Thế giới sắc màu
Giấc mơ trong hội họa
10:20 | 26/04/2019

NGUYỄN HOÀNG VY

Từ khi Phân tâm học của Freud ra đời, người ta mới có thể lý giải được phần nào nguyên do xui khiến người nghệ sĩ lao vào sáng tạo nghệ thuật, có một sức mạnh to lớn từ vô thức khiến người nghệ sĩ mộng mơ, đó là sức mạnh bất khả từ chối.

Giấc mơ trong hội họa
Tranh của Salvador Dalí

Ngay cả trong Tuyên ngôn của chủ nghĩa siêu thực, André Breton cũng đã nhắc tới một giai thoại rằng mỗi ngày vào lúc đi ngủ, Saint-Pol-Roux lại cho treo trên cổng tư thất của mình ở Camaret một tấm biển viết rằng: Nhà thơ đang làm việc. Trong hội họa, nhất là ở địa hạt của trào lưu Siêu thực, các nghệ sĩ đã có một nguồn năng lượng và một thế giới tưởng như vô tận lấy ra từ giấc mơ.

Có thể nói họa sĩ đạt được nhiều thành tựu nhất nhờ dựa vào sự mách bảo của giấc mơ chính là Salvador Dalí. Tranh của ông xô đẩy người xem bước vào một thế giới hoang tưởng, một thực tại được kết nối với vô thức, một thực tại không có hình dạng cố định, đó là sự kết nối của nhiều hình ảnh đứt đoạn trong một logic khác mà đời thực khó có thể chấp nhận. Sự vô tận của giấc mơ, ngay cả đến ngày nay, người ta vẫn chưa thể đi hết biên giới của nó, cũng vì thế, hội họa của Dalí nói riêng và ngôn ngữ của trường phái siêu thực nói chung vẫn có một vị trí to lớn trong việc tạo cảm hứng sáng tạo cho nhiều họa sĩ đương đại.

Tranh của Rene Magritte


Rene Magritte, cũng nằm trong số họa sĩ gặt hái được mùa màng rực rỡ từ trên cánh đồng mang tên giấc mơ. Ông là họa sĩ thành công và thụ hưởng được giá trị nghệ thuật của mình ngay cả khi ông còn sống, và đến nay hào quang của ông vẫn mê dụ nhiều nghệ sĩ và người xem. Hội họa của Rene Magritte chứa đựng nhiều ám dụ, ẩn dụ về sự hiện hữu của con người, đó là thế giới của sự phi lý, thế giới của bí ẩn bằng cách kết hợp những hình ảnh tưởng như không liên quan gì tới nhau thành một thế giới suy nghiệm táo bạo mà không phải người xem nào cũng có thể hiểu được.

Tranh của Cao Hành Kiện


Ở phương Đông, Cao Hành Kiện cũng bước lên đỉnh cao vinh quang của nghệ thuật từ thế giới của những giấc mơ. Trong tiểu thuyết Linh sơn, gần như giấc mơ đã chế ngự hầu hết mọi cảnh huống, mọi sự kiện và kể cả chế ngự tư duy của nhân vật. Hội họa của Cao Hành Kiện cũng đi ra từ giấc mơ, từ thế giới không rõ hình thù và biên giới. Hội họa của Cao Hành Kiện lấy từ căn cước phương Đông, nhưng đây không phải là hội họa thuần túy cổ điển phương Đông, mà ở đó người ta nhìn thấy cả sự hiện đại trong tạo hình và những ý niệm mà tác giả gửi gắm có thể đã vượt ra khỏi biên giới của phương Đông.

N.H.V.
(SHSDB32/03-2019)





 

 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng
Vẽ lợn (06/02/2019)