Thế giới sắc màu
Một số họa sĩ hiện đại ở Huế đầu thế kỷ XX
14:35 | 15/05/2019

NGUYỄN THỊ HÒA

Huế những năm đầu thế kỷ XX, Nhà nước phong kiến triều Nguyễn đã ban hành nhiều chính sách, trong đó có chính sách văn hóa hướng tới nhiều khía cạnh của đời sống xã hội như văn chương nghệ thuật, giáo dục, giao lưu, tiếp xúc văn hóa, bảo tồn di sản… nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa nghệ thuật của cộng đồng, với sự xuất hiện trào lưu học thuật tân tiến của châu Âu, mỹ thuật được giao lưu biểu hiện qua các hoạt động và sáng tác nghệ thuật.

Một số họa sĩ hiện đại ở Huế đầu thế kỷ XX
Tác phẩm: Về làng; Chất liệu: Màu nước; Tác giả: Lê Yên. Nguồn: Triển lãm Hồi cố, 2016, Huế (Ảnh tư liệu của tác giả bài viết)

Từ đây, các họa sĩ có dịp gặp gỡ, gắn kết với Huế và có vai trò là cầu nối hình thành mạch nguồn cho sự khởi đầu nghệ thuật tạo hình hiện đại đầu tiên ở Huế.

1. Những hoạt động mỹ thuật và hình thành lớp họa sĩ ở Huế đầu thế kỷ XX

Cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, Huế ở vào một địa thế thuận hợp cho sự giao thoa của nền văn hóa Đông - Tây, mang lại những giá trị mới trong nhiều lĩnh vực cho văn hóa Việt Nam và Huế. Quá trình tiếp nhận và phát triển, mỹ thuật thời Nguyễn còn ẩn sâu những giá trị nghệ thuật đậm nét Huế, được sáng tạo trong những chuẩn mực khắt khe của ý thức hệ phong kiến, các tác phẩm điêu khắc phần nhiều mô tả đơn điệu theo chủ đề về tôn giáo tín ngưỡng, hội họa và đồ họa gợi tả về thiên nhiên và con người, trong vẻ đẹp thuần kiết, tao nhã, mẫu mực, của thị hiếu thẩm mỹ phương Đông. Nhiều tác phẩm tranh thờ, tượng thờ, tranh dân gian, các thể loại tranh khác… của tác giả khuyết danh, đã xuất hiện từ nhiều thế kỷ trước, đến nay còn lại rất ít tác phẩm được lưu giữ tại các nhà sưu tập tư nhân và bảo tồn ở các di tích Huế.

Trong lĩnh vực mỹ thuật các họa sĩ trong và ngoài nước có điều kiện tiếp xúc hội họa Đông - Tây, thể nghiệm sáng tác trên các chất liệu và nhiều thể loại, đã để lại những dấu ấn trong các công trình kiến trúc, những tác phẩm hội họa và tranh minh họa… Lớp họa sĩ là người Việt và Pháp (cả những họa sĩ khuyết danh) đầu tiên ở Huế như: Họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, Lê Đức Trạch, Lê Văn Miến, Lương Quang Duyệt, Huỳnh Tựu, Nguyễn Khoa Toàn, Tôn Thất Sa, Nguyễn Thứ, Lê Văn Tùng, Trần Văn Phềnh, Phi Hùng, Đỗ Văn Nhơn, Nguyễn Văn Tanh, Nguyễn Văn Cự, Tr. Phiên… và những họa sĩ nước ngoài là V. F.Ducro, Délétré, A.Bonhomme, M.H.Cosserat Fils, M. Craste, M.Durier, E.Gras, Henri Mège, M.J. Saint Péron…

Họa sĩ Lê Đức Trạch vẽ tranh minh họa trong tác phẩm Lục Vân Tiên cổ tích truyện, tổng tập có tới 139 tờ tranh minh họa, khoảng 1200 hình vẽ (1895 - 1897), theo ý tưởng thể hiện tác phẩm bằng bộ tranh ký hoạ của ông Eugène Gibert, đại đội trưởng đội pháo binh hải quân, phó đô đốc pháo binh tại Huế (Annam), sau đó trao tặng cho Viện Hàn lâm Văn Khắc và Văn chương Pháp năm 1899, cuốn sách tái xuất bản 2016, Nxb. Văn hóa Văn Nghệ, thành phố Hồ Chí Minh.

Họa sĩ Nguyễn Khoa Toàn (1898 - 1965), tốt nghiệp Trường Sư phạm (1923), sang Pháp học hội họa tại trường Fontainebleau, trong triển lãm “Hồi cố” tại Huế, có tác phẩm Tráng sĩ mài gươm, sơn dầu 70 x 86cm.

Họa sĩ Phi Hùng (1907 - 1987), tự học hội họa theo truyền thống gia đình, chuyên vẽ phong cảnh, chân dung và minh họa sách báo.

Từ năm 1930 đến 1945, Huế là nơi gặp gỡ, giao lưu đội ngũ họa sĩ chuyên nghiệp trong cả nước, mỹ thuật Huế được ghi danh những họa sĩ, thầy giáo người Việt và Pháp trên minh họa sách báo và các tác phẩm nghệ thuật như: Victor Tardieieu, Joseph Inguimberty, Tô Ngọc Vân, Mai Trung Thứ, Tôn Thất Đào, Lê Yên, Phạm Đăng Trí…

Họa sĩ Lê Yên (1913 - mất khoảng sau năm 1975), tốt nghiệp trường Mỹ thuật Đông Dương (1932 - 1937), giảng dạy hội họa ở trường Khải Định - Đồng Khánh và Trung học Mỹ thuật Huế, nguyên Phó Giám đốc và Giám đốc Trường cao đẳng Mỹ thuật Huế từ 1963 - 1967, trong triển lãm “Hồi cố” tại Huế có tác phẩm Về làng, lụa, màu nước, 35 x 60cm, 1983.

Họa sĩ Phạm Đăng Trí (1921 - 1987), tốt nghiệp trường Mỹ Thuật Đông Dương (1937 - 1942), giảng dạy mỹ thuật tại các Trường Trung học Thuận Hóa (1945 - 1946), Trường Trung học Bồ Đề (1955 - 1962), Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Huế (1963 - 1987), Phạm Đăng Trí nghiên cứu bảng màu pháp lam Huế và vận dụng thành công đĩa màu ngũ sắc Huế, đưa vào sáng tác những tác phẩm chất liệu lụa, các tác phẩm chính: Người Suối Bạc, lụa, 60 x 100cm, 1945; Liễu quán, lụa, 100 x 60cm, 1971; Thuyền âm, 100 x 60cm, 1973; Sâu lắng, lụa, 70 x 80cm, 1985…

Sự hội tụ các họa sĩ và những tác phẩm hội họa, điêu khắc, đồ họa, tranh minh họa… trên đất Huế, đã tạo ra nét riêng để lại dấu ấn đặc trưng, là kết quả sáng tạo mỹ thuật như ngưng kết mạch nguồn văn hóa một thời kỳ ở Huế, góp phần trong việc khẳng định thêm những giá trị nghệ thuật tạo hình đã hình thành trên nền mỹ thuật Huế đầu thế kỷ XX.

2. Một số họa sĩ tiêu biểu ở Huế đầu thế kỷ XX

 

Tác phẩm: Đại Nam Hoàng đế sắc phục tại vị; Chất liệu: Màu nước; Tác giả: Nguyễn Văn Nhân; Nguồn: Trần Đình Sơn (2013) Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802-1945), Nxb. Hồng Đức. (Ảnh tư liệu của tác giả bài viết)

2.1. Họa sĩ Nguyễn Văn Nhân (sinh khoảng thập niên 30 - 40, thế kỷ XIX)

Hiện nay chưa có công bố rõ ràng nào về tiểu sử họa sĩ Nguyễn Văn Nhân, trong tập sách Đại lễ phục Việt Nam triều Nguyễn 1802 - 1945, tác giả Trần Đình Sơn tìm hiểu về thân thế Nguyễn Văn Nhân qua tác phẩm Thiền sư Hải Toàn Linh Cơ, 1823 - 1896, được vẽ vào thời gian khi ông đang làm kí lục tại Tòa Khâm sứ Huế, Nguyễn Văn Nhân quê ở Phường Kim Liên, huyện Vĩnh Thuận, phủ Hoài Đức, tỉnh Hà Nội. Bộ tranh Đại lễ phục triều đình An nam, thực hiện ở thời điểm ông đã hồi hưu. Căn cứ vào năm hưu trí có thể ước đoán Nguyễn Văn Nhân sinh khoảng thập niên 30 - 40, thế kỷ XIX [4, tr.14-15].

Họa sĩ Nguyễn Văn Nhân tiếp thu kiến thức cơ bản hội họa phương Tây và kết hợp hội họa phương Đông, tạo ra nghệ thuật truyền thần truyền thống. Với tác phẩm Đại Nam Hoàng đế sắc phục tại vị, chất liệu màu nước, bố cục tác phẩm ghi chép cảnh sinh hoạt cung đình, cẩn trọng trong sự sắp xếp các nhân vật, có Hoàng đế nước Đại Nam trong Đại triều phục ngồi ở giữa là trọng tâm của tác phẩm, bên trái và bên phải là hai quan văn và hai quan võ đứng trong trang phục triều chầu, trong bố cục có chữ viết mô tả nội dung nhân vật và phẩm phục. Lối vẽ minh họa hiện thực, chú trọng đến chi tiết các hình vẽ như: Cửu long thông thiên quan, Hoàng bào, Thường, Đới, Tất, Ngoa... được diễn tả sống động từ màu sắc đến mô típ trang trí làm nổi bật nét văn hóa cung đình, là minh chứng lịch sử trong trang phục triều Nguyễn. Kỹ thuật sử dụng màu nước, màu thực thể trong sắc tự nhiên, ấn tượng trong phương pháp vờn màu, thể hiện khối chân dung các nhân vật thời Nguyễn với thần thái trung thực và tỷ lệ nhân hợp lý hơn so với tranh truyền thần của các thế hệ xưa.

Một số tác phẩm của Nguyễn Văn Nhân hiện còn bảo tồn ở Huế và bộ tranh Đại lễ phục triều đình An nam như một chuyên đề nghiên cứu chuyên sâu về nội dung đề tài và kỹ thuật và chất liệu vẽ, có thể Nguyễn Văn Nhân là bậc truyền nhân của dòng nghệ thuật truyền thần đầu tiên ở Huế, cũng là di sản quý, có giá trị về mặt tư liệu, như tái hiện lịch sử Việt Nam cận đại, là dấu ấn khởi đầu trong thời kỳ giao lưu tiếp biến mỹ thuật ở Huế.

 

Tác phẩm: Chân dung cụ ông Nguyễn Khoa Luận; Chất liệu: Màu nước; Kích thước: 60x40cm. Tác giả: Lê Văn Miến. Nguồn: Triển lãm Hồi cố, 2016, Huế. (Ảnh tư liệu của tác giả bài viết)

2.2. Họa sĩ Lê Văn Miến (1874 - 1943)

Theo công bố mới nhất về họa sĩ Lê Văn Miến, trong chuyên khảo “Lê Văn Miến - Antonello da Messina của Việt Nam”[2], Nguyễn Đình Đăng đã khảo sát và công bố kết quả luận cứ bổ sung những tư liệu về thông tin tiểu sử về cuộc đời và tác phẩm của họa sĩ Lê Văn Miến, bài viết và tài liệu nghiên cứu đã chứng minh chi tiết rõ ràng hơn về lai lịch tác giả và những tác phẩm là vật chứng gắn với sự kiện u uẩn của người họa sĩ xứ Nghệ.

Cuộc đời đầy nghĩa khí, cương trực của một con người trải qua nhiều biến cố trong cuộc sống, nghề nghiệp và đọng lại trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam những dấu ấn luôn là kỷ niệm gắn bó thân thiết với nghề nghiệp như: Lê Văn Miến là một trong những người sáng lập Hội những người bạn Cố đô Huế (tổ chức và xuất bản tạp chí BAVH); Lê Văn Miến là họa sĩ và người thầy đầu tiên dạy vẽ và Pháp văn tại trường Quốc Học từ niên khóa 1907 - 1908 cho đến 1913, trong số học trò của thầy Lê Văn Miến giai đoạn này có Nguyễn Tất Thành - Hồ Chí Minh.

Tác phẩm nghệ thuật Lê Văn Miến không nhiều, phần lớn là chân dung sơn dầu, bố cục mang tính hàn lâm, màu sắc bút pháp dứt khoát, hiệu quả tác phẩm trầm lắng, lối vẽ là sự kết hợp sáng tạo nghệ thuật truyền thống với nghệ thuật hiện đại, tiếp thu những kiến thức hội hoạ nghệ thuật vẽ sơn dầu tại châu Âu và có thể trở thành người đầu tiên vẽ tranh sơn dầu tại Việt Nam và Đông-Dương, trong tranh của ông luôn là vẻ đẹp nhẹ nhàng, ẩn sâu giá trị nhân văn. Họa sĩ Lê Văn Miến vẽ tranh thường để đáp nghĩa, cũng là dịp để thể hiện tay nghề và bày tỏ cảm xúc trước cái đẹp của cuộc sống, Nguyễn Khắc Phê có viết: “Chỉ có một vài dòng viết của giáo sư Lê Thước tưởng niệm người thầy cũ: “...cụ Miến đã vẽ nhiều tranh và bản đồ trong nội phủ, trong ấy có cả những mẫu súng mà Thành Thái muốn đúc” [3, tr.31].

Hiện nay, cụ thể về số lượng tác phẩm của Lê Văn Miến vẫn là ẩn số, một số tác phẩm phổ biến như: tác phẩm Bình Văn xuất xứ chưa có minh chứng cụ thể và tạm thời được cho là của Lê Văn Miến. Đây là bức hoạ được vẽ theo phong cách sơn dầu hàn lâm châu Âu tại Việt Nam. Trong số ít tác phẩm của Lê Huy Miến còn lại là: Bức tranh sơn dầu Chân dung cụ Tú Mền, Chân dung cụ Lê Hy, Chân dung cụ tổ phụ Hồ Liệu, Chân dung cụ Đào Tấn có nguồn gốc, nhân chứng lịch sử rất rõ ràng khẳng định đó là các tác phẩm của Lê Văn Miến, Chân dung cụ ông Nguyễn Khoa Luận, hiện lưu giữ ở chùa Bà La Mật, xã Phú Thượng, Phú Vang, Huế.

Những nghiên cứu và tìm hiểu về tác phẩm của Lê Văn Miến, như khai mở Mỹ thuật hiện đại Huế, là hướng tìm hiểu, nghiên cứu về họa sĩ và tác phẩm sâu hơn, để xác định chính xác hơn về vai trò của Lê Văn Miến trong trong Lịch sử Mỹ thuật Huế - Việt Nam.

 

Tác phẩm: Người kéo cày (tranh tem); Chất liệu: Bút sắt; Kích thước: 23x14cm; Tác giả: Tôn Thất Sa. Nguồn: Triển lãm Hồi cố, 2016, Huế (Ảnh tư liệu của tác giả bài viết)

2.3. Họa sĩ Tôn Thất Sa (1882 - 1980)

Họa sĩ Tôn Thất Sa thuộc dòng dõi chúa Nguyễn, từ đời chúa Nguyễn Phúc Chu thường gọi là Minh Vương hay Quốc Chúa (1691 - 1725), tiếp cận với kiến thức về mỹ thuật những bài học cơ bản, hàn lâm từ khi còn nhỏ với người thầy linh mục Renaud, Tôn Thất Sa trở thành người họa sĩ đa tài có duyên với nhiều công việc thuộc về lĩnh vực mỹ thuật: vừa là nhà giáo, họa sĩ thiết kế, minh họa, trang trí… Tôn Thất Sa luôn hướng về tinh thần nghệ thuật chân chính, tham dự nhiều cuộc thi hội họa, triển lãm và đạt  nhiều thành tích, tên  tuổi  họa  sĩ  Tôn  Thất  Sa  thành  danh  chính  là  những  tác  phẩm  tranh  minh  họa  mang đầy sự tâm huyết, kiên trì, tinh chuẩn, làm sống lại nét cách tân trong nghệ thuật tạo hình xứ Huế qua tạp chí BAVH và những công trình thiết kế mỹ thuật trên đất Huế như: Công trình kiến trúc lăng Khải Định; Cung An Định và chỉnh trang lại khuôn viên, xây dựng (1917 - 1918); Đài Chiến sĩ trận vong; Cổng trường Quốc Học; Cổng trường Hai Bà Trưng (1959); Bình phong trong phủ quan, chùa làng, nhà thờ họ, miếu thờ và cả bình phong phương Đông ở nhà thờ Thiên Chúa giáo ở Kim Long…

Với sự cống hiến toàn tâm cho nghệ thuật, được ghi nhận qua khoảng 14 giải thưởng trong nước và quốc tế, thành tích thưởng ngợi như: 1916, huy chương Bạc (hạnh Nhì) và Kim Khánh (hạng Ba) cho công lao bảo tồn nghệ thuật Annam; 1916, giải nhất bức tranh Lũ lụt ở Bắc Kỳ (Les inondations du Tonkin), do Hội đồng Văn hóa và Ban tổ chức xét tặng; 1920, giải nhất cuộc thi vẽ đồ án Đài chiến sĩ trận vong xây dựng ở Huế; 1934, Hiệp sĩ Triều đình và Hồng lô tự Thiếu Khanh, giải thưởng tôn vinh tài năng của họa sĩ Tôn Thất Sa [1].

Tôn Thất Sa người thầy giáo của các thế hệ học trò tiếp nối vững vàng trong nghệ thuật như Lê Văn Tùng và Trần Văn Phềnh, tài khéo của thầy và trò hiện rõ trong mỗi tác phẩm tranh minh họa trên tạp chí BAVH.

Những sáng tạo của họa sĩ Tôn Thất Sa gắn sâu với tâm thức Huế, một nét đẹp thuần Huế với những giá trị thẩm mỹ tạo hình hiện thực chỉ là Huế.

2.4. Họa sĩ Tôn Thất Đào (1910 - 1979)

Họa sĩ Tôn Thất Đào, là con cháu hoàng tộc triều Nguyễn, tốt nghiệp Trường Cao đẳng Mỹ Thuật Đông Dương khóa 8 (1932 - 1937), là nhà giáo, họa sĩ, giáo sư, ông còn tham gia công tác quản lý Quản đốc, Hiệu trưởng, Giám đốc tại nhiều trường ở Huế như: Trung học Khải Định; Nữ Trung học Đồng Khánh; Trường Quốc Học; Trung học Kỹ thuật; Trung học Tín Đức; Trung học Kiều Mẫu Huế; Cao đẳng Mỹ thuật Huế.

Tôn Thất Đào là một họa sĩ theo chủ nghĩa truyền thống, hướng đến cái đẹp chân thực, chứa đựng sự cách tân hiện đại, phần lớn trong số tác phẩm của ông là vẽ về vẻ đẹp của người phụ nữ và đề tài tình mẫu tử… Tranh của Tôn Thất Đào gợi nét sâu lắng trong tâm hồn, với gam màu nhẹ nhàng, hình thức và hiệu quả tạo hình trong tranh có cảm giác bâng khuâng dịu nhẹ, huyền ảo phương Đông, ẩn chứa thấm sâu tình trong văn hóa Huế, một số tác phẩm như: Sen trắng, Chơi đầu hồ, Thiếu nữ với đàn Tỳ bà, Thiếu nữ Huế, Ngự Bình, Tam quan Từ Hiếu… và nhiều bức tranh vẫn còn khuyết tên tác phẩm.

(Khuyết tên tác phẩm); Chất liệu: Lụa Tác giả: Tôn Thất Đào. Nguồn: Tư liệu tại nhà riêng của họa sĩ Tôn Thất Đào (Ảnh tư liệu của tác giả bài viết)


Vẻ đẹp nhẹ nhàng trong các tác phẩm của họa sĩ Tôn Thất Đào, mang cốt cách cá nhân, ẩn chứa bản sắc văn hóa xứ sở, thể hiện rõ trong mảng đề tài vẽ về Huế, một tinh thần gắn kết với đậm tình với quê hương.

Nghệ thuật tạo hình hiện đại Huế bắt đầu hình thành kể từ khi văn minh tân tiến của nước Pháp du nhập, khi đến với Huế, từ trong tâm hồn Việt các họa sĩ sáng tác những tác phẩm, lưu giữ các giá trị nghệ thuật truyền thống và hiện đại tạo ra chân dung một thế hệ họa sĩ đương thời, đây là sự tiếp nối với những tên tuổi và nguồn nhân lực thúc đẩy cho mỹ thuật Huế bước đầu chuyển hướng phát triển mới, góp phần làm sáng tỏ lịch sử nghệ thuật tạo hình hiện đại ở Cố đô Huế.

N.T.H  
(SHSDB32/03-2019)

-----------------------------
Tài liệu tham khảo :


1. Phan Thanh Bình (2015), Xây dựng hệ thống tư liệu về cuộc đời - tác phẩm của họa sĩ Tôn Thất Sa, Báo cáo tổng kết đề tài nghiên cứu khoa học cấp trường, Đại học Huế - Trường Đại học Nghệ thuật, Huế, tr.11.
2. Nguyễn Đình Đăng (2016), Lê Văn Miến - Antonello Da Messina của Việt Nam, Đặc san Nghiên cứu Mỹ thuật, Trường Đại học Mỹ thuật Việt Nam - Viện Mỹ thuật, Hà Nội, số 1.
3. Nguyễn Khắc Phê (1995), Lê Văn Miến người họa sĩ đầu tiên, người thầy đầu tiên, Nxb. Thuận Hóa, tr.31.
4. Trần Đình Sơn (2013), Đại lễ phục Việt Nam thời Nguyễn (1802 - 1945), Hội Luật gia Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Tp. Hồ Chí Minh.  



 

 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng
Vẽ lợn (06/02/2019)