Mỹ thuật Huế
Không gian- thời gian và phận người
15:56 | 11/03/2009
ĐẶNG MẬU TỰUGiới họa sĩ xem Bửu Chỉ là một người đặc biệt không chỉ vì tính khí hoặc bởi từ một người học và tốt nghiệp ngành luật nhưng lại tự học vẽ,  có tác phẩm từ lúc học Luật rồi trở thành họa sĩ thực thụ, chết sống với nghề, mà vì tác phẩm của anh có một sắc thái riêng, anh đã tạo cho mình một cõi riêng trong nền nghệ thuật đương đại.
Không gian- thời gian và phận người

Bửu Chỉ sinh năm 1948 tại Huế, học luật, tham gia phong trào Học sinh Sinh viên đô thị miền Nam, bị chính quyền Ngụy bắt và phải tù vì tội danh nổi loạn, tranh vẽ trong tù được bí mật chuyển đến triển lãm tại Mỹ và là vũ khí cổ động tinh thần cho phong trào đấu tranh chống Mỹ ở miền Nam cho đến ngày thắng lợi. Sau ngày thống nhất, anh công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, nguyên là ủy viên Ban chấp hành Hội Mỹ thuật Việt Nam khóa 2 (1983-1988). Thư ký Phân hội Mỹ thuật BTT, Phó chủ tịch Hội Văn học Nghệ thuật BTT và từ năm 1992, anh chuyên tâm sống trọn với nghề - anh đã tổ chức nhiều cuộc triển lãm trong nước và nước ngoài, như Pháp, Mỹ, Singapore ... Tác phẩm của anh được các nhà sưu tập trong và ngoài nước quan tâm để sở hữu và có tranh trong các bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, Singapore ...

Mọi người nhìn thấy, cảm thụ và lý giải tác phẩm của Bửu Chỉ ở nhiều góc độ, ở nhiều thời điểm, tùy thuộc vào trạng thái sinh lý có cái nhìn và cảm xúc khác nhau, nhưng có lẽ ai cũng nhận ra gần như xuyên suốt tác phẩm của Bửu Chỉ có một cái chung đó là không gian, thời gian và thân phận con người.

Cũng như bao người cùng thời, tuổi trẻ của anh đã gắn với số phận đất nước, anh đã dự phần để cùng những người yêu nước đấu tranh chống lại bạo quyền. Trong chiến tranh tù ngục anh vẽ về khát vọng tự do, những tiểu họa bút sắt hay một số tác phẩm thời kỳ đó đã góp phần cổ vũ nhân dân chống lại đế quốc. Ở đó người ta thấy với những nét vẽ tạo khối mạnh mẽ trên những thân hình cuồn cuộn, không trau chuốt hình hài, họ đã kết lại thành mảng lớn hướng về phía trước phía mặt trời khát vọng chân lý. Con người ở đây dù riêng lẻ hay là đám đông, những cơ bắp rắn chắc, mạnh mẽ của tuổi trẻ thời đại hay những người dân bị áp bức tù đày ốm o còm cõi thì cái muốn nói vẫn là khát vọng, kêu gào cơm áo hòa bình.

Không gian ở đây đã phân lập thành hai phần rõ rệt, cái chật chội và cái thoáng rộng. Sự dàn trải của đám đông nhân loại mang tính tượng trưng cho sự kết nối truyền sức mạnh, nó nằm trong một khoảng hẹp để vươn lên bầu trời cao rộng hoặc bên ngoài ngục tù là một khoảng rộng tự do ở đó từng đàn chim bồ câu tung bay. Giữa không gian và thời gian không tách bạch, đó là một mặt trời chói lòa, bầu trời cao đất rộng và những vật thể đã tạo nên chiều sâu của không gian, ở đây nó đầy ắp ước muốn nếu không nói vồ vập muốn ôm trọn không gian.

Khi đất nước hòa bình (1975),  anh đi chuyên về sơn dầu, đề cập về cái lý của cuộc đời, về cõi phúc với những khát vọng bình yên. Trong mỗi phận người cái chỗ họ đang tồn tại vào không gian và thời đại. Người họa sĩ tìm mọi cách để nắm bắt thời gian, họ sống hòa nhập vào thời khắc hiện tại,  hoặc hồi tưởng cái đã qua, thời gian là cái trừu tượng, bình thường người nghệ sĩ chỉ nắm bắt cái xuất hiện nhất thời hữu hạn, còn trong tranh Bửu Chỉ ta lại thấy thời gian lại chính con người, con người không thể đứng ngoài thời gian mà là một cá thể trong cái thời gian đó, oái oăm thay cũng chính con người lại bị xoáy vào vòng quay của nó, ta thường thấy xuất hiện trong tranh anh chiếc đồng hồ có những chữ số, một sự nghiêm chỉnh đến độ lạnh lùng khắc nghiệt, những cây kim, như trong đó con người là cây kim, là định mệnh, con người chao động quay vòng, hoặc khi níu lấy con lắc và chiếc đồng hồ cũng chao theo chiều quay và cứ mãi lững lờ, số phận bị treo cho đến bao giờ?

Cuộc sống được tính theo độ dài thời gian, Bửu Chỉ đã thấy, đã ý thức thời gian ngắn ngủi hạn kỳ, phi lý và lên tiếng cảnh báo cho chính mình và cho loài người. Biểu tượng thời gian trong tranh của anh không chỉ có những chiếc đồng hồ mà còn nhiều thứ trên những bình diện đã được an bài ở mỗi tác phẩm của anh, hầu như tác phẩm nào cũng có nó, hiện lên trong từng đồ vật tồn tại ngay cả những vật tầm thường nhất, thời gian của cổ tích, những mảnh vỡ dấu vết của thời gian, vết nứt nhức nhối trên mình ngựa đá có hoa ngũ sắc mọc và đã ra hoa, trên chiếc bình vôi, những vệt màu sần sùi gợn lên như thời địa tầng trầm tích, ngay cả cánh buồm trên mặt biển lặng yên lúc rạng đông. Tất cả điều đó là tạo nên cái thời gian ở tranh Bửu Chỉ. Nó vừa bình yên vừa ray rứt, nó cũng dữ dội  như trong bi kịch trong đời tìm kiếm và giữ lấy thời gian của đời anh.

Ở một góc nhìn khác, thời gian cũng chính là không gian, không gian đa chiều, cái trật tự vô lý ở thời gian cũng là hữu lý ở không gian, mặt trời, các hành tinh và trăng lưỡi liềm trở thành biểu tượng để biểu đạt không gian. Cân bằng trong tác phẩm của anh hay, nói đúng hơn, là cái làm yên lòng anh, bởi đó là sự sống, phông vải có màu cũng chỉ là cái cớ để cho anh đặt vào đó cái không gian vô cùng, không có ngày và đêm, sáng và tối, nó rộng mênh mông đến vô tận, sự đối trọng và phân định giữa đêm và ngày ở tác phẩm của anh chỉ là cái tạm thời, còn cái tồn tại của cả khối hình toàn thể trong cái khuôn tranh mới là cái thật, ở đó nhận rõ hơn cái không gian mà anh đang sống, nó cụ thể nhưng cũng bất thường, vì bên trong cái mênh mông, cái không biết vẫn là nỗi ám ảnh trong mỗi con người. Bửu Chỉ đã luôn tự vấn về số phận và cội nguồn con người, có khi hoài nghi về sự hiện hữu và cái thực tại của nó.

Bửu Chỉ đặt con người trong tranh của mình là nêu ra cái thân phận làm người, không phải Bửu Chỉ đề cập sự phù du của Hạnh phúc và khổ đau, của giàu sang hay nghèo khó, mà là phù du của kiếp người,. Mỗi tư thế nhân vật trong tranh của anh có một số phận, nó mang tính ẩn dụ để nói về tồn tại trong cái vô thường, anh đã khái quát phận người trong cõi nhân sinh trong tương quan vũ trụ, sự ẩn dụ về phận người ngay cả trong đồ vật, trong lặng thinh anh đã cho nó sự sống, nhân cách hóa nó làm cho nó lên tiếng, tất cả chủ đề trong tranh của anh không phải anh nói về sự kết thúc mà thường nói về cái thời điểm để tạo ra khởi điểm, như một trò chơi xếp đặt, cái này chồng lên cái kia, những thứ lớp trong không gian, nó không hẳn là hình tượng mà đó là tư tưởng để cái tôi trong con người anh đến với cái tôi trong tác phẩm. Nhìn tranh anh, ta không thể phân tích hoặc đòi hỏi ở đó phải có cái này đặt cạnh cái kia mới nói hết ý mình, phải nhìn vào cái tổng thể bao la mới thấy cái sâu sắc đến tận cùng của sự lý. Anh yêu cuộc sống và nghệ thuật, đặt tất cả cái hồn vào tác phẩm theo cách riêng, cái độc đáo là cái nghịch không ai dám làm, như người luyện công để trở thành người có nội lực thâm hậu thì phải luyện cái quá mức bình thường có khi là cái nghịch và kết quả : nó sẽ đạt hoặc tẩu hỏa nhập ma, nó tùy thuộc vào tư chất và tính không để đạt đạo.
Bửu Chỉ đã thành công, cái cá biệt của anh đã làm nên nhân cách nghệ sĩ của mình.

Cái phận người trong anh nó mong manh và thường buồn là nỗi hoài nghi, sự chông chênh của mỗi đồ vật, sự lay lắt của những ánh đèn, anh tạo ra cho đời sống của sinh vật ngắn ngủi, gãy vỡ, chia ly, đứng trước bờ vực hoặc chông chênh với sứ mệnh của người muốn lấp vá chỗ hổng của trời đất, anh dám vẽ cả cái chết, cái quá vãng, như mẩu tàn thuốc lá, ghi dấu cái thời khắc tàn lụi nó vẫn lóe lên một ánh lửa mờ, một bộ xương cá trơ trọi nhưng vẫn thấy ở cặp mắt vẫn còn mở to như lời kêu cứu về sự khốn cùng, anh đã cố vượt qua những nỗi đau bằng chính cái đẹp và chút niềm vui của hy vọng, nhờ nó mà người ta có thể vượt lên số phận. Sự cô đơn trong mỗi thân phận mà Bửu Chỉ đã đề cập, với anh và vẽ như là đối thoại với tác phẩm, anh đã dồn tất cả trên đó.

Bằng những thủ pháp nghệ thuật, sự điêu luyện của nghề, tác phẩm của anh bao giờ cũng cho người xem cái quyến rũ không phải của màu sắc, ý tưởng mà ta thấy ở đó là một thế giới của trò chơi, nó hào hứng đến độ chông chênh nhưng không bị mất thăng bằng.
Nhìn tranh của Bửu Chỉ ta thấy một sự rạch ròi phân định, những mảng màu và hình, bố cục là một ý thức như người chơi cờ đã đi nước nào là không rút lui, nên chi có thể ở con người anh là sự bạo liệt của ý chí, mạnh mẽ và quyết đoán, bất khuất nhưng đầy nhân nghĩa.

Người nghệ sĩ thường mẫn cảm và có những dự báo ngay trong tác phẩm của mình. Cái chông chênh, hữu hạn và sự gãy vỡ, mong manh ở trong nhiều tác phẩm của Bửu Chỉ phải chăng là dự cảm về sự ra đi của mình, và không ngờ anh lại ra đi quá sớm chỉ mới đến cái tuổi 54, trong lúc nguồn sáng tạo của anh dâng trào mạnh mẽ. Anh đi để lại niềm tiếc thương cho bằng hữu, những tri kỷ và người ngưỡng mộ anh, nhưng cái còn lại vĩnh viễn cho đời là tác phẩm của anh vì bao giờ cũng vậy, con người luôn khao khát níu lấy thời gian, ôm giữ lấy không gian và tự vấn về phận người. Tiền đề đó vẫn là điều mà mai sau vẫn còn tiếp tục, nỗi ám ảnh giữa con người, không gian, thời gian trong anh đậm đặc như thể nó đã là của riêng anh.

                        
Huế, ngày 17.12.2002
                                Đ.M.T
(167/01-03)

Các bài mới
Các bài đã đăng