Thế giới sắc màu
Ấn tượng Huế 1998
16:36 | 11/03/2008
Với chủ đề : “Ân tượng Huế - Việt , 1998”, Trại sáng tác Điêu khắc Quốc tế lần thứ II đã được tổ chức tại Huế từ ngày 1.11 đến 15.12.1998. Có thể nói, đối với người dân xứ Huế thì có lẽ đây là lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến một hoạt động nghệ thuật hết sức quy mô và rầm rộ như thế này. Quy mô ở góc độ tổ chức mang tính chất quốc tế và rầm rộ ở tính chất đặc thù của thể loại nghệ thuật là điêu khắc ngoài trời. 
Ấn tượng Huế 1998
Một tác phẩm của trại sáng tác

Với chủ đề : “Ân tượng Huế - Việt , 1998”, Trại sáng tác Điêu khắc Quốc tế lần thứ II đã được tổ chức tại Huế từ ngày 1.11 đến 15.12.1998. Có thể nói, đối với người dân xứ Huế thì có lẽ đây là lần đầu tiên được tận mắt chứng kiến một hoạt động nghệ thuật hết sức quy mô và rầm rộ như thế này. Quy mô ở góc độ tổ chức mang tính chất quốc tế và rầm rộ ở tính chất đặc thù của thể loại nghệ thuật là điêu khắc ngoài trời. 
Trại được tổ chức ngay bên bờ sông Hương thơ mộng, trong công viên trước Trường Quốc Học Huế, với sự tham gia của 30 nghệ sỹ điêu khắc trong nước và quốc tế, bao gồm 14 nhà Điêu khắc trong nước từ Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Quảng Bình, An Giang, Thừa Thiên Huế và 16 nhà Điêu khắc từ các nước Mỹ, Pháp, Hà Lan, Hunggary, Đức, Indonesia, Nhật Bản, Ai Cập, Thụy sỹ...
Bằng những chất liệu bền vững như Đá Granit, Đồng, Nhôm, Thép không rỉ, Composite, và thậm chí cả gạch xây... các nhà điêu khắc đã sáng tạo nên những tác phẩm nghệ thuật hết sức hiện đại mang nhiều phong cách, quan niệm, trường phái khác nhau và cũng đậm nét cá tính của mỗi nghệ sỹ. Có thể gọi đây là Cuộc gặp gỡ của những phong cách điêu khắc hiện đại. mỗi tác phẩm là một tiếng nói riêng, một ngôn ngữ riêng, không ai giống ai. Nếu như nhà điêu khắc Balás Eszter người Hungary khai thác khối tròn, mềm mại tạo cho người xem ấn tượng về một tà áo dài xứ Huế... thì nhà điêu khắc Sue Pedley người Uc lại giữ nguyên vẻ hoang sơ của khối đá và trang trí lên đó những hình hoa văn, họa tiết gợi tưởng một dấu tích cổ đại như từ thuở nghìn xưa nhưng cũng hết sức hiện đại bởi cách sắp đặt các họa tiết một cách tài tình, vừa chau chuốt lại vừa khoáng đạt. Cùng với thủ pháp này các nhà điêu khắc Nguyễn Hiền (Thừa Thiên Huế), Phạm Hồng (Đà Nẵng), Hori Yashushi (nhật Bản), Vĩnh Phương (Hà Lan)  cũng triệt để khai thác sự bất ngờ tự nhiên của khối đá; Ở tác phẩm của Phạm Hồng mà anh đặt tên là “Sự tích trầu cau” cho bức  tượng của mình, anh đã giữ lại một mảng khối đá tuyệt đẹp mà có lẽ theo như anh nói bản thân nó đã mang dáng dấp một hình khối nghệ thuật và anh chỉ gia cố một số chỗ để bóc cái hồn của nó ra mà thôi. Nhà điêu khắc Nguyễn Hiền tạo khối theo phương pháp đối chọi, giữa cái gồ ghề và sù sì của khối đá với những mảng được mài nhẵn uốn chảy quanh khối tượng và thoắt ẩn, thoắt hiện hình khối của những con thuyền được đục âm vào lòng tượng gây cho ta cảm giác như sự hóa thạch của con thuyền sông Hương từ ngàn xưa vừa được người nghệ sĩ khám phá. Đứng trước tác phẩm của Yasushi có lẽ ấn tượng đập mạnh nhất vào cảm xúc người xem là một mảng đục thủng như một đường nứt giữa thân tượng, nó vừa như là một sự chia cắt mong manh giữa khối tượng lại vừa như là một sự níu kéo đến da diết như không muốn chia lìa sự hòa hợp của những khối cong, nhẵn, và cả gồ ghề mà anh đã tạo ra trên toàn bộ khối đá. Riêng nhà điêu khắc Vĩnh Phương là có ý khai thác triệt để nhất sự vẹn toàn nguyên sơ của khối đá, có cảm giác như anh không dám đụng đến nó ngoài một việc duy nhất là làm cho nó nhẵn bóng lên rồi khắc lên đó một vần thơ của Trịnh Công Sơn và đặt bên cạnh một trái tim như đang phập phồng thở, cạnh đó là một lá sen đầy nhựa sống được gắn lên  một khối đá khác cũng được giữ nguyên sự sù sì vốn có của nó; Anh nói tác phẩm của mình là một biểu tượng của tình yêu, tình yêu của người con xa quê hương, tình yêu giữa con người với con người.
Nhà điêu khắc Salah El Din Hamad người Ai Cập bằng những khối phẳng, thẳng cạnh đưa đến cho người xem ấn tượng về những cấu trúc Ai Cập cổ trên các Công trình kiến trúc đền đài của nền Văn hóa Ai Cập, và thật bất ngờ khi anh treo và gắn 2 đầu đạn pháo rỉ nát, nâu xỉn tương phản với màu trắng muốt như ngọc của khối đá. Có cảm giác như anh muốn nói đến sự bất lực của chiến tranh trước sự vững bền của nền văn minh loài người.
Cùng với mạch tư tưởng này còn phải kể đến tác phẩm rất độc đáo và lạ mắt của nhà điêu khắc. Dolorosa Sinaga người Indonesia, bằng chất liệu sắt rằn dùng trong xây dựng, chị đã hàn thành một khối tượng đầy ấn tượng dường như muốn gợi tưởng cho người xem một ý niệm sâu xa hơn và mang đầy tính triết lý : một kẻ phá hoại với khuôn mặt đầy chất hủy diệt dường như bị kẹp giữa hai tháp sắt đang vươn lên hai bên như một biểu tượng của sự phát triển mạnh mẽ, còn kẻ hủy diệt thì bị trói bằng chính những vòng dây thép gai mà chắc hẳn là của hắn với những ý định xấu xa nào đó.
Các nhà điêu khắc Vương Học Báo,Tạ Quang Bạo, Nguyễn Xuân Thành (Hà nội), Trần Luân Tín, Phan Gia Hương (TP.Hồ Chí Minh), Phan Đình Tiến (Quảng Bình), Mô Lô Kai, Trần Anh (Thừa Thiên Huế) tuy mỗi người xây dựng một tác phẩm với một ý tưởng khác nhau nhưng đều có chung một thủ pháp triệt để khai thác cấu trúc khối lồi lõm chặt chẽ và mang nhiều lý trí, cho dù nó có thể nhẹ nhàng như thiếu nữ gội đầu của Vương Học Báo hay đơn giản đến thành biểu tượng như tượng của Trần Luân Tín, MôLôKai hoặc thanh thoát như tượng của Phan Gia Hương, Tạ Quang Bạo...
Trong số những xử lí hiệu quả tương phản về chất thì tác phẩm của nhà điêu khắc Hervé Benard người Thụy sĩ có lẽ gây ấn tượng khá mạnh và thu hút khá nhiều người nhìn ngắm trong suốt quá trình sáng tạo.Đứng trước tượng của anh, người ta như nhận thấy dụng công của tác giả dường như muốn thổi vào khối đá một linh hồn sống động, một tà áo dài bay thướt tha, mềm mại, như vừa đang hiện dần lại vừa như đang ẩn dần vào khối đá sù sì với dáng cong vút đầy gợi cảm bởi sự chau chuốt đến hoàn hảo của kỹ thuật nhưng cũng đầy ngẫu hứng mà như anh nói đấy là ấn tượng Huế của anh...
Còn có thể kể đến nhiều tác phẩm khác cũng rất độc đáo và đầy gợi cảm của các tác giả khác và mỗi tác phẩm đều mang một dấu ấn, một cảm xúc rất mạnh của từng tác giả, không ai giống ai nhưng lại gặp nhau ở một điểm : đó là một sự gặp gỡ của những quan niệm nghệ thuật khác nhau với một ấn tượng về Huế - Huế của nghìn xưa, Huế của hôm nay và Huế của ngày mai. Và hẳn nhiên không phải là không có những tượng hoặc là còn quá khó hiểu, hoặc là còn đôi chỗ chưa thành công, Thôi thì hãy dành cho người xem được tự mình chiêm nghiệm vì như nhà điêu khắc Phan Gia Hương nói điều chính yếu là thông qua trại sáng tác này mà nghệ thuật nói chung và điêu khắc nói riêng thực sự xích gần lại với đời sống hàng ngày của con người.
Giờ đây, người dân xứ Huế đã có niềm sung sướng riêng của mình vì họ sẽ được mãi mãi nhìn ngắm những bức tượng đó ở ngay trên mảnh đất của Cố đô Huế, được sở hữu nó như sự đề tặng của tất cả các tác giả là trao tặng tác phẩm cho nhân dân Thừa Thiên Huế. Để có được kết quả này phải nói tới sự quyết tâm rất cao của trước hết là Lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế và sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp lãnh đạo từ các Bộ, Vụ ở trung ương cho đến sự tài trợ, giúp đỡ nhiều mặt của các tổ chức quốc tế, các đại sứ quán của nhiều nước, các công ty, các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh và hẳn nhiên không thể không nói đến vai trò mang tính chủ đạo về mặt chuyên môn là Trường đại học Nghệ thuật Huế. 
Xin cảm ơn các nghệ sĩ - những tác giả của 30 bức tượng, cảm ơn các nhà tổ chức đã đem lại cho người dân xứ Huế một món qùa vô giá và vĩnh hằng.
TRẦN BÌNH
(nguồn: TCSH, 1.1999)

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)