Cuộc triển lãm này nằm trong khuôn khổ triển lãm mỹ thuật 8 khu vực của cả nước năm 1998, do Hội Mỹ thuật Việt cùng các Sở VHTT và Hội VHNT địa phương phối hợp tổ chức. Với 6 tỉnh khu vực bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế), đây là cuộc triển lãm lần thứ III. Tất cả có 162 tác phẩm của 127 tác giả gửi về Ban tổ chức tham dự, trong đó hội viên Hội Mỹ thuật Trung ương chiếm 43 tác giả với 63 tác phẩm, Hội viên Hội địa phương 53 tác giả với 68 tác phẩm, 31 cộng tác viên gửi dự treo 34 tác phẩm. Phân bố tác giả - tác phẩm không đều: Hà Tĩnh và Quảng Bình vào loại thấp (8 tác giả, từ 10 - 13 tác phẩm), Thừa Thiên - Huế vào loại cao nhất (60 tác giả, 76 tác phẩm). Nghệ An - 30 tác giả trong đó có 10 hội viên Hội Mỹ thuật Việt Nam, tham dự 45 tác phẩm. Tại cuộc họp báo vào chiều ngày 12-11, chuẩn bị cho khai mạc triển lãm vào sáng ngày hôm sau, họa sĩ - nhà giáo ưu tú Trương Bé, ủy viên Ban Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam, cho biết so với triển lam lần II, số tác giả tác phẩm lần này đông vui hơn, kích thước tác phẩm lớn hơn, chất lượng tranh, tượng khá đồng đều, có nhiều tìm tòi về chất liệu, ý tưởng và phong cách thể hiện. Đáng chú ý, có 2 tỉnh Nghệ An và Thừa Thiên Huế, nhưng nhìn chung thì phong trào mỹ thuật các địa phương vào thời điểm này là mạnh mẽ, đáng khích lệ. Cũng tại buổi họp báo, thay mặt Hội đồng Nghệ thuật gồm 7 thành viên, họa sĩ Trương Bé chính thức công bố kết quả giải. Không có giải nhất. Một giải nhì trị giá 6 triệu đồng, dành cho nhà điêu khắc Trần Minh Châu với tác phẩm "Hương đầu" bằng chất liệu đất nung. Hai giải ba, mỗi giải trị giá 4 triệu đồng, dành cho Nguyễn Thiện Đức (Huế) với tác phẩm sơn mài "Khúc đồng dao", và Trịnh Hoàng Tân (Quảng Trị) với tác phẩm sơn mài "Lòng đất sinh tồn". Năm giải tặng thưởng, mỗi giải trị giá 2 triêụ đồng dành cho 5 tác giả : Tiêu Cao Sơn, Hoàng Hải Thọ, Đào Phương (Nghệ An),Duy Linh (Huế) và Đoàn Văn Thịnh (Quảng Bình). Hội đồng còn chọn được 7 tác phẩm gửi dự giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt khu vực 4, năm 1998. Các tác phẩm đoạt giải ở đây sẽ tiếp tục dự vòng chung kết của cả 8 khu vực toàn quốc vào cuối năm 98. Cùng theo họa sĩ Trương Bé, qua các tác phẩm đoạt giải khu vực lần III chứng tỏ các tác giả của 6 tỉnh đã thật sự đam mê nghề nghiệp, chịu khó đi sâu vào cuộc sống sôi động, tìm tòi nhiều chất liệu, nhiều phong cách biểu hiện, vừa mới mẻ vừa gần gũi với truyền thống dân tộc và địa phương. Riêng giới mỹ thuật Nghệ An, là tỉnh đăng cai, có nhiều cố gắng đáng biểu dương, đặc biệt ở mảng điêu khắc. Nhà phê bình mỹ thuật Lê Quốc Bảo thì nhận xét, qua phòng tranh lần này và nhất là các tranh, tượng được giải, ta thấy mặt bằng và xu hướng nghệ thuật của anh chị em Nghệ An nói riêng, cả khu vực nói chung đã có sự gặp gỡ, hội nhập với trình độ chung cả nước. Con số 4 giải thưởng trong đó có giải cao nhất của Nghệ An, một phần chứng minh nhận định vừa nêu. Tỉnh Thừa Thiên Huế có số tác phẩm dự triển lãm cao nhất; tuy số giải không bằng Nghệ An nhưng công sức, tìm tòi của giới mỹ thuật ở đây rất đáng được ghi nhận, đặc biệt là mảng tranh sơn mài và sơn dầu. Sáu tỉnh tham gia triển lãm khu vực thì 4 tỉnh đoạt giải : Nghệ An - Thừa Thiên Huế - Quảng Trị - Quảng Bình. Đó vừa là thành quả, là niềm vui đồng thời cũng là nỗi băn khoăn không của riêng một ai ! Họa sĩ - giáo sư Vũ Giáng Hương, Tổng Thư ký Hội Mỹ thuật Việt Nam cũng vào thành phố Vinh chia sẻ với giới mỹ thuật bắc miền Trung. Bà cho biết, triển lãm mỹ thuật toàn quốc tổ chức vào năm 2000, và những cuộc triển lãm có quy mô "nhỏ" như thế này sẽ giúp Hội Mỹ thuật phát hiện những tác phẩm tốt, nâng cao dần chất lượng đội ngũ sáng tạo mỹ thuật các địa phương, góp phần hình thành những tác giả tầm cỡ của thế kỷ tới. Sáng ngày 13-11-1998, phòng triển lãm mỹ thuật khu vực 4 bắc miền Trung lần thứ III chính thức được cắt băng. Bà Nguyễn Thị Han, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tới dự và đọc lời chào mừng. Một tin vui nữa cũng đến : Nghệ An và Quảng Bình là 2 trong số 22 đơn vị được Hội Mỹ thuật Việt Nam tặng Huy chương vì sự nghiệp mỹ thuật cả nước năm 1998...Tại Trung tâm Thông tin - Triển lãm Nghệ An, nơi diễn ra triển lãm, đông đảo người đến xem với không khí hồ hởi, tin mến và học hỏi. Nhiều tranh, tượng đẹp, kích cỡ khá lớn, xem "đã mắt", gợi nghĩ, gợi cảm. Tuy vậy, cũng có một số tranh, người xem có "chuyên môn" hẳn hoi, cũng không đoán ra nhà nghệ sĩ muốn gửi gắm điều gì ?! Với tượng đất nung "Hương đầu" (Giải nhì) của nhà điêu khắc Trần Minh Châu (Sở VHTT Nghệ An), cảm nhận chưa phải đã đồng nhất, dĩ nhiên nhiều người trong giới vẫn thừa nhận đấy là một tác phẩm đẹp, cảm động cả về đường nét, hình khối, tư tưởng, cảm hứng và chất liệu. Xem "Hương đầu" cùng các tác phẩm được giải lần này, qua cả một số đối thoại với các nhà chuyên môn, chúng ta có thể nắm bắt được quan niệm của mỹ thuật bây giờ về những tác phẩm thành công. Đấy phải là những "thông điệp" chuyển tải được những ý tưởng tốt lành, giàu chất nhân bản của nghệ sĩ đối với con người và cuộc sống; là tác phẩm đạt tới một trình độ nghệ thuật mà ở đó có sự kết hợp hài hòa tinh hoa truyền thống - hiện đại và bản lĩnh sáng tạo già dặn, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của ngày hôm nay. TP Vinh, 11-1998 NGUYỄN VĂN HÙNG (nguồn: TCSH, 1.1999) |