Mỹ thuật Huế
Về lại "Căn nhà của những gã lang thang"
14:07 | 30/12/2013

VIỄN PHƯƠNG

Đối với Kandinxky thì hội họa là sản phẩm của một sự căng thẳng trong nội tâm, phải ghi lại trạng thái tâm hồn chứ không phải là thể hiện vật thể.

Về lại "Căn nhà của những gã lang thang"
Tác phẩm "Người ngồi tịch lặng" của Đinh Cường

Điều này hẳn nhiên đúng đối với hội họa hiện đại, bởi trong suốt thế kỷ XX, người họa sĩ đã không khước từ một phương thức bất kỳ nào để đi vào khám phá thế giới bên trong của con người.

Khởi đi từ thế kỉ XX, hội họa của Đinh Cường không rực rỡ, không lạc điệu. Một chất màu ủ và quánh, mà vẫn nhẹ nhàng, và reo ca như vàng kim. Một thứ dạ kim với bao nhiêu hào quang quay trở vào bên trong. Điều này thoạt tiên bắt chán, cuối cùng ta lại đem lòng yêu mến cái e ấp tri quyết ấy, nó có vẻ như không táo gan nhưng không phải vì thế mà không khổ công chinh phục (Đỗ Long Vân).

Bước vào không gian triển lãm tranh của Đinh Cường và Phan Ngọc Minh (được Tạp chí Sông Hương tổ chức, nằm trong chương trình Phát triển không gian văn hóa; triển lãm khai mạc vào lúc 15h, ngày 22/11/2013 tại Gác Trịnh, số 203/19, đường Nguyễn Trường Tộ, Tp Huế), quả thật người xem có cảm giác Đinh Cường đang cho mình quay trở vào bên trong bằng sự phối họa sắc màu của ông. Ý thức đi tìm cái không hiện diện ở bên ngoài của người họa sĩ cùng vẻ trầm mặc của sắc màu xô ta đi về phía hồng hoang của rừng, của trăng, của đất đá và của rêu xanh.

Về lại Căn nhà của những gã lang thang (tên gọi của Hoàng Phủ Ngọc Tường) cũng là trở về với nơi mà Đinh Cường đã từng sống, từng mơ mộng và tất nhiên, cũng chính là nơi khởi đi cho những đam mê của ông. Và đó cũng là cuộc trở về với nơi mà thơ, nhạc, họa đã hòa quyện vào nhau, sản sinh ra những tên tuổi như Trịnh Công Sơn, Đinh Cường, Ngô Kha, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Bửu Chỉ…

Có 16 tác phẩm của Đinh Cường và 9 tác phẩm của Phan Ngọc Minh được trưng bày tại cuộc triển lãm lần này. Chủ yếu các tác phẩm được vẽ bằng sơn dầu và Acrylic. Trong 16 tác phẩm của Đinh Cường, có nhiều tác phẩm vẽ chân dung những người bạn đã cùng ông đi qua tháng năm trầm buồn của đời người, của thân phận, của quá trình sinh ra và đi vào hiện hữu cùng thế giới như những kẻ liên can và chủ động nhập cuộc với thế giới đầy đau thương và biến động. Đó là chân dung họa sỹ Trịnh Công Sơn, dịch giả Bửu Ý, thiếu nữ Dao Ánh...

Vẻ sâu hút trong tranh Đinh Cường tại cuộc triển lãm này phần nhiều được toát ra từ cái đẹp của người con gái Huế. Họ có thể là những thiếu nữ đã đi vào thơ ca, trở thành những huyền thoại, nhưng cũng có thể là những thiếu nữ vô danh mang nét đẹp của sự tịch lặng, thanh tao, đượm buồn và liêu trai, bình thản, thậm chí có khi lạnh lùng, bất chợt đến rồi bất chợt đi. Thiếu nữ trong tranh đưa ta vào cõi xa xăm huyễn hoặc của sương khói, của khởi thủy hồng hoang rồi biến thành một cái gì đó khó nắm bắt nhưng lại không thể nào biến mất trong trí nhớ. Đó có lẽ chính là những huyền thoại không rõ hình thù về dòng Hương lặng lờ trôi như mái tóc dài, về những nhịp cầu Tràng Tiền ẩn trong sương khói. Đó là những gì mê hoặc nhất trong tranh của Đinh Cường, người lấy nội tại, lấy thế giới bên trong làm căn nền của sự sáng tạo. Với gam màu sâu thẳm, những kĩ thuật làm cho đường nét mờ nhòe, trộn lẫn vào nhau, hình thể tồn tại ở trong tranh nhưng chúng dường như cũng bị xô dạt ra ngoài khung tranh, kéo không gian mở ra, kéo thời gian lùi lại, kéo trí tưởng tượng của người xem đi xa nhất đến mức có thể, thậm chí đi đến nơi ẩn mật của những giấc mơ không hình dạng.

Trong không gian triển lãm, các tác phẩm của Phan Ngọc Minh cũng hướng đến làm xô lệch các vật thể. Trong tranh của ông, chúng ta thấy họa sĩ đặt các biểu tượng và các họa tiết đôi khi được vẽ dang dở bên cạnh nhau nhằm đưa ra một ý niệm nào đó trong quá trình chúng va đập với nhau; ý niệm đó phụ thuộc vào cách nhìn và cách lý giải của người xem. Cái đẹp nhất quán trong tranh của Phan Ngọc Minh là qua những hình họa thể hiện các biểu tượng văn hóa, những hình ảnh đại diện cho một thời kỳ văn minh nào đấy người ta thấy ông là người một lòng quay về níu giữ cái đẹp vang bóng một thời, những gam màu của di sản, của sức mạnh văn hóa ẩn tàng trong từng vỉa tầng thời gian.

Hướng vào bên trong, không mô tả vật thể mà làm xô lệch chúng để nỗ lực biểu đạt cái không khí nguyên thủy, cái sắc màu của hoang vu là những đặc điểm chung để cho Đinh Cường và Phan Ngọc Minh tổ chức triển lãm chung lần này.

Tất nhiên trong khi Phan Ngọc Minh muốn làm sống lại di sản, muốn thể hiện lên trên mặt phẳng những tiếng nói ngầm ẩn của thời gian thì tranh Đinh Cường lại được triển khai trên nền tảng của sự mơ mộng mang nữ tính nhiều hơn. Không vẽ sự vật trong tính chính xác tuyệt đối của chúng mà Đinh Cường hướng đến sự mờ nhòe của đường nét trong tranh tạo nên những không gian ảo mộng, vừa thực, vừa hư. Vừa là hiện tại đâu đây nhưng cũng chính là quá khứ xa xăm, thứ quá khứ được làm nên bởi những siêu mẫu (Archetype) như trăng, rừng, suối, khói sương, thiếu nữ... Đó chính là những hình tượng nguyên thủy, nguyên sơ len lỏi vào trong tâm thức sáng tạo của Đinh Cường. Sự ảo mộng của trăng khuyết, sự bí hiểm của rừng, sự mềm mại, liêu trai của thiếu nữ là những yếu tố khiến tranh Đinh Cường thoát ra khỏi sự trần trụi và chật hẹp của cuộc sống.

Phong cách của Đinh Cường tưởng như ít biến động qua thời gian nhưng thực chất trong chúng có mốt sự chuyển động ngầm ẩn, khó nhìn thấy. Cũng có thể là những gam màu xanh lạnh ấy, cũng có thể là màu nâu ấm đó, màu trắng tinh khiết đó nhưng càng về sau tranh càng trở nên tịch lặng hơn, hướng đến cái không của hình thể, cái phi vật thể, cái tâm bình an thanh thoát đích thực.

Là những người cùng thời, nhưng nếu như Bửu Chỉ truy vấn nhiều về thời gian, về sự tồn tại, về giới hạn và những nỗ lực vượt qua giới hạn nhưng lại rơi vào hố thẳm phi lý, người dùng hội họa để nói lên tiếng nói của thời đại, để phản ánh thời đại, thậm chí là cất lên tiếng nói cuồng nộ của một kẻ nổi loạn bất phục tùng thì Đinh Cường không lựa chọn lối đi đó. Mà ngược lại, ông đi tìm một thế giới khác, đi tìm những cái đẹp trong sự mơ mộng vừa thực vừa hư cho hội họa của mình và cũng là nơi để ông trốn chạy những nỗi đau có thật của thân phận trước thời đại mà mình lưu trú.

V.P
(SH298/12-13)







 

Các bài mới
Các bài đã đăng