Thế giới sắc màu
Lê Bá Đảng - con người của nghệ thuật và của quê hương
11:26 | 19/08/2008
PHẠM THỊ CÚCMột buổi sáng đẹp trời ngày giáp tết Nhâm Ngọ, trong chuyến "du xuân", cùng với ba chúng tôi là một lẵng hoa tươi hồng, lan, cúc... nhắm hướng Quảng Trị - làng Bích La Đông mà "thẳng tiến".
Lê Bá Đảng - con người của nghệ thuật và của quê hương

Chúng tôi đến chúc mừng "Tân gia đại cát" của anh Lê Bá Đảng, tưởng là đông đúc, nhiều người lắm hoá ra chỉ có mấy người. Anh Phiếu, em ruột anh Đảng, lo mọi việc liên quan đến các tác phẩm nghệ thuật của anh ở Việt , khi anh về Pháp. Một chị nữa cũng là em ruột của anh Đảng, thêm hai đứa cháu, và cũng thật tình cờ, một trong hai cháu đó là sinh viên khoa tin học của trường ĐHKH, học sinh của tôi mấy năm về trước.
Một điều tình cờ nữa là làng anh ở cạnh làng của bác Lê Duẩn. Làng đó, có nhà lưu niệm bác Lê Duẩn mới xây mấy năm nay.
Anh Đảng đã ở Pháp hơn năm mươi năm, mà vẫn thấm tình quê hương "việc làng đi trước..."
Cách đây mấy năm, có lần anh về giỗ cho bố mà "Cả làng không đỏ lửa ba ngày". Nghĩa là dân làng ba ngày không phải lo nấu ăn, chỉ có đến bữa là “đi ăn cỗ” ở nhà anh. Rồi anh xây, sửa đình làng, chợ búa, trường học... làm đường. Khi chúng tôi hỏi đường đến nhà anh, họ chỉ "đi theo con đường của bác Đảng..."
Nhà mới anh làm đúng trên nền nhà cũ của ba mẹ hồi xưa. Nhìn phía trước và bên ngoài, tưởng là nhà xây theo kiểu mới, nhưng bên trong, anh làm đúng như các cụ ngày xưa: những cột gỗ gõ, bào nhẵn, với verni láng bóng, thay vào các cột đã cũ... Các nền đá xanh đỡ dưới chân cột cũ, anh cho sắp xếp vào một khoảng đất nhỏ đầu hồi nhà. Sát chân một bức tường nhỏ, thấp (diện tích khoảng 4m2) mọc đầy rêu lấm tấm xanh và một dây trầu bám vào bức tường, có hình dạng rất "nghệ thuật". Anh hỏi: "Cây trầu này trước đây mẹ tôi vẫn thường ăn..." Bên cạnh đó, có mấy cây cau cao, lớn, đã ra quả. Anh chỉ vào một thân cây có nhiều nhánh đã chặt ngắn và nói rằng "đây là con khỉ, của chú em". Tôi nhìn, quả thật rất giống con khỉ đang trèo cây.
Một khuôn viên đất khá rộng, khoảng vài ngàn m2, anh cho xây một bức tường, sơn trắng bao quanh. Ngôi nhà chỉ chiếm một diện tích "khiêm tốn", còn lại phía trước bên phải (nhìn từ trong ra) anh cho xây một bể to thành bể thấp có hình uốn lượn rất đẹp. Anh Phiếu muốn đặt hòn non bộ trong bể, nhưng anh Đảng không thích. Anh nói "tôi sẽ đặt non bộ theo kiểu của tôi". Anh giải thích thêm "dưới đáy bể tôi sẽ vẽ các tác phẩm nghệ thuật". Nước không sâu, (chỉ khoảng 5 - 6 dm nước) hiện tượng khúc xạ và phản xạ ánh sáng sẽ nhìn thấy các tác phẩm dưới đáy bể được nâng lên một đoạn.
Anh sẽ quy hoạch khu đất làm nhà trưng bày, như một "mô hình thí điểm" (chứ ở làng anh, xa xôi hẻo lánh như vậy, du khách sẽ khó lòng đến được để tham quan).
Từ mô hình thí điểm đó, anh sẽ làm quy mô hơn cho dự định của anh ở Huế. Anh đưa ra các mô hình với nhứng "ngôi nhà" là một bức tượng. Mới nhìn tưởng như ông Phật đang ngồi. Nhưng theo anh, đó là "con người" với đầy đủ ý nghĩa "người" của nó. Ngôi "NHÀ - NGƯỜI" đó sẽ ngự trên đồi cao. Những "cánh" cửa với "khung" là những đường cong uốn lượn rất đặc biệt. Trên "tường" của "nhà - người" là những hình tượng, Người - Phật - Phật - Người hoà quyện, đan xen, cùng những sinh hoạt của đời sống...
Nghe anh giải thích ý tưởng lớn lao với ngôi nhà mô hình, chỉ to bằng hai bàn tay, với trí tưởng tượng nghèo nàn và thiển cận của tôi, tôi cũng có thể tưởng tượng là nó sẽ đẹp, sẽ lớn lao, sẽ độc đáo, sẽ đặc trưng Việt Nam... sẽ... sẽ biết chừng nào.
Tôi còn thích thú hơn khi anh cầm mô hình "ngôi nhà - hạt gạo" hình chóp tam giác với những hoa văn, chạm khắc "đặc trưng Lê Bá Đảng". Sở dĩ tôi dùng chữ “đặc trưng LBĐ” là vì, ngoài các bức tranh mèo, chỉ vẽ một nét mà thành một đàn mèo, nối đuôi nhau, mỗi con mỗi kiểu, mỗi dáng, khác nhau, hay những bức tranh ngựa, nổi tiếng của anh. Cách đây hàng chục năm, tôi đã nghe nói một bức tranh "Ngựa Gióng" của anh đã bán mấy chục ngàn đô la ở Mỹ và ở các nước phương Tây.
Còn các tranh khác, đây là lần đầu tiên, tôi được nhìn thấy trong nhà anh, ở làng Bích La Đông.
Anh quá xởi lởi... đến nỗi trái ngược hẳn với sự tưởng tượng của tôi. Khi chưa được gặp anh, tôi cứ nghĩ, một tài năng lớn như vậy, chắc phải là người "khó gần" lắm. Tôi "sợ" anh đến nỗi, khi sang Pháp thực tập, tôi không dám hỏi nhà để đến thăm anh. Khi về lại Việt Nam, đọc cuốn "Espace de LEBADANG" và đọc bài "Không gian Lê Bá Đảng" của anh Hoàng Phủ Ngọc Tường in trong tập "Ngọn núi ảo ảnh", tôi thấy tiếc đứt ruột.
Rất nhiều tác phẩm của anh đã được đưa lên Internet, với nhiều Website khác nhau, để những ai muốn xem tranh của anh thì cứ việc vào mạng.
Tôi mong sao cho chóng đến Festival, ngoài các hoạt động văn hoá, nghệ thuật... của nhiều nước, còn để được xem tranh của anh Lê Bá Đảng.
Huế, ngày 5-4-2002
P.T.C

(nguồn: TCSH số 159 - 05 - 2002)

 

Các bài mới
Gặp gỡ (31/12/2019)
Các bài đã đăng