Mỹ thuật Huế
Tưởng niệm một hoạ sĩ tài hoa xứ Huế: Tôn Thất Văn
14:56 | 05/01/2009
BỬU NAMThế là Huế vĩnh biệt thêm một hoạ sĩ tài hoa: Tôn Thất Văn.Nói là thêm, bởi Huế và giới nghệ thuật cố đô đã lần lượt giã biệt liên tiếp trong mấy năm vừa qua, nhiều người con ưu tú trong giới hội hoạ - mỹ thuật: Bửu Chỉ, Dương Đình Sang, bây giờ lại đến Tôn Thất Văn. Không kể trước đó nữa là hoạ sĩ Phạm Đăng Trí, nữ điêu khắc gia Điềm Phùng Thị...
Tưởng niệm một hoạ sĩ tài hoa xứ Huế: Tôn Thất Văn

Đôi lời góp nhặt cát đá dưới đây gọi là chút tình tri ngộ tưởng niệm người tài hoa.
Chiều thứ bảy 16.09.2006:
Tình cờ tôi ghé thăm vợ chồng bác sĩ Hồ Viết Hiếu - Lý Thị Hồng. Hiếu Hồng cho biết tin anh Tôn Thất Văn mất vào 5 giờ sáng ngày hôm đó, ở Sài Gòn, không một lời giã biệt, trong một cơn đột quỵ. Có lẽ, Lý Văn Nghiên, anh chàng có tâm hồn nghệ sĩ lãng tử, hát hay, anh của Hồng, sau này chơi rất thân với Tôn Thất Văn, báo tin.
Tôi còn nhớ năm ngoái, hoạ sĩ Dương Đình Sang cũng đột ngột ra đi như thế trong đêm (theo lời chị Quyên, vợ anh Sang, kể lại trong những giòng nước mắt). Và hai năm trước đó hoạ sĩ Bửu Chỉ cũng vội vã vĩnh biệt cõi đời, để lại chị Vy (vợ Bửu Chỉ) như người mất hồn, và bạn bè sửng sốt. Cũng một năm trước khi Bửu Chỉ ra đi, anh Trịnh Công Sơn (anh còn là một hoạ sĩ nghiệp dư cuối đời và tranh rất đẹp), cũng về với cõi rong chơi vĩnh hằng của âm nhạc và cái đẹp. Các anh Sơn, Chỉ, Sang, Văn, tuổi tác lớn nhỏ khác nhau nhưng họ đều rất thân, quý và thương nhau, trọng tài năng của nhau và đều làm rạng danh xứ Huế trong lĩnh vực nghệ thuật. Những người nghệ sĩ tài hoa, những đứa con ưu tú của Huế này đã lần lượt rủ nhau ra đi. Hình như dưới cõi âm, họ cô đơn, cần tình bạn và nghệ thuật.

Chiều chủ nhật 17.09.2006:
Hoạ sĩ Hoàng Đăng Nhuận đưa thiệp báo tin cô con gái anh, Kim Trinh, sẽ thành hôn cùng chàng Xuân Phương, con trai Bửu Chỉ vào sáng chủ nhật tới (24.09.2006). Và anh cũng báo tin anh Tôn Thất Văn mất. Anh nói: “Tụi hắn rủ nhau ra đi cho có bạn sao đó”. Tôi có cảm giác anh cũng đang bơ vơ thế nào đó vì thấy bạn bè cùng giới rủ nhau sang một cuộc chơi khác - cuộc chơi vĩnh hằng. Anh kể: “Thình lình mình nhận được một tin nhắn trong điện thoại di động: “Bửu Chỉ, Dương Đình Sang dưới đó vừa vẽ được 100 bức tranh. Đã mời Tôn Thất Văn xuống khai mạc. Thắp một nén nhang.” Mình ngớ ra một lúc, chạy đôn chạy đáo, mới biết là Văn đã mất.”
Cũng hôm nay, tôi đọc dòng tin ngắn của Giao Thuỷ trên trang 2 số Thanh Niên, Vĩnh biệt hoạ sĩ Tôn Thất Văn.

Tối chủ nhật:
Tôi cùng Anh Nga email cho hoạ sĩ Đinh Cường báo cả tin vui, lẫn tin buồn. Anh Đinh Cường ở phương xa đã biết cả hai tin, anh vừa vui vì hai cháu con của hai anh bạn hoạ sĩ anh đã thương và quý đã chờ đợi bấy lâu, mong cho chúng nên mối thiên duyên. Và anh cũng u sầu đến bàng hoàng. Có lẽ vì Tôn Thất Văn và Đinh Cường cùng tuổi (sinh 1939), cùng dạy trường Mỹ Thuật Huế, đã thành danh trong những năm cuối 60 và những năm đầu 70. Họ đã cùng nhau, bên nhau rong chơi trong các cuộc triển lãm ở Huế, Đà Nẵng, Đà Lạt, Sài Gòn... Những năm khó khăn 80, họ từ giã Huế, người trước, kẻ sau vào Sài Gòn tìm đất mưu sinh và cùng hợp sức với Trịnh Công Sơn tìm một không khí mới cho sáng tạo nghệ thuật.
Đinh Cường viết: “Mình đang bần thần giở lại những ảnh chụp mình, Trịnh Công Sơn, Tôn Thất Văn và các cuộc triển lãm. Chiều nay, mình sẽ điện thoại lại cho các con Văn. Sắp an táng rồi.”
Anh Văn mất cũng là một cú sốc lớn cho anh Đinh Cường. Sau những cú sốc trước đó của những anh Sơn, Chỉ, Sang. Không có ai sống chân tình với các bạn bè trong giới như Đinh Cường. Anh sống bằng cả trái tim và tình cảm sâu xa.

Sáng thứ ba 19.09.2006:
Tôi gọi điện cho anh Vĩnh Phối. “Ừ, mình đã biết tin mấy hôm nay rồi. Văn và Cường thua mình hai tuổi. Mình đã gởi điện hoa và cả điện thoại cho gia đình. Tuổi tác, cái chết đến là lẽ tự nhiên, nhưng không hiểu sao mình vẫn thấy đột ngột và bùi ngùi.” Anh Phối cho tôi biết thêm vài nét về cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của anh Văn. Anh Phối kể với giọng đều đều: “Tôn Thất Văn tốt nghiệp Mỹ Thuật Huế khoá đầu và ở lại dạy ở trường Mỹ Thuật Huế. Sau đó, Đinh Cường ở Sài Gòn ra cùng dạy với Văn và mình. Văn có tài. Vẽ khéo, hình thể chuẩn, phối màu giỏi, bố cục hay. Vẫn thường vẽ thiên về đề tài phụ nữ, hoa, phong cảnh Huế. Nhiều chất lãng mạn trong tranh. Đặc biệt mình thích bức vẽ Thuỷ tạ ở lăng Tự Đức với dáng cô gái rất hay và nên thơ. Văn vẽ cả sơn dầu lẫn lụa. Hắn đã để lại cả vài trăm bức tranh, và vẽ rất sung sức (theo mình ước lượng, có thể Văn có cả ngàn bức vẽ biến tấu để mưu sinh). Văn sống chân tình, hào hoa, lại đa tình với phái đẹp, và say mê sáng tạo như hầu hết bọn hoạ sĩ. Những năm đầu 70, hắn vừa dạy học vừa đi triển lãm khắp nơi. Văn nổi danh cùng với các hoạ sĩ Huế như Đinh Cường, mình, Hoàng Đăng Nhuận, Rừng (Kinh Dương Vương). Bửu Chỉ lúc đó nổi tiếng khắp miền bởi tranh khắc tranh đấu chống Mỹ, rồi bị tù đến 30/4/1975 mới tự do.

Năm 1980, Văn rời Huế vào Sài Gòn. Lúc dầu Văn sống rất khó khăn, đi dạy vẽ tranh lụa, mở quán cơm. Sau dần dần cuộc sống Văn khá lên, nhờ tài vợ mở quán Ngự Viên nổi tiếng ở đường Kỳ Đồng. Văn cùng Sơn, Cường mở nhiều triển lãm. Và gần đây Văn sống khá phong lưu.
Ừ, theo mình biết di thể Văn sẽ hoả táng tại Gò Dừa, Bình Hưng Hoà. Nhưng chắc sẽ đưa di hài về Huế năm sau. Mộ của vợ Văn chôn ở Huế mà.”
Rồi anh Vĩnh Phối đọc mấy câu thơ vĩnh biệt anh đã gởi cho gia đình, những câu gợi nhớ những kỷ niệm rong chơi trên những ngả đường của Huế và cũng những cuộc rong chơi sáng tạo với các bạn bè hoạ sĩ.

Trong ký ức tôi, những cuộc triển lãm tranh của Tôn Thất Văn, Đinh Cường, Vĩnh Phối ở cái thuở xa xôi đó của những năm đầu 70 như là một nốt nhạc nhấn trong đời sống nghệ thuật của Huế vốn bình lặng. Tâm trí tôi còn lưu giữ mãi hình ảnh của những catalogue in đẹp với lời giới thiệu hay đầy chất thơ có lẽ của một Bửu Ý, hay một Lê Khắc Cầm, một Trịnh Công Sơn... và cũng in khắc mãi trong tâm trí cái dáng vẻ sang trọng của phòng tranh với cách bài trí và trưng bày rất có “gu”, tao nhã, trong không khí vang nhẹ những nốt nhạc du dương của các tấu khúc dịu dàng của Chopin hay Mozart.
Ấn tượng lúc đó của tôi về tranh của Tôn Thất Văn là tranh anh có cái chất thơ, chất Huế lãng mạn được được ẩn lồng kín đáo dưới những nét vẽ rất khéo, với bố cục tài tình. Đối với tôi, tranh anh có vẻ đẹp của sự duyên dáng và vẻ quyến rũ đầy mơ mộng.
Hình như ở tranh anh còn bàng bạc vẻ đẹp nữ tính đằm thắm và sâu lắng nhưng không lung linh, phóng túng, lãng đãng mơ màng trong hình thể và màu như tranh Đinh Cường.

Gần trưa thứ ba ngày 19.09 vừa rồi, tình cờ tôi gặp Nguyễn Hữu Châu Phan ở toà soạn tạp chí Sông Hương, tôi hỏi anh có còn giữ được bức tranh nào của anh Tôn Thất Văn không. Anh Châu Phan đáp: “Xưa mình có mua một bức tranh vẽ ngựa rất đẹp, lãng mạn, màu, nét rất hay, nhưng mình đã tặng cho người bạn ở Sài Gòn.”
Tôi còn nhớ cái ngày sau Hiệp định Paris tháng giêng 1973, anh em trí thức và sinh viên Huế định ra tờ báo “Thái Hoà”, một dấn thân thể hiện khát vọng và mơ ước Hoà bình. Tôi được anh em giao đến nhà Tôn Thất Văn, một ngôi nhà xinh xắn ở Thành Nội, nhờ vẽ bìa cho báo bằng bút khắc trên giấy stencil. Anh, cái con người nghệ sĩ nhạy cảm và mơ mộng như thế, vậy mà anh cũng rất nhiệt tình niềm nở nhận lời. Sau đó tờ “Thái Hoà” số 1 ra đời, tranh bìa do Tôn Thất Văn vẽ, với những khuôn mặt thiếu nữ ngây thơ, hồn nhiên, mắt đầy khát vọng ngước nhìn bầu trời đầy những cánh chim bồ câu lượn bay. Tờ báo Thái Hoà này có bài của Vĩnh Phối về mỹ thuật trống đồng, bài thơ cuối cùng của Ngô Kha “Mai có hoà bình” kèm theo bản nhạc phổ thơ Ngô Kha của anh Trương Thìn. Tôi nhớ lại buổi ra mắt tờ báo ở một xưởng vẽ của trường Mỹ Thuật Huế. Anh em hát vang bài “Mai có hoà bình” do anh Trương Thìn tập một cách hào sảng và gần như hát sùng kính một thứ kinh cầu cho Hoà Bình. Mọi người khen bìa tranh Tôn Thất Văn vẽ rất hay và có ý nghĩa, xinh xắn. Khuôn mặt Tôn Thất Văn bừng sáng.

Thời gian mới đó mà đã trở thành hoài niệm dĩ vãng. Bây giờ, có lẽ linh hồn anh cùng với linh hồn các anh Bửu Chỉ, Dương Đình Sang, đã bay lượn trong cõi xa xăm bất tử lạ lùng nào đó của nghệ thuật và cái đẹp. Tôi hằng nghĩ và chiêm nghiệm rằng cuộc đời trần thế này vốn hư ảo biết bao, nhưng tôi cũng hằng tin rằng cái đẹp cùng với tên tuổi những ai sáng tạo ra nó sẽ mãi mãi tồn tại.
Tôi ao ước làm sao thành phố Huế của tôi có được một viện bảo tàng hội hoạ hiện đại lưu giữ tranh của các hoạ sĩ tài danh xứ Huế. Như thêm vào một địa chỉ nghệ thuật và văn hoá cho du khách đến Huế và cũng như là một cách Huế trân trọng các tài năng nghệ thuật của những đứa con ưu tú.
B.N

(nguồn: TCSH số 212 - 10 - 2006)

 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng