TRÚC LÂM
Trong văn hóa nhân loại, lợn như là một biểu tượng phổ quát. Lợn được xem là tổ phụ sáng lập một trong bốn đẳng cấp trong xã hội Meslanesie. Nữ thần trời và mẹ vĩnh cửu của các tinh tú ở Ai Cập cổ đại lại thường được tạo hình trên các bùa đeo với những họa tiết của lợn nái đang cho đàn con bú.
Tranh của Đỗ Trung Quân |
Tranh của họa sĩ Trần Vinh |
Tranh của Lê Anh Hoài |
Với người Việt Nam, lợn trở nên quen thuộc hơn bao giờ hết trong văn hóa nông nghiệp, lợn đi vào ca dao dân ca, đi vào lối nói hàng ngày và đặc biệt hơn, lợn đi vào nghệ thuật tạo hình của người Việt từ rất sớm. Có thể nói, hình tượng con lợn trong tranh Đông Hồ là sự tạo hình về lợn đẹp vào hạng bậc nhất của người Việt. Hình tượng âm dương trên thân con lợn là biểu tượng cho sự sung mãn, ấm no, giàu có và hòa hợp. Tất cả dựa trên lối tạo hình mang tính điển hình hóa cao, sự chọn lọc chi tiết kỹ càng để mang tính biểu tượng văn hóa nhiều hơn là mô tả hình ảnh.
Trên dòng mạch đó, các nghệ sĩ tạo hình đương đại cũng đã sáng tác nhiều bức tranh cách điệu về hình ảnh con lợn. Sự cách điệu này tùy thuộc vào xu hướng thẩm mỹ, quan niệm văn hóa và đặc trưng ngôn ngữ riêng của mỗi họa sĩ. Thi/họa sĩ Đỗ Trung Quân có lối tạo hình về lợn rất riêng biệt, ông gắn cái nhìn của trẻ thơ lên sự vật nên lợn trong tranh của ông tinh nghịch, ngây thơ và đầy thi tính.
Kết hợp hình ảnh con lợn với những cánh hoa màu đỏ, họa sĩ Trần Vinh lại đem tới cái nhìn tươi vui, hóm hỉnh và trong sáng. Dựa trên lối tạo hình tối giản, giảm trừ những chi tiết không cần phô diễn, thoạt nhìn, cách vẽ này tưởng đơn giản nhưng chỉ có những người thực hành hội họa lâu năm mới chắt lọc và giữ lại được những chi tiết đắt giá này.
Con lợn trong tranh của Lê Anh Hoài lại gợi đến bản tính thực tế nhất của loài vật này. Đó là sự phồn thực, ham ăn, béo tốt. Đây cũng là cái nhìn hài hước của một nhà văn vẽ tranh đã đạt được nhiều thành tựu.
T.L
(TCSH360/02-2019)