Sinh ra trong gia đình “Danh gia vọng tộc” về nghệ thuật, có bố là NSND Doãn Hoàng Giang lừng lẫy của sân khấu, mẹ là nữ diễn viên Nguyệt Ánh được xếp vào hàng mỹ nhân nghiêng nước, nghiêng thành của thập niên 70 nhưng Doãn Hoàng Lâm không núp dưới bóng cả.
Giữ những gam màu của thời bao cấp - nhà cũ rêu phong, tranh của Doãn Hoàng Lâm chất chứa tâm sự của những phận người. Những gương mặt lam lũ đi vào tranh của Doãn Hoàng Lâm bằng những nét vẽ nhấn nhá.
Không gắn bó với sân khấu vì sự gò bó
Như sự tất yếu, Doãn Hoàng Lâm đã từng có thời gian gắn bó với sân khấu khi làm họa sỹ thiết kế. Nhưng anh đành bỏ dở giữa chừng vì sự gò bó. Cái chất nghệ sỹ lãng tử khiến chàng họa sỹ không thể tiếp tục làm người đứng sau cánh gà trong mỗi tác phẩm sân khấu.
Điều đó làm bố anh, NSND Doãn Hoàng Giang có chút buồn phiền khi không có người kế nghiệp trong gia đình. Nhưng ông không cản con trai bởi chỉ ít thời gian chuyển sang hội họa, Doãn Hoàng Lâm đã nhận được những lời động viên, khích lệ của giới trong nghề.
Ngay cả khi đã học thêm trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội bên cạnh tấm bằng Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, sự ảnh hưởng của các thiết kế sân khấu đã tạo nên rào cản, làm cho không gian trong tranh Doãn Hoàng Lâm khó gợi với người xem, mà luôn ở dạng cụ thể đến từng chi tiết.
Doãn Hoàng Lâm dễ bị rung động bởi những điều nho nhỏ trong cuộc sống như một anh đạp xích lô một mình lặn lội trong đêm mùa đông hay một gánh hàng rong băng mình qua những con phố nóng bức của Hà Nội. Anh đã vẽ về họ bằng ấn tượng thị giác của những dáng hình liêu xiêu, gân guốc và được diễn tả bằng gam màu trầm buồn.
Nghệ sỹ không lý giải được tại sao mình lại quan tâm tới những phận người lam lũ trong nghệ thuật, có thể chỉ là bất giác, là những kỷ niệm xưa dội về đã làm anh dễ đồng cảm. Hoặc có thể, việc theo đuổi chủ nghĩa biểu hiện trong nghệ thuật không cho phép Doãn Hoàng Lâm vẽ về những con người đủ đầy, hạnh phúc. Ngay cả khi vẽ về những cô gái căng đầy nhựa sống, họa sỹ vẫn diễn sao cho người xem cảm nhận được một trạng thái không an nhiên của người mẫu, gai góc và bất ổn.
Một tác phẩm tại triển lãm “Nội soi”
Ký ức về Hà Nội thời bao cấp
Doãn Hoàng Lâm cho biết, anh đặc biệt yêu thích những gam màu xưa cũ giống như cụ Phái, cụ Nghiêm vẫn dùng, bởi đó là màu của một thời đã qua, thời bao cấp đã in hằn trong tâm trí của người họa sỹ. Thời đó, gia đình tan vỡ, hai bố con anh sống với nhau trên căn gác nhỏ ở phố Huế. Đồ đạc trong gia đình chỉ có vài ba thứ đơn sơ và tất cả chúng đều khoác lên mình màu trầm thâm nâu, đủ để thấy cuộc sống chẳng mấy tiện nghi. Còn lũ trẻ như anh không có đồ chơi nên chia nhau từng tí bột màu để tô và vẽ.
Và những con ngõ nhỏ của Hà Nội đã là sân chơi của bọn trẻ. Thế rồi, thời gian trôi đi và những đứa trẻ cũng lớn lên. Mỗi người đều mang trong mình những kỷ niệm về một thời bao cấp đã qua của Hà Nội. Riêng Doãn Hoàng Lâm, anh nhớ nhất về gam màu buồn của thời ấy và anh đã sử dụng những gam màu ấy làm màu chủ đạo trong các tác phẩm của mình ở thời đổi mới.
Dù vẽ về con người thời nay, tranh anh phảng phất cái buồn hoài niệm. Anh yêu gam màu ấy và nguyện trung thành với màu của thời gian. Tuy vậy, Doãn Hoàng Lâm cũng là gương mặt đại diện cho thế hệ nghệ sỹ trẻ với sự sáng tạo và đổi mới không ngừng. Anh từng có cuộc triển lãm dùng phim X quang đã qua sử dụng trong triển lãm “Nội soi” để gợi ra những suy nghĩ về bản chất con người với mối tương quan qua lại, những xung đột giữa các cá thể trong sự tồn tại.
Gam màu trầm xuất hiện xuyên suốt trong các tác phẩm của Doãn Hoàng Lâm
Đó là một triển lãm khá thú vị với hướng khai thác và cách đặt vấn đề độc đáo.Và nối sau triển lãm đó, Doãn Hoàng Lâm tiếp tục với loạt tranh chân dung về những người anh quen và những người chỉ một lần gặp mặt. Dù thế nào đi nữa, họa sỹ vẫn luôn vẽ về họ bằng ấn tượng nhiều hơn là việc miêu tả. Do vậy, tranh của Doãn Hoàng Lâm rất khó cắt nghĩa về cái đẹp theo lối thuần khiết mà hình như chúng mang màu sắc của cảm xúc.
Với hội họa, Doãn Hoàng Lâm luôn có nhiều dự định nhưng vì nhiều quá nên đôi lúc anh không biết bắt đầu từ đâu. Vậy là, họa sỹ lại để mọi việc thuận theo tự nhiên…
Nguồn: Thanh Xuân - ANTĐ