Mỹ thuật Huế
Huế - Nơi quy tụ các nhà điêu khắc tài hoa của Việt Nam và thế giới
14:55 | 18/11/2008
LÊ VIẾT XÊCó thể nói như vậy bởi sau 3 lần tổ chức trại sáng tác điêu khắc Quốc tế tại Huế đã có 58 nhà điêu khắc của gần 50 quốc gia và 33 nhà điêu khắc nổi tiếng của Việt Nam tham dự trại.

Ý tưởng về tổ chức trại điêu khắc quốc tế bắt đầu từ gợi ý của anh Nguyễn Khoa Điềm lúc bấy giờ là Bộ trưởng Bộ Văn hoá Thông tin về một vườn tượng quốc tế tại Huế. Ý tưởng đó được lãnh đạo tỉnh triển khai và người vào cuộc sớm nhất là anh Trương Bé - Hiệu trưởng trường Đại học Nghệ thuật Huế. Anh Bé là một hoạ sỹ thuộc trường phái trừu tượng, anh Nguyễn Hiền - nhà điêu khắc tài hoa, người của công việc với kinh nghiệm thực tiễn đầy mình và rồi Ban chỉ đạo, Ban điều hành trại sáng tác điêu khắc quốc tế được hình thành.

Song nói thì dễ mà bắt tay vào việc thì đầy khó khăn, vướng mắc. Có 3 vấn đề đặt ra cần giải quyết: thứ nhất là kinh phí, mỗi lần tổ chức trại phải chi hàng tỷ đồng nhưng ngân sách địa phương không có và nếu có thì chỉ là sự hỗ trợ tượng trưng; thứ hai là tìm tác giả điêu khắc trong nước và trên thế giới có đủ tài năng và tâm huyết tham gia trại; thứ ba là địa điểm đặt trại để tạo nên sự hấp dẫn đối với đội ngũ tác giả và thu hút sự quan tâm, chú ý của công chúng. Nguyên tắc định ra của trại là tự vận động kinh phí từ các tổ chức trong nước và nước ngoài cùng với sự vận động các tác giả đến tham dự trại tự lo mọi kinh phí. Đây là một cơ chế đặc thù “khó tin” đặt ra cho một trại điêu khắc quốc tế. Như có người nói đùa rằng: “tay không bắt tượng”.

Thế rồi mọi chuyện được Ban tổ chức, Ban điều hành dưới sự lãnh đạo và chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, của Bộ Văn hoá Thông tin, sự phối hợp của các sở Ban ngành của UBND thành phố Huế, tất cả các công việc đều được giải quyết ổn thoả.
Vật liệu làm tượng rất đa dạng nhưng đa số tác giả chọn chất liệu đá. Những tảng đá xanh từ núi Nhồi Thanh Hoá, đá trắng từ Ninh Bình, mỗi tảng nặng từ 7 đến 8 tấn vượt hàng trăm cây số vận chuyển về Huế. Địa điểm đặt trại sáng tác điêu khắc quốc tế là công viên hai bờ sông Hương thơ mộng. Để tạo nên sự cảm hứng sáng tạo, Ban tổ chức trại đã mời các tác giả đi tham quan các di tích văn hoá, lịch sử, cảnh quan Huế; xem các chương trình nghệ thuật đặc sắc của cung
đình Huế và xem chương trình văn hoá dân gian. Đặc biệt là tổ chức các buổi giao lưu, gặp gỡ với nhân dân, học sinh, sinh viên và với văn nghệ sĩ Huế. Một vấn đề rất thực tế nữa là bố trí nơi ăn, chỗ ở sao cho đàng hoàng, chu đáo và thuận tiện cho tác giả, bởi có người ăn chay, có người theo đạo Hồi không ăn thịt heo, người thích ăn cơm, người thích ăn mì... Khách sạn Quân đội 12 Hùng Vương do anh Hồ làm giám đốc đã tận tình, chu đáo và đã làm thoả lòng các văn nghệ sĩ vốn khó tính.

Nguồn kinh phí tổ chức trại thật đa dạng ngoài sự hỗ trợ của tỉnh, còn nguồn từ các nhà tài trợ Huda bia, nước khoáng Thanh Tân, đặc biệt là quỹ Ford Việt Nam, quỹ Rockefller và các nhà hảo tâm khác.
Còn nhớ trại điêu khắc quốc tế lần thứ nhất với chủ đề “Ấn tượng Huế Việt Nam” diễn ra tháng 12 năm 1998, suốt 45 ngày diễn ra trại thì đã có 40 ngày mưa. Đó là thách thức đầu tiên và lớn nhất. Vậy mà vẫn có 16 tác giả nước ngoài, 13 tác giả Việt Nam đội mưa quyết tâm hoàn thành 29 tác phẩm. Hình ảnh của các nhà điêu khắc Ai Cập, Thuỵ Sỹ, chị Bônita Eli - nhà điêu khắc Uác làm việc hết sức mình cùng các nhà điêu khắc nổi tiếng Việt Nam như Phó Giáo sư Vương Ngọc Báo, Phó Giáo sư Nguyễn Xuân Thành Đại học Mỹ thuật Hà Nội, nhà điêu khắc tài năng Nguyễn Hải ở thành phố Hồ Chí Minh...

Trại điêu khắc lần thứ hai có kinh nghiệm hơn, điều đặc biệt Trai Điêu khắc Quốc tế lần này đã trở thành một nội dung hoạt động khởi đầu cho Festival Huế 2002. Trại được tổ chức trước Festival Huế khai mạc một tháng. Công viên 3-2 tại bờ nam sông Hương nhộn nhịp lạ thường; có tới 25 nhà điêu khắc quốc tế và 9 nhà điêu khắc Việt Nam cùng lao động sáng tạo. Khách du lịch, nhân dân Thừa Thiên Huế đã đến xem, khích lệ, động viên các nghệ sỹ. Ấn tượng về các nhà điêu khắc Nhật Bản, Hà Lan, Cam-pu-chia và Mê-hi-cô xa xôi thật khó quên. Điều thú vị của trại lần này là có nhiều nữ tác giả; chị Lê Thị Hiền thạc sỹ điêu khắc, chị Mai Thị Vân và Chị Bônita Eli trở lại Huế tham gia trại. Sau 45 ngày lao động miệt mài dưới nắng đổ lửa, 34 tác phẩm đã được hoàn thành với chất lượng cao. Công vien 3-2 trở nên đẹp và hoành tráng hơn.

Trại điêu khắc quốc tế 2004 được tổ chức tại công viên Phú Xuân bắc sông Hương, đây là một địa điểm đẹp, ấn tượng và thuận lợi cho công tác tổ chức trại. Trại điêu khắc quốc tế lần thứ 3 với sự tham gia của 17 nhà điêu khắc quốc tế và 11 nhà điêu khắc Việt Nam; sự có mặt của các tác giả đến từ Thái Lan, Mỹ, Hà Lan, nữ điêu khắc Đôlôrôsa Sinnaga – nguyên hiệu trưởng trường Đại học Gia-cát-ta In-đô-nê-xi-a một lần nữa lại đến với Huế, tác phẩm của chị được nhân dân Huế yêu mến. Có lẽ người để lại ấn tượng nhất là ông GERA HAWS người Hà Lan chân thực và dung dị đã có mặt 3 lần tại trại điêu khắc quốc tế Huế. Tôi hỏi ông vì sao? Ông chỉ cười nhỏ nhẹ: “Vì tôi yêu Huế”. Đúng như vậy! Chính các nghệ sỹ đến Huế không phải vì tiền, vì danh tiếng mà vì yêu mến mảnh đất và con người xứ Huế. Họ đã hiến tặng cho Huế những tác phẩm - những đứa con tinh thần tiêu biểu nhất cho Huế. Với mong muốn bên cạnh những di sản văn hoá cổ kính của Huế còn có sự góp mặt của văn hoá đương đại của việt và thế giới.

Vậy là Huế đang sở hữu gần 100 tác phẩm nghệ thuật điêu khắc của bạn bè trong nước và của năm châu, đây là một tài sản vô giá. Bài học lớn nhất được rút ra từ ba lần tổ chức Trại điêu khắc quốc tế tại Huế là: hãy mạnh dạn làm, hãy chấp nhận và dám đương đầu với khó khăn thách thức, hãy tin tưởng vào mọi người thì sẽ có tất cả: anh em, bạn bè, nguồn tài chính và cả những kinh nghiệm quý báu.
Trại điêu khắc quốc tế lần thứ tư sẽ được tổ chức tại Huế vào dịp Festival Huế 2006. Song điều quan trọng nhất là hãy ứng xử, hãy quý trọng, hãy nâng niu và phát huy giá trị của những tác phẩm điêu khắc đang trường tồn với thời gian; và đã đến lúc cần tổ chức một vườn tượng quốc tế tại Huế – một trung tâm văn hoá du lịch lớn của Việt Nam và điểm đến hấp dẫn của du khách trên thế giới.
 L.V.X

(nguồn: TCSH số 203-204 – 01&02 - 2006)

 

Các bài mới
Các bài đã đăng