Mỹ thuật Huế
Dấu chân ngựa về trong giấc mơ thần thoại
15:35 | 01/04/2014

LÊ HUỲNH LÂM

Trong lịch sử phát triển của loài người, có sự đóng góp không nhỏ của loài ngựa. Ngựa là con vật chuyên chở mọi thứ của con người trên con đường tìm kiếm giấc mơ thần thoại của mình.

Dấu chân ngựa về trong giấc mơ thần thoại
Đặng Mậu Triết bên tác phẩm của mình

Thần thoại Hy Lạp có nói đến con ngựa bạch Pegasus có đôi cánh lớn như chim đại bàng, sau khi hoàn thành sứ mệnh đánh quái vật Chimera, thì thần Zeus đã biến Pegasus thành một chòm sao rực sáng trên bầu trời đêm.
 

Trong các cuộc chinh chiến của thời xa xưa, ngựa đã đồng hành cùng các chiến binh làm nên những chiến công lừng lẫy, như con Xích Thố của Quan Công, hay chiến mã mà Quang Trung đã phi nước đại dẹp tan ba vạn quân Thanh,.... trong huyền sử Việt Nam thì có Thiết Mã của Thánh Gióng đánh đuổi giặc Ân. Ngoài ra, ngựa là con vật phục vụ cho con người giải trí trong môn thể thao đua ngựa, trong các màn xiếc. Trong tôn giáo, xuất hiện những con ngựa đi vào trong lịch sử tín ngưỡng, đó là con ngựa Kanthaka đã đưa thái tử Tất Đạt Đa ra khỏi Hoàng cung để đi tìm chân lý, khi đến bìa của cánh rừng, thái tử đã từ bỏ luôn cả phương tiện di chuyển của mình, ông xuống ngựa và bảo người cận vệ hãy cùng ngựa đi về kinh thành. Trong hành trình thỉnh kinh của Huyền Trang, luôn có Bạch long mã đồng hành. Ngựa còn xuất hiện trong các thần thoại như: Ngựa bạch Uchchaihshravas trong thần thoại Ấn Độ của đạo Hindu, là một con ngựa có 7 đầu. Với đạo Hồi thì cho rằng, con ngựa Al-Buraq thường đưa các nhà tiên tri đi, chữ “buraq” trong tên của con ngựa đó có nghĩa là “tia chớp”. Còn trong sách Khải huyền của Kitô giáo có nhắc đến bốn con ngựa, chúng là biểu tượng của sự chinh phục, chiến tranh, nạn đói và cái chết... Với các nước Nhật Bản, Triều Tiên, Trung Quốc theo tương truyền có con “Thiên lý mã” mỗi ngày phi được 400km. Ở Cố đô Huế chúng ta có thể thấy hình ảnh những con ngựa đỏ ngựa bạch trong các am thờ, đình, miếu. Điều đặc biệt, ngày xưa ngựa còn chứng giám những cuộc chia ly của con người, được nhắc đến trong truyện Kiều: Người lên ngựa, kẻ chia bào/ Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan sang.

Vậy, có thể nói ngựa là loài vật rất gần gũi gắn bó với con người. Đối với nghệ thuật, ngựa đã xuất hiện trong rất nhiều tác phẩm văn chương, thi ca, hội họa và cả trong âm nhạc, điện ảnh đều không thể thiếu bóng dáng của ngựa. Trong nhạc của Trịnh Công Sơn, có đến hàng chục bài xuất hiện hình ảnh ngựa.

Cuộc triễn làm có tên “Dấu chân ngựa về” tại Gác Trịnh của họa sĩ Đặng Mậu Triết cũng bắt nguồn từ cảm hứng âm nhạc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Đôi bàn tay tài hoa của anh đã biến những nốt nhạc thành những bức tranh tràn ngập chất thơ. Mỗi tác phẩm của họa sĩ như một hoài niệm về những khoảng xanh trên những thảo nguyên mênh mông, ẩn dưới những thảm cỏ đó như hằn lên những vết lõm thời gian của vó ngựa trong mịt mù ký ức xưa. Với serial bốn bức mang tên “Dấu chân ngựa về” diễn tả bốn mùa xuân, hạ, thu, đông ở thể loại trừu tường, đã gợi tưởng người xem trở về với quá khứ lãng mạn bi hùng nhưng đầy khổ nạn của loài người.

Khi bị kịch của nhân loại đang dâng lên như những tiết nhịp nghịch đảo, đã khiến người nghe phải đặt bàn tay lên ngực trái, trong hoảng loạn của tâm thức thế giới được diễn sinh trên bề mặt của hố thẳm thông tin. Thật bất ngờ và như một cái phanh để giảm tốc, một loạt những họa phẩm của Triết mang sắc thái của thời kỳ lãng mạn. Mỗi bức tranh như một bài thơ thuộc hệ phái ấn tượng mà các danh họa thế giới như Claude Monet, Pierre-Auguste Renoir, Vincent Van Gogh hay Isaac Levitan,... đã gây chấn động ở thế kỷ XIX. Điều đáng nói ở đây, khi xã hội Việt đang mất phương hướng trong nghệ thuật và luôn chậm so với thế giới hơn cả thế kỷ, thì sau những tìm tòi của mình ở nhiều cách diễn đạt, Đặng Mậu Triết lại sử dụng chính phong cách cổ điển, nhưng những gì thể hiện ẩn dưới bề mặt lớp màu ngoài cùng của mỗi tác phẩm của anh lại khiến người xem phải dừng lại thật lâu, để soi lấy bản thể tâm thức chính mình. Đó là, cái đẹp của dải phổ thuộc bản hòa sắc mà trong hội họa rất ít người thành công. Sự tương tác của các lớp màu, cùng với thị giác người xem đã khiến hệ thần kinh xúc cảm phải dâng lên chiếm hữu hoàn toàn bộ óc duy lý luôn tra hỏi tại sao. Ở đây, để minh chứng cho điều đó, trong chúng ta đã không ít lần phải kinh ngạc trước bàn tay của tạo hóa, khi bất chợt được rơi vào trong bức tranh mà thiên nhiên đã ban tặng. Trong những tác phẩm của Triết, anh đã sử dụng màu hydrangea blue để tạo ra sự bí ẩn trong không gian ký ức, ở cảnh giới đó gợi đến một chuyến trở về của “những đứa con hoang” mà trong phúc âm của thánh Luca thường nhắc đến. Bên cạnh giai điệu của blue ám ảnh là những khoảng sáng của ánh hào quang đã dẫn đưa người xem trở lại thực tại vốn tịnh tịch của bản tâm trống rỗng. Lemon yellow đã xuất hiện trong bức “Mùa thu vàng” của danh họa Levitan. Sự rực rỡ nhưng vẫn phảng phất những cơn sầu muộn phía đằng sau thứ ánh sáng mong manh đó. Có thể nói, sắc vàng của Đặng Mậu Triết như một vệt nắng ban mai hay thoáng gợi một ánh trăng trong bản sonata như một màu hoa buồn và quý phái. Trong bức “Ngựa hí trên đồi hoang vu” để lại âm vang của mặt trời đỏ ửng đằng sau tiếng hí lộng của ngựa trắng, bên cạnh một thiếu phụ khỏa thân hòa vào trong gió cát. Tác phẩm “Nghe chân ngựa về” là cả một khoảng trời xúc cảm của tác giả đã truyền vào từng nét cọ, những vệt chiều đổ nghiêng bóng sau những cây thông già gợi lên âm ba của vó ngựa độc hành gõ lên mặt đường, như những tiếng tíc tắc của chiếc đồng hồ vũ trụ xoáy vào phận người. Ngoài những bức vẽ ngựa đầy cảm xúc và thơ mộng, họa phẩm “Long Mã” như một biểu trưng đặc sắc của Cố đô Huế, với chất màu pháp lam rực rỡ cuốn hút nhãn quan của người thưởng ngoạn. Trong 31 tác phẩm triển lãm ở Gác Trịnh, bên cạnh chủ đề “dấu chân ngựa về” để tưởng niệm 13 năm ngày mất của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, còn có một số tác phẩm ấn tượng, trừu tượng và tĩnh vật... Có thể nói, họa sĩ Đặng Mậu Triết đã bày biện một thực đơn nghệ thuật phong phú và mãn nhãn. Anh là người đã tạo ra một style vẽ phong cảnh rất thơ mộng, đôi khi người xem còn bắt gặp nơi những đường cong mềm mại của sườn đồi, một giai điệu hoang sơ như những âm ba xưa cổ còn lưu lại của sắc dân da đỏ xa tận phía Tây châu Mỹ. Trên bề mặt những tác phẩm của Triết, những vệt loang sương khói có chủ ý, những sợi gân như vô vàn đường máu li ti, ẩn hiện trên làn da trắng mọng của người con gái ở miệt núi đồi, đã tạo ra bức màn mơ hồ đưa người chiêm ngắm bước vào thế giới của mộng. Vâng, khởi sinh của một đời người từ giấc mộng, một giấc mộng dài huyền ẩn ánh mắt thần thoại và khai sáng, tôi mường tượng ra câu nói của gã triết nhân nào đó đã quên mất danh tính. Nghệ thuật là những gì ngoài nghệ thuật.

Những ngày tháng 3 không vui buồn
L.H.L
(SH302/04-14)






 

 

 

Các bài mới
Các bài đã đăng