LÊ HUỲNH LÂM
Tánh nước vốn vô hình và mềm mại. Nhưng nước lại có quyền năng biến hiện và tùy duyên hóa thân thành mọi vật, có khi là đám mây, khi là cơn mưa, có khi làm ngọn sóng cao vút nhấn chìm mọi vật, có lúc là những đợt sóng êm đềm, là dòng sông, con suối, là thác ghềnh, là biển cả bao la,... lại có khi là giọt lệ trên khóe mắt con người. Tuy nước rất mềm mại nhưng sức mạnh của nước có thể xô ngã mọi tượng đài tưởng chừng là thường hằng ở mặt đất này.
Người nghệ sĩ có cơ may chiêm ngắm sự giận dữ của nước cũng như thuộc tính êm đềm của nước mới có thể diễn đạt được trọn vẹn những cung bậc hình ảnh đó trong nghệ thuật của mình. Ann Phong là một nữ họa sĩ đã thể hiện được điều đó, khi cơn căm giận bùng lên thành ngọn sóng hoặc những thời khắc mặt nước hiền hòa dang vòng tay ôm lấy bầu trời, hay có khi tiếng nước reo lên thật gần gũi và nhiều lúc nước cũng xa xăm lạnh lùng như bản tính cô độc của nó. Nước mát lạnh, nước nóng bừng, nước giận dữ và nước dịu êm... Nước mở ra luồng sáng mới và nước dẫn đưa vào khoảng tối miên viễn đầy bí ẩn. Những cặp đối ngẫu của nước đều được bàn tay tài hoa của nữ họa sĩ Ann Phong diễn đạt với những tông màu ngập tràn xúc cảm và gây ấn tượng cho người thưởng ngoạn.
Two sides of the ocean |
Cứ nhìn mặt nước phẳng lặng, chúng ta ngỡ nước đứng yên. Nhưng nước vốn chuyển động liên tục. Lạ thay trong hóa học, nước có công thức H2O là sự kết hợp của hai loại khí giúp cho sự đốt cháy để tạo lửa, nhưng chính nước được sử dụng để chữa cháy, điều này càng tăng sự xác tín rằng nước như đại diện cho hai thái cực, luôn luôn song hành bổ khuyết cho nhau. Đó là điều kỳ diệu mà tạo hóa đã ban tặng cho muôn vật, như một bài học về quy luật tồn tại để gợi nhắc cho con người.
Exodus |
Chúng ta thử hình dung, nếu trên một dòng sông hay trên đại dương không có một dáng thuyền hay một con tàu, thì cũng như cái sân vận động không có trận bóng nào, trông thật buồn bã. Những con tàu chính là hình ảnh tôn vinh cho nước. Sự kỳ vĩ và bao la của đại dương đã được những chuyến hải trình ghi lại, đó là điều giúp cho văn hào Hemingway nhận ra sự nhỏ bé đầy kiêu hãnh của chính mình để viết ra những tác phẩm lớn trong đó có “The Old Man and the Sea”; và những con thuyền đó còn giúp cho con người thấy được nỗi cô độc trầm tĩnh của nước cũng chính là nỗi cô đơn của những tâm hồn lớn đã hóa thân làm thành một phần tử hòa mình theo dòng chảy của biển cả. Vì thế mà trong tác phẩm của Ann Phong không thể thiếu vắng hình ảnh về sự chuyển động của những con thuyền, những mảnh vỡ của mạn ký ức, những âm thanh của nước, trong đó có tiếng thổn thức trong thẳm sâu những cõi lòng, tiếng la thất thanh, tiếng thét gầm của sóng dữ và sự lặng im đi vào vĩnh cửu.
Một số tác phẩm của Ann Phong có cả một khoảng đen bao trùm khung vải, với những nét cọ tuôn trào như những dòng phức cảm từ ký ức tối vụt dậy, không chăm chút đường nét, không có điểm giới hạn. Nét cọ ấy như muốn vượt khỏi những gì đang đóng khung để trở về với đại dương; trong xa hút của khoảng xám mịt mù đó là ánh vàng ẩn hiện, như một niềm hy vọng dậy lên trong vệt tâm của tác giả.
Human traces on earth |
Sự rối bời của ký ức về nước được diễn đạt bởi nghệ thuật siêu thực và trừu tượng (Crossing the Water, Jump, Box of Water...) đã dẫn dụ người xem bước vào thế giới màu sắc đầy biểu cảm của tác giả, nơi triền tâm đó có nhiều vệt mache hằn lên như những vết thương nhức buốt trở mùa, như từng con sóng cuộn lên rồi vỡ tung hay có thể là sự sụp đổ của niềm hy vọng đã dẫn đưa người trong cuộc chìm vào cơn tuyệt vọng. Những khoảng xanh sâu hút trong tranh của Ann Phong là nơi để xoa dịu phần nào cơn đau cho chính tác giả và người xem. Trong một số bức là các ô vuông nối ghép như từng cánh cửa tâm hồn được tác giả lần lượt mở ra gợi cho người xem về những điều ẩn mật được đậy che bởi khói bụi thời gian. Khi được xem một mặt của tác phẩm “Human traces on earth” bằng chất liệu hỗn hợp, tôi càng ngạc nhiên hơn về ý tưởng sáng tạo của Ann Phong, tác phẩm này như muốn gợi nhắc, cảnh báo đến mọi người cần nhìn lại và ý thức hơn nữa về cuộc sống trên mặt đất này.
Có thể xem nước như một lăng kính để mọi sự vật soi chiếu, nơi đó đọng lại những hình ảnh đẹp và buồn hay những mảng khối vô cảm, những ánh mắt vô hồn, tay chân quờ quạng, co rút... Nhưng với người nghệ sĩ, họ nhìn ra khuôn mặt chung của một thời đại; trong đó hàm chứa nhiều điều bất an, sự tàn bạo và có gương mặt thánh thiện, cả sự cứu rỗi cũng như niềm hạnh phúc và khổ đau, tất cả rồi sẽ qua đi hoặc chôn dấu mãi mãi trong tận cùng góc nhớ của não bộ. Điều đó đối với người nghệ sĩ thì họ luôn bị dày vò, trăn trở để tạo ra cho cuộc đời những tác phẩm ngập chất bi phẫn cũng là lời nhắn gửi đến với thế giới này về cái ác, điều thiện. Điều này cũng được biểu hiện trong hội họa của Ann Phong.
The escape |
Nhìn tranh của Ann Phong (dù chỉ qua internet) nhưng cũng đủ để nhận ra sự giận dữ của thiên nhiên và ý chí lớn lao của con người, đó là tài năng diễn đạt của người nghệ sĩ. Trong chuyến hành trình để trở về có thể với sự rỗng không của nước, có thể là cát bụi, là địa ngục hoặc có thể là thiên đàng hay cõi cực lạc nào đó... cho dù bất cứ nơi nào nhưng cuộc đi của mỗi người mỗi khác. Trong cuộc lữ đày đó, thái độ của lữ khách chính là hành trang để bước vào cảnh giới mà các bậc đại sư thường gọi là Đạo.
Trong tranh của Ann Phong là hồi ức bi thiết về chuyến hành trình đó và tôi tin rằng người nữ họa sĩ tài hoa này đang đi trên con đường lớn để góp thêm một phần bé nhỏ vào dòng chảy tiến bộ của loài người.
March, 2015
L.H.L
(SDB17/06-15)