Trên những con phố nhộn nhịp ở phố cổ Hà Nội, tuy chỉ có một vài cửa hàng bán tranh cổ động, nhưng lại hấp dẫn khiến không ít du khách nước ngoài ghé thăm.
Thú vị và ý nghĩa
Cửa hàng tranh cổ động của ông Trần Miễn trên phố Tạ Hiện trưng bày hàng trăm bức tranh cổ động với nhiều kích cỡ lớn, nhỏ khác nhau, mỗi bức được vẽ trong một giai đoạn lịch sử khác nhau của đất nước. Bức được vẽ lại từ tranh thời kỳ chống Pháp, bức được vẽ thời chống Mỹ, tranh chào mừng Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, tranh về thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội, có tranh vẽ về Bác Hồ... Mỗi bức tranh cổ động đều gắn với những thông điệp, những khẩu hiệu gần gũi, quen thuộc, dễ hiểu...
Theo lời kể của ông Trần Miễn, khách tìm đến cửa hàng tranh của ông chủ yếu là khách nước ngoài, trong đó khách châu Âu mua nhiều nhất. Ông Miễn cho biết, khách du lịch đến xem tranh, họ rất ngạc nhiên và thích thú, vì họ không thấy những bức tranh như vậy ở đất nước họ, nên mua về làm kỷ niệm.
Cũng có nhiều khách hàng là những người nghiên cứu, hoặc rất muốn tìm hiểu về đất nước Việt Nam qua các thời kỳ, nên họ chọn mua những bức tranh cổ động về nghiên cứu... “Hôm trước vừa có 2 người khách châu Âu đến đây, sau khi nghe tôi giới thiệu về các bức tranh, họ chọn mua rất nhiều tranh cổ động, ở nhiều thời kỳ, họ bảo để nghiên cứu về Việt Nam qua những giai đoạn lịch sử mà các họa sỹ thể hiện trong tranh”, ông Miễn khoe.
Ngoài cửa hàng tranh của ông Trần Miễn, phố cổ Hà Nội còn có một số cửa hang bán tranh cổ động trên phố Tạ Hiện, Cầu Gỗ... Thùy Linh, một người bán tranh cổ động trên phố cổ cho biết, khách đến cửa hàng mua tranh chủ yếu là khách đến từ Anh, Pháp, Đức, Mỹ... khách châu Á thì rất ít, nếu có chỉ có khách từ Nhật Bản và Singapore. Linh kể, bán tranh cổ động có rất nhiều điều thú vị, bởi khách nước ngoài rất tò mò. Họ hỏi rất nhiều, về ý nghĩa, về lịch sử ra đời của những bức tranh cổ động. Có khách còn nhiệt tình trò chuyện cả về màu sắc, về những câu khẩu hiệu trong những bức tranh. Vừa hỏi chuyện, họ còn vừa tự tra google để tìm hiểu thêm thông tin.
Ông Trần Miễn cho biết, các bức tranh cổ động được bày bán đều được sao chép từ những bức tranh được vẽ và đã được sử dụng tuyên truyền, cổ động qua các thời kỳ. Các cửa hàng tranh lựa chọn từ trong cuốn sách về tranh cổ động để in, sao lại. Các bức tranh khổ nhỏ là được photo lại trên giấy dó, nên giá rất vừa phải, khoảng 200.000 - 300.000 đồng/bức. Những bức tranh khổ lớn là do cửa hàng đặt các họa sỹ chép lại, nên có giá khoảng 500.000 - 600.000 đồng, tùy từng bức. Để thuận tiện cho khách, đằng sau mỗi bức tranh đều có dòng chữ bằng tiếng Anh, để chú giải cho du khách ý nghĩa của bức tranh cũng như những dòng khẩu hiệu in trên bức tranh.
Lật xem từng bức tranh cổ động, từ bức "Nixon phải trả nợ máu", đến bức "Kỷ niệm 10 năm đánh thắng máy bay chiến lược B52 của giặc Mỹ", rồi cả những bức tranh cổ vũ lao động sản xuất... Ông Darel, một du khách người Mỹ cho biết, những bức tranh cổ động này đã kể một câu chuyện, về một giai đoạn lịch sử của Việt Nam, giúp ông hiểu hơn về Việt Nam trước đây, về những công việc, những nỗ lực, cố gắng mà người dân Việt Nam đã trải qua...
Tài liệu lịch sử bằng hình ảnh
Không chỉ hấp dẫn với khách du lịch, mà tranh cổ động của Việt Nam còn thu hút sự quan tâm của cả họa sỹ nước ngoài. Họa sỹ người Italia, Richard Di San Marzano đã từng nhận định, những bức tranh và áp phích cổ động của các họa sỹ thời chiến dù không tồn tại lâu, nhưng lại mang những thông điệp có khả năng trường tồn với thời gian. Theo ông Richard Di San Marzano, các áp phích là một tài liệu lịch sử, dùng để tuyên truyền, song trong mỗi bức tranh vẫn có những dấu ấn nghệ thuật cá nhân của các họa sỹ trong đó.
Họa sỹ Trường Sinh, một họa sỹ vẽ rất nhiều tranh cổ động thời kháng chiến chống Mỹ, cho biết, từng có rất nhiều khách nước ngoài tìm đến ông để mua tranh cổ động. Họ rất thích thú với những bức tranh cổ động chiến trường, có đề tài nóng thời đó, như về kháng chiến chống Mỹ, về lao động xây dựng đất nước, lại được các họa sỹ thể hiện độc đáo. Nhiều khách đến mua tranh còn chia sẻ, mặc dù trên thế giới cũng có nhiều nước vẽ tranh cổ động, nhưng không ở nước nào tuyên truyền mạnh và bài bản như ở Việt Nam. Chính vì vậy, chỉ cần xem những bức tranh cổ động của Việt Nam qua các thời kỳ, họ đã có thể hình dung phần nào về đất nước Việt Nam trong những năm kháng chiến.
Ở Việt Nam, tranh cổ động gắn liền với cuộc đấu tranh giải phóng và bảo vệ độc lập dân tộc. Các tài liệu nghiên cứu cho thấy, tranh cổ động Việt Nam xuất hiện từ những ngày tiền khởi nghĩa tháng Tám năm 1945. Những bức tranh cổ động đầu tiên ra đời trong bão táp cách mạng, với sự có mặt của thế hệ họa sỹ yêu nước, tiêu biểu là Nguyễn Đỗ Cung, Tô Ngọc Vân, Lương Xuân Nhị... cùng nhiều tác giả giàu tâm huyết với tự do, độc lập của Tổ quốc.
Thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đến cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, các bức tranh cổ động với ngôn ngữ tạo hình khỏe khoắn, màu sắc truyền thống trong tranh dân gian, lối biểu đạt rõ ràng cùng với các khẩu hiệu, chú thích dễ hiểu, dễ nhớ... tranh cổ động đã trở thành công cụ truyền tải chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước đến mọi tầng lớp nhân dân, truyền tải quyết tâm, ý chí và hành động của cả dân tộc, tái tạo chân thực mọi mặt của đời sống xã hội đương thời, cổ vũ toàn dân, toàn quân vững tin vào cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, bảo vệ Tổ quốc... Những họa sỹ vẽ tranh cổ động nổi tiếng ở thời kỳ này gồm có họa sỹ Nguyễn Sáng, Mai Văn Hiến, Sĩ Ngọc, Huỳnh Văn Thuận, Nguyễn Bích, Trường Sinh, Trần Mai, Trần Gia Bích, Nguyễn Thụ, Huy Oách, Phạm Lung...
"Trải qua hai cuộc kháng chiến của đất nước, nghệ thuật tranh cổ động đã hoàn thành những nhiệm vụ trong những thời khắc cam go nhất. Những bức tranh cổ động như một cuốn sử sống động bằng hình ảnh, bằng ngôn ngữ nghệ thuật trong lịch sử cách mạng Việt Nam. Các họa sỹ vẽ tranh cổ động là những người gắn bó chặt chẽ với các cuộc đấu tranh bảo vệ và xây dựng Tổ quốc, mặc dù cuộc chiến của người họa sỹ không diễn ra ngoài chiến tuyến, mà diễn ra đằng sau giá vẽ" - họa sỹ vẽ tranh cổ động Trường Sinh nói.
Nguồn: Phương Hà – baotintuc