Thế giới sắc màu
Vĩnh biệt Lê Bá Đảng, họa sĩ tài ba của Việt Nam!
16:15 | 20/04/2015

LTS: Họa sĩ Lê Bá Đảng sinh ngày 27/6/1921 tại làng Bích La Đông, xã Triệu Đông, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Ông đã ra đi vào ngày 7/3 tại Thủ đô Paris nước Pháp, để lại dự án dang dở đáng tiếc về “một bức tranh rất lớn nằm ngửa trên mặt đất”, ước mong góp phần cho Huế trở nên một Kinh đô Mỹ thuật.
Sông Hương giới thiệu “lời chia buồn sâu sắc” đọc trong Lễ tưởng niệm họa sĩ Lê Bá Đảng của tỉnh Thừa thiên Huế vào chiều 9/3 tại Trung tâm Nghệ thuật mang tên ông.

Vĩnh biệt Lê Bá Đảng, họa sĩ tài ba của Việt Nam!
Họa sĩ Lê Bá Đảng, nhà văn Tô Nhuận Vỹ và cô Lê Cẩm Tế tháng 5/2013 tại Paris. (Ảnh do đạo diễn Đạng Nhật Minh chụp)

TÔ NHUẬN VỸ

Trong phút giây đau buồn khi nghe tin Anh ra đi, tôi muốn thầm nói đôi lời tiễn Anh về chốn Vĩnh hằng mà không sao nói được. Nói gì về Anh? Viết gì về Anh? Người ta đã nói, đã viết quá nhiều về Anh. Chúng tôi cũng đã viết, đã nói không ít về Anh. Về Bàn chân Giao Chỉ, về Hạt gạo Trường Sơn, về Ngựa, về Mèo, về Mắt, về Thiền xanh, về Tranh hai mặt, về Nghệ thuật sắc không, về Sắc Sắc Không Không, về Tấn tuồng nhân loại, Về Cõi Người ta , về Không gian Lê Bá Đảng, về Hàng rào mỹ thuật trên chính vùng đất ngày xưa  giặc Mỹ xây dựng hàng rào điện tử Mắc-na-ma-ra, về các Đài liệt sĩ theo mô hình Thành Cổ loa trên khắp đất Việt Nam… Tôi lần giở từng bức thư anh gửi cho tôi từ buổi sơ giao cho tới ngày Anh còn có thể cầm bút, những câu chữ chân chất, đất cát, bộc trực đẫm chất làng quê. Xin Anh cho phép tôi đọc to lên đôi điều gan ruột của Anh cho mọi người thương quý Anh đang tới chia tay Anh hôm nay nghe.

Về dự tính Bức tranh khổng lồ trên vùng Bàu Hồ, Anh viết: “Tôi đã đọc lui đọc tới hai ba lượt thư anh. Anh có lý. Vì đây là “có một không hai”. Tôi cũng biết tôi được ưu đãi hơn ai hết. Nhưng anh để tôi nói rõ ý kiến của tôi là: muốn làm một cái chi ở Huế CHƯA HỀ ĐÂU CÓ, để LÀM GIÀU CÁI VĂN HÓA HUẾ và dựng lên một cái chi mà CHƯA AI CÓ, cho đến cả Trung Hoa, Thái Lan, Miến Điện, Nhật Bản… mà cũng không có, là: một tranh rất lớn nằm ngửa trên mặt đất, con người có thể dạo chơi trên tranh (với giày mềm thuê của tôi). Anh cần nói rõ ý định của tôi với lãnh đạo. Những ý nghĩ tham lam của tôi là làm sao để Huế trở nên một Kinh đô Mỹ thuật”. (Thư ngày 5/3/2008).
 

Bậc thầy của hai thế giới Đông - Tây

Năm 1939, họa sĩ Lê Bá Đảng sang Pháp  trong  đoàn  lính  thợ  của  quân  đội  nước  này,  tham gia  vào những đội quân  chống phát  xít  và bị Đức quốc xã bắt làm tù binh. Sau đó, ông  học tại Học viện nghệ thuật Toulouse. 

Năm 1950,  lần đầu  tiên ông  triển  lãm các  tác phẩm của mình tại thủ đô Paris (Pháp), sau  đó trở thành một họa sĩ nổi tiếng ở châu Âu. 

Năm 1989, ông nhận giải  thưởng “Nghệ sĩ  có tài năng lớn và tư tưởng nhân đạo” của Viện  quốc tế Saint Louis của Mỹ. 

Năm  1992,  ông  được  Trung  tâm  tiểu  sử  quốc tế thuộc Đại học Cambridge của Anh đưa  vào danh mục những người nổi tiếng thế giới. 

Năm 1994, ông được Nhà nước Pháp tặng  Huân chương Văn hóa nghệ thuật. 

Ông được gọi là họa sư và giới nghệ thuật  đánh giá  là bậc  thầy của hai  thế giới Đông  -  Tây. Họa sĩ Lê Bá Đảng đã sáng  tạo  ra một  phương  pháp  nghệ  thuật  được  gọi  tên  là  “Không gian Lê Bá Đảng” (Lebadangspaces). 

Năm  1992,  ông  thực  hiện  cuộc  triển  lãm  đầu  tiên ở quê hương Việt Nam ngay  tại  làng  quê Bích La Đông. 

Năm  2006,  Trung  tâm  nghệ  thuật  Lê  Bá  Đảng đã được xây dựng và đi vào hoạt động  để trưng bày tác phẩm của họa sĩ Lê Bá Đảng  tại địa chỉ 15 Lê Lợi, thành phố Huế.

Thụy  Khuê  viết  về  dự  tính này của Anh: Ông muốn  dựng Cõi Người  ta  trên  đất  Huế, Tâm của đất Việt.  

Lãnh  đạo  Thừa  Thiên  Huế đã ủng hộ ao ước  lớn  này của Anh,  tiếc rằng, bởi  nhiều lý do, dự án này chưa  thực hiện được.  

Tôi nhớ  tới  lời của họa  sĩ Trần Khánh Chương, Chủ  tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam,  đã  nói  trong  một  phim  về  Anh  gần  đây:  Lê  Bá  Đảng  có  tác phẩm gần như ở  tất  cả các thể loại của mỹ thuật  và với thể loại nào ông cũng  ở đỉnh cao.  

Và không ít lần anh viết  cho  tôi  về  quãng  thời  gian  anh  vẽ  tranh  chống  giặc.  Anh  viết:  “…Hồi  còn  nghèo,  phải  vẽ  để  kiếm  ăn  từng  bữa, giữa một xã hội rất bỡ  ngỡ  làm  người  Việt  Nam  giữa bọn giặc. Từ ngày đầu  kháng  chiến  chống  Pháp  cho  đến  chống  Mỹ  là  tôi  hoàn  toàn  vẽ  tranh  chống  giặc, may là nhà tôi để cho  tôi tự do, ít tiền nhưng lo đủ sơn, cọ, giấy, vải để tôi vẽ tranh chống giặc. Nhiều  tranh tôi trang trí Đại sứ Miền Nam hồi ấy, (tranh) về nhà những người yêu nước  và yêu tranh Lê Bá Đảng về chuyện chống giặc… Không phải kể lể khoe khoang  nhưng nếu có dịp nên cho mọi người Việt Nam biết là chúng tôi ở nước ngoài  nhưng đã giúp vào chống giặc cùng bà con bên nhà…”.

Tôi muốn nói, và khẳng định, điều này: Chính vì luôn đau đáu nỗi niềm thương  nước, luôn khát khao một nước Việt Nam độc lập và thống nhất, Lê Bá Đảng (và cả  Điềm Phùng Thị) THỦY CHUNG VỚI HỒ CHÍ MINH. Thủy chung trọn đời.  

Năm ngoái, đoàn làm phim LÊ BÁ ĐẢNG, TỪ BÍCH LA ĐẾN PARIS của  đạo diễn Đặng Nhật Minh, Lê Cẩm Tế, nhóm bạn Pháp và  tôi phải  tranh  thủ  quay bất cứ hình ảnh nào của Anh, bất cứ câu nói nào mà anh còn có thể nói,  để chắt ra, lọc ra  từng mét phim về Anh, bởi Anh đã quá yếu rồi. Vậy mà, hôm  từ mộ con  trai Anh  trở  lại nhà Anh, cả đoàn sững  ra: Anh ngồi dựa vào góc  salon, dưới chân là cái túi đựng một bộ áo quần, hỏi Anh tính làm chi đó, Anh  có vẻ ngạc nhiên: Đi về làng mình chớ làm chi nữa!

Nào Anh, Anh cùng chúng em đi về làng mình đi Anh…

T.N.V  
(SH314/04-15)



 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng