Thế giới sắc màu
Tượng, dòng sông và những tấm lòng...
10:39 | 10/08/2009
HẠNH NHITrắng và xanh. Xám và nâu. Xù xì hay trơn nhẵn. Cao lớn hay xinh xắn. Dễ gần và khó hiểu... Ngoại trừ những cảm nhận bề mặt, không phải ai cũng có thể hiểu được sự biểu đạt ngôn từ của đá mà các nhà điêu khắc gửi gắm. Nhưng kể từ khi Huế có sự xuất hiện những ký hiệu và ẩn ngữ của đá, sông Hương cũng thao thiết và dùng dằng hơn cái dùng dằng, thao thiết đã có trước khi xuôi chảy...
Tượng, dòng sông và những tấm lòng...

Thú vị quá, sông Hương. Đó là điều mà hầu như các nhà điêu khắc đã nói khi có mặt tại Huế mùa đông năm 1998. Thoạt tiên đó là sự thân thiết dịu dàng và vẻ lặng lẽ nhu mì cũng như màu nắng diệu vợi giữa những mênh mang xanh. Rồi những cơn mưa bất chợt và rả rích. Rồi sông Hương gồng mình chở lũ. Công việc liên tục bị gián đoạn. Những nhà điêu khắc nói bằng nhiều thứ tiếng khác nhau ngồi trong mái quán cà phê đã bắt đầu trở nên dã chiến trước công viên Trường Quốc Học. Những bộ trang phục xanh công nhân trên người họ liên tục sũng ướt. Nhưng câu chuyện chẳng vì thế mà kém phần rôm rả. Tiếng Anh và tiếng Pháp. Những đôi tay chuyển động khi chuyện trò. Điêu khắc và Huế đã trở thành ngôn ngữ chung nối họ bên nhau.

Đó là lần đầu tiên, 16 nhà điêu khắc đến từ 5 châu lục cùng 13 nhà điêu khắc Việt Nam có mặt tại Huế để tham dự một trại điêu khắc đầu tiên được mở bên bờ sông Hương. Nếu như họ bị thu hút và rất nhiều ý tưởng đã được định hình bởi dòng sông, không gian và con người xứ Huế thì người dân Cố đô lại quan tâm đến công việc của họ với không ít lạ lẫm. Trên đá, trên đồng, nhôm, sắt, và cả tre, vải bạt...những bức tượng dần tượng hình. Không phải ai cũng hiểu được những ẩn ngữ của đá và cách mà các nhà điêu khắc chuyện trò cũng như để lại dấu ấn. Nhưng với những Dòng chảy của trời đất và sinh mệnh (Hori Yashuchi- Nhật Bản), Sự xói mòn (Her Benard - Thụy Sĩ), Bí ẩn và trầm cảm (Glen Clarke - Australia) hay Cuộc sống (Bakos Ildiko), OPUS V - 1998 (Vĩnh Phương - Hà Lan), Vẽ trên đá của Sue Pedley (Australia), Hướng thiện (Phan Đình Tiến) và Tuổi của sông Hương (Trần Luân Tín)... Huế đã có thêm điểm nhấn từ mối giao hoà giữa quá khứ và hiện đại. Giữa thâm trầm cổ kính với những cách nhìn và nhịp điệu cuộc sống trên những gam màu của đá, của đồng...

 Vườn tượng bên bờ sông Hương - Ảnh: Lê Vĩnh Thái

Thật ra, ý tưởng của những người đứng ra tổ chức Trại sáng tác điêu khắc quốc tế tại Huế cũng không có gì khác hơn là bắc một nhịp cầu văn hoá nối Cố đô với thế giới hiện đại rộng lớn bên ngoài. Điều ấy ban đầu cũng được nhìn nhận như một sự mạo hiểm và không kém phần táo bạo. Nhưng với sự mong muốn và quyết tâm để Huế có một vườn tượng cộng với sự hỗ trợ của quỹ Ford Foundation, táo bạo và mạo hiểm đã trở thành hiện thực...

Mùa hè năm 2002. Vẫn là ấn tượng Huế - Việt Nam nhưng Trại sáng tác điêu khắc quốc tế không còn là một hoạt động đơn lẻ nữa mà đã nằm trong chương trình của Festival Huế. 1 tháng trước khi khai mạc Trại, UBND tỉnh đã có quyết định dành 6 ha đất ở Ngự Bình để làm vườn tượng. Sự có mặt của 25 nhà điêu khắc quốc tế và 9 nhà điêu khắc Việt Nam (trong số 222 tác giả đăng ký) đã làm cho ấn tượng Huế - Việt Nam lần thứ hai có quy mô lớn nhất so với khoảng thời gian trước đó. Công viên 3-2. Lại là mái nhà tạm mang tính dã chiến của Ban điều hành. Những ánh mắt cởi mở. Những ánh nhìn thân thiện. Nắng và gió sông Hương hào phóng... Đó cũng là điều đã tạo nên nguồn cảm hứng thật sự cho các nhà điêu khắc sáng tạo. Mimoza, Thời gian và phương hướng, Đá cuội và nhôm, Chờ đợi, Huế thương, Tình yêu và hữu nghị... là sự tri lòng và thể hiện mình với Huế, với Việt Nam của các nhà điêu khắc Phinlippin, Malaixia, Australia, Việt Nam, Lào...

Không duyệt phác thảo. Chấp nhận mọi khuynh hướng sáng tác. Khuyến khích mọi sự tìm tòi sáng tạo trên chất liệu bền vững. Điều ấy được xem như cánh cửa mở để điêu khắc bước vào Huế. Ân tượng Huế - Việt Nam lần thứ 2 và lần thứ 3 này, Quỹ Rokefeller tham gia tài trợ cùng với sự tiếp tục của Quỹ Ford. Nhưng rất nhiều nhà điêu khắc quốc tế đã phải làm việc cật lực và tổ chức các cuộc triển lãm, trưng bày... để có tiền đến Huế. Điều gì đã thu hút họ đến vậy?

"Huế không có xe điện ngầm. Không có cầu vượt. Không có bê tông. Chỉ có dòng sông và tấm lòng..." Đó là điều mà nhà điêu khắc Nguyễn Hiền - Trưởng khoa Điêu khắc Trường đại học Nghệ thuật Huế, Phó ban điều hành và cũng là "mắt xích" nối kết quan trọng nhất ở cả ba trại điêu khắc quốc tế tại Huế - đã nói với đồng nghiệp của mình khi đặt mối liên hệ. Tôi đã nhìn thấy điều ấy trong mắt Gerard Howeler một chiều tháng 5 khi ông ngồi bên sông Hương cùng với chiếc áo màu xanh nhạt lấm bụi, chiếc mũ Tiger bạc phếch mà ông có được từ ấn tượng Huế - Việt Nam lần thứ hai. Đó là lần thứ hai Gerard Howeler trở lại Huế bằng sự tài trợ của chính mình. Tôi cũng nhìn thấy điều ấy trong mắt của Marianne Reim - người phụ nữ Australia nhỏ nhẹ làm tượng và tác phẩm của chị gần như cũng thầm thì "Hearing the song" - lắng nghe những bài hát. Trong cái nhìn điềm đạm của Paiyan Banjongklieng - chàng trai đến từ đất nước Chùa Tháp. Ngay cả Laury Dizengremel - người phụ nữ Pháp nói như không lúc nào ngưng nghỉ cũng có một khoảng lặng khi bảo rằng, chị đã thật không hiểu vì sao một doanh nghiệp người Việt Nam tại Anh đã tài trợ để chị có thể có mặt ở Huế lần thứ hai. Cùng với câu khẳng định "ông ấy là một người tốt", điều mà Laury muốn nói nữa là, tôi sẽ làm việc bằng hai tình yêu. Một của chính tôi và một được gửi gắm.

Da đen xạm. Di chuyển liên tục và có cảm giác người lúc nào cũng sôi sùng sục. Thoạt nhìn, Nguyễn Hiền dễ đem đến cho người đối diện cảm giác về một người đàn ông "ăn sóng nói gió". Nhưng tôi đã chứng kiến những giờ phút lo nghĩ của anh khi cầm một xấp văn bản trên tay trong căn phòng mà Trường đại học Nghệ thuật dành cho Ban điều hành. Lúc ấy, danh sách các nhà điêu khắc vẫn chưa thể chốt lại. Lúc ấy, đá vẫn chưa được tập kết về bởi nhiều quy định ràng buộc. Lúc ấy, ngày khai mạc trại cũng chưa được ấn định. Văn phòng dã chiến chưa có. Dụng cụ và phương tiện chưa được sửa sang... Người đàn ông này thực sự đã bị công việc cuốn đi hay công việc đã được cuốn đi bởi chính anh. Hôm ấy, trong bữa cơm chiều với các nhà điêu khắc và cuộc gặp gỡ vồi vội giữa một núi công việc cần phải điều hành, ông Lê Viết Xê - Giám đốc Festival Huế 2004 đã nhìn Nguyễn Hiền và bảo rằng, trại điêu khắc sẽ khó lòng mà thực hiện được nếu không có những người như anh. Người đàn ông ấy trưa hôm qua đã nói với tôi về ước mơ và nỗi niềm của một thời trai trẻ, về những năm tháng khó khăn nhưng tuyệt vời đã kéo anh đến với đá như cuộc gặp gỡ tình cờ rồi sắp đặt cho số phận. Trên trang giấy trắng rút vội, những ngón tay to và rám nắng của anh kể cho tôi nghe câu chuyện của dòng sông, chiếc nón, con đò và mảnh trăng... Mạnh về đá nhưng lần này, Nguyễn Hiền lại chọn i - nốc để thực hiện tác phẩm của mình. Câu chuyện của anh chưa có tựa đề nhưng tôi cảm nhận một điều gì đó đang dịu lại...

Nắng vàng. Mái bạt xanh. Những mái tóc vàng. Tóc đen. Những mái tóc nâu. Bụi đá. Tiếng đục đá, tiếng cưa...Những âm thanh ấy đã trở nên thân thuộc với người dân Huế. Rồi sẽ có một nơi nghỉ ngơi thư giãn ở chân núi Ngự Bình với tác phẩm của các nhà điêu khắp nơi trao lại cho Huế. Nhưng vườn tượng đẹp nhất vẫn là hai bờ sông Hương. Và nếu như Marianne Reim thì thầm "Lắng nghe những bài hát", sông Hương lại thao thiết khi lắng nghe câu chuyện của những tấm lòng...

H.N
(184/06-04)

 

 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng