Có thể kể ra đây được 2 bức tranh có “bản mệnh” đặc biệt đã đem lại ý nghĩa riêng cho nó. Nếu nói về giá trị của thuộc tính hàng hoá thì một bức là 10.000 USD còn bức kia là vô giá.
Bức tranh vô giá vẽ chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng vật liệu sơn dầu trên mành trúc, Size 100 x 170cm của họa sĩ Nguyễn Thái Vinh, một tác giả trẻ ở thành phố Hồ Chí Minh. Khi được hỏi về nét đặc trưng của loại vật liệu này là gì thì Thái Vinh lý giải: Theo quan niệm của người Á Đông nói chung và người Việt Nam nói riêng thì trúc được đưa vào hàng tứ quý (Trúc - Lan - Mai - Cúc) và được xem là biểu tượng của người quân tử. Vì lẽ đó, ở Việt Nam bao đời nay, các sản phẩm từ tre trúc là những mặt hàng truyền thống mang nặng bản sắc văn hoá đặc thù của người Việt Nam”.
Tranh trên mành trúc khác tranh trên giấy, trên vải hoặc nói chung là trên vật liệu “chết”, vật liệu đã “định vị” là các đường nét của nó luôn luôn dao động ẩn hiện bởi sự đu đưa của các sợi mành. Bởi vậy, bức vẽ chân dung Bác Hồ trông thật sống động, đứng từ xa, cứ tưởng như có hào quang toả ra lấp lánh. Sự hấp dẫn ở bức tranh là hiệu ứng của một vẻ đẹp lạ lùng. Nhiều người hỏi mua nhưng tác giả đã cự tuyệt: “Đây là bức tranh không thể đưa ra giá bán mà có đưa ra giá bán thì cũng không ai mặc cả được. Tôi vẽ Bác với lòng thành kính. Khi mang bức tranh này ra Huế tôi chỉ có một tâm nguyện triển lãm phục vụ Festival xong thì tặng Bảo tàng Hồ Chí Minh”. Và tâm nguyện của anh cũng đã thành. Sáng ngày 16.6.2004, Bảo tàng Hồ Chí Minh Thừa Thiên Huế đã tổ chức lễ tiếp nhận tác phẩm của Nguyễn Thái Vinh một cách nghiêm trang, trọng thể. Vậy là bức mành trúc - chân dung Bác Hồ của “thương hiệu” nghệ thuật Thái Vinh đã đi tới cửa vô giá.
(Bảo tàng Hồ Chí Minh TT. Huế tiếp nhận tác phẩm của Nguyễn Thái Vinh)
Cũng như Nguyễn Thái Vinh, một họa sĩ khác ở cố đô đã đến với Festival Huế 2004 bằng tâm thức hiến dâng, nghĩa là chỉ để trao chứ không phải để nhận, nhưng rốt cùng như một “nghịch lý”, họ lại nhận được nhiều hơn cả sự thường tình. Đó là họa sĩ Phạm Trinh. Sau thành công bất ngờ tại triển lãm “Ba tác giả Bình Định” (cùng với LâmTriết và Đặng Mậu Tựu) ở thành phố Hồ Chí Minh vào đầu năm nay, anh đã nảy ra ý tưởng làm một cái gì đó thật ấn tượng cống hiến cho Festival tới. Mất mấy tháng trời tìm tòi, trăn trở, rồi Trinh vẽ được 2 bức tranh “quá khổ” (size 150 x 1000cm) so với các phòng trưng bày ở Huế. Vì sự “quá khổ” đó, tác phẩm của anh phải đưa ra chỗ không được “đầu đường” nhưng cũng chưa tới “xó chợ” mà ở giữa lưng chừng trong một công viên. Ở đấy, vốn ít người qua lại mà phần lớn những người qua lại ấy cũng chỉ liếc mắt coi bức tranh như một trò quảng cáo gì đó. Ai ngờ, một thương gia Mỹ, ông C.Lawrence Decker, Chủ tịch Công ty Decker Wines đi qua, hiếu kì đứng lại xem, ông nhận ra bức tranh độc đáo về nghệ thuật, sâu sắc về triết lý và ngã giá mua một bức với 10.000 USD. Bức tranh này có tên là Du ca đời người (Human Wandering song). Họa sĩ Phạm Trinh đã “phiên dịch” bức tranh rằng: “Đây là tác phẩm tôi dựa theo những bài ca lời ru của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Sự cảm nhận của tôi về thân phận kiếp người từ quá khứ, hiện tại đến tương lai trên cõi đời này. Ta ở đâu? đi đâu? về đâu? Và hôm qua? Hôm nay? Ngày mai? Tất cả là một cuộc hành trình đầy khát khao vươn tới và tìm kiếm một điều gì đó như thực như hư. Cuộc đời cũng thật dài bởi những nỗi khổ đau và cũng thật ngắn bởi những niềm hạnh phúc. Phải chăng sự có mặt của mỗi người trên cõi đời này là một kiếp du ca?”
Trích đoạn bức tranh "Du ca đời người"
Có lẽ trong nền hội họa đương đại ở Huế, lần đầu tiên có một họa sĩ “đổ điên” vẽ như thế và cũng lần đầu tiên có một thương gia đến Huế “đổ điên” mua tranh với giá kỉ lục như thế!
Tất nhiên, những người sáng tạo nghệ thuật, đôi khi cũng cần đổ điên thật (mà không dễ gì ai cũng đổ điên được), còn những người thưởng thức nghệ thuật, những người yêu tranh, mua tranh thì họ không bao giờ điên đâu, họ luôn luôn tỉnh táo trước sự kì vĩ và kì bí của giá trị tác phẩm.
Vậy là qua gần 40 cuộc triển lãm với hàng trăm hàng ngàn tác phẩm, đã có 2 tác phẩm để lại dấu ấn đậm trong Festival Huế 2004. Dấu ấn đó, với Nguyễn Thái Vinh có thể nói là cao cả, với Phạm Trinh có thể nói là phi thường.
T.T (185/07-04)
|