của họ ít nhiều là sự nhân đôi mang tính nghi thức hiện tượng tự nhiên. Vẽ giống như là hành động của mặt trời, nước, muối, lửa hay thời gian tác động lên sự vật. Ở một mức độ nào đó, hội họa trừu tượng và các hiện tượng tự nhiên lmột sự ngẫu nhiên: chúng đều là sự giao cắt bất ngờ, không thấy trước của hai hay nhiều chuỗi sự kiện. Nhiều lần kết quả của sự giao cắt này thật ấn tượng: những bức tranh là phân mảnh của vật chất sống, những khúc rời được cắt ra từ vũ trụ hoặc được đun lên sôi sùng sục. Tuy nhiên, đó là một thứ nghệ thuật phi chỉnh thể, như có thể thấy ở Pollock, một trong những họa sĩ quyền lực nhất của khuynh hướng này. Những bức sơn dầu hoành tráng của ông không có bắt đầu hay kết thúc; bất chấp kích thước rất lớn và nguồn năng lượng mãnh liệt được trút vào những bức tranh, dường như chúng vẫn là những khúc rời khổng lồ hơn là những thế giới hoàn chỉnh. Loại hội họa này không làm thỏa mãn nỗi khao khát của chúng ta về cái chỉnh thể. Những phân mảnh và những lời lắp bắp: một hối thúc mãnh liệt để biểu hiện hơn là một sự biểu hiện trọn vẹn.
Dù theo khuynh hướng duy tâm hay tự nhiên thì hội họa trừu tượng là một nghệ thuật phi thời gian. Bản chất và tự nhiên nằm bên ngoài dòng chảy của thời gian con người: những thành tố tự nhiên và ý niệm không có ngày tháng. Tôi thích một khuynh hướng khác trong nghệ thuật hiện đại hơn: khuynh hướng cố gắng nắm bắt ý nghĩa của sự biến đổi. Sự tạo hình, giải tạo hình, biến dạng, một nghệ thuật thời gian: Picasso ở một đầu cân, Klee ở đầu kia, các họa sĩ siêu thực xuất sắc đứng ở giữa. Chúng ta biết ơn hội họa trừu tượng duy tâm khi nó mang đến một số hình thức thuần khiết và hoàn hảo nhất trong nửa đầu thế kỷ này. Khuynh hướng tự nhiên hay biểu hiện đã để lại cho chúng ta những tác phẩm vĩ đại và mãnh liệt, một thứ nghệ thuật bi kịch và, đôi khi, mang tính lai ghép. Đó là hệ quả của mâu thuẫn giữa hiện tượng tự nhiên (cái khách quan thuần túy) và hoạt động của con người (cái chủ quan, chủ ý). Một sự hỗn dung, xung đột hay một sự hòa trộn hai trật tự khác nhau của hiện thực: chất liệu sống của hội họa (năng lượng và quán tính) và sự đề cao cái chủ quan mang tinh thần lãng mạn chủ nghĩa của họa sĩ. Một bức tranh anh hùng, nhưng cũng là một bức tranh sân khấu: vừa là kỳ công táo bạo, vừa là động tác sân khấu. Nghệ thuật thời gian, về phần nó, là hình ảnh của một khoảnh khắc phong kín hiện hữu trong ngọn lửa của nó và thiêu rụi nó: nó là nghệ thuật của sự hiện hữu, thậm chí ngay cả khi nó chặt vụn hiện hữu ra thành từng mẩu nhỏ như trong tác phẩm của Picasso. Hiện hữu không chỉ là những gì ta nhìn thấy: André Breton đề cập đến “người/vật mẫu bên trong” (“inner model”), ý muốn nói đến bóng ma ám ảnh chúng ta trong đêm, sự hiện hữu bí mật này là bằng chứng về sự tồn tại cái khác của thế giới. Giacometti từng nói một điều mà ông muốn làm là một ngày nào đó có thể thực sự vẽ hay tạc một khuôn mặt. Braque không kiếm tìm bản chất của vật thể: ông trải rộng nó ra trên dòng sông siêu nghiệm của thời gian. Những giờ khắc trống rỗng của Chirico với không một bóng người trong tầm mắt. Những đường thẳng, màu sắc, mũi tên, vòng tròn của Klee: một bài thơ của sự vận động và biến dạng. Sự hiện hữu là mật mã của thế giới, mật mã của hữu thể. Nó cũng là vết sẹo, là dấu vết của vết thương thời gian: nó là khoảnh khắc, những khoảnh khắc. Nó là ý nghĩa nhắm đến vật thể được chỉ định, một vật thể được ham muốn và không bao giờ có thể đạt được hoàn toàn.
Sự kiếm tìm ý nghĩa hay sự hủy diệt nó (cả hai điều này không khác nhau, nó đều cho thấy không có cách nào thoát khỏi ý nghĩa) đều là trọng tâm của cả hai khuynh hướng. Thứ nghệ thuật vô nghĩa duy nhất của thời đại chúng ta là chủ nghĩa hiện thực: và không chỉ vì sản phẩm của nó thật tầm thường mà còn vì nó cứ khăng khăng tái tạo một thứ hiện thực tự nhiên và xã hội đã mất hết ý nghĩa. Nghệ thuật thời gian cương quyết đối đầu với sự mất mát ý nghĩa này và vì thế, nó là một thứ nghệ thuật của tưởng tượng vượt trội. Ở phương diện này, trào lưu Dada là một ví dụ (và là một trào lưu không thể bắt chước được, bất chấp những mô phỏng trào lưu này gần đây ở New York). Dada không những xem sự vắng mặt của ý nghĩa và sự phi lý như là lãnh địa của nó mà còn biến sự vắng mặt ý nghĩa trở thành phương tiện hiệu quả nhất của nó để phá hủy trí thức. Chủ nghĩa siêu thực tìm kiếm ý nghĩa trong trong niềm hưng phấn đầy sức hút của khoảnh khắc: tình yêu, cảm hứng. Từ khóa ở đây lsự đụng độ (encounter). Tất cả những điều này rốt cục để lại gì? Một vài bức tranh, một vài bài thơ: một nhánh thời gian sống. Thế đã là đủ. Ý nghĩa nằm ở nơi nào đó: bao giờ cũng chỉ cần dấn vài bước xa hơn.
Octavio Paz
Nguồn: Hải Ngọc - Tia Sáng
(Theo Octavio Paz, “Nature, Abstraction, Time”, The Other Voices – Essays on Modern Poetry, bản dịch Anh ngữ từ tiếng Tây Ban Nha của Helen Lane, A Harvest/HBJ Book: 1990, p 28-31).