Thế giới sắc màu
Gốm Thơ
14:59 | 06/02/2017

Cuộc gặp gỡ của thi ca và hội họa đã là một truyền thống ở các nước Á Đông cũng như ở Việt Nam.

Gốm Thơ
“và nói thật, trong đôi guốc, tôi chú ý nhất cái chật chật của đôi quai” - Đặng Đình Hưng.

Nhất thi nhất họa thường thấy ở hoành phi, câu đối với chất liệu sơn son thếp vàng; ở những món đồ gỗ quý như tủ kính, trường kỷ; ở những đồ chạm khảm như khay, mâm, tráp; ở tranh, tranh trục (vẽ trên giấy hoặc lụa), tranh dân gian in khắc và ở trên gốm. Thời Lý, Trần hiếm thấy nhưng bắt đầu từ thời Lê, Mạc trở đi thì nhiều hơn.

Chả cứ mỹ thuật, bất kể một loại hình nghệ thuật nào cũng đều khởi từ cái móng là thi ca văn chương. Minh họa thơ nói chung và minh họa thơ trên gốm nói riêng suy cho cùng không nên là minh họa hiểu theo nghĩa vẽ lại câu thơ ấy vì minh họa cách ấy sẽ làm rẻ đi cả thơ lẫn họa.

 Minh họa là chuyển ngữ câu thơ, bài thơ ấy sang một ngữ khác, ngữ - hội họa. Tức là để thơ trở thành hình, thành màu, thành đậm nhạt, thành mảng, thành nét, thành bố cục… để thơ có thêm một đời sống khác, để người đọc có thêm một cách đọc khác để thơ được ở trong một không gian khác dài rộng hơn. Hoặc nói như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, minh họa ấy phải là một văn bản khác. Tôi muốn chia sẻ với ông về nhận định này bởi chỉ có vậy thì minh họa thơ mới trở thành một tác phẩm độc lập. Có lẽ cũng đúng thôi vì thơ chả cần bất kể nghệ thuật nào sống tầm gửi vào nó. Trong minh họa, thơ là điểm xuất phát nhưng hội họa là đích đến.

 Mỗi người mỗi cách đọc thơ. Tôi thích thơ hay kiểu mới hơn là thơ hay kiểu cũ. Tôi thích và thường chọn những câu thơ hay chưa được nhiều người biết.

 Tôi làm hội họa tối giản và thích vẻ đẹp của phi lý, của không thực cho nên những câu thơ tôi chọn cũng có vẻ đẹp ấy. Tôi đặc biệt thích những bức tranh mà vẽ như không vẽ. Tôi đặc biệt thích những câu thơ không làm thơ, không làm chữ.

 Tôi thích gốm. Trong dự án này tôi chọn gốm Bát Tràng và thể hiện theo cách vẽ lam dưới men. Lọ được thiết kế riêng để phù hợp cho phần chữ và hình minh họa. Nghệ nhân Phạm Anh Đạo trực tiếp vuốt tay từng sản phẩm và nung bằng củi trong lò bầu, cho nên đây chính là những tác phẩm độc bản. Phạm Anh Đạo và gia đình anh đã thực hiện toàn bộ phần kỹ thuật cho dự án này.

Cảm ơn các nhà thơ đã làm những bài thơ hay cho tôi nhiều cảm hứng.

 Cảm ơn nhà thơ Nguyễn Thụy Kha đã cung cấp nhiều tư liệu và biên tập giúp.

 Trân trọng giới thiệu Gốm Thơ1 tới các bạn yêu thơ, yêu gốm.

Nguồn: Lê Thiết Cương – Tia Sáng

-------
1. Sách ảnh của Lê Thiết Cương, 104 trang, NXB Trẻ, quý I năm 2017.





 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng