Thế giới sắc màu
Nhắm mắt mường tượng một thế giới nghệ thuật của Đinh Cường
08:12 | 07/01/2017


BỬU NAM

Nhắm mắt mường tượng một thế giới nghệ thuật của Đinh Cường

1.

Đôi khi cần phải nhắm mắt lại.
Nhìn, chiêm nghiệm và mường tượng bằng cặp mắt nội tâm.
Tập trung ngắm, lùi ra xa, tiến lại gần, đi lui đi tới, nhìn lại một cách bao

Nhớ lại tất cả, sắp xếp lại theo một trật tự nào đó, một dạng thức nào đó.
Mới có thể hình dung được hết những gì mà một người đã làm được.
Đã tạo dựng và để lại được như một thứ di sản
trên cõi trần gian, phù hư, và ngắn ngủi này.
Nhất đó là một thế giới nghệ thuật độc đáo
của một con người tài hoa, đa cảm,
nhiều say đắm vẻ đẹp trần gian, nhiều mơ mộng,
nhiều đam mê sáng tạo
đôi khi như một con bệnh nghiện vẽ, viết
như họa sĩ Đinh Cường.

Đôi khi cần nhắm mắt lại
Nhìn, cảm, suy tưởng, bằng con mắt tâm hồn
Mới có thể thấu hiểu được
Chàng nghệ sĩ đu dây qua vực thẳm cuộc đời
Và chàng sáng tạo nên một thế giới của cái đẹp và sự mơ mộng
Đôi lúc trong tuyệt vọng và cô đơn
Đôi lúc trong hưng phấn tự do tìm thấy được
Bản thể đích thực của mình từ sâu thẳm vô thức
Phóng vọt trong ngẫu hứng trò chơi của màu sắc, đường nét
Và trong những câu thơ xuất thần
lạ lùng như một giấc chiêm bao
Đôi lúc vô vọng chẳng còn tin bất cứ điều gì
Và nghệ thuật hiện ra như một sự cứu rỗi
Đưa đôi cánh tâm hồn chàng bay lên tận những vòm sao xa tít
Và bầu trời mênh mông kia
chính bằng sự sáng tạo
Vẽ và
viết
đó là đôi cánh thiên thần giúp tâm hồn chàng bay qua bóng đêm
để nghe thấy tiếng hát vĩnh hằng bao la của cái đẹp trần gian
và tiếng sét đốn ngộ từ một tiếng Ohm bí ẩn
trước tâm hồn nhất thể của vũ trụ ảo hư mà hằng cửu này

2.

Có dịp tìm hiểu sâu và có phần toàn diện hơn về sự sáng tạo của Đinh Cường, mới thấy thế giới nghệ thuật của ông phong phú hơn, đa sắc, đa diện, nhiều tầng, nhiều lớp, rực rỡ và lộng lẫy hơn ta thường nghĩ.

Bởi chưng nếu chỉ có dịp tiếp xúc với một kiểu loại tranh như tranh thiếu nữ, đọc một vài đoạn ghi kiểu nhật ký, ta sẽ chỉ hiểu một vài khía cạnh của con người ông, một khuôn mặt nào đó Đinh Cường, trong khi đó, có thể nói có rất nhiều khuôn mặt, nhiều con người trong thế giới sáng tạo của Đinh Cường.

Một Đinh Cường họa sĩ rất tài hoa với nhiều ngả đường sáng tạo, thử nghiệm nhiều phong cách và tạo được khá nhiều thành công với nhiều thể tài có dấu ấn riêng nhất định, khó lẫn với ai. Có thể nói không quá, ông được một số nhà phê bình mỹ thuật hoặc và nhiều nghệ sĩ đánh giá là một ‘danh họa’ trong lịch sử hội họa Việt Nam hiện đại, tranh của ông được mến mộ, yêu mến trong lòng giới thưởng ngoạn trong nước và hải ngoại.

Bên cạnh đó ta còn có thể thấy một Đinh Cường khác, Đinh Cư ng thi sĩ, đã có thơ đăng từ rất lâu trên các tạp chí văn học nghệ thuật ở miền Nam trước đây như Mai, Văn… từ những năm 60 của thế kỷ 20, nhiều bài thơ về nghệ thuật, về cảm xúc và thi tính, không thua kém gì các thi sĩ có tiếng cùng thời. Đặc biệt từ những năm 2010 trở đi xuất hiện của kiểu ‘thơ - đoạn ghi - nhật ký’ của ông với hàng trăm bài thơ đăng trên các trang mạng, blog văn chương, gây tranh cãi. Một số người rất thích vì thấy kiểu thơ này nói được rất nhiều điều, nhất là những điều nhỏ nhặt trong cuộc sống hằng ngày và nhất là dựng được một thế giới của hoài niệm mà nhiều người thấy bóng hình mình ở trong đó. Một số người khác không thích và cho đó không phải là thơ. Nhưng kiểu thơ đó đã in rất đậm dấu ấn của Đinh Cường, nó tạo ra một dòng thơ của một số nhà thơ khác đi theo kiểu thơ nhật ký của ông.

Còn có một Đinh Cường khác, viết tùy bút, viết hồi ức về tình bạn, về Trịnh Công Sơn, Khánh Ly, Dương Đình San, về tuổi thơ… cũng rất thu hút. Lại có một Đinh Cường khác trong ‘thư từ’ giãi bày tâm sự, thể hiện tình cảm, và cho thấy một phần bên trong của thế giới nội tâm của ông và một trong những nét đẹp của tâm hồn ông: sự lịch lãm thanh quý và sự quan tâm đến người khác.

Sau cùng ta còn có thể thấy một Đinh Cường trong biên khảo hội họa, đặc biệt trong ‘Đi vào cõi tạo hình’ (ĐVCTH 1 đã xuất bản, còn ĐCCTH 2 còn dang dở chuẩn bị bản thảo, thì tác giả qua đời) với một lối viết đậm chất nghệ sĩ, đan xen bút ký, tùy bút, nhưng rất nghiêm túc, công tâm, trân trọng trong miêu tả mỹ thuật, nhận định, đánh giá các thành tựu của mỗi họa sĩ, mỗi thể nghiệm, mỗi cống hiến, đề cập được nhiều vấn đề của hội họa Việt Nam.

Có người còn nói đến một Đinh Cường thiết kế bìa sách, tạp chí rất nghệ sĩ và đẹp, mà số lượng cũng đến hàng trăm.

Nhìn chung, khi nhìn nhận lại thế giới nghệ thuật của Đinh Cường, có thể thấy hai phần rõ rệt, một là thế giới hội họa, hai là thế giới viết lách. Hai thế giới này soi chiếu, bổ sung, tương tác, thẩm thấu lẫn nhau, cho thấy một Đinh Cường toàn diện hơn, đa dạng hơn. Có thể nói Đinh Cường đã sử dụng ‘song kiếm hợp bích’ một cách thành thạo giữa vẽ và viết, trong sự phân bố nhịp điệu cuộc sống sáng tạo. Đối với Đinh Cường, viết và vẽ không thể thiếu được trong cuộc đời sáng tạo của ông. Buông cọ nghỉ xả hơi thì cầm bút viết. Viết như để giải bày tâm sự, giải tỏa nỗi cô đơn và để gợi nhớ lại một phần đời đã sống, nói lên được những điều mà hội họa không làm được và cũng để giao tiếp, trò chuyện với bạn bè. Những tháng cuối đời khi không đủ sức cầm cọ vẽ nữa, bởi vẽ sơn dầu rất tốn nhiều công sức, nhọc công, cầm bút là phương tiện duy nhất để ông bày tỏ sự hiện hữu của mình với mọi người, nhất là đối với bạn bè.

3.

Thế giới hội họa và việc tạo dựng một thế giới tranh riêng là chọn lựa tiên quyết, đầu tiên và cuối cùng trong cuộc đời Đinh Cường. Ông đã tìm thấy cái tôi đích thực, sự thể hiện bản ngã sâu thẳm của mình trong thế giới đó. Nó phù hợp với năng khiếu bẩm sinh của ông, kế thừa phần nào gen di truyền của bố ông, một họa sĩ trang trí, và sau hết ông được đào tạo hết sức cơ bản về nghệ thuật ở trường Cao đẳng Mỹ thuật Huế và là trường Cao đẳng Mỹ thuật Gia Định.

Hoạt động hội họa gắn bó suốt đời ông. Vẽ tranh, triển lãm, bán tranh, thiết kế bìa sách, vẽ chân dung cho bạn bè, người thân, dạy hội họa, tham gia ‘Hội Họa sĩ trẻ’ và đóng một vai trò khá quan trọng trong một nỗ lực hiện đại hóa hội họa Việt Nam với việc tiếp thu các xu hướng mới của phương Tây...

Câu thơ, và từ, cuối cùng, trong bài nhìn lên kệ sách 5, là tiếng ông gọi tên danh họa thế giới Picasso mà ông thương quý như một người bạn tâm tình. Bức tranh cuối cùng ông vẽ (được sử dụng làm bìa sách) là hình ảnh ẩn mật, hư ảo, có thể là của một tu viện hay một lâu đài xưa cũ nào đó thấp thoáng sau bóng rũ của các hàng cây, có thể trong một đêm trăng mùa đông với mầu xanh thăm thẳm miên viễn huyền ảo lạ kỳ của chiêm bao và hoài niệm, với các giai điệu xanh đậm nhạt trong một tấu khúc tịch lặng của tâm hồn trước vẻ đẹp linh thiêng bí ẩn của trần thế trước khi người họa sĩ lìa đời.



Đứng về phương diện loại hình, đơn giản nhất là chia thế giới tranh của ông làm hai loại. Loại thứ nhất là tranh phi hay vô hình thể. Loại thứ hai là tranh hình thể. Giữa hai loại này, loại ba, là một kiểu tranh bán hình thể. Tuy nhiên giữa các cách phân chia đó là biết bao trường phái hội họa phương Tây hiện đại mà Đinh Cường đã tiếp biến và chịu ảnh hưởng ít nhiều. Có thể nói ông có một cách tiếp biến đa phương, đa chiều các khuynh hướng này. Ở loại thứ nhất phải nói là dấu ấn của trường phái và phong cách trừu tượng. Đinh Cường, ở những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, lúc đó còn rất trẻ, mới hai mươi ba, hai bốn tuổi, khao khát tìm kiếm một nền hội họa mới, ông đến với hội họa trừu tượng vừa do duyên tình cờ đưa đẩy (xem tạp chí Paris Match số đặc biệt, năm 1960 về đám tang họa sĩ trừu tượng Pháp, Jean Atlan, tò mò rồi bị cuốn hút, và ưa thích một loạt các họa sĩ trừu tượng như Soulages, Hartung, Menessier, Mathieu, Tàpies và cả Zao Wou- Ki…) và đó cũng là do nhu cầu tự thân… Ông tự tìm tòi mua sách về hội họa trừu tượng, nghiên cứu kỹ thuật và cả quan niệm hội họa, cách nhìn nghệ thuật của một số tác giả trên, và một vài họa sĩ trừu tượng Mỹ, Đức, Hà Lan, Argentina), rồi tự mày mò vẽ thử nghiệm và dần dần có một số thành tựu bước đầu. Ông đã đoạt huy chương bạc năm 1963 với bức tranh trừu tượng có tên ‘Chứng tích’ và sau đó ông có bức tranh trừu tượng khác ‘Miền lệ xanh’ được chọn đi dự triển lãm quốc tế tại Paris gần cuối năm 1963. Năm 1965, ông triển lãm tranh cá nhân lần đầu ở Huế với nhiều bức tranh trừu tượng ưng ý, trong đó có bức ‘Trăng qua miền động đất’ được bác sĩ người Đức, dạy ở Đại học Y khoa Huế là Erich Wulff chọn mua. Hành trình sáng tạo tranh trừu tượng đi suốt cuộc đời sáng tạo của Đinh Cường, song hành và đan xen với lối tranh hình thể.

Tuy vậy, tranh trừu tượng của ông, rất khác với loại tranh trừu tượng thuần túy, tinh tuyền chất liệu hoặc một thể tranh trừu tượng - thuần lý với các hình kỷ hà tạo nên một vẻ đẹp dửng dưng với mọi thế giới con người. Phù hợp với tâm thức duy cảm của mình, ông chọn lựa một kiểu tranh trừu tượng - trữ tình hay trừu tượng - biểu hiện in đậm các sắc thái của cảm xúc, can dự tình cảm của mình vào chính thế giới phi hình thể mờ ảo và hỗn mang của những vệt, hay khối màu loang lỗ hay các lớp màu được chồng lên nhau một cách nghệ thuật, do mình tạo ra gần như trong trạng thái tiềm và vô thức. Các bức ‘Miền lệ xanh’, ‘Màu trời xanh’, ‘Trăng qua miền động đất’… thể hiện những sắc thái đó. Các bức tranh trừu tượng ở giai đoạn sau này khi ông đã sống ở Mỹ, ở những năm đầu của thế kỷ 21, có màu sắc đẹp như các bức ‘Đô thị vàng’ gợi nhớ đến thị trấn Lao Bảo (Quảng Trị) hồi sinh sau chiến tranh, với gam màu chủ đạo là màu đỏ vàng nâu sẫm đất ba-dan, pha lẫn đây đó chút đen, hòa với màu vàng cadmium pha đỏ hồng sẫm của bình minh hay hoàng hôn, màu đỏ thẫm mái ngói, màu vàng óng đỏ sẫm của gạch, với những nét tròn cong mềm tượng trưng cho đồi núi, và những khối với những đường vạch chồng chất lên nhau óng ánh đường vân thạch anh gợi nhớ các ngôi nhà xếp hình trên các tầng bậc thoai thoải của các ngọn đồi. Bức ‘Paris xám’, với gam màu xám ửng hồng pha tím hoa cà nhạt làm nền gợi nhớ tới một Paris mù sương xám, đã thấp thoáng ở đó các hình thể lờ mờ một khu phố, với các vệt đen của mái nhà, cột điện hoặc vệt trắng của các bức tường in một vài bóng dáng ngôi nhà. Có một nền đường có thể bị ướt bởi cơn mưa nhẹ, in bóng một góc khu phố khi màu xám, khi có vệt đen, khi thì các bóng trắng lờ mờ. Có thể ở đó đã có vài nét phác họa của kiểu tranh bán - hình thể.
 

"TRĂNG, SAO và ĐÁ TẢNG"

Các bức ‘Đá tịch lặng’, ‘Trăng sao và đá tảng’, ‘Trăng thiên cổ’ gợi nhớ những vật thể vĩnh hằng trong một sự chiêm nghiệm sâu xa. ‘Thành phố chim chết’ là kiểu trừu tượng đã mang màu sắc biểu trưng về một thế giới hiện đại trơ trụi, với đường kỹ hà ngang dọc, thiếu vắng thiên nhiên, không còn tâm thức lãng mạn, mơ mộng; ‘Đi đâu về đâu’ với lớp nền đen được tráng chồng màu lam xám với những ô, những vệt xanh bleu marine trên nền đen có những đường vân và một ô vuông trắng lòa xòa như điểm nhấn, thể hiện thân phận kiếp người loanh quanh trong mê cung cuộc đời không lối thoát… Tranh trừu tượng của ông đôi lúc có chịu thêm ảnh hưởng hoặc hồi nhớ phong cách lập thể hoặc siêu thực.

Tranh hình thể của ông đa dạng các chủ điểm (theme): thiếu nữ, phong cảnh, tĩnh vật, âm nhạc và sau cùng là loại tranh thiền, tranh Phật được vẽ trong sự chiêm nghiệm sâu xa về lẽ sắc không, chốn phù du thế gian và sự bình an nội tâm khi ở tuổi xế chiều. Kiểu tranh hình thể của ông được vẽ theo nhiều phong cách: đa số là tân hoặc hậu - ấn tượng (neo-impressionism, post-impressionism), biểu hiện (Expressionism), biểu hiện-tượng trưng (Expressionism-symbolism), siêu thực (surrealism) đôi khi cũng theo kiểu “dã thú” (Fauvism) (bức tranh ‘Đồng nhập’). Tuy nhiên bên dưới đó là một tâm thức lãng mạn đầy thi tính và mơ mộng của người họa sĩ. Tranh hình thể của ông lại được vẽ bằng chất liệu của thế giới hoài niệm, bằng chính nỗi nhớ và đôi lúc như được vẽ bằng chiêm bao nên có những sắc màu đẹp lạ lùng, nhất là một thứ màu xanh u mật, miên viễn…

Tranh thiếu nữ của ông là một thể tài nổi bật trong thế giới sáng tạo của ông. Luân Hoán gọi tên rất hay “Đinh Cường, kẻ mộng du nhan sắc”. Tranh thiếu nữ của ông được kết hợp một chút hình thể thon dài của Modigliani và một dáng kiểu mảnh mai, tha thướt của thiếu nữ Huế được tạo tác hài hòa theo kiểu riêng của người họa sĩ. Dáng dấp thanh mảnh, dịu dàng, u hoài mơ mộng của người thiếu nữ của Đinh Cường tưởng như thể người chị em song sinh của hình tượng thiếu nữ trong ca khúc Trịnh Công Sơn. Ông có biệt tài thể hiện một sắc thái nội tâm của người thiếu nữ, đặc biệt ở khuôn mặt, khi thì thanh tân, ngây thơ trong sáng, khi thì mơ mộng u hoài, khi thì thánh thiện thanh lành, nhất là trong khi cầu nguyện hoặc gắn với hình ảnh nhà thờ. Có thể thấy một vài kiểu hình dáng thiếu nữ trở đi trở lại trong tranh ông như một leitmotiv. Tuy nhiên mỗi bức tranh thiếu nữ của ông là một thực thể độc đáo riêng biệt, dù cũng có thể thấy nó là biến thể của một vài hằng số kia. Sự độc đáo ấy có thể là do mỗi bức tranh thiếu nữ này được thể hiện qua một gam màu khác nhau, có một nền phong cảnh khác nhau, đa số là những cảnh trí thơ mộng ở Huế, Đà Lạt, đôi lúc ở Paris. Hoặc mỗi hình thể thiếu nữ đó có các tư thế đứng, ngồi, nằm, nhìn thẳng, xoay nghiêng, hoặc có các kiểu tóc, trang phục khác nhau, đôi khi được tô điểm thêm bằng buộc một kiểu khăn cổ thơ mộng, hoặc một kiểu choàng khăn, thản, hoặc một kiểu buộc tóc đầy nữ tính. Thường khi các hình thể thiếu nữ này đi kèm với các kiểu loại hoa như hoa hồng, hoa sen, thạch thảo, dã quỳ, hoa dại…, hoặc đi kèm hoặc với một cây đàn, vĩ cầm, hoặc mandolin, hoặc với kiểu dáng chim chóc khác nhau. Mà tất cả những thứ tưởng là phụ đó lại tạo nên chất thơ mộng thi tính lãng mạn riêng của tranh ông.

Đôi khi tôi tự hỏi tại sao có một người cứ vẽ đi vẽ lại hằng trăm bức tranh thiếu nữ như vậy!? Vẽ như một nỗi ám ảnh không nguôi. Một hôm tình cờ lật giở một trang sách Mỹ học bắt gặp ‘từ’ Platon, tên một triết gia và một nhà mỹ học Cổ đại Hy Lạp, bỗng nhiên một ý tưởng mới mẻ xuất hiện, như rọi một luồng sáng lạ lùng cho tôi một lời giải mã câu hỏi trên. Platon cho rằng có một thế giới ý niệm (monde des idees) vĩnh hằng, tuyệt đối, mà thế giới tự nhiên đa dạng và cũng có thể nói thêm cả thế giới nghệ thuật, cũng chỉ là bản sao bất toàn của thế giới ý niệm ấy. À, vậy ra Đinh Cường là một kẻ hành hương đi qua trần thế này để tìm kiếm cái đẹp tuyệt đối, vĩnh viễn qua cái đẹp tương đối đa dạng của hằng trăm nhan sắc khác nhau. Đó là sự tìm kiếm một ‘Nhất thể Đẹp’ qua thiên biến vạn hóa các vẻ đẹp nhan sắc nữ giới đó chăng!? Hay nói theo Carl Jung, một nhà phân tâm học, đó là sự kiếm tìm “cổ mẫu nữ” qua các hình thể thiếu nữ tương đối đó trong lòng mỗi nam giới?!

Trong hàng trăm bức tranh thiếu nữ bằng sơn dầu, đôi lúc bỗng lộ ra một vài bức tranh thiếu nữ bằng sơn mài tuyệt đẹp với màu sắc rạng rỡ lung linh như ba bức thiếu nữ màu hồng đỏ (“Bên bờ lau sậy”), thiếu nữ màu xanh lam đen, thiếu nữ cầm hoa có nền sau thấp thoáng mái điện thờ cổ xưa có trong tập tranh này. Thì ra, Đinh Cường có tài sử dụng sơn mài không thua kém tranh sơn dầu mà lại có vẻ đẹp lạ lùng riêng, tiếc thay ông lại ít vẽ!

Tranh phong cảnh và tĩnh vật của ông cũng hết sức phong phú và đa dạng chủ điểm, có tới vài trăm bức và được vẽ theo nhiều phong cách, kỹ thuật khác nhau (dĩ nhiên là có cả bút pháp của phái trừu tượng, vô thể, có khi ông sử dụng cả kỹ thuật của ‘nghệ thuật xếp giấy’, đặc biệt khi vẽ chim bay và mây). Đa phần những cảnh trí thiên nhiên của ông dành cho Đà Lạt, Đơn Dương, kỷ niệm thơ mộng một thời tuổi trẻ đã in dấu sâu đậm trong tâm thức ông, một phần cho Huế u trầm, cô tịch, một chút cho các khu phố cổ Hội An, một tí xíu cho Quảng Trị, Sài Gòn. Và sau này có một số tranh ông vẽ về các khu phố và đất trời Paris, rồi một số cảnh trí xinh đẹp ở các vùng khác nhau ở bang Virginia, nơi ông sống và một số các bang khác ở Mỹ. Các tranh phong cảnh về Đà Lạt, Đơn Dương của ông hết sức nên thơ, đầy chất thi tính, đôi lúc u huyền hư ảo với các màu xanh đặc biệt của ông mà sau này ông nói được khám phá từ màu xanh Đơn Dương. Có một vài bức đầy lãng mạn và mơ mộng gợi nhớ tới tranh Chagall như các bức ‘Đánh thức đồi hoa’ hay ‘Dạ khúc đồi xanh’. Bức tranh về Huế tôi cho là đẹp nhất, có chiều sâu tâm tưởng nhất là bức Huế, nostalgie (Huế Hồi tưởng), 2010. Đó là bức tranh vẽ cầu Trường Tiền lờ mờ trắng trong màu xám xanh nhạt sương khói và màu xanh lục lam huyền hoặc của mặt nước ủ sương, và cận cảnh là màu xanh lục ngọc bảo của hàng cây thanh mảnh và điểm nhấn là một giải màu đỏ nâu nhẹ của đất nối liền hai loại màu xanh của cây cỏ và màu xanh nước. (Khi Đinh Cường về Huế triển lãm vào năm 2010, ông điện thoại cho tôi và nói, ông tình cờ đọc bài thơ ‘Trên bước chân xa xứ’ của tôi đăng trên Tạp chí Sông Hương tự nhiên ông có cảm hứng vẽ bức tranh này. Và đây cũng là bức tranh ông và vợ ông ưng ý nhất trong loạt tranh ông từng vẽ phong cảnh Huế. Nghe nói khi bức tranh này được triển lãm ở Gallery Chiêu Ê của họa sĩ Hoàng Đăng Nhuận, có công ty du lịch nước ngoài trả giá rất cao, nhưng ông không bán mà “dành tặng Tuyết Nhung”, “để khi nào buồn nhìn tranh mà nhớ tới Huế”).

"Ánh trăng trên nhà thờ"


Điều ấn tượng nhất trong tranh phong cảnh của ông là hình ảnh ‘nhà thờ’. Hình ảnh này cứ lặp đi lặp lại trong hàng mấy chục bức tranh phong cảnh của ông với các biến thể và sắc điệu khác nhau. Nhiều nhất là gắn với Đà Lạt, Dran, nhưng cũng có một giáo đường đổ nát và hiu quạnh ở Quảng Trị, rồi một kiểu nhà thờ khác ở Tân Định, Nhà thờ Đức Bà ở Sài Gòn, ở Paris, rồi trên đất Mỹ... Nếu hình tượng thiếu nữ là ký kiệu thẩm mỹ của cuộc hành trình đi tìm cái đẹp tuyệt đối, vĩnh hằng qua cái đẹp da dạng và tương đối là các nhan sắc, thì hình tượng nhà thờ là ký hiệu thẩm mỹ tâm linh, nó gắn kết với cuộc hành hương đi tìm cái thánh linh an lành chở che cho nỗi đau khổ và sự cô đơn của con người trên trần thế. Bức tranh ‘Để tưởng nhớ nhà thờ Dran’ là một tranh rất đẹp của Đinh Cường với ‘ton’ màu xanh thẫm trong tiết điệu đa dạng các sắc độ, đặc biệt là kỹ thuật tạo các đường vân như trên bố với một điểm nhấn (point rich) là một chút đỏ gạch lẫn hồng trên cao bên trái gần mái nhà thờ, như là ánh đèn của một ai đó còn thức trong một đêm trăng lưỡi liềm mờ ảo, u huyền.

Tranh phong cảnh của ông còn được chú ý bởi các hình tượng chim, đá và trăng. Có khoảng vài chục bức tranh vẽ chim, nó như thể một thứ biểu tượng nhiều hàm nghĩa khác nhau. Những bức tranh như ‘Chim tha mây’, ‘Quá nhiều mây chim bay không nổi’ hình tượng chim được vẽ thành đàn, thể hiện theo phong cách ‘nghệ thuật xếp hình’, có bố cục độc đáo, sắp xếp đàn chim thành nhiều tầng bậc với màu xanh lơ loãng, bồng bềnh những cụm mây trắng tạo nên vẻ đẹp riêng. Tuy vậy đa số hình tượng chim đều được vẽ đơn độc như biểu hiên của nỗi cô đơn hiu quạnh, chẳng hạn các bức ‘Chim biển’, ‘Chim trên mỏm đá giữa biển khơi’, ‘Chim bay trong chiều tà’, ‘Quạ và thành phố’… Đặc biệt là bức ‘Chim đỏ’ có vẻ đẹp đặc sắc riêng với bố cục một nền xanh lam nhẹ hòa với màu thẫm đen thâm u phía bên dưới bức tranh, chằng chịt những vệt đường đen như bàn cờ tạo thành như những gân lá lấm tấm những vệt trắng xanh, nổi bật đây đó rất nhiều đốm đỏ hình dáng con chim, tạo nên cảnh sắc lạ lùng như một nhịp vang rực rỡ trong những bè trầm trĩu nặng. Đó là những con ‘chim đỏ’ rất riêng của khu rừng Natick, nơi ông sống.

‘Đá’ cũng là hình ảnh thường lai vãng trong tranh ông. Có bức “Đá tịch lặng” với hình tượng đá hoang sơ của các hang động ngàn năm trước thấp thoáng những bóng tượng Phật xếp bàn. Có bức ‘Trăng và đá đen’ như một cuộc đối thoại thầm lặng của những vật thể hằng nghìn năm trong thế tương phản tĩnh động, đá đen như một thiên thể bơ vơ đơn độc bị rơi từ những tầng trời vĩnh cửu nằm cô đơn trong sa mạc chỉ có thể trò chuyện với một thiên thể cô đơn khác là vầng trăng cũng lưu lạc bơ vơ trên bầu trời. Tuy nhiên bức tranh ‘Trăng và đá tảng’ lại có một khí hậu thơ mộng trong trò chơi sắc màu, một bên là mảng chéo xanh lơ có nửa vầng trăng bạc, một bên khác là nền màu thẩm đen pha xanh lục chiếm hai phần ba bức tranh, nổi bật một đá tảng rực rỡ sắc màu đỏ, trắng, vàng, xanh, với những vệt dày nhòa vào nhau.

Hình tượng ‘trăng’ cũng được biểu hiện đạ dạng, khi thì lãng mạn thơ mộng với bức ‘Trăng vàng’, với một bóng hình thiếu nữ như thể đưa em về đến một vòm cổng kiểu xưa của Huế, hay thơ mộng u mật với ‘Trăng trên dòng ẩn cư’ ở Đà Lạt, có khi kinh dị với ‘Trăng qua miền động đất’, có khi trầm mặc như vũ trụ thuở ban sơ và cõi trần gian ngày tận thế với bức ‘Trăng thiên cổ’ màu xanh ngọc lục bảo đẹp lạ lùng…

"Người ngồi chiều cuối năm" "Trở về đất cũ"


Cũng có khi cảnh và người hòa lẫn với nhau trong những biểu trưng đa dạng. Khi thì cô đơn lầm lũi của một thân lưu lạc đất khách quê người lầm lũi như bức ‘Chiều mưa tuyết’, ‘Người đi trong gió bấc’, hoặc nỗi cô quạnh nhớ cố hương như bức ‘Người ngồi chiều cuối năm’. Có khi là một thân người ngồi đổ gục xuống trong nỗi thống khổ vô biên như bức ‘Người trong nghịch cảnh’, có khi là một nỗi đau khổ xót xa khác của dân tị nạn với bức ‘Người ngậm kẽm gai’. Nhưng kinh dị nhất là bức ‘Rừng câm’ với hình người trắng xám lờ mờ như thể treo cổ hoặc là hình ảnh Chúa tuẫn nạn trên thập giá trên một nền xám đen sẫm pha chút lam, phía dưới loáng nước in bóng trời xanh, như thể bước ra từ một cơn ác mộng, có thể đó là ẩn dụ cho cái chết vì nỗi cô đơn, hoặc tuẫn tiết bởi chính cái đẹp ước mơ hoàn hảo của chính người nghệ sĩ. Các bức ‘Trở về’ quê nhà thường có nét reo mơ mộng hoặc trầm mặc. Có bức ta nhìn thấy một hình người mà hình như lại hóa ra hai hình sóng đôi nhìn vào nhau như thể một cuộc trò chuyện giữa hai cái tôi hôm qua và hôm nay, cái tôi ra đi và cái tôi trở về như trong một cuộc hành hương kiếm tìm một điều gì quý báu nhất…

Hai dòng tranh mang chủ điểm ‘âm nhạc’, và ‘Phật, Thiền’, mỗi dòng cũng vài chục bức được thể hiện trong những thập niên cuối đời của ông, tạo nên những nét nhấn khác lạ trong thế giới tranh của ông, và cũng lạ lùng thay nó tạo những Đinh Cường mới mẻ ở tuổi già.

Dòng tranh âm nhạc với tranh các nhạc công chơi các nhạc khí đa dạng nhưng đặc biệt nổi bật là chơi contrabass (Đại hồ cầm), Cello (hồ cầm), hoặc thổi các loại kèn như saxophone, trumpet hoặc cảnh các nhạc công chơi blues Jazz. Đa số các bức tranh này thường có màu tối, u trầm gợi không khí u hoài hoặc sầu muộn. Đôi khi có một vài bức thơ mộng như ‘Cầm xanh’ với cây đàn lớn màu xanh lục với dáng mảnh mai của người đàn với chiếc ghế có chút đỏ làm chỗ dựa phía sau dáng thấp thoáng cả một góc khu phố xanh lam có bóng tháp chuông nhà thờ. Đinh Cường những năm gần mất đã vẽ một bộ tranh về đại hồ cầm với các ‘ton’ màu khác nhau đỏ, vàng, xanh lơ… Một số bức tranh ‘Thiếu nữ và đàn Cello’ màu sắc có vẻ nên thơ, hình thiếu nữ tươi tắn áo dài trắng xanh lơ điểm vệt màu hồng nhạt, cây hồ cầm đỏ trên một nền nâu đen. Bức ‘Điệu Blues của người du mục’ cũng là bức tranh đẹp với nền nâu sẫm chocolate, thấp thoáng dáng hình người chơi đàn cũng màu nâu nhưng được bọc trong khối màu cam, vàng chanh, trắng ửng xanh tạo nên một nét nhấn có vẻ đẹp u sầu, lang bạt.
 

"Phật chỉ trăng"

Dòng tranh Phật/Thiền là dòng tranh tâm linh lạ đậm chất phương Đông bổ sung cho dòng tranh tâm linh kiểu nhà thờ đậm nét đẹp và dấu ấn văn hóa phương Tây của ông. Các bức tranh ‘Niệm 1 và 2’, ‘Áo Lam’, ‘Phật chỉ trăng’, ‘Phật qua sông’, ‘Luân hồi đỏ’, ‘Đêm thắp nhang ngoài trời’, ‘Phật ngồi kiết già trên tảng đá đỏ’, ‘Tịch lặng’… có chiều sâu trầm mặc an lành thanh thoát. Chúng biểu hiện được sắc thái nội tâm chiêm nghiệm của người họa sĩ. Dòng tranh này phát triển sau năm 2002 với cái chết của người bạn tri kỷ của ông, họa sĩ Bửu Chỉ. Trước đó Bửu Chỉ đã choàng vào cổ ông một dây chuyền tượng Phật nhỏ bằng ngọc lục bảo và nói đeo vào để Phật phù hộ an lành cho ông và bảo ông nên tập Thiền, nghiên cứu về kinh Phật để đạt sự an nhiên nội giới, thấu hiểu lẽ phù hư sắc không của cuộc sống…

Một thế giới tranh tài hoa đa dạng được vẽ trong say đắm kiếm tìm cái đẹp dưới mọi chiều kích, thử nghiệm nhiều bút pháp. Đó là di sản khổng lồ mà Đinh Cường để lại cho trần thế mai sau khi ông đi qua thế gian với cuộc hành hương về chốn linh thiêng của điện đài cái đẹp vĩnh hằng mà phải nhắm mắt mới mường tượng được hết.

B.N  
(TCSH335/01-2017)




 

 
Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng