Thế giới sắc màu
Một góc nhìn đầy ắp tình cảm về Bác Hồ
09:49 | 19/01/2018

TRIỀU SƠN  

Lần đầu tiên, một triển lãm mỹ thuật sáng tác chuyên sâu về Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày tại Huế, mang một góc nhìn đầy ắp tình cảm về Bác Hồ kính yêu.

Một góc nhìn đầy ắp tình cảm về Bác Hồ
Tác phẩm Chân dung Bác Hồ của họa sĩ Lê Anh Huy
Tác phẩm Trên đường đi của họa sĩ Nguyễn Văn Hoàng

Ngày 13/11/2017, tại Thủ đô Paris - Cộng hòa Pháp, UNESCO đã tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ngày UNESCO ra nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa kiệt xuất của Việt Nam”. Tại Khóa họp lần thứ 24 tại Paris, từ ngày 20/10 đến 20/11/1987, Đại hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 về Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh với tư cách là “Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam” vào năm 1990. Nghị quyết được soạn thảo và thông qua căn cứ theo Nghị quyết 4.351 của Kỳ họp thứ 18 về các hoạt động kỷ niệm ngày sinh của các danh nhân và các sự kiện lịch sử quan trọng đã để lại dấu ấn trong quá trình phát triển của nhân loại. Nghị quyết ghi rõ: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội; những đóng góp quan trọng và nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật chính là sự kết tinh của truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của dân tộc Việt Nam, và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc mong muốn được khẳng định bản sắc văn hóa của mình và mong muốn tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc”. Tổng Giám đốc UNESCO Irina Bokova đã phát biểu nhấn mạnh: Cách đây 30 năm, Nghị quyết của UNESCO đã ghi rằng, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một “biểu tượng xuất sắc về sự tự khẳng định dân tộc, người đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.

Tác phẩm Bác Hồ ở trên nương của họa sĩ Nguyễn Thị Hòa


Hình ảnh của Người đã được giới văn nghệ sĩ trong và ngoài nước thể hiện trong nhiều tác phẩm nghệ thuật, là niềm cảm hứng sâu sắc  của giới mỹ thuật. Chủ tịch Hồ Chí Minh là lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Việt Nam, trong cuộc đời hoạt động cách mạng đầy bản lĩnh văn hóa, người đã luôn quan tâm đến sự phát triển văn học nghệ thuật, chính Người cũng đã hoạt động sôi nổi trong nghệ thuật tạo hình và các loại hình nghệ thuật - báo chí khác. Tuy vậy, Người không bao giờ nhận mình là họa sĩ, là nghệ sĩ cho dù Người đã vẽ tranh như một họa sĩ biếm họa thực sự trên báo Le Paria (Người Cùng Khổ), và các báo Thanh Niên, Việt Nam Độc Lập… Những tranh vẽ của Người vạch rõ bản chất tàn bạo của chế độ thực dân, tố cáo thủ đoạn cướp đoạt của cải, bóc lột sức lao động ở Việt Nam và Đông Dương… Tinh thần nhân đạo thấm đượm trong các tác phẩm thi ca, bút ký, báo chí, tranh biếm họa, tranh minh họa… của Người đã làm rung động người đọc sâu sắc và thổi bùng lên ngọn lửa ý chí đấu tranh của những người cùng khổ, các dân tộc bị áp bức trên thế giới…

Đông đảo công chúng đến xem triển lãm


Trong dòng chảy tôn kính đó, cuối tháng 11/2017 vừa qua, Đảng ủy Trường Đại học Nghệ thuật Huế đã tổ chức trưng bày tranh tượng sáng tác “Bác Hồ của chúng ta”. 40 tác phẩm được chọn triển lãm là sự tôn kính Bác sâu sắc của thầy và trò nhà trường, hướng về giá trị đạo đức, nhân cách, tác phong, tư tưởng Hồ Chí Minh.

Các họa sĩ, nhà điêu khắc tham gia triển lãm thầy và trò trong mái trường nghệ thuật, nên các tác phẩm mang rõ nét tính chuyên nghiệp, cố gắng tìm tòi, khám phá về chất liệu, kỹ thuật, bút pháp và tính biểu đạt nghệ thuật. Các tác phẩm thể hiện trên các chất liệu khá phong phú: sơn dầu, acrylic, in khắc gỗ, đồ họa vi tính, tượng tròn, phù điêu, gương kính... Một số tác giả sử dụng nguồn tư liệu từ ảnh lịch sử, sách báo và internet… để sáng tạo theo cách nhìn nhận và cảm xúc một cách hoàn toàn mới. Công chúng xem triển lãm được gặp những hình ảnh thân thương của Bác Hồ với chân dung của Người qua các thời kỳ hoạt động cách mạng: hình ảnh Nguyễn Ái Quốc, Bác Hồ với chòm râu và nụ cười mẫn tuệ, Bác Hồ với các cháu thiếu nhi, Bác với phong cách dân dã khi cho cá ăn, khi làm nương, khi đi công tác…
 

Tác phẩm Em mơ gặp Bác Hồ của họa sĩ Lê Phan Quốc

Điều thú vị là cũng trong triển lãm này, người xem nhận ra có tác phẩm tham gia của nhà điêu khắc Pusịt người Thái Lan. Chúng ta biết quan hệ hữu nghị Việt Nam - Thái Lan có lịch sử lâu đời. Trong những năm 1927 - 1929, Bác Hồ đã sống, hoạt động cách mạng tại Thái Lan và được đông đảo bà con Việt Kiều, nhân dân Thái Lan che chở, giúp đỡ. Hiện nay, Khu tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan thường xuyên đón du khách toàn thế giới đến dâng hương, tưởng nhớ, tìm hiểu về sự nghiệp cách mạng của Người. Tại Ratcha Ruri, cách Thủ đô Bangkok khoảng 110km về phía Tây, trong một tòa nhà lớn xây dựng trên khu đất rộng lớn, có tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng chất liệu sáp tái hiện rất sinh động hình ảnh của Người, thường xuyên đón du khách đến chiêm ngưỡng. Tác phẩm thể hiện hình ảnh Bác Hồ của Pusịt tiếp tục thể hiện niềm ngưỡng mộ người lãnh tụ xuất chúng của cách mạng Việt Nam.

Triển lãm đã thật sự giới thiệu các tác phẩm về Bác Hồ có giá trị thẩm mỹ - nghệ thuật, chân thật, có sức truyền cảm đối với công chúng.

T.S  
(SHSDB27/12-2017)




 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng