Thế giới sắc màu
Vua Hàm Nghi với nguồn mỹ cảm về hội họa hiện thực
15:27 | 10/09/2021

PHAN THANH BÌNH

Trong lịch sử mỹ thuật thế giới, từ Âu châu đến Á châu đã ghi nhận nhiều hoàng đế từng cầm bút vẽ, nặn tượng và không ít bảo tàng mỹ thuật ở các quốc gia có lưu giữ những tác phẩm mỹ thuật mà tác giả là những vị vua danh tiếng.

Vua Hàm Nghi với nguồn mỹ cảm về hội họa hiện thực
Vua Hàm Nghi bên giá vẽ - Ảnh: tư liệu

Trung Hoa có nhiều vị vua là nhà thư họa, một trong số đó gần đây được nhà nước trưng bày cả một phòng tranh cùng thư pháp là vua Minh Tuyên Tông (1399 - 1435) đời nhà Minh. Thái Lan có bảo tàng riêng về tác phẩm nghệ thu- ật của các hoàng gia với tranh của nhiều nhà vua qua nhiều triều đại. Với vua Hàm Nghi (1871 - 1944) khi phong trào Cần vương thất bại, ông bị pháp bắt và lưu đày ở Algerie, tại đây nhà vua đã học vẽ với ý thức ban đầu là để giải trí nơi đất khách quê người. Nhưng nghệ thuật là điều gì đó luôn đem lại sự kỳ diệu, ở Algerie vua Hàm Nghi đã học vẽ ở xưởng chuyên nghiệp của họa sĩ Maurius Reynaud (1860 - 1935), sau này qua Pháp học điêu khắc với nghệ sĩ danh tiếng Rodin (1840 - 1917) và tự nghiên cứu, tìm tòi và sáng tạo. Với một tâm hồn Việt ở chốn lưu đày (nói theo lời dẫn của nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân), nhà vua rõ ràng đã vẽ tranh, làm tượng không chỉ là giải trí. Trong mỗi tác phẩm của vua Hàm Nghi, chúng ta nhận ra những cái riêng rất đáng ngạc nhiên và những thành công như một họa sĩ đã trải qua khổ luyện chuyên môn cơ bản, tích lũy kinh nghiệm nghệ thuật nhiều năm. Hơn thế, trong mỗi tác phẩm hội họa của nhà vua, ta nhận ra một nguồn mỹ cảm tạo hình lay động và các yếu tố, thuộc tính ngôn ngữ, thủ pháp sáng tạo mang tính hiện thực sâu sắc.

Tác phẩm Không đề (sơn dầu, 1900)


Nhìn tổng quát, bút pháp - phong cách sáng tạo của họa sĩ - nhà vua Hàm Nghi là theo chủ nghĩa hiện thực, trường phái hướng sự chú ý của các họa sĩ tới tầng lớp trung lưu và tầng lớp lao động, với bối cảnh là cuộc sống thường ngày, xuất hiện từ sau cuộc cách mạng tư sản Pháp vào năm 1848 mà họa sĩ G.Courbet (1817 - 1877) là thủ lĩnh của phong trào. Khuynh hướng hiện thực cho đến cuối thế kỷ 19 vẫn chiếm một vị thế đáng kể trong mỹ thuật Pháp nhưng nó mang hơi thở mới của tinh thần của chủ nghĩa Ấn tượng và Hậu Ấn tượng với những tên tuổi mà vị vua An Nam xa xứ rất ngưỡng mộ như Gauguin (1848 - 1903), Cezanne (1839 - 1906), Van Gogh (1853 - 1890). Nhìn những dãy núi, rừng cây, con đường trong tranh Không đề1 (Sơn dầu, 1900) của vua Hàm Nghi, ta nhận rõ sự hướng về hiện thực rất đỗi thân quen, yếu tố thẩm mỹ về thiên nhiên trong tranh của nhà vua có những nét gần gũi với tranh của danh họa Cezanne của mấy chục năm trước, với những dãy núi nhấp nhô và rặng cây khỏa lấp.

Tác phẩm Không đề (sơn dầu, 1900)


Đó là một hiện thực tự tâm, cùng cách lựa chọn để biểu lộ, giải bày hay giấu kín những suy tư kín lặng nào đó trong tâm hồn của vị vua An Nam nơi trời mây xa cách. Đó là một mỹ cảm nghệ thuật được thể hiện qua những tác phẩm đầy tâm trạng, hoài lắng và không sao giấu kín bởi nó hiện ra quá mãnh liệt, xúc cảm. Vua Hàm Nghi chịu ảnh hưởng của chủ nghệ thuật hiện thực Pháp vào cuối thế kỷ 19 trong hội họa và điều đó trong một hoàn cảnh đặc biệt lại tạo nên tính tương đối ổn định, mang mỹ cảm nội tại, phản ánh thời đại, tư tưởng xã hội, thẩm mỹ rất đặc trưng của nghệ sĩ - nhà vua An Nam ở chốn lưu đày. Mỹ cảm ấy mang sắc thái phương Đông đậm nét với những dằn vặt nội tâm bức bách khác đã hiện ra ở mỗi tác phẩm nghệ thuật.

Đời sống xã hội là thực tại trong sắc màu hiện thực được nhận diện trong tranh của vua Hàm Nghi, chúng xuất hiện bởi nguồn mỹ cảm sâu lắng, nén lặng nỗi niềm và tụ hội nên tính thẩm mỹ độc đáo, riêng biệt trong tranh với sự chân thực mà đầy ám ảnh, suy tư. Đó cũng là nét điển hình của mỹ cảm về hiện thực mang dấu ấn tâm lý, cũng là một cách mô tả trực tiếp, hình ảnh thực tế cuộc sống và giải bày thế giới nội tâm của người nghệ sĩ, của vị vua giàu lòng ái quốc một cách đa diện, sinh động. Vua Hàm Nghi mô tả hiện thực quanh ông, từ cận cảnh đến sự vật, cảnh vật xa mờ, hun hút mà xao động. Vua Hàm Nghi học vẽ, làm tượng nhưng rõ ràng ông không sa vào học thuyết nghệ thuật hiện thực một thời là vẽ theo lối thể hiện, phơi bày thực tại, hay sự cảm nhận, đồng cảm trước những nhọc nhằn của những người lao động, nghèo khó, bất hạnh. Vua hàm Nghi chú tâm vào tính hiện thực tâm lý, ông thể hiện khả năng diễn tả chiều sâu tâm trạng con người bằng ngôn ngữ tạo hình đặc trưng của bút pháp tạo hình hiện thực chân thành và đầy lay động. Ngay cả những bức tranh thuần túy phong cảnh, vua hàm Nghi cũng không thoát khỏi sự vương vấn trước hồn khí của cảnh vật, ông tìm cách làm cho chúng rung rinh, lay động và dường như giàu cảm xúc hơn. Nhà vua - họa sĩ Hàm Nghi đã biểu lộ một tâm hồn sâu nặng nỗi niềm không dấu nổi của người vẽ, nó níu chặt bởi sự khảng khái, tự tôn nhưng tranh không vì vậy mà làm mất đi sự lãng mạn. Những phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ của một đất nước xa xôi, của những vùng đất lạ mà vẫn ẩn dấu và chứa đựng tình cảm và nét văn hóa riêng biệt, gợi nhớ quê hương nước Việt ngàn dặm xa cách. Một số tác phẩm vẽ cảnh vật, sinh hoạt có điểm người hiếm hoi của vua Hàm Nghi cho thấy ông khó hòa hợp với góc nhìn mỹ cảm cận cảnh, thậm chí còn tỏ ra có lúng túng đôi chút về hình và bố cục khi góc nhìn quá gần, quá trực diện. Điều này thấy rõ trong tranh vẽ cảnh nhóm người lợp mái, làm việc nhà mang tên Không đề (1930) và đó có lẽ là một trong những tác phẩm hội họa được nhà vua sáng tác khác lạ nhất. Nó gợi lên sự gắn bó và nỗi lòng da diết nhớ nhung khó tả, một bức tranh phong cảnh đầy trữ tình, ẩn dấu trong đó là nỗi niềm với quê hương xa cách của họa sĩ. Bên trong những bức tranh phong cảnh hiện thực đầy tình cảm của họa sĩ là một dấu ấn tâm hồn phương Đông, hồn Việt đậm nét đáng trân trọng.

Hội họa của vua Hàm Nghi hình thành ở phương trời xa, nhưng lối tạo hình dung dị, tả thực, dễ hiểu gần gũi với bản sắc văn hóa truyền thống Việt Nam đương thời. Dù vẽ biển động, sóng lừng hay rừng cây úa vàng, những cây cổ thụ đơn độc nhưng tất cả đều hiện lên ánh sáng trong trẻo của dòng ký ức phương Đông. Vua Hàm Nghi có lẽ không nghĩ từ khi nào đó ông đã là một nghệ sĩ đích thực, nhưng nhà vua biết rõ ông đã phản ánh và thể hiện tình cảm dân tộc một cách chân thành như một sự vốn có tự nhiên và lắng sâu máu thịt trong ông.

Tác phẩm Cây Ô liu cổ (sơn dầu, 1905)


Tranh Cây Ô liu cổ (1905), với bao ẩn dấu kín đáo nỗi buồn xa vắng, u uẩn với vệt nắng vàng xứ người lại vẫn đầy sự liên tưởng về cánh đồng lúa vàng xứ An Nam quê nhà trong lối tạo hình hiện thực. Với một góc nhìn đậm đặc mỹ cảm hiện thực mang sự gợi nhớ phương Đông, vua Hàm Nghi có lẽ là người Việt đầu tiên vẽ tranh theo bút pháp hiện thực liên tưởng này, điều mà 20 năm sau khi Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ra đời vào năm 1925, chúng mới xuất hiện ở nước ta và nhiều năm tiếp theo trở nên quen thuộc trong tranh của các hoạ sĩ Việt Nam đến mức được coi là một “style” của họa sĩ An Nam bấy giờ.

Tác phẩm Không đề (sơn dầu 1889)


Bút pháp và phong cách sáng tác hội họa của vua Hàm Nghi thể hiện ông nắm chắc kỹ thuật biểu đạt để tạo nên tác phẩm theo một cách khác biệt, với cách nhìn không theo lối mòn để tìm kiếm sự toàn vẹn và thống nhất từ tâm tưởng đến nghệ thuật biểu tả. Bức Không đề (Sơn dầu, 1889) là một hình thức bố cục đầy sáng tạo, có những vệt bút dày đặc, nhấn mạnh, tương phản, bao hàm cả quan điểm của họa sĩ về bản chất tả thực của nghệ thuật hiện thực mới. Độc đáo, cá tính và coi trọng tinh thần ẩn kín bên trong mỗi tác phẩm nghệ thuật, vua Hàm Nghi với tư cách là họa sĩ đã tạo ra những yếu tố thẩm mỹ đặc trưng cho hội họa của mình và nhờ vậy chúng đã được nhận diện bởi  đó là những thuộc tính không thể nhầm lẫn  vào những cái khác. Trong nhiều bài viết, các nhà nghiên cứu để ý rất nhiều đến tranh Chiều tà (Sơn dầu, 1915), với sự lay động bởi những màu sẫm níu kéo hàng cây xanh đậm, lặng lẽ trầm mặc và khoảng không gian sáng cam vàng le lói, phớt tím của nắng chiều u hoài, tĩnh lặng. Bức tranh này là một trong những tác phẩm ghi nhận sâu sắc dấu ấn của chủ nghĩa Hậu  Ấn tượng rõ nét, với tính hiện thực chân  phương và không dấu nổi sự lắng đọng, suy tư, buồn vắng, đơn độc của tác giả.

Tác phẩm Chiều tà (sơn dầu, 1915)


Đa số tranh của vua hàm Nghi đều có những điểm nhìn lạ và khác biệt, đôi khi là rất riêng như kiểu nhìn tự tâm ảo ảnh, thực hư đan xen và làm ta dễ liên tưởng đến “Sắc sắc không không” trong triết lý Phật giáo. Trong tranh Vách đá Port-Blanc (St-Lunaire) (Sơn dầu, 61 x 50cm, 1912), vua Hàm Nghi thể hiện vị trí của người vẽ có tầm nhìn rộng để có thể làm chủ cái nhìn, quan sát môt khung cảnh đẹp rộng lớn của một cảng biển ở nước Pháp. Họa sĩ như một kỵ sĩ cưỡi ngựa trên đỉnh non cao nhìn không gian xa rộng trãi dài như vô tận. Tranh Algerie (Sơn dầu, 1900) và Phong cảnh (Sơn dầu, 1903) của vua Hàm Nghi lại cho ta thấy ông đã có góc nhìn chân trời từ nhiều phía và kéo mắt người xem đến mặt phẳng trọng tâm của bức tranh theo luật thấu thị giản đơn nhất. Đó là một đặc trưng, dấu nét không thể thiếu của hội họa hiện thực mà với tâm hồn trĩu nặng nỗi niềm và đa cảm, vua Hàm Nghi trong sự tập trung cao độ tâm trí sáng tạo của người họa sĩ đã chạm vào nghệ thuật hiện thực với tất cả sự say mê và xúc cảm.

Tác phẩm Algerie (sơn dầu, 1900)


Thổi vào tranh nổi buồn cố quốc và những tâm tư trĩu nẵng vấn vương, nhưng vua Hàm Nghi chưa một lần nào vì nặng tình mà tự làm tổn thương tình cảm dân tộc. Là vị vua đã mất ngai vàng, đất nước lầm than, với nhà vua khi ấy hội họa là cứu cánh, là nơi có thể giải tỏa bao bức bối bấy lâu nay nén chặt trong lòng. Đó là một cách hiểu, một nguồn mỹ cảm mà nhờ vậy chúng ta hiểu hơn về vị vua mà người dân Việt luôn yếu mến, tự hào, hiểu về thế giới nội tâm qua những tác phẩm hội họa chứa đầy nỗi niềm của một vị vua yêu nước, một nhân vật lịch sử lớn, một nhân cách văn hóa cao cả, sáng ngời trong buổi thoái trào đầy bi kịch của nhà Nguyễn.

P.T.B  
(TCSH390/08-2021)

------------------------
1. Tranh in trong bài dẫn từ nguồn Internets và nhà nghiên cứu Nguyễn Đắc Xuân cung cấp.

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng
Gặp gỡ (31/12/2019)