Thế giới sắc màu
Những lối đi không quen thuộc
09:53 | 02/11/2018

VŨ LINH

Thông thường, khi người phụ nữ làm nghệ thuật, họ có thiên hướng lựa chọn những kiểu dạng ngôn ngữ bình dị, gần gũi, mang tâm thức lãng mạn gắn liền với bản mệnh của thiên tính nữ.

Những lối đi không quen thuộc
'The sadness V' - Tranh của họa sĩ Lý Trần Quỳnh Giang

Dĩ nhiên, trong sự biến đổi đa chiều của cuộc sống ngày nay, điều này hẳn nhiên không phải là tất cả. Trong nghệ thuật đương đại Việt Nam, đã có nhiều người phụ nữ chọn cho mình những lối đi khó, những lối đi không quen thuộc, những lối đi đòi hỏi cần làm song trùng nhiều cuộc bội phản trong chính tâm thức họ, trong thói quen thẩm mỹ và cả trong cách họ ứng xử với cuộc sống.

Khi đứng trước tác phẩm điêu khắc hay tác phẩm hội họa của Lý Trần Quỳnh Giang, người xem dường như cùng một lúc bị nhiều sự va đập trong cảm xúc bởi thông điệp và cách tạo hình của nữ họa sĩ này đã khác xa trong quan niệm về nữ tính. Nhìn chung nghệ thuật của Lý Trần Quỳnh Giang khởi đi từ bi kịch. Những ánh mắt trong tranh, những hình thù vặn xoắn trong điêu khắc, lớp không khí u ám, ảo não bao trùm lên toàn bộ nghệ thuật của Giang là sự hiện hữu của đêm đen, và luôn thế, đêm đen thì có nhiều bí mật.
 

Tranh của họa sĩ Ý Nhi

Cũng trên lối đi lạ, họa sĩ Ý Nhi qua mấy thập niên vẫn luôn giữ được đẳng cấp của mình bằng tư duy nghệ thuật khác biệt và giá tranh cao. Không màu mè, không sa vào mô phỏng vụn vặt, ngôn ngữ của Ý Nhi trong hội họa nhiều khi tưởng khô cứng, ảm đạm nhưng đó là những vỉa tầng nằm sâu ở thế giới nội cảm mà không phải ai cũng có thể gọi tên và làm hiện hình chúng lên toan trắng. Hội họa của Ý Nhi dường như đã phá vỡ sự hài hòa thị giác thông thường, buộc người xem khi lĩnh hội phải có những tiền giả định về thẩm mỹ và sẵn sàng phá bỏ quan niệm cũ về nghệ thuật để bước vào một kiểu định nghĩa mới cho cái đẹp.






 

Tác phẩm điêu khắc của họa sĩ Nguyễn Thúy Hằng

Song trùng cả văn chương và hội họa, thế giới của Nguyễn Thúy Hằng cũng là một thế giới đầy sự quái dị, khó nắm bắt và khó diễn giải tường tận. Thúy Hằng thường dùng màu trắng làm tông chủ đạo, vì thế đó là thế giới lạnh, thế giới của những cái chết chưa được đặt tên, những cái chết ảo não, xa xăm và không rõ hình dạng. Tác phẩm điêu khắc của Nguyễn Thúy Hằng có nhiều hình nhân được đặt trong những không gian o bế, ở đó mọi sự diễn giải của ngôn từ trở nên bất lực, người xem dường như bị xô đẩy vào trạng huống ú ớ và mặc nhiên để cho sự cảm nhận bị tẩy trắng trong cảm giác muốn nói một cái gì đó sáng rõ và thành lời nhưng lại bất khả.

V.L
(TCSH356/10-2018)



 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng