Điều này không phải ngẫu nhiên. Maria Alekxanđrôpna - con gái đầu lòng của Puskin đã được Lep Tônxtôi lấy làm mẫu để miêu tả hình tượng nhân vật Anna Karenina trong tiểu thuyết của mình.
Sự thể đã diễn ra theo lời kể của em vợ nhà văn, bà Tachiana Andrêpna Kuzminxkaya (1846-1925) viết trong cuốn sách "Cuộc sống của tôi ở Iaxnaya Poliana" như sau:
"... Cửa ra vào ở phòng đệm mở ra, một bà khách lạ mặc áo nhung đen có viền đăng ten bước vào. Dáng đi nhẹ nhàng của bà nhẹ nhàng nâng thân hình khá đầy đặn, nhưng thẳng và duyên dáng của bà.
Người ta giới thiệu tôi với bà. Lep Nhikôlaevích còn ngồi bên bàn. Tôi nhận thấy, ông chăm chú nhìn bà khách như thế nào.
Đi đến bên tôi ông hỏi:
- Ai đấy?
- Bà Gartung, con gái nhà thơ Puskin.
- Chà, ra là thế, - ông dài giọng, - bây giờ thì tôi hiểu... cô hãy nhìn xem, bà ấy có những búp tóc Arập sau gáy đó. Những búp tóc thuần chủng lạ lùng.
Sau khi người ta giới thiệu Lep Nhikôlaevich với Maria Alekxanđrôpna, vào bàn trà ông ngồi xuống bên cạnh bà. Hai người trò chuyện những gì tôi không biết, nhưng tôi biết rằng bà đã trở thành người mẫu của Anna Karenina, không phải về tính cách, mà về dáng vẻ bên ngoài. Chính ông cũng từng thú nhận điều này".
Tìm đọc lại "Anna Karenina", đoạn miêu tả vẻ ngoài nữ nhân vật của tác phẩm, có thể thấy rõ trong dáng vẻ của Anna Karenhia có những đường nét bên ngoài của con gái Puskin, được họa sĩ Makarốp ghi lại trên bức chân dung và bà Kizminxkaya T.A.miêu tả trong cuốn sách của mình, đã được Lép Tônxtôi tái hiện một cách chính xác như thế nào:
"Anna không mặc mầu hoa cà như Kity muốn, nàng mặc áo nhung đen cổ hở rất nhiều, để lộ đôi vai, bộ ngực tuyệt đẹp như tạc trên ngà voi, cổ, và đôi cánh tay tròn với cổ tay nhỏ nhắn. Áo nàng đính toàn ren Vơniđơ. Trên mớ tóc đen không chút cầu kỳ, gài dải hoa păngxê nhỏ, cùng một dải hoa như vậy chạy trên nền nhung đen chiếc thắt lưng, giữa hàng đăng ten trắng. Tóc nàng chải rất giản dị, chỉ trang điểm mấy búp nhỏ xõa xuống thái dương và gáy. Chuỗi hạt trai quấn quanh cổ nàng rắn chắc và tuyệt đẹp".
Một năm sau khi cưới nhau vợ chồng Puskin sinh con gái đầu lòng: Maria sinh ngày 19 tháng năm 1832 (theo lịch Nga cũ). Maria được Puskin cưng chiều trìu mến gọi là Masa, "Puskina không có răng", Masa... Khi Masa được rửa tội tại nhà thờ có mặt đủ ông nội - Xergây L' vôđich Puskin (1770 - 1848), bà ngoại - Natalia Ivanôpna Gortsarôva (1785 - 1848), thậm chí cả cụ ngoại - Afanaxi Nikôlaevich Gortsarốp (1760 - 1832), và một bà bác - Ekaterina Ivanôpna (1779 - 1842).
Theo truyền thuyết gia đình, sau khi con gái đầu ra đời ít lâu Puskin đã bảo vợ: "Đây là lời tôi dặn nhé: nếu sau này có lúc nào đó mà Masa của chúng ta bỗng lại nổi hứng viết ra một câu thơ, thì việc đầu tiên là phải quất cho nó đến nơi đến chốn, để không còn một dấu vết gì của cái tật xấu ấy".
Puskin theo dõi từng bước lớn khôn của con gái: "Thế Masa của chúng ta ra sao? Con bị tang lao ư? Ông lo lắng viết thư hỏi vợ (ngày 22 tháng chín 1832). Trong một thư khác ông chia sẻ với người họ hàng (tháng năm 1833): con gái tôi trong vòng năm sáu ngày gần đây làm chúng tôi phải lo lắng. Tôi nghĩ, cháu đang "nứt răng".
Trong thư gửi cho mẹ vợ ngày 14 tháng bẩy năm 1835 Puskin khoe đùa: "Masa đòi đi dự vũ hội và bảo, cháu đã học biết nhẩy múa ở cái con chó con rồi: Mẹ thấy đấy, các cháu của chúng con sắp trưởng thành cả rồi, ngoảnh đi ngoảnh lại chẳng mấy đã là cô dâu". Nhưng nhà thơ không được thấy các con cái mình trưởng thành và con gái đầu lòng mình đi lâý chồng. Ông qua đời khi Masa mới được năm tuổi và ba đứa tiếp theo thì mới trứng gà trứng vịt lít nhít chửa hay biết gì. Maria lớn lên tiếp thu được ở cha nhiều cái. Trước hết là tiếng cười trong trẻo và đầm ấm. "Cô được hưởng nhan sắc của ba mẹ hoa khôi, giống bố ở tiếng cười đầm ấm chân tình" tiếng cười mà người đương thời nhận xét là "cũng hấp dẫn như những câu thơ của ông".
Maria Alekxanđrôpna lớn lên cũng được coi là một hoa khôi như người mẹ - Ở nhan sắc của cô có sự kết hợp giữa sắc đẹp của mẹ với những nét ngoại lai độc đáo của cha. Thậm chí ở tuổi già lão con gái của Puskin vẫn giữ được coi là "một phụ nữ nổi bật, cân đối, rất có ấn tượng, thêm vào đó rất thông minh". Bà rất yêu văn học Nga, có nhiều khả năng, chơi đàn dương cầm rất hay.
Năm 1860, Maria, Alekxanđrôpna lấy L.N.Gartung, sĩ quan trung đoàn kỵ binh cận vệ, sau được thăng lên tới cấp tướng. Nhưng hạnh phúc gia đình không được bao lâu: mười bẩy năm sau, năm 1877 chồng bà bị kẻ xấu vu oan gán cho trọng tội và ra tòa ông đã tự sát, mãi sau này mới được minh oan vô tội. Nhân tiện cần nói thêm, sau này Lép Tônxtôi cũng đưa vào câu chuyện vụ án và cái chết của ông Gartung mà viết ra vở kịch "Cái thây sống" (1900) với nhân vật Fuđor Prataxôp cũng oan ức tự sát ngay ở hành lang tòa án quận, trước khi tuyên án). Ông chết đi không để lại cho bà đứa con nào và Maria Alekxanđrốp pna đã ở vậy, kéo dài cuộc sống sang thế kỷ XX, cho tới năm 1919. Sau cách mạng tháng mười, bà được chính quyền Xô viết trợ cấp hưu trí, nhưng xuất hưu trí Xô viết đầu tiên đến vừa lúc bà qua đời, được dùng trang trải cho việc an táng bà. Bà được yên nghỉ trong nghĩa trang tu viện Đônxki ở Matxcova.
Tuân thủ đúng ý nguyện của cha, con gái của nhà thơ Puskin, đã không đi theo nghiệp cha là làm thơ, nhưng suốt đời bà đã sống trung thực, trân trọng giữ gìn kỷ niệm về cha mình và xứng đáng với tên tuổi của cha mình - đứa con ưu tú của nhân dân Nga, thiên tài - "Mặt trời thi ca Nga".
T.T (124/06-99)
|