Thế giới sắc màu
Vẻ đẹp tạo hình một nhu cầu thẩm mỹ từ thời cổ đại
09:43 | 05/06/2008
Trong những năm gần đây cuộc sống của nhân dân ngày càng được cải thiện, nhu cầu văn hóa của xã hội xã hội chủ nghĩa ngày càng cao. Nhu cầu về vẻ đẹp hình thể biểu hiện qua các cuộc thi hoa hậu, người mẫu thời trang.
Vẻ đẹp tạo hình một nhu cầu thẩm mỹ từ thời cổ đại
Bức phù điêu khắc họa một điển tích trong thần thoại Hy Lạp

Thật ra nhu cầu về vẻ đẹp ấy không chỉ dừng lại ở các cô gái mà ở cả các chàng trai. Những đôi nam thanh nữ tú sẽ đem lại một vẻ đẹp hình thể toàn diện tạo ra bởi sự đối tỉ của các tính cách: bên cạnh vẻ đẹp dịu dàng tạo ra bởi những đường cong tuyệt mỹ còn có vẻ đẹp khỏe mạnh tạo ra bởi những đường thẳng cao rộng. Từ những thiên niên kỷ trước, con người – với tư cách một chủ thể sáng tạo – đã nghĩ đến vấn đề này, nền văn minh Hy Lạp cổ đại đã để lại cho nhân loại những giá trị thẩm mỹ tạo hình trong nghệ thuật múa – đặc biệt trong nghệ thuật múa nam. Những hình múa trên đồ gốm của Corinthe, trên một chiếc bình ở Tarente, trên một chiếc cốc có chân... (trong Viện Bảo tàng tại Tarente) và những đoạn văn khảo tả của các nhà thơ, các triết gia như Homère, Platon, Aristote, Plutarque (trong tác phẩm của họ) minh chứng rằng người Hy Lạp từ những thế kỷ trước công nguyên đã có một quan điểm thẩm mỹ tiến bộ về vẻ đẹp tạo hình.
Từ thời của nhà thơ Homère, nghệ thuật múa đã được người Hy Lạp yêu thích. Trong truyện Odyssée, Nausicaa, cùng các bạn đồng diễn một điệu múa mà Alcinous giới thiệu để giải trí. Ulysse Lucien viết: "Trong mỗi thành phố, những người danh giá nhất là vũ sĩ. Họ tự hào về tài nghệ hơn là về dòng dõi quý tộc, địa vị xã hội và chức tước, phẩm hàm của các bậc cha ông (1).
Múa không chỉ phục vụ cho việc cúng thần Apollon, cho lễ tế Tửu thần Dionysos mà còn là phương tiện giáo dục thanh niên, phát huy tinh thần thượng võ của dân tộc và phát triển trí lực cùng thể lực.
Tài nghệ múa là một tiêu chuẩn để kén rể. Sử gia Hy Lạp Hérodote đã viết lại câu chuyện Cléisthène gả con gái của mình cho người đã thắng trong cuộc thi tài giữa Mégaclès và Hippocléide. Mégaclès được vợ vì múa giỏi, múa đẹp còn Hippocléide thua cuộc vì phạm lỗi kỹ thuật khi nhào lộn để trổ tài.
Những điệu múa chiến đấu, một loại múa vũ khí – rèn luyện cho thanh niên tinh thần quả cảm để chuẩn bị cho chiến đấu. Múa Prosodion hoặc Enoplion dường như những cuộc diễu binh theo tiếng sáo và nhạc gõ (2 nhịp ngắn, 1 nhịp dài). Múa thể thao (gymnopédies spartiates) giàu tính chất trữ tình. Những vũ nam, mình trần vạm vỡ, phô diễn  những động tác chiến đấu, khoe vẻ đẹp hình thể của thanh niên cường tráng. Múa Pyrrhique thể hiện một cuộc đấu chiến: Trong trang phục màu đỏ, những vũ công đẹp trai biểu diễn ở lễ hội Dioscure tại Sparte. Điệu này có khi là múa đơn, múa đôi hoặc múa đông người. Động tác múa là sự kết hợp nhuần nhuyễn của các bước chạy, nhảy, quay với những điệu bộ, động tác tay. Géranos là một điệu múa nam mô phỏng động tác sếu bay thành hình tam giác. Tuyến múa và đội hình gợi lên mê cung Cnossos mà Thésée đã lạc vào đó. Điệu múa Tratta gợi lại truyền thuyết Thésée cứu sống một tốp thanh niên thoát khỏi mê cung. Đấy là một hình thức biến hóa của múa vòng tròn cổ xưa trước thời kỳ Hy Lạp cổ điển.
Qua những hình múa Pyrrhique trên một chiếc cốc có chân và hình múa Tratta trên một bức tranh tường tại Crete , ta có thể nói rằng múa Hy Lạp giàu tính tạo hình. Người Hy Lạp sớm tìm ra cái đẹp trong đường nét động tác và sự hoàn chỉnh của các tư thế. Họ đã chú ý đến sự tạo dáng bằng phục trang, đạo cụ. Động tác arabesque của hệ thống múa cổ điển Âu châu được khai thác từ múa Hy Lạp cổ đại. Nhà lý luận múa Anh – Arnold Haskell – đã phát hiện rằng: "Với sự phối hợp các cử động của đầu, cổ, thân trên, bàn tay, cánh tay, bàn chân, cẳng chân... người Hy Lạp có thể tạo ra 95.140 động tác (2). Dù là múa chiến đấu hay là múa trữ tình, tất cả đều nhằm tăng cường sức khoẻ và mở mang trí tuệ con người. Giữ được cân bằng động trong khi múa, cũng như sự hài hòa trong khi phát triển các mặt trí dục, đức dục và mỹ dục, là những phẩm chất mà nghệ thuật múa Hy Lạp cổ đại đã tạo ra được từ xa xưa.
Trong lịch sử nghệ thuật múa thế giới, hàng nghìn năm trước, Hy Lạp đã để lại một di sản nghệ thuật quí báu mà có những điệu múa còn được giữ gìn và phát triển đến nay. Theo Arnold Haskell điệu múa Kolo ở vùng Đông Âu ngày nay là sự phát triển của múa Tratta từ 3000 năm trước.
Sự tìm hiểu nhu cầu của người xưa về cái đẹp khỏe khoắn, thoáng đãng đối với đàn ông, đặc biệt với trang nam tử, sẽ góp phần làm sáng tỏ một vấn đề đang nổi lên trong thanh niên ngày nay. Một khi cuộc sống của nhân dân Việt ngày càng được cải thiện thì nhu cầu thẩm mỹ của con người trong xã hội chủ nghĩa cũng ngày càng nhiều. Chẳng những xã hội cần có những trai tài mà cả những chàng trai cao lớn đẹp đẽ để phát triển nòi giống. Nền văn minh Hy Lạp cổ đại đã cho thấy rằng nghệ thuật múa có thể góp phần hữu hiệu vào việc tạo ra cái đẹp ấy.
Ôn cố như tri tân, câu chuyện nghệ thuật múa của Hy Lạp cổ đại sẽ mách bảo chúng ta, chí ít, một cách tạo ra cái đẹp cho đàn ông ngày nay.

LÂM TÔ LỘC
(nguồn: TCSH số 152 - 10 - 2001)


--------------------------------------
(1) Arnold L.Haskell. La danse art éternel. London Editions R.S.T, 1960 Trang 28.
(2) Arnold L.Haskell. La danse art éternel. London   Editions R.S.T, 1960 Trang 31.

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng