Quách Thoại, một thi sĩ thâm trầm của Huế đã một lần tiên tri cho kiếp nghệ sĩ của mình: Mặt trời mọc! Rưng rưng mùa hoa gạo Lỡ một mai tôi chết trần truồng không cơm áo Thì hồn tôi xin phảng phất chốn trăng sao Để nhìn các anh như vừa gặp buổi hôm nào Và trong câu chuyện tôi sẽ cười nhắc bảo: Còn sáng tạo ta hãy còn sáng tạo. Những nghệ sĩ xứ Huế như Kiêm Minh, Quách Thoại, Phùng Quán... gian nan trên quê mẹ đã đành; nhưng những Thái Bá, Trần Đình Quân nơi xứ người, dẫu là xứ phồn hoa như Mỹ, thì đời nghệ sĩ vẫn chung thủy với con đường sáng tạo mà chẳng màng chi bon chen chuyện sướng khổ áo cơm. Thế nhưng cái “thiện nghiệp gian nan” đó đã vực tâm hồn người nghệ sĩ vươn lên trên những lằn ranh sướng khổ đời thường. Như những lần gục ngã giữa đời, Phùng Quán đã vịn thơ mà đứng dậy!
Một buổi sáng mùa Thu Cali lành lạnh, anh Võ Văn Tùng, người thầy thuốc bao nhiêu năm chủ biên giai phẩm Nhớ Huế Nam Cali, đã thông báo tin họa sĩ Thái Bá vừa qua đời trên tay của người em gái trong nhà thương dưỡng lão. Lời thông tri chân thành nghe xa vắng như một câu hát “Ánh Đèn Màu” của Charlie Chaplin hơn là một nỗi xót xa về sự long đong của người nghệ sĩ: “Anh Thái Bá đã qua đời khuya nay ở bệnh viện trên tay của người em gái ở Đức sang thăm. Anh ra đi với hai bàn tay không, chẳng có một đồng xu dính túi...”. Anh Hoàng Thi Thao liền nhiệt tình chuyển lời nhắn tin có tính cách nội bộ ấy cho anh em bạn bè rộng rãi. Nhưng sau đó, anh đã vội vàng xin lỗi vì sợ làm buồn lòng tang quyến vốn là những người có đời sống sung túc và được kính nể trong xã hội cả trong và ngoài nước. Gặp Hoàng Thi Thao ở
Santa Ana
sau đó, tôi đã “khuyên đùa” rằng: “Nì, chàng nhạc sĩ tài hoa, từng nổi danh là thần đồng Violon một thuở của ta ơi! Phải cố tập lại mà kéo đàn cho nhuyễn bài Lime Light để vinh danh đời nghệ sĩ... khó nghèo phiêu lãng cho đời mua vui đi bạn nghe!”
Thái Bá sinh ra và lớn lên ở Huế. Anh thuộc loại con trai Huế “con nhà”, nghĩa là được may mắn sinh ra trong một gia đình cao hơn “thường thường bậc trung” nhưng có nề nếp quý phái và đượm nét tài hoa trong văn chương nghệ thuật. Con trai Huế... con nhà, thường rất Huế, vì đó là “con trai của mạ” (Thái Kim Lan)! Con trai của mạ hầu hết đều có một chút tài hoa văn nghệ tự nhiên như cái “gen” của sông nước và huyền thoại phảng phất chút Huyền Trân. Nhưng phải vất vả lắm và có khi đầy can đảm nữa, cậu con trai Huế mới dám thoát ly nếp cũ cố học ra làm quan (vẻ vang dòng họ) để bay theo (ít ra là tự trong tâm hồn) đường bay nghệ thuật.
Thái Bá theo đường bay hội họa. “Từ khi biết cầm bút, Thái Bá đã làm ngạc nhiên bạn bè và anh em trong gia đình về năng khiếu hội hoạ của anh. Anh có thể hí hoáy tài tình vài nét tiêu biểu (caricature) về vẻ mặt hay thói quen đi đứng các nhân vật trong gia đình làm cho anh em xấp xỉ tuổi thích thú bất ngờ nhận ra cá tính của mỗi người.” Một người biết Thái Bá từ thuở hoa niên – Thái Kim Lan, bào muội của anh – đã nhận xét như thế.
(Đò Sông qua nét vẽ của Thái Bá) Tôi biết Thái Bá khi anh đã thành danh. Thời Thái Bá còn đi học ở trường Quốc gia Cao đẳng Mỹ Thuật Gia Định – Sài Gòn (1955-1959) và du học tại trường Mỹ Thuật Paris (1960-1966) học trò và sinh viên Huế "trường làng" như tôi, họa hoằn lắm mới được bạn bè hay thầy cô giáo nhắc đến họa sĩ Thái Bá ở "bên Tây" với một vài bức vẽ về Huế theo thể loại "nét họa tượng trưng" (symbolic line paintings) của anh. Thế nhưng, chỉ cần xem được nét vẽ của Thái Bá một vài lần thôi, người xem cũng đủ khắc họa trong cảm nhận và trí nhớ dáng vẻ độc đáo riêng về nét vẽ riêng biệt, tài hoa, nhưng cũng đầy cá tính khó trộn lẫn với người khác, của anh.
Mãi cho đến khi qua Mỹ, theo dõi phần minh họa trong báo chí, đặc biệt là trong những đặc san, giai phẩm về Huế như Nhớ Huế, Phượng Vỹ, Cố Đô, Thừa Thiên Huế... tôi mới có cơ hội theo dõi những tác phẩm về con người, phong cảnh, sinh hoạt... mang tính tượng trưng "rất Huế" của Thái Bá. Trong Hội họa hiện đại, có quá nhiều trường phái sáng tạo mới, bứt phá hoàn toàn ra khỏi truyền thống hội họa cổ điển về mặt kỹ thuật, khuynh hướng cũng như nội dung phối cảnh. Nhìn những bức vẽ nét đơn, thuần hai màu đen trắng, nhưng đã nắm bắt được cái "hồn phách" của đối tượng, tôi có cảm tưởng như Thái Bá theo một khuynh hướng hay có chủ định khai phá một trường phái hội họa riêng cho anh. Nét vẽ nắm bắt nhanh dáng vẻ tiêu biểu của đối tượng và phối cảnh đơn giản mà đầy cảm xúc của Thái Bá có vẻ như là một sự phối hợp linh động kỹ thuật sáng tác của biếm họa (caricature), phác họa (sketching drawing) của phương Tây và thủy mặc của phương Đông.
(Đình làng Liễu Hạ qua nét tốc họa của Thái Bá) Vào đầu năm 1985, nhà thơ Kiêm Thêm có gởi cho tôi hai bức họa: (1) Đình làng Liễu Hạ và (2) Nhà thờ họ Trần của Thái Bá vẽ theo nét họa tượng trưng như đã trình bày ở trên. Tuy chỉ là những nét vẽ đen trắng đơn thuần nhưng hình ảnh đình làng và nhà thờ họ hiện lên như có thêm hồn phách và nhang khói hòa quyện trong khung cảnh. Khi hỏi vào chi tiết của hai bức vẽ, Kiêm Thêm giải thích: - Tôi có nhờ Bé Ký, Hồ Thành Đức, Nguyên Khai vẽ hai hình ảnh này, nhưng mấy bạn họa sĩ đó bảo là đợi thêm một thời gian nữa đã. Khi đưa đến nhờ Thái Bá thì anh ta chỉ phóng bút vẽ cả hai bức hình trong vòng 10 phút. Kiêm Thêm gọi nét vẽ của Thái Bá là "nét vẽ hoa văn". Quả thật nét vẽ của Thái Bá cũng gần gần với nét hoa văn nhưng anh không dừng lại ở chỗ trang trí lập lại theo dấu hoa văn mà mang nét "hoa văn" đó đi xa hơn vào sáng tạo nghệ thuật và hòa nhập đầy xông xáo vào những hình ảnh của thực tế sinh động đời thường.
Cuối năm 2002 khi tái bản cuốn sách Chuyện khảo về Huế tại Mỹ, tôi muốn có một hình bìa thật ưng ý nhưng không lập lại hình bìa cũ cho lần tái bản tập sách "Huế rặt" này. Lần in đầu, hình bìa của họa sĩ Đinh Cường được độc giả yêu thích. Lần này, được Bửu Chỉ và Thái Bá cho hình bìa. Bửu Chỉ gởi cho tôi bức tranh Ngựa đá qua email với lời nhắn: "Bản chính tranh Ngựa đá mình bán rồi. Gởi ông hình bức tranh để làm bìa cho Chuyện khảo về Huế hay cho tác phẩm nào mà ông ưa ý nhất... " Thái Bá thì gởi cho hình của bức tranh sơn dầu Trên sông Hương với hình những dãy đò hai bên bờ sông Huơng và cầu Trường Tiền ẩn hiện xa xa trong sương khói. Tôi chỉ biết tác phẩm của họa sĩ Thái Bá qua tranh lụa và tranh ký họa. Đây là lần đầu tiên tôi xem được hình ảnh một bức tranh sơn dầu của anh với nét vẽ chân phương, "gam" màu ấm dịu, bố cục thanh thoát. Thế nhưng cuối cùng, tôi lại chọn cây cọ nổi loạn "xã tắc hai phen chồn ngựa đá" của Bửu Chỉ khi nghe tin anh mới đột ngột qua đời ở Huế. Thế là tranh họa Ngựa đá của Bửu Chỉ và thư họa (chữ kẻ tên sách "Chuyện khảo về Huế") của Thái Bá đã xuất hiện làm bìa cho cuốn sách. Tập sách khiêm tốn còn đây mà những kẻ tài hoa của Huế đã kẻ trước người sau, lần lượt rủ nhau tìm "Một cõi đi về"!
Cuộc đời của Thái Bá có nét kiêu sa thầm lặng và vẻ bi tráng đoạn trường... rất Huế. Nó phảng phất một nỗi nuối tiếc mơ hồ: "Tài hoa một mảnh khổ muôn đời" (nhất phiến tài tình thiên cổ lụy) như khi Phạm Quý Thích nói về Nguyễn Du và Kiều! Thái Bá từ Pháp sang định cư tại Mỹ. Hoàng Thi Thao, Kiêm Thêm, Võ Văn Tùng, Bùi Minh Đức... đều không hẹn mà gặp trong cùng một nhận định giống nhau rằng, Thái Bá là một nghệ sĩ có chân tài, hiền từ và thầm lặng. Đó là một nghệ sĩ thầm lặng nhất, lại chọn một chốn ở ồn ào nhất như Quận Cam; nhưng rồi cuối cùng vẫn giữ được một nếp sống riêng tư và âm thầm trong góc khuất của những mảng rời nghệ thuật. Thái Bá đa năng trong nghệ thuật đã đành; ngoài ra, anh còn là người đa hiệu trong các công tác sinh hoạt cộng đồng người Việt như các lễ nghi truyền thống, hội hè, kỷ niệm. Anh có mặt tiếp tay trang hoàng từ cổng chào cho đến khán đài mà không hề so đo tính toán thiệt hơn trong công việc.
Nhà Thái Bá ở Quận Cam được mệnh danh là một "Vô Môn Cốc" vì bạn bè thân sơ ai vào chơi, dùng bữa (tự nấu lấy miễn phí), ở lại qua đêm (ngủ xô-pha thoải mái), dùng mọi tiện nghi (nếu có)... đều được cung đón, chàng họa sĩ chủ nhân không bao giờ phiền hà thắc mắc. Nhà ở của Thái Bá còn được bạn bè yêu Huế thân thương gọi là một: "Tiểu Đông Ba". Mỗi chuyến về thăm quê hương, Thái Bá chọn mua những vật chi li truyền thống lâu đời của Huế mà phần lớn có bày bán ở chợ Đông Ba. Có thể ít ai để ý nhưng lại có một tác động cảm quan và tâm lý đầy sức mạnh vô hình khi nhìn ngắm bằng đôi mắt của tâm hồn trên đất Mỹ. Trong nhà anh, bạn bè nhớ Huế có thể nhìn thấy cả những con nộm (hình nhân dùng để cúng tế, thay thế cho mạng người sống) màu sắc sặc sỡ; những chồng bánh in ngũ sắc, những ngó sen (kể từ sen ngó đào tơ – Nguyễn Du) khô màu ngà hồ Tịnh, những mớ vỏ hến bên Cồn, những nhánh thông Ngự Bình hóa đá, những rêu xanh trên miếng gạch vỡ Nội Thành... Thái Bá là thế đấy (rứa đó!) Anh yêu quê hương Việt , yêu đồng hương Việt
, yêu Huế bằng một nguồn tình cảm trong sáng, trẻ thơ nồng nàn mà thầm lặng.
Nhiều người băn khoăn, nhất là giới trẻ lớn lên tại phương Tây sẽ lắc đầu quầy quậy không biểu đồng tình khi nghe đến "tài mệnh tương đố". Tài cao thì mệnh lớn chứ làm sao mà xung đột nhau được. Như trường hợp Thái Bá chẳng hạn. Phải chăng đây là một nghịch lý của đời sống?! Một họa sĩ tài hoa, du học Pháp từ năm 1960, định cư ở Mỹ từ năm 1972 và suốt một đời đã sống và làm việc nghệ thuật đam mê, làm việc xã hội cần cù cho đến gần cuối cuộc đời mà khi ra đi với hai bàn tay trắng "không một đồng bạc dính túi" quả là khó hiểu theo lối nghĩ quy ước đời thường; nhưng lại là một nụ cười siêu thoát cho những tấm lòng nghệ sĩ.
Tôi về
Santa Ana
trong ngày "mở cửa mả" (ba ngày sau khi an táng) của họa sĩ Thái Bá. Chẳng có gì mở khép khi tất cả hình tướng chỉ còn là nắm tro nguội lắc trong chiếc bình sành nhỏ như bầu rượu. Ra đi – hay trở về – cũng chỉ cần một hạt bụi hay một vũ trụ hư không đầy an lạc. Hạnh phúc là quên mà cũng là nhớ. Nhớ hay quên là một. Một là rỗng lặng và muôn trùng giữa hai bờ đối đãi.
Santa Ana
Thu Cali 10/2008 T.K.Đ
(nguồn: TCSH số 239 - 01 - 2009)
|